DUY KHIEM
“Sài Gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời…
Lời hát quen thuộc này đã từng được hát đi hát lại và nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần suốt 36 năm qua ở khắp mọi nơi kể từ ngày “đổi đời, mất nước”, mất thủ đô yêu dấu Sài Gòn của VNCH khiến cho hàng triệu người Việt Nam phải tha phương, sống kiếp đời viễn xứ.
Niềm thương, nỗi nhớ về từng con đường, từng góc phố của Sài Gòn ngày cũ vẫn còn in đậm nét trong tâm khảm mỗi người chúng ta theo từng giờ từng phút trôi qua, nhứt là ở những ngày cuối “tháng Tư đen” hàng năm. Asia 68 đã đưa khán giả trở về vùng trời hoa mộng, xinh tươi của thủ đô Sài Gòn ngày cũ.
Nội dung của chương trình Asia 68 này rất đa dạng và phong phú. Chủ đề “Nỗi Nhớ Sài Gòn” như là những hoài niệm thiết tha về một nền văn hóa mang đầy tính nhân bản, trong đó có những công dân luôn luôn có lòng tự trọng và yêu mến tự do, dân chủ của 20 năm sinh sống dưới chính thể VNCH. Ngoài ra còn có những chủ đề phụ gắn liền với địa danh Sài Gòn như mùa mưa, mùa hè phượng nở, những con hẻm nhỏ, các đường phố thân quen và nhứt là những tình khúc của một thời chinh chiến xa xăm.
Những đoạn phim tài liệu ngắn, những hình ảnh lịch sử về Sài Gòn vô cùng giá trị và hiếm quý với giọng đọc rất truyền cảm của MC Nam Lộc và Ngọc Đan Thanh càng tạo thêm phần giá trị cho Asia 68 này. Phần kỹ thuật ánh sáng và trang trí sân khấu thay đổi theo từng bài hát trông rất hấp dẫn. Chiếc xích lô đạp, cổng trường trung học, những cái cột đèn, quán cóc lề đường hay căn gác nghèo nàn bên ánh đèn đêm héo hắt là những hình ảnh gợi nhớ thật nhiều về Sài Gòn ngày cũ. Những chiếc áo dài đủ màu, đủ kiểu của các nghệ sĩ và đồng phục nam, nữ sinhSài Gòn trong bài hát “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” để kết thúc chương trình là những ấn tượng sâu đậm nhất khiến cho DVD “Sài Gòn, Nỗi Nhớ” sẽ trở thành một trong những tuyệt phẩm giá trị nhất của trung tâm Asia.
* Niềm Thương, Nỗi Nhớ Sài Gòn trong lòng kẻ ở, người đi:
Không giống như những chương trình trước kia của Asia với phần mở màn gồm nhiều ca sĩ, vũ công xuất hiện qua các liên khúc nối tiếp nhau trong hoạt cảnh tưng bừng, rộn rã, ngập tràn âm thanh, ánh sáng; kỳ này nữ ca sĩ trẻ Hồ Hoàng Yến đã một mình trở về thăm lại Sài Gòn qua bài hát “Sài Gòn Ơi! Vĩnh Biệt” bằng một giọng hát nức nở, thương đau và tiếc nuối của cô. Ở bài hát mở màn, Hồ Hoàng Yến đã chứng tỏ cho khán giả thấy tài năng diễn xuất của cô qua từng ánh mắt, nét mặt và cử động của những ngón tay chạm nhẹ vào song sắt, khi chậm rãi bước dọc theo bên hông trường Trung Học. Giây phút sau chót của tiết mục mở màn để cùng nhau hát vang lên câu hát cho chủ đề của Asia 68:
Sài Gòn …Nỗi Nhớ Khôn Nguôi … Sài Gòn …Nỗi Nhớ Khôn Nguôi …
Còn nhớ vào đầu thập niên 1980, bỗng dưng có một bài hát xuất hiện một cách rất lạ lùng, bí ẩn… không ai biết tác giả là ai và nghe nói là được chép tay rồi bí mật chuyển ra ngoài từ một trại tù trong nước. Bài hát đó đã theo chân những người vượt biển qua tới Pháp và được ca sĩ Jeanni Mai trình diễn lần đầu tiên nơi hải ngoại. Sau này người ta mới biết đó là “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên” của nhà văn, thi sĩ kiêm nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn. Lời của bài hát này đã bị “tam sao thất bổn” vì được chuyền qua tay nhiều người. Sau này, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn đã ghi lại nguyên văn bài hát ấy với tựa đề là “Nước Mắt Sài Gòn” theo đúng ý của ông. Tuy nhiên, ở chương trình Asia 68 này, ca sĩ Thanh Thúy đã giữ y lời bài hát nguyên thủy của 30 năm về trước.
Giọng hát Thanh Thúy đang bước từng bước cô đơn giữa đường phố Sài Gòn ngập lá vàng rơi, ở lúc “đổi đời”, đã làm cho khán giả vô cùng xúc động với những lời ca nức nở, u buồn như xoáy vào tận đáy con tim của người nghe.
