Các vấn đề tiêu hóa bị chẩn đoán nhầm có thể được điều trị – nhưng không phải bằng các loại thuốc kê đơn thông thường. Chúng ta thường biết rằng chứng khó tiêu hoặc ợ chua là một dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa. Phương pháp điều trị điển hình là dùng thuốc kháng acid. Nếu một người bị ợ chua, ngay từ đầu, họ sẽ tránh các thực phẩm nghi ngờ làm tăng acid hoặc áp dụng các liệu pháp tự nhiên để cải thiện chức năng tiêu hóa.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) còn có tên khác là hội chứng ợ nóng mãn tính. GERD cũng có thể là một nguyên nhân thầm lặng gây ra các vấn đề về hô hấp khi các tiểu phế quản bị kích thích. Nguyên nhân được cho là do acid trong dạ dày sinh ra quá mức và trào lên thực quản.
GERD do có quá nhiều acid dạ dày
Hiện nay, một số ít bệnh nhân GERD do có quá nhiều acid dạ dày được điều trị bằng các loại thuốc ức chế bơm proton. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân bị trào ngược không tiết ra nhiều acid dịch vị, mà là không đủ. Hãy xem lại sinh lý học của quá trình tiêu hóa:
Nếm và nhai thức ăn cho phép lưỡi phát tín hiệu đến não bộ chuẩn bị cho dạ dày tiêu hóa. Ruột và não cùng quyết định lượng acid dịch vị cần thiết để phân hủy thức ăn. Tế bào thành dạ dày tiết ra acid cho đến khi độ pH của dạ dày bằng 1 hoặc 2 (rất toan), làm phân hủy các chất trong dạ dày. Khi đó, cơ thắt môn vị sẽ mở ra để chất lỏng đi qua ruột non. Nếu hệ thống này hoạt động hiệu quả, một bữa ăn vừa phải sẽ xuống khỏi dạ dày trong vòng hai giờ.
Bệnh lý ở tế bào thành có thể dẫn đến sự tiết quá nhiều acid dịch vị. Ngăn chặn sự tăng tiết acid là tác dụng của các loại thuốc ức chế bơm proton như Prilosec, Prevacid và Nexium, tất cả đều ức chế sự tiết acid dạ dày. Trào ngược xảy ra khi bụng đói có thể là dấu hiệu của việc sản xuất quá mức acid trong dạ dày.
Phổ biến hơn là trào ngược sau bữa ăn, đặc biệt là khi nằm xuống. Đây là điển hình của việc dịch vị không đủ acid làm chậm quá trình tiêu hóa và ngăn dạ dày rỗng, được gọi là chứng liệt dạ dày.
GERD do có quá ít acid dạ dày
Khi dạ dày thiếu acid, tín hiệu để đóng chặt cơ vòng tâm vị yếu đi và làm thực quản bị tổn thương. Dạ dày cồn cào, cố gắng làm việc nhiều hơn với lượng acid ít hơn. Sự kết hợp này dẫn đến việc acid trong dạ dày bị đẩy lên thực quản, gây ra hiện tượng trào ngược.
Trường hợp này, mục tiêu điều trị là cải thiện chức năng tiêu hóa và đảm bảo dạ dày rỗng. Dùng thuốc điều trị trào ngược sẽ giúp giảm triệu chứng nhưng lại làm rối loạn quá trình tiêu hóa. Đổi lại, các mảnh thức ăn lớn hơn chưa tiêu hóa hoàn toàn sẽ đi vào ruột non. Khi các men tiêu hóa, dịch mật và hệ vi khuẩn đường ruột không thể hoàn thành công việc mà dạ dày bắt đầu, thì những phần thức ăn lớn hơn này có thể hoạt động như chất kích thích, kích hoạt phản ứng miễn dịch và thúc đẩy quá trình viêm.
Một nguyên nhân khác liên quan đến việc giảm sản xuất acid dạ dày là suy dinh dưỡng. Các tế bào thành dạ dày sản xuất acid dịch vị cũng giải phóng một hợp chất gọi là yếu tố nội tại vào dạ dày. Hợp chất này cần thiết cho sự hấp thụ vitamin B12. Suy giảm chức năng của tế bào này có thể dẫn đến thiếu hụt B12, đặc biệt là ở những người nhạy cảm như người già
Nếu trào ngược xảy ra sau bữa ăn, có thể vấn đề là do chứng liệt dạ dày tiết không đủ acid dịch vị.
Bạn có thể tự kiểm tra bằng cách xem liệu thuốc hỗ trợ tiêu hóa có cải thiện được vấn đề hay không.
- Uống 1-2 muỗng canh giấm táo hữu cơ nguyên chất với một ít nước trước bữa ăn có thể cải thiện chứng trào ngược loại này bằng cách bổ sung acid dịch vị.
- Một phương pháp truyền thống khác là cây Thụy Điển Đắng, dùng sau bữa ăn để hỗ trợ các tế bào thành tiết acid bằng cách kích thích các thụ thể đắng trong niêm mạc dạ dày.
- Nếu một trong hai biện pháp có hiệu quả nhưng tình trạng trào ngược vẫn tiếp diễn, thì thuốc betaine hydrochloride là một lựa chọn tốt hơn.
Điều trị bệnh trào ngược cũng cần loại bỏ những thức ăn gây kích thích. Thực phẩm đã qua chế biến và tinh luyện, đường, đồ ăn cay và thức uống có cồn đều có thể gây trào ngược. Ăn quá no hoặc uống quá nhiều nước trong bữa ăn (làm loãng acid dạ dày) cũng có thể giảm tiêu hóa. Tiêu thụ thực phẩm sống, lên men, chẳng hạn như dưa cải chua, cũng giúp tăng cường tiêu hóa.
Nếu bạn bị trào ngược, đừng tìm giải pháp “tạm thời” mà hãy đi sâu vào gốc rễ của vấn đề. Thuốc ức chế bơm proton thích hợp cho những người thực sự tăng tiết acid dạ dày quá mức, nhưng những loại thuốc này chỉ dùng trong thời gian ngắn. Dùng chúng nhiều năm càng làm suy yếu hệ tiêu hóa đối với những người không tiết đủ acid dạ dày. Hãy thay đổi chế độ ăn uống và thử một hoặc nhiều biện pháp tự nhiên này để phục hồi sức khỏe hệ tiêu hóa và chấm dứt các triệu chứng của trào ngược.
Brandon LaGreca là người sáng lập và là giám đốc của East Troy Acupunture, một phòng khám đa khoa phía đông nam Wisconsin, nơi ông là chuyên gia về dinh dưỡng thực phẩm toàn phần, sức khỏe di truyền và y học môi trường.
Brandon LaGreca
Thu Ngân biên dịch
Nguồn: ETViet