Hà Nội.- Một tựa lớn trên tờ báo địa phương ở đây dường như đã nói lên tất cả: “Phương Pháp Chính là Sử Dụng Tình Yêu.” Bản tin nói về những hoạt động buôn bán phụ nữ và trẻ em dọc biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Một trong những “cách yêu đương” diễn ra như thế này: Một người đàn ông ở thành phố quyến rũ một cô gái trẻ ở thôn quê, rồi sau đám cưới đưa cô sang Trung Quốc. Khi đến nơi, tuần trăng mật biến thành dịch vụ mua bán nô lệ; chú rể bán cô dâu ngây thơ cho một động điếm, rồi biến mất.
Hay có thể là “cách yêu gia đình”: Góa phụ nghèo, sau khi ông chồng nông dân qua đời trong một tai nạn, bèn quyết định bán con gái. Chuyến du ngoạn Trung Quốc mà cô gái tưởng là để mua sắm quần áo mới biến thành cơn ác mộng. Cô bị bán cho nhà điếm rồi sau đó bị bán lại cho một lão già để làm “ấu thiếp.” Trong cả hai trường hợp, nạn nhân bị đẩy êm vào cái bẫy của tình yêu và chữ hiếu. Đối với các cô gái trẻ này, lý lẽ chính trong đời họ là sự phản bội.
Tuy nhiên, sự phản bội không chỉ giới hạn trong việc buôn bán phụ nữ và trẻ em nay đã thành nạn dịch. Đúng ra, nó đã trở thành câu chuyện của chính Việt Nam. Các triều đại vua chúa thịnh rồi suy, thực dân đến rồi đi, nội chiến đã diễn ra, sinh mạng và đất đai bị tàn phá, nhưng đề tài chính: chuyện bị lừa phỉnh, bị phản bội, vẫn tiếp tục đóng khung lịch sử đất nước Việt Nam. Dĩ nhiên, có nhiều cách bị phản bội.
Ba mươi lăm năm trước, quân đội miền Nam Việt Nam bị Hoa Kỳ bỏ rơi, vũ khí tiếp viện giảm đến mức chỉ còn vài viên đạn cho mỗi binh sĩ lúc chiến tranh gần kết thúc, trong khi xe tăng của Cộng sản Bắc Việt tiến dần về phía Nam. Tuy thế, sự phản bội không chỉ giới hạn cho những người thua trận. Nó đã diễn ra còn mỉa mai hơn ngay trong hàng ngũ những người được coi là thắng trận. Việt Cộng – lính du kích của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam – nhanh chóng nhận ra rằng họ đã không thực sự “thắng” khi Sài Gòn mất.
Trong mấy tháng, đơn vị của họ bị giải tán hoặc sát nhập vào các đơn vị dưới quyền chỉ huy của Hà Nội, giới lãnh đạo miền Nam của họ bị buộc phải về hưu. Mặc dù về mọi mặt, họ bị thiệt hại nhiều nhất, Việt Cộng nhận ra mình bị mất quyền tự trị và cuối cùng phải tuân phục giới lãnh đạo miền Bắc. Nhận định bất hủ của Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa (trí thức theo cộng sản sau phản tỉnh lại và bị chế độ đối xử tệ bạc) là: ”Trong chiến tranh, chúng tôi sống gần nhân dân, sống trong lòng nhân dân. Ngày nay, khi quyền lực nằm an toàn trong tay rồi, đảng đã xem nhân dân như là một kẻ thù tiềm ẩn”.
Và khi nhận định về bức tường Bá Linh, Bà nói: ”Đây là ngày tàn của một ảo tưởng vĩ đại”. Blog Truong Sa Nhưng rất nhiều viên chức Cộng sản Bắc Việt cũng không thoát khỏi tình trạng bị phản bội. Một người trong nhóm đối lập lưu vong được biết đến nhiều là Đại Tá Bùi Tín, sĩ quan cao cấp nhất từ Hà Nội vào Sàigòn lúc cuộc chiến kết thúc để chứng kiến cuộc đầu hàng chính thức của miền Nam Việt Nam. Bùi Tín đã bỏ Việt Nam sang Pháp hơn một thập niên sau đó. Nguyên nhân: ông đã mất tin tưởng vào chủ nghĩa Cộng sản thời bình, với những trại cải tạo và vùng kinh tế mới để trừng phạt miền Nam, cùng lúc bao nhiêu thuyền nhân bỏ mạng trên biển cả. Đây không phải là những gì ông chờ đợi trong trong chiến tranh khi miền Bắc quyết tâm “giải phóng” miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ.
Sách của Bùi Tín, “Theo Chân Hồ Chí Minh: Hồi Ký của một Đại Tá Bắc Việt” (“Following Ho Chi Minh: Memoirs of a North Vietnamese Colonel”) và “Từ Thù Thành Bạn: Cái Nhìn của Người Miền Bắc về Chiến Tranh Việt Nam” (“From Enemy to Friend: A North Vietnamese Perspective on the War”) trở thành bằng chứng hùng hồn về tham nhũng và ngạo mạn của chính quyền Việt Nam, kèm với lời kêu gọi khẩn thiết về dân chủ.
Ngay cả Hồ Chí Minh, cha già của Chủ nghĩa Cộng Sản Việt Nam, cũng không thoát khỏi bị phản bội. Theo vài người ở Việt Nam biết rõ “thâm cung bí sử” của Đảng, Bác Hồ kể như đã bị quản thúc tại gia trong những năm tháng cuối đời, người yêu của Bác bị giết và các con của Bác bị bắt đi biệt tăm. Đây là những sự kiện mà nhà văn Dương Thu Hương, hiện sống lưu vong, đã viết trong “Đỉnh Cao Chói Lọi” (Au Zénith), một cuốn tiểu thuyết dựa trên tiểu sử không chính thức về những năm cuối đời của Hồ Chí Minh. Chính Dương Thu Hương cũng đã thấm kinh nghiệm bị phản bội. Xuất thân là thành viên lữ đoàn thanh niên của phong trào Cộng sản, sau này bà bị quản thúc tại gia vì những tác phẩm chống chủ nghĩa Cộng sản, nhất là cuốn “Những Thiên Đường Mù.” Viên chức chính quyền gọi bà là “con đĩ phản động.”
Việt Nam trong thời hiện đại là một xứ sở của nhiều cực đoan, kể không khác gì viễn ảnh dystopia trong tác phẩm “Trại Súc Vật” (“Animal Farm”) của nhà văn George Orwell, nơi “mọi súc vật đều bình đẳng nhưng có một số súc vật bình đẳng hơn những súc vật khác.” Tham nhũng tràn lan, và, theo báo Asia Times Online, “chuyển nhượng đất đai đã trở thành vấn đề trầm trọng tại Việt Nam. Một số nhà quan sát tiên đoán rằng, cũng như tại Trung Quốc, vấn nạn thu hồi đất công sẽ đưa tới những bất an chính trị và làm tổn hại những phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.”
Mặc dù lý thuyết Mác-Lê vẫn còn được dạy trong các trường trung và đại học, những nông dân nghèo đã bị chính quyền lấy mất đất với giá bồi thường rẻ mạt, để giới uy quyền và giàu sang làm sân golf. Trong lúc phần đông các thiếu nữ con nhà nghèo và trẻ em ở những vùng nông thôn trở thành những món hàng bị mang đi bán ngoài biên giới, thường với sự giúp đỡ của giới chức địa phương, thì khu thành thị le lói với cảnh giầu sang mới, và những cao ốc tiếp tục mọc lên như nấm. Chẳng cần nhìn đâu xa ngoài thành phố Sàigòn. Những tấm bảng quảng cáo nước hoa Chanel và ví da Versace đã choán lấp mọi khẩu hiệu Cộng sản của thời đại cũ, với hình ảnh lãng mạn của giới công nông trong thiên đường xã hội chủ nghĩa. Những tiệm mát-xa chỉ cách bức tượng bán thân của Hồ Chí Minh có mấy bước ở giữa trung tâm Sàigòn, một thành phố đã được đổi tên, mang cái tên không phù hợp của người đã nổi tiếng là vô địch khắc khổ.
Mới đây, vào một buổi tối ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng thuộc Quận 7 Sàigòn, tại nhà hàng ba tầng cực sang Cham Charm, xây giống Angkor Wat với đá granit và nước chảy róc rách dọc hai bên cầu thang sáng bóng, người ta thấy những xe Mercedes và Lexus, có cả một chiếc Ferrari và một hay hai xe Rolls Royce dừng lại, với đám phó nhòm chụp hình lia lịa ở cửa vào nhà hàng. Đó là sinh nhật nữ danh ca Hồng Nhung, và các bạn giầu có – hầu hết có quan hệ với chính quyền đương thời – đã tổ chức tiệc mừng cho cô. Sâm banh tràn trề, rượu rót không ngừng, một bàn đầy ắp sò, sushi, và tôm hùm đãi 350 thực khách VIP.
Có một lúc, Hồng Nhung mời các “đồng chí” của cô– phần đông là những nhà triệu phú, hoặc hiện lấy triệu phú – lên sân khấu. Họ đồng ca một bài hát tuyên truyền của Cộng sản – một bài thuộc loại tiến lên đáp lời sông núi. Trong khi những người hầu bàn thắt nơ bưng sâm banh mời khách, máy chiếu ảnh cho khách xem những hình ảnh quá khứ của Hồng Nhung: một cô bé đang hát trong bộ đồng phục Cộng sản. Dĩ nhiên, không ai trong buổi dạ tiệc vàng son ca hát về chuyện phản bội lý tưởng, nhưng chuyện mỉa mai này quá hiển nhiên, tưởng như có thể múc được bằng cái thìa bạc.
Cách buổi dạ tiệc không xa, một nhạc sĩ đứng tuổi trong căn hộ tồi tàn của ông phát biểu với giọng chua chát, “Xã Hội Chủ Nghĩa đã biến thành Cơ Hội Chủ Nghĩa.” Trước đây ông rất gần gũi với Bác Hồ và phụng sự nhà lãnh tụ hết lòng, nhưng giờ đây, với sức khỏe suy yếu, ông thẳng thừng phê bình chính quyền Hà Nội. Ông rất đau lòng về chuyện Việt Nam đã nhượng phần đất giáp biên thùy phía Bắc cho Trung Quốc cách đây ba năm, cũng như chuyện chính quyền Cộng sản đã ký hợp đồng bạc tỉ để khai thác mỏ bau-xít ở vùng Cao Nguyên Lâm Đồng xanh tươi màu mỡ, hủy diệt hệ sinh thái trong quá trình phát triển.
Đáng lo hơn, quần đảo Trường Sa cũng đã rơi vào tay Trung Quốc, gây nguy cơ cho hải phận Việt Nam. Những cuộc biểu tình hiếm hoi đã xảy ra, nhưng cũng chẳng đi đến đâu. “Bọn cầm quyền là một lũ tham nhũng từ cốt lõi,” người nhạc sĩ già nhận xét. “Cả bọn chỉ cúi đầu trước đồng tiền. Ta mặc quân phục đi biểu tình. Thật thê thảm khi thấy chính quyền lừa gạt người dân năm này qua năm khác. Nếu đã cho tụi Tàu mảnh đất, kể như đã bán máu của đồng bào.”
Vì thế, trong một thế giới mà phương châm là “làm tiền là vinh quang” trong lúc mọi nền tảng luân lý đã sụp đổ, kể cũng không có gì khó hiểu khi người ta thấy cảnh mẹ bán con gái, chồng bán vợ, đất đai vun xới với máu, mồ hôi và nước mắt nhân dân bị chính nhà nước bán đứng cho ngoại nhân. Suy ra, trong một thế giới như vậy, chỉ có đám người bám víu vào những đức hạnh cổ xưa mới là kẻ bị thua thiệt nhiều nhất. Người ta kể lại rằng cô con gái bị mẹ bán cho nhà thổ, khi được cứu thoát, đã nói rằng cô không giận ghét bà mẹ. Cô phân bày với các nhân viên xã hội là cô sẵn sàng hy sinh cho gia đình. Ông nhạc sĩ già yêu nuớc, trước là con người đầy lý tưởng, bây giờ khóc tỉ tê trong giấc ngủ. Những nhà đối lập lưu vong thì chỉ biết đứng nhìn ái ngại cảnh tượng Việt Nam bị nuốt chửng bởi chủ nghĩa vật chất. Đám người còn lại cắm cổ chạy trối chết. Để được sống còn, phải theo luật mới: trước tiên và trên hết, phải học cách phản bội quá khứ.
Andrew Lâm.