Christmas at Houston
Houston cuối năm gần mùa noël, khí trời lạnh giá, nhạc giáng sinh reo vang, và đèn giáng sinh được nhà nhà trang hoàng đẹp mắt. Tôi muốn viết chút gì đó về Bushland, như sự cảm nhận từ các nhà văn đi xa về họ hay viết kỷ niệm hay tùy bút như Lê Thanh Hoàng Dân, Nguyễn Tài Ngọc, Nguyên Nhung hay Phạm Thanh Khâm.
Mấy hôm vợ chồng chúng tôi ở Houston thăm gia đình, rồi đã theo dõi các đài radio, TiVi loan tải tin đồng hương Việt Nam tại Texas gây quỹ cứu trợ nạn nhân bão Haiyan tại Phi Luật Tân, thành quả thật khích lệ, trong tinh thần bao dung tương thân tương ái, như “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” và “Thương người như thể thương thân”. Sự giúp đỡ của người Việt khắp nơi trên lãnh thổ Hoa Kỳ, từ Nam lên Bắc Cali, sang đến Houston, Boston, Dallas, Florida, Minnesota, DC, New York, Illinois, Washington,…. Âu châu, Canada và Úc châu.
Nước mắt trẻ thơ
Ngược thời gian gần 40 năm trước, người dân và chính phủ Phi Luật Tân đã cưu mang hàng trăm ngàn người Việt bỏ nước ra đi tị nạn Cộng sản, sau biến cố 1975 và cả vài thập niên sau đó. Người Việt tị nạn Cộng sản luôn luôn ghi nhớ và mang ơn dân tộc Phi Luật Tân. Rất nhiều nguời cảm thấy có trách nhiệm, cần phải tích cực và khẩn trương trợ giúp cho nạn nhân bão Haiyan trong cơn hoạn nạn này.
Chiều Chủ nhật, ngày 17 tháng 11, một buổi văn nghệ gây quỹ được cấp tốc tổ chức tại Trụ sở Cộng Đồng Người Việt Quốc gia Houston và Vùng Phụ cận, để quyên góp từ các đồng hương, trong khi các cuộc gây quỹ qui mô hơn đang được tổ chức tại Houston….
Mùa Lễ Tạ Ơn năm nay đối với người Việt tị nạn Cộng sản có một ý nghĩa đặc biệt. Đa số họ đang hướng về các nạn nhân bão lụt Phi Luật Tân, nhớ lại những ân tình chan chứa trên bước đường đi tìm tự do và mong muốn làm một chút gì để ấm lòng những nạn nhân bão lụt mà cũng là ân nhân của họ năm nào.Hôm tôi sang Houston, ông nhà văn Phạm Thanh Khâm ra đón tiếp từ phi cảng IAH, ông chở vợ chồng chúng tôi xem phố phường, downtown, uptown…
Phố sá Houston càng ngày càng phát triển sầm uất, hàng quán đầy ắp dọc theo những con lộ Bellaire, Westheimer na ná như Bolsa và Westminster ở Nam Cali. Anh giới thiệu ông chủ nhân Phánh Ký gốc Mỹ Tho, quán với món hủ tiếu Mỹ Tho nổi tiếng, anh Khâm là khách hàng của ông từ những năm thập niên 1960s khi anh làm việc về phát triển nông nghiệp tại miền Tây Nam phần.
Chúng tôi nhắc nhớ nhau nghe trong chuyến du ngọan các quán Ramen Nakamura trên con phố Kalakaua hay Goma Tei Ramen trên đại lộ Ala Moana, quán mì mà ông Lý Tòng Tôn bảo là ăn cho đỡ nhớ phố Bolsa, nơi đây gần với khách sạn nơi chúng tôi lưu trú, quán mì Gomaichi Ramen trên phố Keeaumoku, hoặc Hokkaido Ramen Santouka trên phố Kaheka của thành phố Honolulu ở hải đảo Hạ Uy Di; có lẽ vui nhất khi bà nhà tôi nhắc đến quán Marukame Udon trên đại lộ Kuhio cung cấp món udon xơi chung với tôm, mực, gà chiên kiểu tempura. Nói đến Marukame Udon là vì do ông nghệ sĩ Huỳnh Anh #2 cùng chị Ý Thu giới thiệu chúng tôi sang ăn thử.
