Nữ nhạc sĩ Tú Minh, (ảnh trên) người nổi tiếng với “Hãy Cứ Là Tình Nhân” từng hoàn thành ca khúc Nam Bộ mang tên: “Nhà Trống Quá Chị Ơi.” Có thể nói từ nhạc tình Tú Minh vừa nhảy một bước sang nhạc xã hội và “Nhà Trống Quá Chị Ơi” được coi như một bước ngoặt trong suy nghĩ và sáng tác của chị.
“Nhà Trống Quá Chị ơi!”
Nói về ca khúc mới của mình, Tú Minh cho biết, cách đây khoảng nửa năm, nhạc sĩ Trần Quảng Nam – phu quân của chị – có nói với cô Thanh Phương, học trò của anh Nam, rằng “Hôm nào thầy hoặc cô sẽ viết cho con một bản nhạc nói về hoàn cảnh mấy cô gái lấy chồng Đài Loan, Hồng Kông để cho con hát.” Lúc ấy chị chỉ nghe qua mà không có ý kiến gì.
Nhưng về sau, khi đọc tin tức và nghe nhiều người bàn tán về việc các cô gái trong nước lấy chồng ở các nước Á Châu bị đối xử rất tàn nhẫn, chị thấy lòng mình không vui.
Cách đây vài tuần, sau dịp Trần Quảng Nam gặp lại bạn bè Quốc Gia Nghĩa Tử từ Texas, anh mang theo một bài thơ của người bạn học tên là Nguyễn Ngọc Lập, định rồi sẽ phổ nhạc. Xúc động khi vô tình đọc được bài thơ, chị nói với Trần Quảng Nam là chị sẽ phổ nhạc này theo thể loại dân ca Nam Bộ để phù hợp với âm nhạc địa phương nơi các cô gái miền Nam bị “bán” cho mấy ông Đài Loan, Đại Hàn…
Nhưng khi bắt tay vào mới thấy việc phổ bài thơ này không phải dễ vì bài thơ được viết theo thể loại tự do, gần giống như văn xuôi và có những từ không thích hợp để đưa vào nhạc.
Vả lại, chị nói, muốn viết nhạc theo làn điệu Nam Bộ thì cần phải tạo những giai điệu dễ nghe, dễ nhớ, dễ hiểu thì mới dễ đi vào lòng quần chúng. Cho nên vì muốn giữ giai điệu theo ý mình và để bài nhạc có giai điệu không giống như một bài nhạc phổ thơ, Tú Minh chỉ lấy ý chính của bài thơ cộng thêm ý của mình vào. Bài nhạc có lời như sau:
Nhà trống quá chị ơi!
Mai chị đi dù chưa đến tuổi dậy thì
Còn thích đánh ô quan, chơi banh đũa, nhảy dây trước sân
Mẹ cha ốm đau không nuôi được cả bầy con thơ
Chị đi lấy chồng để em được là được ăn no
Nhà trống quá chị ơi!
Mai chị đi, dù Đài Loan hay với gã Đại Hàn
Bụng to trán cao nhưng tim nhỏ như hạt mè khô
Mà thôi lo lắng chi cũng như con Nghé con Ngọ
Lấy chồng ngoại bang còn hơn đào phế liệu nuôi thân
ĐK: Xóm mình xưa nghèo xơ
Nay nhà tranh vách lá đã thay bằng nhiều căn ngói đỏ
Nép vào lưng chị vừa mừng em vừa lo
Chị bỏ đi rồi nhà mình trống quá chị ơi!
(nghe qua trang web: www.dactrung.net)
Tú Minh rời Việt Nam năm 1990, khi 18 tuổi. Và lần gần nhất Tú Minh về lại quê hương là vào dịp thực hiện cuốn CD tình khúc Tú Minh 2, chủ đề “Chiếc Lá Mong Manh” vào tháng 7 năm 2004.
Chị cho biết mình đã về Việt Nam được 5 lần. Mỗi lần về cách nhau khoảng một năm lại thấy Việt Nam có nhiều thay đổi về kinh tế: có nhiều tụ điểm ăn chơi và nhiều khu vực thương mại hơn. Có lẽ không riêng gì ở Việt Nam mà nhiều đất nước Á Châu khác cũng thay đổi lớn mạnh. Không những chị không thấy lạ về sự đổi mới về kinh tế của Việt Nam mà còn hy vọng một ngày thật gần Việt Nam sẽ còn có nhiều đổi mới trong nhiều lãnh vực khác.
