Anh tôi thích chơi cây từ nhiều năm nay. Trong vườn của anh có đủ mọi thứ cây. Chị tôi thường hay cằn nhằn: vườn nhà anh trông giống như cái rừng, chỗ nào trống là cấy bất cứ thứ cây nào vào đó.
Chúng tôi thường tới thăm anh chị một hai lần trong năm, nhưng anh chị thường hẹn những dịp thuận tiện khi sau Tết, lúc cây cối trong vườn trổ bông hoặc vào những ngày muà thu, khi cây cối của anh chị tôi vừa hổi tỉnh lại sau những tháng nóng bỏng của Houston mà anh chị thường gọi là cái đất ‘khỉ ho cò gáy’.
Để chứng minh anh thường nói: những người từ Cali thường hay mời anh chị sang chơi, vì cảnh đẹp, nhưng cảnh có đẹp thực với những quyến rũ của chúng, còn nơi đây ít ai tới. Mỗi lần nói tơi là ai phía bên đó cũng sợ cái nắng nóng bỏng.
Có lần nghe anh kể: khi mới tới định cư tại xứ này, vào mùa hè thì ôi thôi: khí nóng bừng bực bốc lên từ những ống cống, không khác gì khi ở Sàigòn,buổi trưa hè đi qua ống cống xông lên mùi oi bức không thể chịu được.
Hình như những gì hay, những gì đẹp thì nó ở đâu ấy!, không thấy ở xứ sở này. Cộng đồng người mình cũng thế: đông nhất ở Cali, những người đẹp, nhạc sỹ, thi sỹ, văn sỹ. Cũng vì người mình thích qui tụ với nhau ở một nơi, cái gì qui tụ vẫn tô đậm những vẻ tinh hoa của nơi đó, cái văn hoá của một lớp người di dân như chúng ta cũng thế.
Đó cũng là nhận xét của đa số quần chúng. Anh kể: anh cũng đã ỡ Cali ba năm, cũng đi làm, cũng đi ngao du đây đó, nhưng tính anh thích chạy ngược chạy xuôi, tới một lúc hết chạy nổi, anh dừng chân ở đây và chọn nơi này làm quê hương.
Ba mươi mốt năm dừng chân tại đây, sau khi công ăn việc làn ổn định, con cái đi học đều hoà lại thì đời anh cũng phải trải ra trên một môi trường mà tạo nên cảnh sống cho chính mình và cho những người liên hệ, cho thân nhân, cho bạn bè.
Anh kể lại, ngày rời Cali về Texas, cô em gái khóc ròng như cha chết, vợ chồng ông bạn ngồi một đống không biết nói sao lời từ biệt. Anh ngậm ngùi ra đi.
Một tuần lễ trước khi đi xa, người em gái vừa tạo được căn nhà xinh xắn, Anh mua đủ mọi loaị cây từ kè, tới bông giấy, tới lựu, những cây xanh che bóng bên thềm. Sau khi hàng cây vừa cấy xuống, khung cảnh trở nên mượt mà quyến rũ. Anh an ủi người em: khi nào nhìn cây là đủ để nhớ đến anh, như thế là đủ. Có người bảo anh tôi: đi đâu anh cũng cấy cây nọ cây kia, mà thực như thế ai mà quên anh được.
Thập niên sau trở về Cali thăm anh em bà con. Anh ngỡ ngàng thấy mọi cảnh vật thay đổi nhiều quá : thành phố khang trang, cây kiểng khác nào đi vào những nơi thắng cảnh của xứ phù tang. Buổi chiều khi trở lại thăm vườn cũ của cô em. Anh thấy thú vị : cây bông giấy lúc này trông đẹp quá. Thân to bằng bắp vế, những cành đen nâu xậm mọc chằng chịt quanh tường, luồn vào những khúc gỗ dưới mái. Những cành hoa giấy mầu tím ôm chặt vào căn nhà diễm lệ. Cánh bông rơi đầy trên lối đi, trên thềm. Anh bước nhẹ trên những cánh bông đó, rón rén vì sợ mình quá tàn nhẫn đạp lện trên bức thảm đầy hoa yếu ớt ấy. Cô em nói nhỏ : Anh có nghĩ rằng , những cành hoa xậm mầu nâu này mọc chằng chịt, có lúc em tưởng chừng cánh tay anh đang ôm lấy hai vợ chồng em cả những lúc cuộc đời đầy sóng gió. Cứ nghĩ tới đó là em lại lên tinh thần, sống can đảm hơn, sống vững chãi hơn ! ..
Khi rời Cali, anh tôi bỏ lại người bạn đã học lâu năm ở Văn Khoa với nhau. Bạn của anh tôi có cử nhân Hán Học. Khi di tản, anh mang theo đầy đủ những sách cần cho việc tìm kiếm và xây dựng lại một nền văn hóa Việt nam. Việc làm và mộng ước của anh cũng giống như bất cứ những bậc thức giả nào rời quê hương sống nơi hải ngọai. Bạn của anh tôi cũng như những nhà văn, những bậc thức giả khác, ai mà chả có cái tâm với nền văn học nứơc nhà. Anh ở trên một khu chung cư tại Los Angeles. Khu chung cư được xây cấy có nhiều cấp bậc cao thấp khác nhau.
