Trong bối cảnh đại dịch viêm phổi Vũ Hán đang hoành hành ở mọi quốc gia, giá lương thực vẫn tiếp tục tăng. Điều này có thể gây nguy hiểm cho an ninh lương thực của hàng chục triệu người trên toàn thế giới.
Theo Reuters, vào ngày 8/10, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) của Liên Hợp Quốc cho biết giá lương thực thế giới trong tháng 9 đã tăng tháng thứ tư liên tiếp, dẫn đầu với giá ngũ cốc và dầu thực vật tăng mạnh.
Chỉ số giá thực phẩm của FAO, theo dõi giá quốc tế của các mặt hàng thực phẩm được giao dịch hàng đầu (ngũ cốc, hạt có dầu, sản phẩm từ sữa, thịt và đường), đạt mức trung bình 97,9 trong tháng 9 so với mức 95,9 đã được điều chỉnh giảm vào tháng 8.
Chỉ số giá ngũ cốc của FAO đã tăng 5,1% trong tháng 9 và cao hơn 13,6% so với giá trị một năm trước đó.
FAO cho biết: “Giá lúa mì cao hơn do hoạt động thương mại đang được đẩy nhanh trong bối cảnh lo ngại về triển vọng sản xuất ở Nam bán cầu cũng như tình trạng khô hạn ảnh hưởng đến việc gieo hạt lúa mì mùa đông ở khắp châu Âu”.
Giá dầu thực vật tháng 9 tăng 6% so với tháng 8, do giá dầu cọ, dầu hướng dương và dầu đậu nành đều tăng, chạm mức cao nhất trong 8 tháng.
Giá sữa hầu như không tăng trong tháng 9, trong đó bơ, pho mát và sữa bột tách béo chứng kiến sự tăng giá vừa phải, trái ngược với xu hướng sụt giảm của sữa bột nguyên kem.
Giá đường tháng 9 giảm 2,6%, chủ yếu là do tình trạng dư thừa toàn cầu dự kiến sẽ kéo dài đến hết niên vụ 2021.
Giá thịt tháng 9 giảm 9% so với tháng 8, nhưng vẫn tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân giá thịt giảm được cho là vì Trung Quốc đã cấm nhập khẩu thịt lợn từ Đức sau một số trường hợp nhiễm dịch tả lợn châu Phi được phát hiện gần đây.
Vào tháng 9, Ngân hàng Thế giới cũng đã đưa ra thông báo về việc giá lương thực tăng do đại dịch virus đang có tác động đáng kể đến các hộ gia đình dễ bị tổn thương, nhiều hộ gia đình đang lâm vào cảnh đói nghèo.
“Khi cuộc khủng hoảng coronavirus bùng phát, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng thực phẩm trong nước, các cú sốc khác ảnh hưởng đến sản xuất lương thực, mất thu nhập và kiều hối đang tạo ra căng thẳng mạnh mẽ và rủi ro an ninh lương thực ở nhiều nước”, Ngân hàng Thế giới cho biết.
Vào tháng 8, Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (WFP) là David Beasley đã cảnh báo rằng cần có 5 tỷ USD quỹ khẩn cấp trong vòng 6 tháng để ngăn chặn nạn đói toàn cầu.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Antonio Guterres, mới đây cho biết thế giới đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong 5 thập kỷ. Sự suy thoái liên quan đến virus đang đẩy bất bình đẳng giàu nghèo lên mức cực đoan và đẩy hàng triệu người vào cảnh nghèo cùng cực.
Dưới đây là những khu vực có nguy cơ bùng phát khủng hoảng lương thực cao nhất:
Trong suốt lịch sử, sự biến động giá thực phẩm và gián đoạn nguồn cung thường dẫn đến bất ổn xã hội. Nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn trong thời gian tới, toàn thế giới sẽ phải chứng kiến một đợt suy thoái mạnh mẽ và những bất ổn xã hội không mong muốn.
Thanh Hương – NTDVN