“Their War và Nhạc Tình”
Lê Hữu
Anh Bằng, một tâm hồn thơ
Tôi nhớ, bài hát đầu tiên tôi nghe được của nhạc sĩ Anh Bằng là bài Đôi Bóng (viết chung với nhạc sĩ Lê Dinh). Bài hát khá phổ biến vào thời ấy (đầu thập niên 60’s) và còn ở lại trong tôi như một thuở ban đầu khó quên, trong đó có những câu thơ của Đinh Hùng nằm bên dưới cái tựa “Đôi Bóng” trong tờ nhạc, dẫn vào bài hát.
Tôi đợi trăng về bên phía tôi
để sầu in bóng chỗ em ngồi
Hai linh hồn vào chung một mộng
Hai bóng người làm một bóng thôi
Tôi chắc những câu thơ ấy đã gợi nhạc hứng cho Anh Bằng để ông viết nên bài Đôi Bóng.
Nhạc Anh Bằng vẫn được nhiều người gọi là nhạc đại chúng. Đấy là nhận xét khá dễ dãi, tùy cách hiểu mỗi người, có điều “nhạc đại chúng” được yêu thích không phải ai cũng sáng tác được, và hẳn là nhiều tác giả hoạt động trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật vẫn chỉ mong tác phẩm của mình đến được với đông đảo quần chúng. Thực sự, những sáng tác của Anh Bằng khá đa dạng với mọi thể điệu, mọi đề tài, đáp ứng mọi đối tượng yêu nhạc.
“Khúc Thụy Du” chẳng hạn, một bài phổ thơ đã làm nhiều người yêu nhạc phải thay đổi cái nhìn về nhạc sĩ Anh Bằng. Du Tử Lê là một trong những nhà thơ có nhiều bài thơ được phổ nhạc từ nhiều nhạc sĩ, trong số ấy có “Khúc Thụy Du“, bài hát rất được yêu chuộng, hiểu theo nghĩa được nhiều người hát, nhiều người nghe. Có thể nói không ca sĩ nào mà không từng hát “Khúc Thụy Du”.
Cũng phải kể thêm những bài nhạc phổ thơ khác của Anh Bằng vẫn được nhiều người yêu thích như Kỳ Diệu, Mai Tôi Đi (phổ thơ Nguyên Sa), Anh Còn Nợ Em, Anh Còn Yêu Em (phổ thơ Phạm Thành Tài)… để thấy ở nhạc sĩ Anh Bằng một tâm hồn thơ và tay nghề phổ thơ của ông. Được biết, Asia Entertainment vừa phát hành CD nhạc “Tình Ca 30 Năm Anh Bằng”, là một CD khá đặc biệt. Thứ nhất, gồm toàn những bài nhạc phổ thơ (Nguyên Sa, Du Tử Lê, Đặng Hiền, Nguyễn Khoa Điềm, BH…), trong số ấy có những ca khúc chưa từng được phổ biến. Thứ hai, chỉ với một giọng hát duy nhất, ca sĩ Melanie NgaMy.
Chỉ một giọng hát duy nhất, hẳn là có lý do. Trong số 10 ca khúc trong CD ấy (và thêm một bài bonus) có những bài nhạc sĩ Anh Bằng viết riêng cho CD Nga My hát vài ca khúc dành cho giọng hát cô.
Giọng hát ấy có gì đặc biệt?
Những ai từng nghe Nga My hát đều có chung nhận xét về cô ca sĩ trẻ có vóc dáng hiền dịu này. Cô có chất giọng riêng khá diễn cảm, mềm mại mà tự nhiên, nhẹ nhàng mà sâu lắng. Giọng ấy lại khá thích hợp để thể hiện tình ý trong những ca khúc mới này của Anh Bằng. Nghe cô hát Nhớ Đêm Mưa Sài Gòn, Từ Độ Ánh Trăng Tan, Có Một Ngày hay Trong Cõi Tình Ta (lời BH, được chọn làm tựa CD nhạc này) như hát những lời tình tự, nghe một nỗi gì thiết tha và ray rứt.
Em chạm thấu một khoảng nhỏ hồn anh…
Hãy cho em một góc nhỏ thôi trong tim người
trong tim người / một góc nhỏ thôi…
(“Lời Khẩn Cầu Vụng Dại”, Anh Bằng & BH)
Chỉ những ca sĩ có chất giọng riêng mới tạo được chỗ đứng riêng cho mình. Nhạc sĩ Anh Bằng thật tinh ý khi dành cho MelanieNgaMy, chọn hát những ca khúc trăn trở những nỗi niềm.