Nhớ lại những ngày vượt biển, vượt biên rời xa quê hương tưởng chừng như không bao giờ còn đặt chân trở lại Sài Gòn, như Lâm Thúy Vân đã diễn tả ca khúc “Một Lần Đi” của Nguyệt Ánh, cô đã hòa mình vào bài hát này qua từng ánh mắt, nét mặt, bàn tay cử động theo từng âm điệu cho thân phận lưu đày biệt xứ của mình nơi đất khách, quê người. Cô đã diễn xuất thật sống động, thật thành công.
Hoài niệm về Sài Gòn ngày cũ qua hình dáng của “Người Đẹp Bình Dương” Thẩm Thúy Hằng là Y Phương khi mơ chuyện “Mời Em Về”, một trong những ca khúc đầu tay của Việt Dzũng đã được anh sáng tác vào năm 1978. Những giai điệu buồn thương rời rợi qua từng ánh mắt của Y Phương như tâm sự riêng tư và hoàn cảnh của nhiều người đã không thể về thăm lại quê hương một lần nào nữa.
Một bất ngờ cho khán giả lần này là bài hát quen thuộc “Chiều Một Mình Qua Phố” đã được nhạc sĩ Trúc Hồ soạn hòa âm lại hoàn toàn mới lạ với những âm điệu vui tươi, nhẹ nhàng rất thích hợp cho tiếng hát và những bước nhảy của Đoàn Phi. Những điệu bộ diễn tả rất linh động của Đoàn Phi đã khiến cho tiết mục này rất thành công và khá nổi bật bên cạnh những bài hát khác: cùng chung tâm trạng với Nguyễn Hồng Nhung qua “Khóc Một Dòng Sông” hoặc Quốc Khanh với “Đêm Nhớ Về Sài Gòn”, “Bay Đi Cánh Chim Biển” với Lê Anh Quân hay Đan Nguyên với “Sài Gòn Kỷ Niệm”, một sáng tác mới của nhạc sĩ Anh Bằng.
* Những đặc điểm của Sài Gòn với phố cũ, trường xưa:
Cảnh thanh bình, vui tươi, tưng bừng, nhộn nhịp của một “Hòn Ngọc Viễn Đông” tràn đầy sức sống đã được thể hiện qua phần trình diễn của Phương Hồng Quế, Băng Châu và Sơn Ca với bài hát nổi tiếng “Sài Gòn” của Y Vân hoặc “Ghé Bến Sài Gòn” do Trish Thùy Trang trình bày gợi nhớ lại Sài Gòn của những thập niên 1950s, 1960s. Một bài hát được chọn lựa cho chương trình này cũng rất tiêu biểu cho Sài Gòn ngày cũ là “Một Thoáng Sài Gòn” của Bảo Phúc và Vũ Tuấn Bảo do Philip Huy và Diễm Liên song ca. Điểm đặc biệt khác của Sài Gòn là những cơn mưa bất chợt những hình ảnh và âm thanh này. Vì vậy Hà Thanh Xuân, ca sĩ trẻ ca sĩ đầy triển vọng của trung tâm có gương mặt rất giống cố nghệ sĩ Thanh Nga.
Có lẽ thời gian cắp sách đến trường ở bậc Trung Học là quãng đời đẹp nhất, lưu lại nhiều kỷ niệm nhất trong mỗi người chúng ta khi nhớ về trường xưa, bạn cũ ở thời hoa bướm mộng mơ của mình. Ở chương trình Asia 68, những bài hát tiêu biểu, đáng nhớ nhất về tuổi học trò đã được tuyển chọn và dàn dựng lại thành những hoạt cảnh khiến nhiều người trong chúng ta phải bồi hồi, xao xuyến phần song ca “Trường Cũ Tình Xưa” với Tâm Đoan và Đặng Thế Luân, “Nỗi Buồn Hoa Phượng” qua tiếng hát Băng Tâm được trang điểm cho giống một ca sĩ nữ sinh rất nổi danh thời trước và “Lưu Bút Ngày Xanh” với Tường Nguyên và Tường Khuê được nhiều bạn trẻ yêu cầu trên diễn đàn của Asia ưa thích sau khi xem. Các ca sĩ nêu trên đã diễn xuất qua từng điệu bộ, ánh mắt, bước đi như hòa nhập vào bài hát với những luyến láy cần thiết cho từng lời ca, tiếng nhạc qua phần hòa âm rất đặc sắc của Trúc Sinh, Trúc Hồ.
Nhưng đó là khung cảnh “phượng vỹ, trường xưa” của một thời quá khứ. Sau vài chục năm Sài Gòn “đổi chủ”, anh học trò lưu vong ở phương trời xa tìm về chốn cũ đã lạc lõng, bơ vơ như “Từ Thức Về Trần” . Đó là tâm sự của Lâm Nhật Tiến qua bài hát “Sài Gòn Về Miền Dĩ Vãng” của Trúc Hồ. Bài hát đã được sáng tác sau lần nhạc sĩ Trúc Hồ về thăm quê hương, tìm lại ngôi trường ngày xưa. Một bài hát thật hay và tràn đầy ý nghĩa qua tài trình diễn rất điêu luyện của Lâm Nhật Tiến.