Tôi kể anh Khâm nghe ở Nam Cali có món hủ tiếu gà cá Song Long rất bắt khẩu, ngày xưa tôi vốn thích món hủ tiếu gà cá trên đường Hàm Nghi, khu chợ cũ trước năm 1975 mà tôi thường ghé ăn. Đọc bài viết về các món ngon ở Sài Gòn xưa của tác giả Nguyễn Ngọc Chính với nhiều thích thú như sau:
“Các tiệm hủ tíu nổi tiếng Sài Gòn phải kể đến hủ tíu Thanh Xuân đường Tôn Thất Thiệp (gần chùa Chà Và), hủ tíu Phạm Thị Trước ở đường Lê Lợi (khúc gần Pasteur), hủ tíu Gà Cá ở đường Hàm Nghi gần khu Ngân hàng Quốc gia và hủ tíu Thanh Thế trên đường Nguyễn Trung Trực…
Có người đến hủ tíu Phạm Thị Trước gọi thêm bánh pâté chaud ăn kèm, cũng giống như hủ tíu Gà Cá. Tuy nhiên, mỗi tiệm hủ tíu đều có hương vị riêng khiến một khi khách đã ‘kết’ thì khó đi ăn nơi khác. Hủ tiếu Sài Gòn sáng nào cũng đông người đến thưởng thức, không cần đợi đến những ngày cuối tuần.
Thường thì hủ tíu có bánh mềm, chỉ riêng hủ tíu Thanh Xuân hay Mỹ Tho thì thêm bánh dai, nấu khô hay nước, tùy theo ý thích của khách. Chỉ nhìn dĩa rau dọn lên trước thì cũng thấy bắt mắt: giá, hẹ, rau cần tàu, tần ô và vài cọng sà lách. Thêm vào đó, mùi nước lèo xông lên như đập vào khứu giác thực khách làm cho bụng cứ gào thét như… mèo đêm động đực…
Người bồi bàn bưng mâm ra để tô hủ tíu trên bàn, mùi nước lèo xông lên mũi, nếm thử ‘nghe’ được mùi thơm của nước lèo, thêm chút gia vị vào và cầm đũa ngay. Hủ tíu Thanh Xuân thì phải có rau tần ô, rau cần tàu, giá sống. Hủ tíu Phạm Thị Trước hay Thanh Thế cũng thế, nhưng không có rau tần ô. Riêng hủ tíu Gà Cá thì chỉ có giá sống.
Tuy nhiên, các thứ hủ tíu nếu thiếu vài miếng tóp mỡ và cải bắc thảo thì hình như thiếu mất cái gì đó. Nước lèo vừa ngọt của xương, vứa béo của chất tủy từ ống xương, thoang thoảng chút mùi của con mực, tôm khô, hào khô và củ cải. Những thứ ấy quyện vào nhau thành một thứ nước lèo hấp dẫn của tô hủ tíu…”
Rồi quán Cơm Gà Houston, tương tự quán Cơm gà Siu Siu của khu An Đông khi xưa, phần nào đó nhắc tôi món cơm gà Nguyễn Huệ của bác Cảnh Vịt.
Cơm Gà Siu Siu – Cơm Gà Hải Nam:
Cùng nhà văn Phạm Thanh Khâm, một tâm hồn ăn uống tại Kim Sơn.
Ông Phạm Thanh Khâm bảo sang Houston không ghé thăm “Kim Sơn” của ông La Minh Trí là thiếu sót, và rất uổng. ông La Minh Trí gốc Vĩnh Long, là chủ nhân hệ thống nhà hàng Kim Sơn, được các tạp chí Hoa Kỳ như Bon Appetit, Esquire, and Food & Wine,… cho điểm cao.
