Năm 2010, tôi chấm dứt nhiệm kỳ công tác 2 năm với Tổng Nha Thống Kê Dân Số ở Bộ Thương Mại, một công việc mà tôi vô cùng thích thú vì tính chất lịch sử và ý nghĩa. Kết quả thống kê dân sồ 2010 chưa có con số chính thức về dân số cộng đồng Việt tại Mỹ, nhưng theo ước đoán từ các dữ kiện thống kê thu nhập được trong thời gian tôi giữ vai trò trưởng khối chuyên viên các cộng đồng, có lẽ dân số Việt đã gia tăng khoảng 25% trong suốt 10 năm qua, nâng số người gốc Việt vào khoảng 1.8 triệu người tại Mỹ. Con số này chưa kể nhiều người gốc Việt trẻ tuổi sinh ra và lớn lên tại Mỹ, nói tiếng Mỹ không nói nhiều tiếng Việt, nên thường nhận mình là dân Mỹ thay vì khai với giấy thống kê là người Việt.
Hai năm làm việc với cơ quan thống kê dân số Census cho tôi nhiều kỷ niệm vui, đáng nhớ. Tôi phụ trách toàn bộ khu vực Orange County, nơi có trên dưới 200,000 cư dân Việt, và có “thủ đô tị nạn” Little Sài Gòn. Đội ngũ chuyên viên cộng đồng làm việc trực tiếp cho tôi có hơn 60 người, trong đó có nhiều người Việt. Làm việc thân tình với nhau, và nếu mai này kết quả dân số cộng đồng Việt có gia tăng khả quan trong thống kê, thì đó là công lao đáng vinh danh của những người chuyên viên hợp tác cộng đồng gốc Việt này, mà tôi muốn nêu lên như một lời cám ơn riêng, mà cũng là một hãnh diện chung của cộng đồng ta.
Sau Tết 2010, tôi về làm việc cho một công ty tài chính ở San Francisco. Do nhu cầu công việc đưa đẩy tôi những chuyến đi công tác về Việt Nam. Tôi lại có dịp trở về lần nữa ở Sài Gòn, rồi đến Hà Nội, đôi ba lần đến các tỉnh phía Nam hay miền Trung. Mỗi chuyến trở về là nhìn thấy quê hương có đổi thay mới đáng ghi nhớ. Không, nơi đó quê hương tôi vẩn còn đó chủ nghĩa người cộng sản, chưa có gì khác hơn!.
Những điều con người Việt Nam mong muốn vẫn chưa có những điều mới đến xảy ra. Những người chủ mới của thành phố, đất nước vẫn chỉ sửa sang bên ngoài, vẫn nguyên cũ bên trong. Nhưng phố phường hay những con đường, những ngôi nhà thì luôn đổi thay, từng ngày từng tháng. Tráng lệ hơn, vĩ đại hơn, nhưng đôi khi những người như tôi nhớ lại Sài Gòn năm xưa, thì cảm thấy buồn hơn. Bởi vì nhiều nơi chốn kỷ niệm năm xưa nay không còn giống nữa.
Sài Gòn hay Hà Nội có nhiều thêm hơn những tòa nhà cao tầng. Sài Gòn hôm nay đã có tòa nhà cao đến 68 tầng, cao nhất nước, đẹp nhất nước, do người Mỹ thiết kế, nằm ngay trung tâm quận 1 bên cạnh bến sông Sài Gòn. Nhiều nơi chốn đã từng là hình ảnh quen thuộc thân thương của Sài Gòn như khu vực trung tâm thương mại Eden đối diện Rex, nay đã bị đập phá, sẽ trở thành một “plaza thương mại” của một tap đoàn lớn. Sài Gòn, con đường mang tên Tự Do ngày xưa nay gọi là Đồng Khởi, không còn giống trước nữa. Con đường Nguyễn Huệ cũng thế, nhiều tòa nhà mới, tuy khang trang hơn, nhưng tôi không tìm thấy lại hình ảnh kỷ niệm thời tuổi trẻ đã từng nằm trải trên các con đường này. Không còn thấy đâu nét Sài Gòn của thời lứa tuổi chúng tôi, những người sinh ra và lớn lên trên đất nước miền nam trước tháng Tư 1975. Những lần có mặt ở Sài Gòn, tôi vẫn qua lại nhiều lần mỗi ngày những con đường trong thành phố đã có thời được gọi là Hòn Ngọc Viễn Đông. Kỷ niệm ngày xưa còn trong ký ức, nhưng những con đường giờ đã nhiều đổi thay, mang đi mất rồi những hình ảnh kỷ niệm xưa kia. Tuy là thế, mất mát nhưng tôi vẫn còn thương Sài Gòn nhiều lắm.
