Một giờ sáng ở quán rượu Carmen đầu đường Lý Tự Trọng mười năm trước, quán của đôi vợ chồng Việt – Thiên Hà, Mỹ Tâm ngồi đối diện tôi cách mặt bàn nhỏ, ly rượu của cả hai đều đã cạn và chúng tôi vẫn muốn ngồi nữa, ngồi đến tận sáng. Ngồi đến khi nắng bên ngoài lên xanh. Bấy giờ tôi không có nỗi buồn nào để phải đi uống rượu khuya và Tâm, bé-Tâm như cách tôi gọi em, mười năm trước như thế mà bây giờ vẫn thế, có vài điều buồn bã nho nhỏ chưa đủ để cần say. Nhưng chúng tôi vẫn cứ ngồi nhìn nhau, thỉnh thoảng cười vu vơ, thỉnh thoảng nhịp tay lên bàn theo điệu flamenco ban nhạc nhỏ đang chơi. Tâm vừa hát xong ở Cadillac club và tôi đến đón em, tôi hỏi em muốn đi đâu, Tâm nói mình lên Carmen ngồi uống gì đi. Bây giờ việc uống đã xong, ngồi thì còn muốn nữa.
Tâm bảo, bé ước gì mình nổi tiếng, không phải để cho mình, mà để làm được nhiều việc ích lợi. Tôi hỏi lại, ích nước lợi nhà à, ghê thế. Tâm cười, nổi tiếng thì có tiền, có tiền thì mới giúp đỡ được những người mình muốn giúp. Mười năm sau lời nói đó, Tâm có được cả hai, danh tiếng và tài chính; em làm từ thiện nhiệt thành hết mức, ước vọng năm xưa không là một giấc mơ phù phiếm.
Trước khi Tâm mua chiếc Epicuro “từng nằm mơ thấy mình có nó”, tôi thường ghé khu nhà trọ sinh viên Nhạc viện đường Nguyễn Thái Bình, nhìn lên ban công tầng mười, xem có vuông khăn em treo ở đó không, dấu hiệu để biết em có nhà hay đi vắng. Tôi hay đưa Tâm đi hát chỗ này chỗ nọ, giữa hai suất hát thì lê la cà phê hay ăn chút gì dằn bụng. Hồi ấy chúng tôi thích ghé tiệm ăn Nga đường TĐT, gọi một đĩa gỏi cá và uống vài chai bia. Tôi nhắc em đem theo tuýp wasabi chính hiệu Nhật vì mù tạt xanh ở tiệm không đủ cay. Cho thật nhiều wasabi hăng xộc lên mũi, nước mắt ràn rụa mới thích. Có lần mải mê vui chuyện, Tâm quên mất giờ hát, anh Sơn chủ phòng trà M-Saigon hốt hoảng phone – Tâm rất “hot” ở M-Saigon ngay cả khi chưa nổi tiếng chính thức – và tôi phóng xe ào ào đưa em còn “say” wasabi từ tiệm ăn về Trần Hưng Đạo nhào thẳng lên sân khấu. Tâm như con trai, thô mộc, chân chất, nồng nhiệt, không làm duyên làm dáng vớ vẩn. Tôi thích.
Tôi thích. Nhưng chúng tôi không yêu nhau.
***
Bảy giờ tối ở quán lộ thiên ven sông, tôi ngồi cùng em ngắm những quầng sáng đèn đô thị lấp lánh giữa dòng nước, nhạc Jimmii J.C. Nguyễn lồng lộng và Tâm mơ một ngày kia tiếng hát em được vang lên mọi lúc mọi nơi như vậy. Bây giờ, ngay cả dịch vụ sức khỏe trân đường phố rao dạo cũng mở nhạc em hát. Trời cho những điều chúng ta không ngờ được.
Ở Givral những hôm tập chương trình Trịnh Công Sơn – Như Một Lời Chia Tay, Tâm thường uống Coca trắng không đường. Tôi đùa, bé không cần ăn kiêng đâu, vô vọng rồi. Thế mà mấy năm sau, từ một cô gái thô tháp như vận động viên điền kinh, em thành ra một nàng thục nữ yểu điệu, thon thả đáng yêu. Lúc gặp nhau bàn việc làm dĩa kỷ niệm mười năm chúng tôi biết nhau, Tâm duyên dáng khác hẳn những gì tôi hình dung. Tôi bảo, bé xinh quá nhưng anh hết chụp ảnh cho em được rồi, hình ảnh em trong đầu anh khác.
Tôi giữ hình ảnh “khác” về Tâm – tức là một Mỹ Tâm của ngày xưa – để viết loạt ca khúc mới cho em. Gần hai mươi bài hát mới, kèm với các hits cũ “Tóc Nâu Môi Trầm”, “Hai Mươi”, là phải viết gần bốn mươi bài để chọn lại. Tôi dành trọn năm 2010 cho việc ấy. Ký ức, những câu chuyện, những thân gần mật thiết giữa chúng tôi hiện về sống động. Như mới ngày hôm qua. Tôi thích, mặc dù viết mấy mươi bài hát cho một ca sĩ duy nhất không phải việc nhẹ nhàng.
Lưu giữ một mối liên hệ thân gần mà không phải tình yêu có khó không? Nếu bạn hỏi Tâm, em sẽ nói, chả có gì khó. Với tôi, thì chắc khó hơn chút ít. Vì người ta phải rất hiểu, rất cảm thông, rất gần gũi nhau mà không được yêu nhau. Nhưng chẳng bao giờ tôi muốn khác đi, cái tình này. Cũng như chẳng bao giờ tôi muốn gặp một Mỹ Tâm khác, dẫu cho là để có thể yêu.
Điều gì không xảy ra lần thứ hai, mới đáng kể, bé Tâm nhỉ.
một giáng sinh nào đó, đã trôi qua – thời SaiGon
Một Giáng Sinh nào đó đã trôi lướt qua đời tôi khi tôi không còn là một đứa trẻ nhưng cũng chưa được coi là người lớn. Một Giáng Sinh nào đó gần ba mươi năm trước, một Giáng Sinh mà lần đầu tiên trong đời tôi được “tự do” mà ăn réveillon với lũ bạn, có thể được đi chơi đến sáng nữa, một Giáng Sinh nghèo tất nhiên là trong một môi trường ai cũng nghèo. Tôi học lớp Mười Một và đây là Giáng Sinh.
Saigon Giáng Sinh, Saigon không có mùa đông bao giờ để mà nhớ tuyết. Saigon Giáng Sinh có đám đông có kẹt xe có lũ lượt người áo hoa quần màu thay vào tuyết trắng. Saigon có réveillon ăn trong nóng nực oi nồng vì hơi người đêm cuối năm, Saigon Giáng Sinh khác tất cả những nơi khác Giáng Sinh đơn giản vì nó là thành phố của tôi. Tôi có kỷ niệm, nhiều kỷ niệm.
Kỷ niệm Giáng Sinh của mười sáu tuổi gói gọn vào một buổi chiều với một đêm. Chúng tôi, lũ con trai con gái mười sáu, đã chộn rộn cả mấy tuần trước đó chuẩn bị cho ngày vui. Bước chuẩn bị gian nan nhất là xin được “giấy phép qua đêm” của cha mẹ. Thời ấy, chúng tôi ngoan, ít nhất [điều này tôi dám chắc] là ngoan hơn các bạn bây giờ. Tụ tập ăn uống, đàn hát, rồi kéo nhau ra phố ngắm người, là hết. Nhưng xin được phép cho việc lành mạnh cũng đã khó khăn lắm – cha mẹ chúng tôi không sợ con hư, mà sợ chúng mải ăn mải chơi hôm sau bỏ học, sợ ra phố đông người rủi ro tai nạn. Chúng tôi đã phải “lấy điểm” cả tháng trời cho một cái gật đầu. Rồi gom góp tiền ăn sáng, rồi lên chương trình ăn uống, bữa ăn sẽ có gì có gì, sẽ tặng nhau những món quà gì, bày trò chơi gì, hát những bài gì. Cứ dấm dúi những mẩu giấy xếp nhỏ chuyền nhau trong giờ học, mấy tuần lễ liền trước Giáng Sinh…
Một trong những người bạn tôi tên Nghĩa, có nhà ở đường Đề Thám, rộng rãi, lại gần như không ai ở. Nơi đây được trưng dụng ngay làm đại bản doanh cho cuộc tụ tập đêm Giáng Sinh. Từ trưa, sau giờ học, cả lũ đã lảng vảng khu Đề Thám – Phạm Ngũ Lão, nghĩ xem có thể thêm thắt cái gì vào bữa tiệc, một vài hình cắt dán, vài câu chúc tụng viết bằng phấn bằng tiếng Pháp [sinh ngữ chính của chúng tôi ở trường], thêm một cây guitar dự phòng, hay là một chai rượu thó được ở đâu đó. Nhà tôi lúc ấy có một tủ kính bán bánh ngọt, bà ngoại tôi còn khỏe mạnh, dịp Giáng Sinh là đẩy xe ra đầu ngõ chỗ gần nhà thờ đông người qua lại, bán cho khách vãng lai. Tôi xin một ít, tất nhiên xin cho mình ăn thì được chấp thuận ngay, ai dại gì nói xin để góp vào tiệc. Tiệc tùng ăn nhậu, thuở ấy tối kỵ. Tôi đạp xe từ nhà ở Phú Thọ lên Đề Thám lúc bốn giờ chiều, còn lâu mới đến giờ hẹn, quần áo thì vẫn bộ đồng phục quần xanh áo trắng đi học, không thế thì tôi biết mặc gì. Xe đạp sườn ngang nước sơn xanh lam đã tróc loang lổ, xích xe đã dão không thay, săm xe nổi u vẫn chịu, bàn đạp long và còn gì nữa, phanh không bao giờ “ăn”. Thế mà hớn hở, thế mà hạnh phúc. Vì được “tự do”, được thoát ra ngoài, được quây quần bạn bè dù là ngày nào cũng gặp những gương mặt ấy, à không, những cái lưng ấy, áo trắng giờ học. Vai vác đàn và treo tung tẩy mấy món quà trước xe, tôi đến đại bản doanh. Và chờ.
Giáng Sinh Saigon đủ nóng để áo ướt đầm mồ hôi nửa tiếng đạp xe, Giáng Sinh Saigon đủ lộng lẫy để cái màu lễ lạt hắt lên mặt người. Đường đông từ chiều. Người tứ phương “lên Saigon” dự hội. Xe [chỉ có xe đạp] nườm nượp. Lòng ai cũng rộng mở, có va quẹt cũng cười xuề xòa cho qua. Ai mà bắt lỗi nhau ngày hôm nay, cả năm mới có một lần trời đất giao hòa như thế.
Chúng tôi ăn hết một con vịt quay, gỏi miến với bánh phồng tôm, chúng tôi khui chai rượu và loáng cái đã hết, chúng tôi vét sạch đĩa bánh, chúng tôi tặng nhau những tấm thiệp tự làm. Và chúng tôi ngồi hát cho nhau nghe. Từ Ngô Thụy Miên đến ABBA. Từ Christophe đến Sylvie Vartan. Từ Paul Anka đến The Eagles. Từ Baccara đến Từ Công Phụng. Và cả nhạc Nga. Những bài tình ca Nga lời Việt đẹp đẽ, giàu mơ mộng. Thuở ấy tuổi thanh xuân. Đúng quá, chúng tôi thanh xuân, vào thuở ấy.
Có vài tình yêu nho nhỏ nhè nhẹ nở ra vào đêm Giáng Sinh. Không dám nói gì. Không dám cầm tay. Chỉ hát. Hay là ngồi lặng lẽ. Lặng lẽ nhìn ngắm hay nhắm mắt mơ màng mà hát thì cũng chỉ mong người ấy hiểu. Tất nhiên, ai mà không hiểu, nhưng mà cứ lờ đi.
Lờ đi để ra đến phố thì đành bấm bụng nói thẳng, tôi muốn chở bạn, bạn đừng đạp xe nữa. Có người ngúng nguẩy, có người gật đầu. Gật đầu thì phước bảy mươi đời cho kẻ đề nghị mặc dù sẽ tốn thêm ít giọt mồ hôi trèo con dốc Đồng Khởi hay là Nguyễn Cư Trinh. Ngúng nguẩy thì đau lòng xót dạ. Rồi cũng kéo nhau đi hết đêm. Đêm không dài như ta tưởng, khi bạn bè ở bên, khi người thương ở cạnh. Đêm chẳng dài thêm, và sáng thì chúng ta còn phải đi học.
Đi học chỉ mong đến giờ chơi để ôn lại đêm hôm qua. Bữa réveillon nhớ mãi, cốc rượu nhớ mãi, những bài hát nhớ mãi và tất nhiên tình yêu học trò nhớ mãi. Dù chỉ thoảng qua như một làn gió hiếm.
Saigon Giáng Sinh có vài làn gió hiếm để ba mươi năm sau tôi vẫn nhớ.
QUỐC BẢO