Cuộc chiến ấy là của chính họ
Được biết, những tình khúc này cùng với những ca khúc của người lính phơi trải tâm tình mình sẽ được trình diễn trong buổi ra mắt tác phẩm Their War (*) nói về cuộc chiến tranh Việt Nam, được tổ chức tại Langston Hughes Performing Arts Center (Seattle, WA) vào ngày Chủ Nhật 10 tháng 11 tới đây.
Tôi trông đợi ngày này, ngày trở lại hí viện này, nơi tôi từng bước vào để tham dự một sinh hoạt văn hóa của người Việt cách đây đúng 20 năm qua, cũng do Người Việt Tây Bắc thực hiện với Phạm Quốc Bảo, Ngô Mạnh Thu, Đỗ Tân Khoa, Tố Uyên…
Điều trùng hợp lý thú, tác giả Their War cũng đã hoàn tất tập sách này trong năm ấy, để rồi mãi đến hai mươi năm sau mới chính thức phát hành. Hai mươi năm, con số ấy dài bằng cả chiều dài cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam-Bắc. Biết bao nhiêu đổi thay, và Báo Người Việt Tây Bắc hẳn cũng đã chọn hí viện này cho buổi ra mắt Their War như chiếc bánh sinh nhật ý nghĩa đánh dấu 34 năm ngày thành lập tuần báo này ở tiểu bang Washington.
Tác giả Their War là Julie Phạm, người Mỹ gốc Việt, định cư và làm việc tại Seattle. Thân phụ cô là một cựu quân nhân trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Như mọi sĩ quan khác, sau tháng 4/1975 ông bị lùa vào trại tù “cải tạo”. Ra khỏi tù, ông tìm mọi cách đưa cả nhà vượt biển, khi bé Julie Phạm (Phạm Hoài Hương) chỉ mới hơn một tháng tuổi (40 ngày), và đặt chân đến miền đất tự do này năm 1979.
Không rõ từ lúc nào, cô bé Julie Phạm luôn muốn tìm hiểu về cuộc chiến tranh đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng người Việt và cả gần 60 ngàn người lính Mỹ. Cô luôn trăn trở về cuộc chiến mà thân phụ cô và biết bao đồng đội đã cầm súng chiến đấu, đã hy sinh hay đã tù tội, đã liều chết bỏ nước ra đi. Dẫu sao cuộc chiến tranh- sau cùng đã đưa cô đến đất nước này. Câu thơ của một người phụ nữ tỵ nạn, từ bao năm nay vẫn cứ theo cô, như một nỗi ray rứt, dằn vặt không nguôi.
Không ai muốn mang con mình vượt biển khơi mênh mông
Nếu không phải vì lênh đênh trên sóng
vẫn an toàn hơn ở lại đất liền
Bìa sách Their War và tác giả, Julie Phạm
Tìm kiếm sự thật về một cuộc chiến tranh giữa một rừng tài liệu gồm phim ảnh, sách vở, báo chí… được viết ra từ phía bên này hoặc bên kia cuộc chiến thật không dễ dàng chút nào, lại dễ dẫn đến những nhận thức sai lạc do những dụng ý tuyên truyền xuyên tạc. Chính điều này đã thôi thúc Julie Phạm bằng mọi cách tìm đến các nhân chứng sống, những người đã trực tiếp tham gia vào cuộc chiến nghiệt ngã ấy. Cô đã dành ra hơn hai năm để lặn lội đến nhiều tiểu bang, tìm đến những cựu chiến binh Việt Nam đang tỵ nạn tại Hoa Kỳ để được nghe họ kể về cuộc chiến ấy (qua Oral History) và đã miệt mài ghi chép, thu âm nội dung những cuộc tiếp xúc này.
Their War, tác phẩm viết bằng Anh ngữ, là một tổng hợp đến hơn 40 cuộc phỏng vấn, trò chuyện với những người lính miền Nam ở mọi độ tuổi, mọi cấp bậc từng lăn lộn chiến đấu trên khắp các mặt trận. Chính họ, chính những người lính ấy chứ không phải bất cứ ai khác, mới là tiếng nói trung thực phản ảnh đúng đắn nhất về cuộc chiến mà họ từng đổ xương máu để bảo vệ từng tấc đất quê hương mình. Họ kể lại thật rành rọt và sống động về cuộc chiến của chính họ, đúng như tựa của tập sách ấy. Họ kể lại với vẻ trầm tĩnh, không chút oán hận hay đổ lỗi cho bất cứ ai, không khoác lác hay bêu xấu, bôi nhọ phía bên kia, là cách mà “bên thắng cuộc” vẫn làm. Chỉ điểm ấy thôi cũng đủ nói lên tính nhân bản của người lính miền Nam.