Tôi xa quê hương từ năm 16 tuổi, tưởng ban đầu chỉ sống tạm dung nơi đất người, nào ngờ mãi gần 36 năm rồi, mà vẫn mãi làm người lưu vong. Tuy bây giờ mang thông hành quốc tịch Mỹ, nhưng vẫn cái tên Việt Nam do cha mẹ đặt ra, phát âm tiếng Mỹ vẫn còn sệt mùi nước mắm quê hương, nên nhiều lúc có nhửng ông bà Mỹ trắng vốn không ưa da màu, nên cố tình không hiểu. 36 năm ở Mỹ so với 16 năm ở quê hương, vậy mà tôi vẫn chỉ ăn cơm canh chua cá kho tộ thấy ngon hơn miếng bánh mì Hamburger thịt bò khoai chiên ở đây.
36 năm ở Mỹ so với 16 năm ở quê hương, tôi quen nhiều người Mỹ, nhưng chỉ có thân thích bạn bè với những người tiếng Việt như tôi. Ôi, sao Việt Nam vẫn còn quá nhiều trong tim, trong óc tôi, dù nước Mỹ cũng đã trở thành một quê hương rồi.
Tân Sơn Nhất, chốn ở ngày xưa…
Mỗi lần chuyến bay đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, lòng tôi bùi ngùi. Một chút nhói đau, với những hình ảnh còn hiện ẩn trong ký ức.
Ngày xưa, ngày xưa lắm. Trước ngày 30 tháng 04 năm 1975, tôi đã sống ở khu vực này. Ba tôi thời đó là một Sĩ Quan Không Quân VNCH, gia đình tôi sống trong khu Cư Xá Không Quân, ngay cạnh Sân Bay Tân Sơn Nhất này, hình như suốt cả quãng thời niên thiếu của tôi. Những con đường chung quanh nơi ngôi nhà xưa, giờ đã thay đổi nhiều, không thể nhận ra đâu là nơi đâu.
Tôi đã nhiều lần nhọc công, có khi tự lái xe gắn máy, rảo quanh những con đường từ cổng sân bay cho đến các khu phi đạo chung quanh, cố tìm lại căn nhà năm xưa. Không thấy đâu nữa. Thay vào đó, bây giờ là hằng hà những ngôi nhà lầu được xây lên trong vòng hơn hai mươi năm qua. Ngày xưa, nơi chốn tôi ở, là những gia đình quân nhân Quân Chủng Không Quân VNCH, ngày nay khu vực này đa số là những người từ miền Bắc vào đây lập nghiệp sau tháng Tư 1975.
Tuy là nơi chốn tôi ở xưa kia nay không tìm thấy nữa ngôi nhà của gia đình mình, nhưng nơi này nhiều kỷ niệm quá. Tôi vẫn còn nguyên cả một trời ký ức tuổi thơ, tuổi ban đầu mới yêu một người con gái, tuổi cùng bè bạn rong chơi xe đạp mỗi ngày.
Tôi đã sống và lớn lên ở phi trường Tân Sơn Nhất này cho tới đêm 27 tháng 04 năm 1975, khi chiến tranh vừa kết thúc nhưng xô đẩy tôi đi xa biền biệt khỏi bờ quê hương cả một biển lơn.