Nhà hàng Kim Sơn, khu Bellaire, Houston
Nhà hàng Kim Sơn có những quầy buffet, all you can eat, hai anh Khôi và Đức phục vụ tại đây rất ân cần với thực khách, Kim Sơn buffet gần gủi hơn Todai buffet, Makino buffet, hay Hokkaido buffet,… của người Nhật, Kim Sơn buffet thật vui và ngon, service tốt. Bê bao tử đi từ góc trái với những món bún mắm Trà Vinh, bún cá Kiên Giang, phở Bắc, mì Quảng, bún bò Huế, bún suông, bánh bột chiên, hủ tiếu Mỹ Tho, bánh canh tôm cua,… sang quầy sushi, hàng thức ăn Tàu, quầy hải sản, quấy thức ăn của Nam phần đất phương nam miệt lục tỉnh như bánh xèo, bánh tầm bì, bánh bèo bì, gỏi cuốn, bánh đúc nước dừa,…., món lẫu hải sản, quầy salad & fruit, quầy kem, bánh, và chè nhiều loại. Đây là cũng nét lạ lẫm của Houston,…
Sau ông Phạm Thanh Khâm của Houston, ông KQ Phan Đình Minh bên Dallas sang kéo nhau đi xơi món phở bò Angus, Houston có những quán mở cửa về khuya, một nét lạ lẫm khác của thành phố Houston.
Phở Bình Bellaire, có món phở bò Angus eye round thịt khá mềm mại, các em tôi vốn thích bò Angus. Hôm chiều Houston mưa rơi lạnh buốt em rể tôi là Kim Sơn intro món thức ăn lỏng như súp, cháo khi ghé xơi các món súp hoành thánh, súp sủi cảo (dumplings), hay các loại cháo tại quán cháo Hong Kong Food Street trên đường Bellaire, để rồi so sánh với tiệm Cháo Cá Chợ Cũ trên đường Westminster của phố Little Saigon.
Theo bài viết Sài Gòn ăn uống của nhà văn Vương Hồng Sển kể vế quán cháo cá Chợ Cũ trên đường Võ Di Nguy trước khi quẹo qua đường ở bên hông nha Ngân khố ngày xưa. Vâng của Sài Gòn mến yêu ngày trước. Hãy đọc:
“Nay người chủ mới lại ở vẫn để y không đổi, người khách qua đường tôi nói trên đây nào biết căn nhà bề ngoài coi xập xệ này lại là nơi khách phong lưu trước đây chiều chiều hay sáng sáng vẫn tấp nập nơi đây và giành nhau từng tô cháo vừa ngon, vừa bổ, vừa rẻ tiền. Tôi muốn nói tô cháo cá Chợ Cũ, danh bất hư truyền, từ ngày tôi lên học (1919) cho đến ngày dẹp tiệm (1975) đã cha truyền con nối suốt bốn năm thế hệ, trót trăm năm chứ không phải chơi. Vì trước khi tôi lên đây ăn học thì quán kia đã có, vẫn y một chỗ, vẫn không thay đổi mặt tiền bề ngoài và món cháo, hương vị vẫn không đổi và vẫn cung phụng cho khách kén ăn trải trăm năm danh tiếng.
