Ăn cái sự nhớ
Quốc Bảo
“Ai bột khoai đậu đen nước dừa đường cát…”
Kết câu rao mà bằng một vần trắc như vậy, là hệt câu hát Bội. Cô bán hàng tốt giọng, không cần gân cổ gồng vai mà tiếng rao vang lồng lộng khắp con hẻm. Tiếng rao rành rọt, trong vắt, ngân nga như hát, mà không đanh đá cá cày, không chua loét xoi xói vào não như Céline Dion. Bấy giờ, Céline Dion mới lên ba, còn bi bô bập bẹ, hẳn giọng cũng ít chua hơn sau này “đi-va” đi viếc. Bấy giờ, là năm 1973. Tôi nằm vắt chân chữ ngũ trên gác đọc Vô Gia Đình của Hector Malot, mẹ tôi ngồi bàn viết chấm bài học trò, những cuốn vở bìa bọc cùng màu chất nghễu nghện, thời ấy mỗi lớp phải đến trên năm mươi trò, chăn dắt lũ con trai thò lò mũi xanh mỗi ngày đều như vắt chanh như vậy suốt quãng đời cô quả, tôi cứ sợ mẹ tôi bệnh phổi. Bà tôi đang lúi húi rửa bát dưới nhà.
Je suis un enfant trouvé. Hà Mai Anh dịch, tôi là một đứa trẻ bị bỏ rơi. Tôi không phải enfant trouvé và tôi đang thèm chè bột khoai đậu đen nước dừa đường cát. Tiếng rao lanh lảnh ngân nga như chuông trong buổi tối mưa lạnh làm tôi quên ngay ông Vỹ-Tiên (Vitalis) con khỉ Hảo-Tâm (Joli-Cœur) với lại cậu bé mồ côi Lê-Minh (Rémi) phải theo gánh xiếc sinh nhai của Hector Malot phiên bản Việt Hà Mai Anh. Tôi cũng mồ côi nhưng không theo gánh xiếc và tôi vùng dậy trong bộ pyjama thùng thình chẳng phải muốn làm công tử Bạc Liêu mà vì mẹ tôi bắt mặc tránh muỗi. Tôi nói vọng xuống nhà dưới, bà ơi bà gọi cô bán chè không cô ấy đi mất.
Chè bột khoai và chè đậu đen là hai thứ khác nhau, mỗi thứ mỗi nồi một bên quang gánh, bên nào cũng chất than hồng dưới đáy nồi để chè luôn nóng sực bất kể đêm mưa gió lạnh lùng. Tôi chạy ù xuống nhà, ngón tay móc vào hai cái quai ly, tôi muốn nói hai cái ly mỗi ly một quai. Ly là ly nhựa có nắp đậy, một cái màu xanh lá cái kia hồng, cùng kiểu đúc thót dưới đáy rồi mới phình ra làm đế, từa tựa ly uống rượu. Bộ ly này tôi dùng cho đến mười tám tuổi, nhựa sờn hết mới thôi. Chẳng ai ăn chè nóng trong ly cả, nhưng mẹ tôi không cho dùng chén, sợ cầm trơn tay. Cô hàng chè đong đầy sóng sánh hai ly, tôi trả năm đồng bạc, tiền cắc đúc hình hoa thị, được bên bột khoai bên kia đậu đen. Tôi được dạy là phải mời người lớn, bà không ăn còn mẹ chỉ múc một thìa lấy lệ. Tôi hưởng trọn hai ly chè nóng hôi hổi, thơm lựng, ngon ngọt không gì hơn, được một buổi tối mưa nhớ hoài trong đời và được một tiếng rao hàng chẳng bao giờ thôi vang vọng.
Cuốn “Vô Gia Đình” tôi không đọc hết, hay đúng ra là không tự mình đọc hết. Một năm sau buổi tối ăn chè ấy, tôi vào nhà thương cắt amygdales, và mẹ tôi đã dành toàn bộ mấy ngày tôi nằm hậu phẫu đọc cho tôi nghe từ đoạn giữa truyện, chỗ con khỉ Hảo-Tâm bị sưng phổi chết, đến tận trang cuối cùng. Mẹ tôi cô quả ngày nào cũng sáng dạy tư ở nhà, chiều hò hét lũ học trò quỷ sứ ở trường, tối chấm bài trong những cuốn vở bìa bọc cùng màu chất nghễu nghện, đều như vắt chanh mấy mươi năm ròng, lại còn nuôi con nằm viện, đọc sách cho con nghe. Thế mà không bị bệnh phổi, đúng là Trời thương.
Những ngày dưỡng sức sau mổ, tôi thèm chè bột khoai [với lại] chè đậu đen nước dừa đường cát. Tôi rảnh rỗi, khỏe mạnh mà phải kiêng nói chuyện, muốn phát biểu ý kiến phải viết xuống giấy. Tôi buồn tay rút những tờ giấy thiếc trong gói thuốc Bastos Luxe của cậu tôi, bọc từng đồng cắc vào đó rồi lấy móng tay cào cho mặt đúc nổi đồng tiền in lên giấy, thế là thành mấy đồng bạc giả, đem nghịch chơi. Đồng năm đồng uốn éo hoa thị xem ra giống nhất. Tôi đinh ninh rằng những đồng bạc tự chế ấy đem xài được, dư sức mua báo Thiếu Nhi với lại Thằng Bờm. Trên đường cậu tôi chở đi tái khám, ngang nhà thương thuốc chó, đây là học cụ Vương Hồng Sển gọi Viện Pasteur vì ai bị chó cắn đều phải đến tiêm ngừa dại, tôi nằng nặc (khám xong là được bác sĩ cho phép nói trở lại) đòi ghé sạp báo xê xế Phở Hòa mua báo Thiếu Nhi bằng tiền… giả. Chuyện thật một trăm phần trăm, tôi thề. Hương hồn bác Khai Trí Nguyễn Hùng Trương có đọc thì bỏ qua cho cháu, cái thời trẻ nít ngô ngọng ấy.
Chè bột khoai hình như nguyên liệu chính là bột khoai khô bán sẵn ngoài chạp phô, thêm phổ tai hay nấm mèo xắt sợi, một ít đậu phọng để nguyên hạt, cho va ni cho thơm và nước cốt dừa nấu chung cho béo. Chè đậu đen còn dễ hơn nữa, chỉ việc ninh đậu cho nhừ trước khi bỏ đường, còn nước dừa khi ăn mới rưới lên mặt. Thế mà mấy mươi năm nay tôi chưa ăn chỗ nào thấy ngon bằng nửa – chứ nói gì tới bằng được – gánh chè cô hàng có giọng rao trong vắt ấy. Hồi bé tôi không hảo ngọt (hình như sau này lớn thì có?) nên chè đỗ xanh, chè trôi nước, chè chuối ở nhà nấu chả bao giờ quyến rũ nổi tôi. Hầu như không ăn nên chưa biết cái cảm giác các cụ gọi là “no xôi chán chè” ra làm sao, chỉ nghiện mỗi cô hàng chè tốt giọng, và phải là một đêm mưa rả rích có mẹ chăm chú chấm bài và bà rửa bát ở sàn nước dưới nhà. Chắc là phải có gánh xiếc ông Vỹ-Tiên nữa thì chè mới đầy đủ hương vị.
Hóa ra ăn chè không chỉ đơn thuần là ăn chè. Hay là, ăn không đơn thuần là ăn. Ăn chỉ là một mảnh trong cả bức tranh nhớ.
Ăn, là ăn cái sự nhớ đó.
Tôi cũng bắt chước gieo vần trắc cuối câu mà không thành câu hát Bội.
Quốc Bảo