Cảm nghĩ từ 50 năm: Tái bản Chiến Tranh Và Tuổi Trẻ Phương Tây
tác giả: Jean Lartéguy-Phạm Quốc Bảo dịch
… (Người Việt Tây Bắc)
Vào thời điểm “Chiến Tranh và Tuổi Trẻ Phương Tây” mới vừa phát hành, chúng tôi vẫn thường ghé trụ sở của nhà xuất bản Hồng Lĩnh từ năm 1969 (tại trường Lasan Hiền Vương 45 – Nguyễn Thông Sài Gòn), bên trong của “Hội quán Phấn Thông Vàng”. Nhà in chiếm ngụ dẫy nhà bên trong khu vực này, ở bên trái của cổng vào, sát tường rào có một cây bông gòn mọc chơ vơ…
Và thời gian ngắn sau đó nhóm xuất bản Hồng Lĩnh lại rời văn phòng về một nhà in bên cạnh các tiệm phở Pasteur Hiền Vương, nơi mà Phạm Quốc Bảo, Trần Tuấn Kiệt cho ra đời những cuốn sách với mong muốn trao gởi đến lớp độc giả những khát vọng của mình.
Trong lần ấn hành trước đây, cuốn sách “Les Jeunes Du Monde Devant La Guerre” của Jean Lartéguy này do Phạm Quốc Bảo chuyển ngữ dày 214 trang. Nội dung của tuyển tập là các dòng thư được chọn lựa và sắp xếp tuần tự theo quốc gia, từ nước Đức, nước Áo, Bảo Gia Lợi, Đan Mạch, Pháp, Anh Cát Lợi, Hy Lạp, Hòa Lan, Ý Đại Lợi, Thụy Điển, Phần Lan, Tiệp Khắc, Ba Lan, Nga …
Những đoạn thư của các người trẻ thuộc rải rác 14 quốc gia đấy vốn đã lạc loài sau thời Đệ Nhị Thế Chiến, nhưng không biết là nhờ cơ duyên nào mà chúng đã được qua tay Jean Lartéguy gom góp và cho ấn hành tại Pháp vào thập niên 1950. Thế rồi cũng theo giòng định mệnh làm sao mà Phạm Quốc Bảo đọc được và dịch sang Việt ngữ năm 1969, trao gởi đến cho người đọc của những thế hệ gốc Việt sau này.
Như vậy, theo chúng tôi, “Tuyển tập thư” này được tái bản lần này như để nhắc nhở chúng ta biết trân quý những tâm tình đã được ghi lại qua những dòng thư xưa cũ, những lá thư từ chiến trường viết cho những người còn sống ở hậu phương, từ những năm giữa thế kỷ 20, rồi được giới trẻ Việt mở ra đọc vào thời cao điểm của Cuộc Chiến Việt Nam, tại Miền Nam VN trước 1975…Và bây giờ, qua đến thập niên 20 của thế kỷ 21, thế kỷ của những email, tin nhắn, video clips, Youtubube, E-Book. Facebook… mà “Tuyển tập thư” này xem ra vẫn còn đủ sống động để truyền đạt cho được chút hơi ấm của tình người muôn thuở…
Phải chăng những lá thư của những người trẻ đối diện với chiến tranh vẫn cứ vượt không gian và thời gian, trong chuyến đi xa về miền miên viễn của xã hội loài người …
Phải chăng đây là một mảnh nhỏ nhiệm mầu còn hiện diện giữa trần gian này?* Người Việt Tây Bắc
(2-2020).