Một hôm anh tôi tới thăm bạn, khi nói về việc làm văn hoá tại đây. Anh tôi rất tán thành với ý định đó. Thế nhưng anh tôi nói : bạn là con thày thuốc bắc, cả dòng họ làm nghề này từ Bắc vào Nam, rồi bây giờ sang đây nữa, nghĩ thật thuận chiều. Anh tôi thấy trên cao nhất cuả khu chung cư có ba đơn vị gia cư. Anh nói với bạn : “này bạn, tôi có ý nghĩ như thế này: chúng ta thuê cả ba căn trên nơi cao nhất này, căn giữa để tượng Phật, căn bên cạnh phò một thày đến lo phật sư, bên kia hai chúng ta mở phòng mạch bốc thuốc cho thiện nam tín nữ, cho chúng sinh”. Người bạn của anh tôi nhìn trừng trừng trả lời: “ông bạn không nghĩ tôi đã đi học thuốc tây, rồi bỏ cuộc, bây giờ trở về làn nghề thuốc bắc, người ta cười vào mặt cho chứ “.
Anh tôi nói cho bạn: cứ nghĩ thế thì chúng ta không làm được gì hết, kìa ông bạn của chúng ta trước ở nhà làm trưởng ty quan thuế, nay đi bốc thuốc bắc, thì đã sao. Anh tôi quả quyết: “bảo đảm bạn hơn anh chàng kia nhiều đấy“. Cái lý luận của những bậc thức giả như bạn của anh tôi không thể thành công ở xứ sở này. Anh tôi lại kể chuyện lập an, thỉng thày về làm việc Phật sự với một số bạn lúc đó học cùng lớp ở California. Cả thập niên sau, một vị trong lớp của anh tôi đã nghe anh tôi kể chuyện, anh này đã làm dự án lập am, thỉnh thày về, thế là anh bạn này đã thành công. Anh ta có tới hai ngôi chùa được tổ chức y hệt như dự án anh tôi đã nói với người bạn thức giả kia.
Bạn của anh tôi đã học mấy khóa làm nhà in, bây giờ nghề nghiệp đã vững, ông bắt tay vào việc. Ông nói: “mọi chuyện điều hành là ở cậu đó “. Anh tôi ư hự, trao cho bạn năm trăm dollars làm vốn.
Anh tôi bỏ California vào cuối tháng tám, muà bão tố ở đây. Năm 1979, anh tôi đã học được bài di tản mau lẹ. Bão lụt hoan hỉ đón gia đình anh tôi. Anh cắn răng chịu, “chẳng cái dại nào bằng cái dại nào”!
Ít tháng sau vào cuối năm 1979, anh tôi nhận được hai mươi cuốn báo Văn Hiến số một (tập san văn hóa xã hội) của người bạn gửi từ Cali sang. Khổ báo trông gọn gàng bằng khuôn khổ bình thường 5.5 x 73/4 như tất cả sách khác, bìa hình mầu tím có tranh của Tú Duyên vẽ cảnh chị em Kiều đi du xuân với : chủ đề Tửơng Niệm Đại Thi Hào Nguyễn Du. Bài vở đầy đủ về Nguyễn Du tiên sinh. Vị đại diện có tên trên trang 2: cụ Đào Đăng Vỹ, người phụ trách điều hành, Phạm Biển Thước, bạn anh tôi.
Ban biên tập gồm nhiều bậc thức giả như cụ Bùi Kỷ, tựa đề truyện Kiều (Chu Mạnh Trinh), thân thế sự nghiệp và tâm tình của Nguyễn Du do cụ Lê Xuân Giáo, người hàng xóm của bạn anh tôi, lâu lâu các anh lui tới thăm viếng. Cũng nên kể thêm tên cụ Đào Đăng Vỹ, GS Trần Ngọc Ninh, Nghiêm Xuân Hồng,, Nguyễn Ngọc Huy, Bùi hữu Sủng v. v..đủ mọi khuôn mặt đáng giá trong nền văn học Việt Nam đã di tản sang đây. Anh tôi nghĩ nếu có ai viết về chuyện Kiều, không thể nào hơn được những điều các cụ viết trong tập Văn Hiến này.
Sau đây là bài mừng Đặc san Văn Hiến do cụ Hồng Liên Lê Xuân giáo cũng là để tưởng nhớ đến một vị lão thành yêu văn hoá:
Đặc san Văn Hiến mới ra đời
Mừng báo nay xin có mấy lời
Hào khí bay tràn muôn dặm tuyết
Hùng tâm rung động mấy ngàn khơi
Việt Nam muôn thuở thêm bền vững
Văn Hiến ngàn năm vẫn sáng ngời
Chúc báo ngày ngày thêm lớn mạnh
Tiếng vang dội khắp bốn phương trời.
Chiều ý bạn, anh tôi đưa tới chợ khá nổi tiếng ở Houston, sau này biết được ông chủ không bao giờ hoàn lại những khoản tiền cho những người trao hàng cho ông, cả cộng đồng đêù biết việc này. Anh tôi thương bạn đã cố gắng nhiều để gom góp bài vở của những bậc thức giả, khởi đầu công việc xây dựng lại nền văn hoá Việt Nam nơi hải ngoaị
Ít lâu sau, nghe nói bạn anh tôi mời một người khác cộng tác, thay thế cho anh tôi đã được dự đoán trong đầu của bạn anh tôi. Toà soạn có nhà in đàng hoàng, nhưng không thấy số báo thứ hai. Sau này nghe tin người bạn đó đã đưa nhà in lên miền bắc. Bạn anh tôi buồn vì anh tôi đã đi xa. Tờ báo chết yểu! tài sản bị tiêu tan : tin bạn ‘mất vốn’.
Như đã nói, khi tới lập nghiệp ở đây, gia đình anh tôi phải đương đầu vơí giông tố, bão lụt. Nổi đình đám hơn hết là bão Alicia. Khi radio của thành phố báo động, người dân tại đây đổ xô ra đường. Lúc đó mưa như đổ trút nước xuống. Đường ba lanes biến thành năm, cộng thêm hai feeder hai lanes thành ba. Thế mà xe chỉ đi được từ năm tới mười dặm một giờ. Ra đường từ bảy giờ tối, mãi năm giờ sáng gia đình anh tôi mới tới được Hantsville, cách Houston trên một trăm dặm. Đoàn người được hồng thập tự dẫn vào khu trường học gần đó.
Chăn chiếu đã có sẵn, càfé, bánh ngọt đầy đủ. Anh em quen thuộc trong lối xóm qui tụ lại một phòng của lớp học.Nhân cơ hội này, anh tôi lại bắt đầu có những liên hệ mới, quen cả một gia tộc của người đàn anh cùng trường thuở xa xưa, cùng cư ngụ trong lối xóm. Thế là sau đó các gia đình lại thân thiện. nối tình đồng hương trong mọi sinh hoạt vào cuối tuần hay trong những dịp lễ lớn..
Cách đây trên thập niên, Một người bạn tới thăm anh tôi, nhìn những cây kiểng mượt mà, bạn tôi lắc đầu: “tôi biết anh đang hướng về một lối sống khác, anh đã dừng chân lại”.
Dừng chân lại có thể là tránh những hoạt động ồn ào để đi vào im lặng, để có thì giờ ngồi thiền nhiều giờ, để có thì giờ nhìn từng cánh hoa, từng búp măng đang nẩy mầm trong vườn.
Cái tật đi đâu cũng thế thôi, anh tôi tìm tới những chỗ ít ồn ào, dăm ba người ngồi nói chuyện với nhau bên chén trà đầy hương thơm. Ở nơi đất xa lạ này, anh tôi cũng có những người bạn. Khi xưa anh tôi nên người vì anh chơi với những người lớn tuổi để học khôn, nay lớn tuổi anh chơi với những người bạn trẻ để lấy lại sức sống.
Qua nhiều thập niên, thành phố này cũng đón nhận nhiều bậc thức giả. Thế là những chuyện văn học, báo chí. Tất cả những vẻ đẹp lại bắt đầu thăng hoa. Anh tôi lại có dịp chơi với nhựng người bạn ưa làm văn hoá.
Một buổi chiều thu, anh tôi mang theo một chậu hoa đậu tím cho vợ chồng bạn văn. Do bàn tay khéo léo của ngừơi chồng, giàn hoa đã trở nên tươi tốt leo trên những khung gỗ, luồn lọt vào những chiếc xà trên mái nhà. Người vợ cảm thấy những rung cảm cho hồn thơ mỗi khi ngồi một mình bên phiá hiên nhà. Những khi rảnh rỗi vợ chồng cảm thấy thoải mái ngồi nói chuyện bên hang hiên. Dàn đậu nở hoa sau những cơn lạnh nghiệt ngã làm chết đa số cây trong vườn.
Cuối tuần qua, anh tôi tới thăm một cặp vợ chồng bạn văn với anh. Ngồi dưới giàn hoa đậu tím, cành cây chen nhau mọc lả lưót với những chùm hoa quyến rũ, anh tôi cảm thấy tâm hồn thỏai mái, tâm tình anh với bạn bè thân thiết như thế. Chén trà thơm khói bay như quện vào tâm tình cặp bạn trẻ. Anh đang tìm lại những liên hệ tạo nên sức sống của con người.
Trần Khánh Liễm