Their War là bức tranh toàn cảnh cho người xem một cái nhìn khách quan về một cuộc chiến dưới mọi góc độ cùng với những nhận định, phân tích và đánh giá đúng đắn từ những người có tư cách, có thẩm quyền nhất để nói về cuộc chiến ấy.
Hoàn tất năm 1999 khi tác giả còn là cô sinh viên ở độ tuổi đôi mươi, tập sách được đánh giá cao và được giải thưởng danh dự “Outstanding Undergraduate Research Showcase” của Viện Trưởng Đại Học UC Berkeley. Tốt nghiệp Tiến Sĩ ngành Sử học tại Cambridge University năm 2007, Julie Phạm được mời giảng dạy về khoa Sử tại Đại Học Berkeley, là nơi cô từng theo học và nơi tác phẩm “Their War“ từng được trưng bày suốt năm trong niên khóa 2000-2001 tại trường.
Trả lời câu hỏi động lực nào khiến cô đầu tư nhiều thì giờ và công sức cho tập sách này, Julie Phạm nói cô muốn tìm hiểu đâu là sự thật và muốn trả lại lẽ công bằng cho những người lính dũng cảm miền Nam trong cuộc chiến đấu cam go và chính nghĩa. Cô cũng bộc lộ những chia sẻ tâm huyết là muốn gửi tập sách này đến mọi đối tượng người Việt và người nước ngoài muốn hiểu rõ về chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là những người trẻ trong và ngoài nước để có được nhận thức đúng đắn về cuộc chiến này.
Nơi phần mở đầu tập sách, tác giả trân trọng dâng tặng tác phẩm này đến “Các cựu quân nhân QL/VNCH và tất cả những ai từng tranh đấu không mệt mỏi cho tự do, dân chủ và nhân quyền…”.
Vì sao mãi đến hai mươi năm sau tác phẩm này mới chính thức được ấn hành và phổ biến? Nhà văn Phạm Quốc Bảo, một người bạn thiết của song thân Julie Phạm cho biết, chỉ vì chút lòng khiêm tốn của tác giả, tập sách nằm im lìm trong bao nhiêu năm cho đến khi được sự thúc đẩy của những người thân có cơ hội đọc qua, để có buổi ra mắt sắp tới đây.
Julie Phạm hiện là Vice President đặc trách Community Engagement & Marketing của hiệp hội WTIA (Washington Technology Industry Association), và là Phối Trí Viên của Hiệp Hội Truyền Thông-Báo Chí Gốc Thiểu Số, WA (Sea Beez). Cô còn là thành viên ban quản trị /giám đốc và cũng là Tổng Thư Ký (Managing Editor) của Người Việt Tây Bắc, tờ báo quen thuộc của cộng đồng người Việt từ 1986 có bề dày “hoạt động liên tục” lâu năm nhất ở tiểu bang Washington, còn tiếp tục đến ngày nay. Khi mạnh dạn chia sẻ trách nhiệm điều hành cùng cả gia đình. Julie Phạm nhận ra rằng bước đi ấy mang tính biểu tượng cho sự tiếp bước của hậu duệ những người lính cũ…
Bên cạnh cô lúc này là những cộng sự viên trẻ trung, năng động và giàu sáng kiến trong các lãnh vực thời thông tin hiện đại, những bạn thành công trong thương mại, công quyền… Những bạn trẻ cùng một chí hướng và đều trưởng thành sau cuộc chiến. Tất cả, như những bước chân đồng hành, rộn ràng theo nhau lên đường đi xây lại những giấc mơ chưa thành tựu của những người đã nằm xuống cho một thế hệ ngày mai tươi sáng hơn.
Con tim chân chính không bao giờ biết đến nói dối…
Như câu hát quen thuộc trong bài hát “Đêm Nguyện Cầu” của nhạc sĩ Anh Bằng, những Julie Phạm, những bạn trẻ hôm nay là những “con tim chân chính” luôn khát khao tìm đến chân lý. Họ yêu chân lý và tự thấy có trách nhiệm phải vén những bức màn sự thật bị che khuất. Họ đương đầu với mọi thử thách, mọi giả trá, lọc lừa và những bất công còn tồn tại trong cuộc sống. Họ không lùi bước, không bỏ cuộc. Nói như tác giả Their War, đấy cũng chính là cuộc chiến của họ.
Lê Hữu
(*) Sách Large Prinrt (7in x 9in) có bán trên Amazon hoặc qua Người Việt Tây Bắc 6951 ML King Way S. #205 – Seattle WA 98118: