LTS.- Nhân dịp tác giả Andrew Lâm biên tập của New America Media có mặt tại Seattle, giới thiệu tác phẩm tùy bút mới của mình là: East Eats West (Heyday: tháng Chín năm 2010) tại Seattle Central Library (Microsoft Auditorium) vào lúc 7 giờ tối thứ Hai 8-11-2010. NVTB đăng lại một đoạn như một ký ức đau đớn trước khi miền Nam rơi vào tay Bắc quân. Thân phụ của tác giả là một trong những tướng lãnh bị giam giữ từ những quyết định đột ngột của TT Nguyễn Văn Thiệu trong những giờ phút di tản tháng 4-1975. NVTB
Hai năm trước khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, anh tôi là sinh viên du học rời Sài Gòn đến ở trọ nhà người cô cùng với các em họ, trong thành phố Daly, phía Nam của San Francisco – hai năm, trước khi tôi và cả gia đình đột ngột đến gặp anh sau khi chúng tôi trốn thoát và trở thành dân tị nạn. Trong thời gian ấy, anh đã để dành trong một hộp chứa giày hơn chục lá thư của bạn bè và thân quyến gửi cho anh.
Cái hộp thư này bị di chuyển nhiều nơi rồi bị lãng quên cả mấy mươi năm, ẩn náu trong tủ chứa vật dụng trong nhà của bố mẹ tôi cho đến khi tôi gặp lại nó vào một buổi tối mùa hè khi tôi giúp bố mẹ tôi ném bỏ những vật dụng không cần thiết để dựng bảng bán nhà. Căn nhà của bố mẹ tôi bán được với giá đáng kể, trước khi nền kinh tế Hoa Kỳ bắt đầu suy sụp. Căn nhà có năm phòng ngủ ở ngoại ô giáp ranh phía Bắc của Silicon Valley, là giấc mơ tươi đẹp Hoa Kỳ của hai ông bà được hiện thực, cho đến lúc hai người trở nên già yếu quá không thể tự chăm sóc căn nhà được nữa. Gói ghém trong những bức tường và bờ rào là kinh nghiệm về cuộc sống ở Hoa Kỳ của chúng tôi – tiệc tùng, đám cưới, đám tang, những buổi nướng BBQ ngoài trời, và những cuộc cãi cọ đau lòng – nhưng khi căn nhà được bày trên thị trường, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, vì bán nó nhanh quá, nên chẳng phải làm việc gì ngoại trừ đứng cạnh nhà để chụp vài tấm ảnh làm kỷ niệm, rồi nhanh chóng lái xe đi. Bán nhà xong rồi tiếp tục cuộc sống của mình là chuyện bình thường rất Mỹ, nhưng tình cờ gặp lại cái quá khứ xa vời và không mấy hài hòa, của một kẻ nào đó, lại là chuyện khác. Điều này làm cho việc khám phá ra cái hộp chứa đựng đầy ắp những lá thư như tôi ví như, cảm tưởng của một nhà khảo cổ, khi khai mở một cỗ quan tài lại tìm thấy một xác ướp, giống y hệt ông ta.
Những lá thư này là của nhiều tác giả, nhưng phần lớn của mẹ tôi, chị tôi, và tôi. Tất cả đều được viết trên một mặt của tờ giấy mỏng màu xanh lơ. Mặt bên kia có in chữ, với con tem; khi gấp lại nó biến thành một phong bì mỏng manh. Giá: 150 đồng; so với đồng đô la của năm 1974, khoảng chừng 20 xu tiền Mỹ. Khi tôi bắt đầu đọc lại những lá thư này, cái cảm giác mất mát sâu đậm trở về và nó càng trở nên sắc sảo hơn theo từng trang thư cũ: một nếp sống đã biến mất, một gia đình đầy thương yêu bị đứt đoạn, một dòng dõi bị chia lìa sống rải rác khắp nơi, và một quốc gia điêu tàn; đầy thương tiếc.
Nhưng trên tất cả những điều vừa nhắc đến, tôi vô cùng kinh ngạc tìm lại một người tôi đã từng cho rằng mình hiểu hắn rất nhiều – cho đến khi tôi phải đối diện với hắn một lần nữa. Nét chữ Việt có vẻ tròn đầy nhưng buông lơi, gần như cẩu thả, và ngay lập tức tôi nhận ra là nét chữ của tôi (đến bây giờ vẫn chẳng khá hơn), nhưng chú bé viết những lá thư này là một kẻ khác – một kẻ tôi không quen biết, không chạm đến được không phải chỉ vì năm tháng đã qua, mà còn vì hắn chưa hề vượt qua biên giới, vẫn còn nói và nằm mơ bằng tiếng Việt, ngôn ngữ đầu đời của hắn.
Hắn vừa hoàn toàn thân thiết lại vừa xa lạ vô cùng. Thật ra, phải một thời gian sau – vài tháng – tôi mới có can đảm bắt đầu. Chắc chắn là tôi sợ hãi những điều tôi sẽ tìm thấy: một bản in của quá khứ không hòa hợp với những điều tôi đã nói và lập lại với nhiều người khác và cả với chính tôi về những năm tháng sống trên đất Mỹ. 12 tháng Mười Một, 1974: “Anh ơi, Mẹ nói em phải làm cho xong bài tập rồi mới được viết thư cho anh, vì thế hơi chậm thư. Ở bên ấy thì thế nào? Chú Phước bảo là anh có thể lái xe đi hằng chục cây số rồi hằng chục cây số nữa, hai bên đường toàn là cây ăn trái sẵn sàng cho người ta hái. Ai hái cũng được. Không có vấn đề gì. Đúng không?” 12 tháng Ba, 1975: “Anh ơi, anh đã thấy tuyết chưa? Anh có nhớ em không? Mợ Cúc vừa mới có một con chó. Nó dễ thương lắm! Em cũng sẽ có thêm một con, có lẽ chừng hai tháng nữa. Con chó này sẽ rất là đẹp.” Lá thư này được viết sáu tuần trước cái ngày định mệnh 30 tháng Tư năm 1975, khi chiến tranh kết thúc quá đột ngột lúc xe tăng của Cộng sản phá sập hàng rào sắt dinh Độc lập ở Sài Gòn; và đoàn trực thăng chở dân tị nạn cùng với các quan chức quân sự, bay ra những chiếc tàu của Hải Quân Hoa Kỳ đang chờ ngoài biển. “Bạn em bảo rằng phân nửa lớp của anh đã bị động viên. Anh của nó cũng sẽ vào quân đội!”
Một tuần sau tôi viết lá thư này, giọng vui vẻ lạc quan, chẳng để lộ chút gì lo lắng, hay nhận biết chiến tranh đang tiêu thụ cuộc đời của những người trẻ tuổi để làm nhiên liệu cho guồng máy của nó. Câu sau, chẳng liên hệ gì với câu trước nói về cái đam mê thời thơ ấu của tôi là sưu tập tem: “Em viết thư cho bác Thọ ở Đà Lạt để xin tem. Chưa có kết quả.” Tại sao tôi có thể suy nghĩ như thế chứ? Chiến tranh đang diễn ra bỏng rát vô cùng. Ngay cả trẻ con nhỏ tuổi hơn tôi cũng biết và bàn tán ở trường, và có một đứa còn nói đến việc tự tử khi Cộng sản vào Sài Gòn. Thế mà, tôi lại viết thư cho bác Thọ – anh của bố tôi, một Thiếu Tướng quản trị trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, được mô phỏng theo trường West Point của Hoa Kỳ – để xin tem, khi chính Đà Lạt cũng đang bị bao vây. Vài ngày sau khi tôi viết lá thư ấy cho anh tôi, bác Thọ đã phải cho nổ tung một vài phần của trường quân sự, nơi lưu trữ những máy móc quan trọng, để những máy móc này không rơi vào tay đối phương, và sau đó ra lệnh giải tán các quân sinh.
Rất nhiều người chết trong lúc chạy trốn ra khỏi Sài gòn, bị những chiếc xe tăng triệt thoái đè bẹp hay bị đạn pháo của Cộng sản giết chết. Mười một tuổi, tôi có vẻ kỳ khôi và liếng láu không nhận biết là cuộc đời của chính tôi bị gắn liền với diễn biến của thời cuộc. Một thời đại kinh hoàng và đại nạn, như một cơn sóng thần, sắp sửa bao trùm lên thế giới của tôi, sau khi cơn sóng qua, nó để lại những mảnh đời tan nát, và tôi có lẽ là đứa trẻ độc nhất có thể nói với vẻ liếng láu như thế. Thật ra, chẳng những tôi không có thêm một con chó, mà cả ba con chó mà tôi rất yêu thương, cùng với căn nhà tôi đã sống, láng giềng, người thân, bạn học, thầy cô, người giúp việc, và tối hậu, cả cái cách sống của tôi, đều bị tước đoạt khỏi tay tôi; hay nói cho chính xác, tôi bị tách rời ra khỏi những điều kể trên. Những lởi thư của tất cả mọi người đều hướng cái đại họa đang chờ. “Này Bạn, xin làm ơn nói với bố của Bạn, nếu Bạn có thể giúp tôi,” người bạn học Trung học với anh tôi đã nài nỉ trong một lá thư đề ngày 26 tháng Ba, 1975. “Bố của Bạn có thể dùng thế lực của ông để đưa tôi ra nước ngoài. Tôi sẽ nhớ ơn Bạn suốt đời.” Mặc dù anh cố gắng nói với vẻ bình thường và thản nhiên, người bạn của anh tôi không dấu được vẻ tuyệt vọng. Anh ấy, dĩ nhiên, cũng bị động viên.
Đoạn thư sau đây là của chị tôi trong một lá thư đề ngày 12 tháng Tư, 1975, đã báo trước đại nạn, nếu người nào hiểu chị sẽ thấy chị khôi hài dù không cố ý: “Phương (em hay chị họ) và em nói về tình trạng hiện nay thật là nguy ngập. Nếu Việt Cộng vào đến Sài Gòn, chúng em sẽ chạy ra ngoại ô, và từ đó chúng em sẽ cầm vũ khí và trở nên nữ kháng chiến.” Không thể nào tưởng tượng được chị có thể làm những việc này. Một thiếu nữ được nuông chìu, không chịu ăn thịt gà trong nông trại của gia đình tôi ở ngoại ô Sài Gòn chỉ vì chị đã nhìn thấy con gà lúc còn sống, là người được tài xế đưa đi đón về, rồi học đàn piano và học bơi ở Câu Lạc Bộ Thể Thao le Cercle, không biết nấu ăn hay tự giặt quần áo, làm thế nào biết cách dùng súng và có thể sống trong rừng trong bụi? Nhưng không thể nào chối bỏ được vẻ nghiêm trọng trong lời viết của chị, và khi cân nhắc mọi điều có thể xảy ra, những câu thư này biểu lộ nỗi tuyệt vọng. Và đây, ngày 2 tháng Tư, 1975, với nét chữ không đều khác hẳn nét chữ bình thường, để lộ sự lo lắng vô cùng, là một đoạn thư của Mẹ: “Tình thế thật là hỗn loạn. Mẹ hy vọng vì mình là người tốt chúng ta sẽ thoát khỏi tình trạng này.
Nhưng cho dù có việc gì xảy ra, cẩn thận nghe lời mẹ: Đừng trở về nhà! Ngay cả trường hợp con có nhận được thư của mẹ, hay của bố, cũng đừng tin vào đó. Thương con rất nhiều. Mẹ.” Bố, cũng chỉ triệt thoái khỏi Đà Nẵng trong đường tơ kẽ tóc, mới về Sài Gòn ngày hôm trước, đã tranh thủ viết một đoạn ngắn gọn trên giấy có in Cờ Ba Sao cũng có nội dung như thế. “Bố an toàn. Có chuyện gì đi nữa thì con cũng phải tiếp tục sự học của con. Nếu bố mẹ có bảo con về thì cũng cứ ở lại và tiếp tục học. Ở lại Hoa Kỳ nhé!” Cả cha mẹ tôi đều lo sợ là sau khi chiến tranh kết thúc, họ sẽ bị giới cầm quyền Cộng sản bắt buộc đứa con trai đầu lòng trở về – đứa con duy nhất đã trốn thóat. Tuy thế trong một lá thư đề ngày 30 tháng Ba, 1975, khi ấy chúng tôi vẫn không biết chắc chắn là bố tôi có sống sót và trở về từ Đà Nẵng, tôi, khi nghe tin anh tôi lúc bấy giờ đang làm việc trong siêu thị, đã viết: “Cẩn thận khi chất trứng, đừng làm vỡ nhé . Phim Quỷ Ám sắp sửa được chiếu ở đây. Dễ sợ lắm! Tạm biệt.” Tạm biệt thật.