Nhắc về Sài Gòn thì không thể thiếu những “con đường tình ta đi” ù. “Con Đường Tình Ta Đi” do Thanh Lan và Vũ Khanh diễn tả. Họ không còn trẻ như hơn ba mươi năm về trước, nhưng khi thả bước nhẹ về từng con đường có lá me bay ngày cũ, bao nhiêu vui buồn của dĩ vãng lại hiện về. Thanh Lan và Vũ Khanh đã biến bài hát này thành một nhạc kịch nhỏ với hòa âm mới của Sỹ Đan
* Sài Gòn, thủ đô an bình trong thời chinh chiến:
Hầu hết những bài hát trong chương trình này đều nêu bật lên những nỗi niềm nhung nhớ về thành phố Sài Gòn thân thương trong lòng người đi xa hay kẻ ở lại. Ngoài ra còn có những bài hát gợi nhớ về một thời chinh chiến cũ giữa một thủ đô an bình, tự do, no ấm. Từ giã mái trường, chàng thanh niên bước vào đời quân ngũ, rời xa thành phố. Những lần về phép ngắn ngủi để hẹn hò với người yêu ở hậu phương an bình, “bao thương nhớ từ độ anh vui bước quân hành” đã được Y Phụng và Hoàng Oanh diễn tả rất thành công qua hai bài hát của Trúc Phương. Đặc biệt nhất và được chú ý nhất là ca sĩ Giang Tử trong bộ quân phục ở bài hát “Thành Phố Sau Lưng” của Hàn Châu. Đây là hoạt cảnh duy nhất được dàn dựng trong chương trình này với hình ảnh những người lính chiến về thăm thành phố. Bài hát “Con Đường Xưa Em Đi” thích hợp cho tiếng hát Mỹ Huyền trong hoạt cảnh.
Nhắc lại những sinh hoạt ca nhạc của Sài Gòn ngày cũ thì không thể nào bỏ sót phong trào nhạc trẻ hay Việt hóa nhạc ngoại quốc. Đó cũng là một đặc điểm của thủ đô Sài Gòn trong thời chiến tranh với những đại nhạc hội ngoài trời mang chủ đề “Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ” hàng năm. Ca sĩ duyên dáng, xinh tươi Thùy Hương đã gợi nhớ lại phong trào nhạc trẻ qua liên khúc “Thương Nhau Ngày Mưa” và “Một Giấc Mơ” bằng những bước nhảy của cô và các vũ công.
Tiết mục tân cổ giao duyên do Ngọc Huyền và Phương Vũ (tiếng hát từ Seattle) trong “Chiều Thương Đô Thị” với phần cổ nhạc do chính Ngọc Huyền sáng tác. Vở kịch vui với những vui buồn hàng ngày. Hai ca sĩ Diễm Liên và Mỹ Huyền đã diễn kịch không thua kém gì những diễn viên có nhiều tuổi nghề.
* Thông điệp đàng sau “Sài Gòn, Nỗi Nhớ”:
Tiết mục hợp ca cuối cùng của tất cả nghệ sĩ cùng nhau hát vang “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” đã nêu ra những thông điệp dành riêng cho đồng bào trong nước. Như lời MC Việt Dzũng đã nói, bài hát này không dừng lại ở nỗi đau của đất nước mà còn nói lên cả những bi thương, công phẫn, thách đố của tuổi trẻ Việt Nam trước những tàn phá của chiến tranh và tham vọng của con người.
Có thể nhận xét rằng Asia 68 là một tác phẩm văn học nghệ thuật rất có giá trị. Một tác phẩm đáng để gìn giữ trong mỗi gia đình và giúp cho thế hệ sinh sau hiểu thêm về những tinh hoa của nền “Văn Hóa VNCH” theo ý Trúc Hồ Vì vậy ngoài ấn bản DVD thường, lần đầu tiên Asia 68 đã được thực hiện thành ấn bản DVD Blu-ray ./.
Caption: Các ca sĩ trụ cột của Trung Tâm Asia: Tâm Đoan, Lâm Nhật Tiến, Lâm Thuý Vân, Y Phương (trang điểm giống Thẩm Thúy Hằng thời SàiGòn)ø tươi vui chờ đến lượt diễn trong ngày thu hình tại Turning Stone Resort-New York (Ảnh Jonny Minh)
Poster Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh – Người Thương Phế Binh VNCH Kỳ 5 tại Nam California ngày 7-8-2011 sắp tới, được sự cộng tác của TT Asia và đài SBTN trực tiếp truyền hình. Asia được xem là một trung tâm tiên phong trong việc bảo vệ chính nghĩa VNCH.