Nhạc sĩ nào ảnh hưởng Tú Minh nhiều nhất?
Trả lời câu hỏi người viết nhạc nào ảnh hưởng đến chị nhất? Chị nói chị nghe nhiều nhạc của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Phạm Đình Chương, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên và nhiều nhạc sĩ tiền chiến khác, nhưng nếu hỏi ai đã ảnh hưởng đến Tú Minh nhất thì câu trả lời là… không có ai cả!
Chị nhận thấy nhạc của mỗi người đều có nét hay riêng để mình học hỏi. “Cũng chính vì không chịu ảnh hưởng của ai nên âm nhạc của tôi có dịp được thể hiện đa dạng hơn, nhất là sau khi lồng các làn điệu dân ca vào trong tác phẩm của mình.”
Đây cũng có thể là hướng sáng tác mới của Tú Minh để khỏi chạy đua theo dòng nhạc thời thượng bây giờ. “Sở dĩ Tú Minh có hướng đi này vì không muốn âm nhạc thuần tuý Việt Nam bị mai một. Nó là một phần của văn hoá Viêt và cũng chính là một phần của đời sống Tú Minh.”
Tú Minh nghĩ gì về Nhạc trong nước, nhạc hải ngoại?
Trả lời câu hỏi cô nghĩ gì về âm nhạc trong nước và âm nhạc hải ngoại? Chị cho biết cách đây 5, 7 năm chị rất thích một số tác phẩm ở trong nước như của các nhạc sĩ Việt Anh, Phú Quang, Quốc Bảo, Trần Tiến, Vũ Đức Sao Biển… Nhưng sau này chị không còn để ý đến âm nhạc trong nước nữa vì “có nhiều nhạc phẩm được coi là nổi tiếng trong nước lại có giai điệu và ca từ rất nghèo nàn, hoặc quá “cao siêu” đến nổi tôi nghe mà không hiểu chi cả.”
Còn nói về âm nhạc hải ngoại thì nếu chỉ dựa vào những nhạc phẩm mới, được các trung tâm âm nhạc lớn phát hành thì chưa đủ. Phải có dịp nghe các tác phẩm của những nhạc sĩ chưa nổi tiếng mới thấy được sự phong phú trong dòng nhạc của họ. “Tôi may mắn được nghe nhiều tác phẩm mới rất hay của các bạn bè thân hữu nên dù sao tôi vẫn thích âm nhạc hải ngoại hơn vì dòng nhạc của họ phong phú và đậm nét quê hương hơn những bản nhạc đang thịnh hành trong nước hiện nay.”
‘Giọng ca nào Tú Minh yêu thích nhất?’
Chị cho biết hồi xưa chị yêu thích nhiều tiếng hát lắm, trong đó có Khánh Hà và Tuấn Ngọc. Sau này không còn yêu thích giọng hát nào riêng biệt mà thấy giọng hát nào cũng có cái hay riêng. Điều làm chị thích hay không đó là nhận ra những nét riêng của từng ca sĩ, nhận thấy họ biết sử lý bài hát sao cho phù hợp với mỗi làn điệu khác nhau mà không chịu ảnh hưởng bởi giọng hát nào cả.
Còn nếu hỏi tiếng hát nào thích hợp với các ca khúc của chị, Tú Minh trả lời chị viết nhạc theo nhiều thể loại, nhiều giai điệu khác nhau nên mỗi bài nhạc phù hợp với mỗi giọng hát khác nhau. “Nhiều lần tôi nghĩ là giọng ca này hoặc tiếng hát kia sẽ phù hợp với bản nhạc này, bản nhạc kia… Nhưng đến khi thâu xong mới thấy không hợp. Muốn tìm ra giọng ca phù hợp, đôi khi phải chịu khó bỏ nhiều tiền đầu tư. Đôi khi vì khả năng không cho phép nên có vài bài thâu xong đành phải chấp nhận vậy dù không mấy hài lòng lắm… ./.
Nguyễn Xuân Hoàng