Bởi vì đó là lá thư cuối cùng tôi viết ở Việt Nam, và rất có lẽ là lá thư cuối cùng tôi viết bằng tiếng Việt. Không mấy người có tuổi thơ bị chấm dứt một cách chính xác ngay vào ngày lịch sử, như là ngày chấm dứt cuộc chiến khốc liệt ấy, và rồi sau đó bị rơi vào cuộc sống lưu đày, nhưng đó là những điều đã xảy đến với tôi. Chiến tranh chấm dứt. Chúng tôi bỏ trốn. Và tôi nhanh chóng biến thành một người khác, hoàn toàn. Khi tôi đến Mỹ, tôi tự bắt tôi phải đánh mất trí nhớ. Chỉ vài tháng sau khi đến, tôi bị vỡ tiếng. Giọng nói đang từ trong trẻo biến thành khản đục thật nhanh chóng, và tôi một chú bé nói tiếng Việt biến thành một thiếu niên có giọng khàn khàn nói tiếng Anh ngập ngừng. Khi tôi trả lời câu hỏi của giáo viên bằng tiếng Việt, ngày đầu tiên đến trường, cả lớp òa vỡ vang vang, tiếng cười cùng với những lời chế nhạo.
Tôi nhớ cái cảm giác xấu hổ ấy đến tận cùng. Tôi cố gắng thấm nhập Anh ngữ để tôi không cảm thấy bị lạc loài. Mỗi ngày, mỗi đêm tôi thực tập phát âm những chữ mới. Tôi nhại những nhân vật trong các chương trình thoại kịch trên truyền hình và thuộc trọn vẹn cả những bài quảng cáo thương mại, và có thể đọc vanh vách những bài thơ bài vè như những câu kinh thần chú. Tôi ngốn ngấu sách truyện. Tôi hát những bài hát nổi tiếng của Mỹ trong chương trình Top Forty trên đài phát thanh. Vấn đề là, ở trong nhà, tôi không được phép nói tiếng Anh. Và cha mẹ tôi thường xuyên rầy mắng tôi vì việc này.
Có một ngày, anh tôi nói, nghiêm trang, “Mẹ và Bố đã bảo em không được phép lúc nào cũng nói tiếng Anh mà em chẳng vâng lời. Em đã làm vỡ dây thanh quản của em rồi. Đó là lý do em có giọng nói như vịt đực.” Bởi vì chẳng có ai để tâm giải thích cho tôi biết về chuyện con ong cái bướm, tôi hoàn toàn tin lời anh tôi. Tôi bị lừa như thế rất lâu, mãi cho đến khi một người bạn giải thích cho tôi biết bằng những chữ trắng trợn về tuổi dậy thì thì tôi mới hiểu. Tôi cũng nhớ là tôi mang hai dòng suy nghĩ: trong khi tôi buồn nhớ quê nhà, tôi lại thấy sung sướng vì việc nói bằng một ngôn ngữ mới đã thay đổi tôi như thế nào. Tôi đang ở cái tuổi mà phép ma thuật và thực tại còn có chung một biên giới bọng rỗng, và nói tiếng Anh thì giống như mình đọc những câu thần chú vậy. Ngôn ngữ mới của tôi đã thay đổi tôi từ bên trong đến bên ngoài. Chẳng phải là giọng nói, thân thể và hình dáng của tôi đã bị thay đổi sao? Đó cũng là lần đầu tiên tôi chú ý đến giọng nói của tôi.
Tôi lắng nghe chính tôi, cách tôi phát âm, quan sát hiệu quả của những câu nói của tôi ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Tôi thực tập nhiều đến độ khi tôi vào Trung học vài năm sau, tôi hoàn toàn không nói tiếng Việt nữa, và ít nhiều gì đó cũng đã gột bỏ dấu giọng Việt Nam trong khi dùng ngôn ngữ mới, và, đôi khi, giả vờ là mình được sinh ra ở Mỹ. Tôi còn đổi cả tên Việt thành tên Mỹ. Bỏ rơi lại phía sau trong mạng nhện và bụi bặm là chú bé có cái tên Việt Nam, người ngồi viết những lá thư này. mơ mộng những cuộc phiêu lưu trong xứ Mỹ thần tiên, có 31 loại kem lạnh mùi vị khác nhau, những ngọn núi hùng vĩ và bất tận, những vườn cây ăn trái, những tòa cao ốc chọc trời và những xa lộ nhiều tầng chồng chất lên nhau, và những cơn tuyết rơi trên xứ Mỹ.