Tôi đã biết chủ của cái quán ấy từ một ông già Quảng Đông, ốm cao nhưng lưng thẳng như chữ I. Đứng nấu từng to cháo cho mọi người, qua thằng chệc con chủ tiệm vẫn đứng bán làm đầu bếp nấu cháo như cha. Vẫn áo thun trắng thật sạch, cụt tay, vẫn ốm và cao như ông già Quảng lỏng khỏng không khác. Kế tiếp đến thằng Tàu, cháu nội ông già “cháo cá” cũng vẫn y như một. Áo thun, ốm và lưng ngay chò bất khuất, xuống đến thằng chắt nội, ba mươi cái xuân, một cây lưng thẳng, một tay cầm muỗng cán dài, một tay cầm tô hứng cháo nóng sôi sục sục, không một giọt rớt rơi. Khách nào muốn ăn sang, nó đập cái phụt, bỏ vào tô một hột gà tươi đỏ rói. Tiếp đến thằng chít nội thừa kế, vẫn áo thun, vẫn ốm thon thỏn. Kế đến tháng 4 năm 1975, nồi cháo không ai chụm lửa, gia quyến anh Ba Tàu bán cháo đã rút lui về xứ bỏ lại đây bao nhiêu khách đô thành đã mất một món ăn không thay thế và tô cháo còn chăng là trong bài tưởng niệm vô duyên này…”
Đấy là món cháo, còn những đặc sản tôm cua thì sao? Có hôm ghé ăn tại nhà hàng Tân Cảng của khu Bellaire mà sao nhớ Tân Cảng hay Kim Sư của phố Saigon Nhỏ, Orange County. Nhưng Tân Cảng Houston tạo nét đặc thù ẩm thực không kém Tân Cảng Nam Cali.
Hôm rời Houston, cô em chúng tôi đưa ra phi cảng IAH bay về Cali, buổi sáng sớm khi lớp frost bao phủ mặt đất, không gian giá buốt, xe ghé vào điểm tâm tại Phở Hùng, ngó xéo sang bên kia đường của Phở Bình. Phở Hùng có món đặc sắc là phở bê và phở đuôi bê chấm tương Cự Đà, thịt bê, tức thịt của các cô chú bò con, người ta gặm đuôi bê, hút tủy đuôi bê, hẳn mấy cô chú bò con sẽ đau đớn vô vàn, nhưng người đời thì lại cho rằng “vật dưỡng nhân”. Tôi ăn Phở Hùng Houston lại liên tưởng đến quán Phở Công Lý ở San Jose, tức tiệm Phở Bà Dậu có món phở đuôi bò khá ngon. Tôi thích viết về món phở…
Phở Quốc Hồn Quốc Túy – Phở Dũng- Houston
Ngoài Phở Bình, Phở Hùng, Houston còn có Phở Thành, Phở Dũng,… Riêng ông KQ Phan Đình Minh hẹn lần sau ông sẽ đi săn nai, để khi xơi phở nai, thịt nai vốn mềm mại và ngon không thua chi thịt bê hay bò “teens” hay sự mềm mại của bò Angus eye round của xứ Bushland. Tôi mong sẽ có dịp xơi Phở Minh,
món phở nai mà thịt vô cùng mềm mại, ông Minh nhé .
Bánh Canh Cua: Quê Em & Quê Anh- của đầu bếp Andy Trần và Trần Thăng Quận Cam Cali
Kịp về lại Los Angeles quận Cam, đi ăn Phở xa lại nhớ Phở nhà và món ăn mới thân quen của Quận Cam. Đây có Phở Hoa Soan (bao giờ sẽ có Bánh Cuốn Bên Thềm- cũng của ông nhạc sĩ Tuấn Khanh đây, Việt Hải sẽ đến thưởng thức !!) Bây giờ không thể nào bỏa qua được đó là cuộc gặp gỡ từ Phở đổi “ton” Bánh Canh Cua: Quê Em & Quê Anh , của đạo diễn Trần Thăng ( Mây’s Productions và Dạ Lan) tại Quận Cam… mà lúc nào tại tiệm này cũng luôn được khen ngợi là đầy hương vị tiêu chuẩn và cũng thật đông khách, luôn có bạn bè đến “khám phá món Bánh Canh Cua, “sáng kiến mới-hương vị xưa ” thật lôi cuốn.
Đúng là chán cơm tìm Phở, Ngán Phở tìm Bánh Canh Cua Quê Em-Quê Anh… www.banhcanhqueemqueanh.com
… Cám ơn ân tình xa gần
Việt Hải (Los Angeles)