Rất nhiều năm trên đất Mỹ câu chuyện mà tôi thường kể cho mọi người nghe, trong đó tôi là một chú bé sớm hiểu biết – con mọt sách trong tưởng tượng, biết chơi cờ tướng khi mới bốn tuổi, mê đọc Victor Hugo và những truyện cổ của Trung quốc, một người có ông bố hiểu biết lịch lãm và cái quá khứ thuộc giai cấp thượng lưu đã nhuốm sâu đậm hắn trong một ánh hào quang văn hóa. Điều này ám chỉ là cuộc chuyển tiếp đến Mỹ thì trơn tru dễ dàng, một cú nhảy vọt tự nhiên. Nhưng ký ức là một vấn đề khó giải thích. Nếu tôi đã tự hào là có trí nhớ hoàn toàn không sai lầm về những chuyện xảy ra ở Việt Nam, là một trong số rất ít các chú bé đã đọc được báo lúc mới tám tuổi và càng hiếm quý hơn, là người được nhìn thấy chiến tranh từ trực thăng của bố, và sự thật là, ở cương vị một người Mỹ trưởng thành, tôi thấy rất khó khăn trong việc cảm nhận cuộc sống tình cảm của cái chú bé đã trải qua khoảng thời gian phi thường của cái quốc gia có số phận gian truân ở cuối miền Đông Nam Á châu. Đọc lại những lá thư này, tôi trở lại thời thơ ấu cao quý nhưng đã phai mờ. Đọc, thí dụ, cái đoạn thư này thành tiếng – Cẩn thận khi chất trứng, đừng làm vỡ nhé . Phim Quỷ Ám sắp sửa được chiếu ở đây. Dễ sợ lắm! –
Tôi nhìn thấy một buổi chiều đã mất. Tôi đã muốn được đi xem cái phim rất đáng sợ đã làm người ta ngất xỉu, nhưng vì cân nhắc tình huống căng thẳng lúc bấy giờ, và tầm quan trọng của chủ đề, mẹ tôi đã nghiêm khắc cấm cản, và tôi đã dỗi hờn. Tôi không biết rõ việc mợ Cúc mới được một con chó nhưng khi đọc lại đoạn thư tôi nhìn thấy mợ là một cô gái xinh đẹp mới cưới xong đang bận bịu xây cuộc đời mới với cậu út của tôi, là phi công của Không quân Việt Nam, và trong phòng khách của mợ có để một hồ cá khổng lồ trong đó có rất nhiều cá sư tử đang bơi lượn lờ và hấp dẫn tôi với các đứa em họ một vài buổi chiều nhàn nhã trong khi mẹ tôi đi thăm bà ngoại của tôi lúc ấy đang sống với cậu của tôi và cái gia đình đông người của cậu ở nhà bên cạnh. Tôi cũng không nhớ đến giấy có in sẵn tên và chức vị của bố, nhưng tôi nhận ra nó ngay lập tức, bởi vì tôi đã thường ngồi chơi ở bàn làm việc của ông trong căn cứ quân sự ở Huế, và khi đọc đoạn thư ngắn gọn của Bố, tôi cũng nhớ lại, cái buổi tối khi mẹ tôi ngồi với người bạn thân của Bố, một người rất có thế lực, quen biết nhiều; chồng bà là Đại tá chúng tôi gọi bà là Cô Toan. Bà và mẹ tôi đang tìm cách giải cứu Bố, Bác Thọ và năm vị tướng khác đều bị giam trong thùng tạm giam ở trung tâm quân sự gần Tân Sơn Nhất sau khi họ rút quân từ bốn vùng được canh giữ nghiêm nhặt của Miền Nam Việt Nam để bảo vệ Sài Gòn. Tổng thống Thiệu đã ra lệnh triệt thoái, nhưng khi họ về đến ông đã ra lệnh bắt giữ họ, vì sợ bị đảo chánh. Cuộc giải cứu không thành công.
Sau khi ông Thiệu trốn ra khỏi quốc gia cùng với đoàn tùy tùng một tuần trước khi chiến tranh kết thúc, Bộ trưởng quốc phòng Trần văn Đôn ký giấy tờ thả Bố, bác Thọ cùng với các vị tướng khác, nhưng lúc ấy quân đội đã tan rã, tản mác, quân nhân thay quần áo dân sự, vứt bỏ các khẩu súng M-16 của họ. Bố tôi lên tàu Hải Quân hướng ra biển khi tin tức báo rằng xe tăng của Cộng sản đã phá sập hàng rào sắt của dinh Độc Lập và Sài gòn đã thất thủ, nhưng điều này, như người ta đã bảo, là một chuyện khác. Tôi đọc thành lời thêm vài lá thư nữa. Những khoảnh khắc bình thường được nắm bắt kịp lúc giờ đây chứa đầy bí mật. Anh có thấy tuyết không? Anh có nhớ em không? Tôi nhìn thấy một hình ảnh đã quên từ lâu lắm: một chú bé đứng trên ghế thò tay vào ngăn đá của tủ lạnh, cố cạo vét lớp băng lạnh đóng trong ấy cho đến khi những ngón tay của chú trở nên tê cóng nhưng đôi mắt chú nhìn mơ màng cái nắm tuyết trong lòng bàn tay. Chú đã nghĩ gì? Có phải chú đang cố trò chuyện với người anh lịch lãm? Tôi nghe giọng nói của chú, có lẽ lần đầu. Cùng với giọng nói nầy cuộc đời cũ lại thêm một lần nữa bộc bạch với tôi – gia đình và dòng họ, cái cảm giác được bao bọc trong cái ngôn ngữ đầu đời đã một thời kết hợp tất cả mọi người tôi quen biết bên trong vòng cái bảo vệ của gia đình, một khu vườn có tường thành bao bọc.
Tất cả đều trở lại. Một cái sân đầy nắng, ba con chó ngủ ở cửa, và bên trên cái cổng sắt rỉ sét, giàn hoa giấy đỏ đong đưa, che khuất bóng trời xanh. Một chú bé ngồi ở bàn đọc sách, và phía trên cái bàn này là kho tàng của chú: các quyển sách bằng tranh như Tintin, Spirou, và Asterix et Obelix và tiểu thuyết võ hiệp Trung hoa, và dĩ nhiên bộ sưu tập tem. Rồi giọng ngân nga của người bán hàng rong phá tan cái im lặng của buổi chiều – Ai ăn bông cỏ hột lựu không? – giọng của cô hàng ngân nga nỗi ngậm ngùi, đâm thủng cả tâm hồn của chú. Và những đêm đầy lo lắng gần cuối cuộc chiến tranh… Những cơn gió thoảng của mùa xuân gây gây lạnh đã chuyên chở những âm thanh thật trầm và nhịp nhàng của tiếng bom nổ, ở miền quê xa vào cửa sổ và, cùng với tiếng kêu của côn trùng, tiếng ộp của cóc nhái, nghe như tiếng của một bài hát ru lạ lùng. Ka-booom…ka-boom… ka-boom…Và khi nghe tiếng khóc tắt nghẹn của Mẹ ở phòng bên cạnh, chú bé, cũng, dấu tiếng khóc vào trong gối khi chú cố gắng rơi vào giấc ngủ. Rồi một buổi sớm ảm đạm, chú ở trên một chuyến bay chứa đầy người tị nạn và chiến tranh, người của chiến cuộc, và quê hương yêu dấu – một cách sống – biến thành một biển màu xanh mênh mông… — Bây giờ khi tôi nói tiếng Việt, tôi nói như người đã rời xa quê hương khi còn bé.
Nhận thức qua nhiều tầng lớp của ký ức và những điểm đặc thù của một người di dân biết nhiều ngôn ngữ, cách biểu lộ của tôi lác đác chêm vào vài chữ tiếng Anh, giọng của tôi là giọng của dân ở California, nói như thế là có phần nào lạc quan. Tôi không nói tiếng Việt như cách của cha mẹ tôi: cách nói của người trong cuộc, hùng biện và thuyết phục viện dẫn những chi tiết về văn hóa và lịch sử Việt Nam, và, vì thế, chất chứa nỗi buồn. Có lẽ lý do là, dù tôi đã từng nói về cuộc chiến và và thời thơ ấu ở Việt Nam của tôi, tôi thấy rất khó có thể viết bộc lộ chiều sâu bằng tiếng Anh. Trong khi tôi có thể viết dễ dàng về giai đoạn biến chuyển thành người Mỹ, khảo sát thời ấu thơ của tôi bằng tiếng Việt gần như không thể được. Hay nói cho đúng hơn, bởi vì tôi dùng tiếng Anh để xây dựng con người mới của tôi, cái ngôn ngữ ấy trở nên không có khả năng để vươn đến cái chú bé đã từng nằm mơ nói bằng tiếng của mẹ, người đã từng lang thang trong khu vườn của mẹ. Nhưng bây giờ tôi là người cất giữ những lá thư của anh tôi. Thỉnh thoảng tôi mang chúng ra khỏi cái bìa da bao bọc chúng và đọc chúng như người ta đọc kinh thánh.
Quá khứ tuy đã qua, nhưng muôn đời vẫn hiện diện; tôi cảm thấy an lành khi nhìn thấy trên những trang giấy mỏng kia gia đình tôi đã không bỏ khoảng trống nào. Viết thư cho một người anh ở xa, những lá thư này giờ đây nói với tôi. Chúng bảo tôi rằng quên lãng tất cả nỗi buồn, và lo sợ hay vui mừng, quên cái con người mình đã từng là, những gì mình từng rung cảm là chuyện dễ dàng. Tuy thế chúng cũng xác định rằng những cảm xúc ấy – ao ước, mong muốn, và hy vọng – đã không bị thất lạc, bằng nhiều cách, chúng vẫn còn hoạt động ở trong tôi. Và chỉ có lúc này, sau nhiều năm trôi qua và tôi đã kiểm tra lại những được và mất của mình; chỉ bây giờ, hiểu rằng tình yêu, viết bằng bất cứ ngôn ngữ nào, có thể vượt lên trên thời gian và khoảng cách, và tôi bắt đầu tin là ngôn ngữ của người mẹ kế có thể lập lại cái âm hưởng của tâm hồn và do đó có thể truyền giao giữa hai bán cầu. — Anh có nhìn thấy tuyết chưa? Rất nhiều, đến độ nó làm mình choáng mắt trong hồi tưởng, chú nhỏ. Tuyết rơi từ Ponte di Rialto ở Venice, che phủ vườn đá và mái chùa ở cổ tích Kyoto, bao trùm dãy Hy Mã Lạp Sơn, và bay ngang đồng bằng vĩ đại của Hoa Kỳ. Ở hồ Tahoe những năm xưa, trong khi trượt tuyết với vài người bạn, anh bị lạc lối khi anh trượt xuống một sườn núi rồi không còn nhìn thấy ai cả. Tuyết che phủ mọi cảnh vật trước mặt anh – núi, cây, đá, hẻm vực, tất cả dưới bầu trời xám xịt.
Có rất nhiều cái đẹp trong cái chỗ trống vắng ấy, một trang giấy trống; và anh, hoàn toàn cô độc. Nếu nói là anh lo lắng sợ hãi thì cũng chưa đủ. Và bất chợt, anh nghe chính anh hát một bài hát cũ em đã hát trong trường ở Đà Lạt. Gặp nhau đây rồi chia tay… cuộc đời như đã gần nhau trong phút giây.
Câu đầu như thế. “Đường dài sông núi hẹn mai ta sum vầy.” Đó là câu cuối. Nhưng anh đã không nhớ hết lời của bài hát ở khúc giữa nên anh phải bịa phần còn lại bằng những chữ tiếng Pháp và tiếng Anh, như thể một cách nào đó, lời ca, kết hợp lại và hát lên sẽ nối liền anh ở chỗ của anh lúc trước, với chỗ anh đang đứng, và đến chỗ mà anh đang muốn đến. Anh nhớ lại khoảnh khắc ấy, nơi không phải Đông mà cũng chẳng phải Tây, hiện diện trong nỗi đơn độc thật bao la, và tất cả những thứ mà anh có chỉ là một giọng hát run rẩy và một bài hát đứt quãng, như một lời cầu nguyện lạ thường, để giúp anh bình tĩnh.
Chú nhỏ, em sẽ hãnh diện biết là anh tiếp tục hát, tự sáng tạo những lời hát mới ngay lập tức – Anh tiếp tục hát cho đến khi anh nhìn thấy có sự chuyển động ở xa xa và thấy yên tâm trở lại rồi cuối cùng hướng về nơi có bóng dáng của nền văn minh.
Andrew Lam
(East Eats West)