Thuở xưa tuổi nhỏ, tôi biết bắn bi, biết chơi bắn súng bang bang với đám bạn hàng xóm, ở nơi Tân Sơn Nhất này. Thuở xưa còn cuộc chiến Nam Bắc, có những đêm khuya ba mẹ tôi đánh thức anh em tôi dậy, chui xuống “hầm bê tông chống pháo”, khi nghe tiếng đạn đại bác của chiến tranh bắn vào phi trường. Thuở xưa khi tôi còn được hưởng những ngày Tết hạnh phúc với gia đình ba mẹ anh em và thân quyến, là khi đó Sài Gòn vẫn còn ó tiếng pháo vẫn nổ vang, anh em tôi mặc áo mới, tay nhận phong bì đỏ, là tôi đã từ khu cư xá Tân Sơn Nhất này. Ngày đó, chiến tranh còn, nhưng cuộc đời niên thiếu của tôi vui lắm…
Trong số bạn bè thuở nhỏ ở Tân Sơn Nhất, có những người bạn của tôi nay có danh vọng trong cộng đồng Việt ở California này. Những người bạn thuở nhỏ cùng xóm giềng năm xưa đó, ngày nay sống ở California này có Vương Văn Thanh nay ở San Jose, đã làm việc 5 năm ở sứ quán Mỹ tại Hà Nội từ 1998 ố 2002, từng là phụ tá riêng cho 2 vị đại sứ Mỹ đầu tiên sau 1975., nay là một chuyên viên ngôn ngữ cao cấp của bộ ngoại giao Mỹ, (tiếp trang 52) chuyên thông dịch cho các buổi họp giữa các viên chức lãnh đạo cao cấp nhất nước Mỹ với các nhà lãnh đạo Việt Nam. Vương Văn Thanh làm việc trong vị trí biết được nhiều chuyện kín tối mật an ninh chính trị quốc gia giữa hai nước Mỹ -Việt.. Thanh là người bạn thân nhất hơn 46 năm với tôi, mỗi lần gặp nhau cứ nói mãi không mệt không quên chuyện của hơn 35 năm về trước.
Tại ngay quận Cam, luật sư Nguyễn Xuân Nghĩa hiện là chủ tịch Cộng Đồng Người Việt miền Nam California, ngày xưa chúng tôi nhà cách nhau vài ba bước, cùng học chung một Võ Đường Thần Phong, ngày nay đôi ba lần gặp nhau trong sinh họat cộng đồng. Có vợ chồng nhạc sỹ tranh đấu phong trào đấu tranh Hưng Ca Tuấn Minh và Tuyết Mai. Thỉnh thoảng gặp nhau một ly cà phê nói chuyện cuộc đời hôm nay. Cũng còn nhiều người khác hơn, nhưng đều ở xa nhau, không còn gặp nhiều nữa, nay cũng chẳng biết ai ở chốn nào…
Nhớ Một Người Xưa ở Tân Sơn Nhất.
Thuở xưa, tôi vừa tuổi lớn 16, biết làm quen một người con gái và đã yêu tha thiết tình ban đầu bằng cả trái tim, mà đến nay ký ức vẫn chưa bôi xóa được, cũng ở nơi chốn Tân Sơn Nhất này. Người con gái đó mang tên Tường Khanh, người ta nói tình đầu không phai cũng phải thôi.
Mẹ của Khanh là một cô giáo của trường tiểu học Tân Sơn trong Tân Sơn Nhất. Bố Khanh đã là một phi công VNCH mất tích từ một chuyến bay “phạt Bắc”, nhưng không bao giờ có tin hay tìm thấy xác ông từ đó. Ngày rời Sài Gòn 1975, gia đình tôi và gia đình Khanh đi cùng một chuyến bay cuối tháng Tư, đến cùng hòn đảo Côn Sơn, rồi đi chung một hành trình 3 ngày vượt biển trên một chiến tàu hạm đội Mỹ đưa người tỵ nạn rời lãnh thổ Việt Nam. Chúng tôi đã bên cạnh nhau hơn một tháng trời ở trại tỵ nạn Pendleton, California, đến khi tôi rời trại cùng gia đình theo người bảo trợ định cư ở Bakersfield, còn gia đình Khanh vài tháng sau lại đi Houston Texas. Tình yêu đó đã nồng thắm trên môi trong tim nhưng trong sạch và chân thật.
Cũng hơn 10 năm rồi, từ lẫn cuối tôi gặp lại Tường Khanh trong tang lễ của mẹ nàng, đến bây giờ vẫn chưa có lần hội ngộ nhau. Dù tôi đã bao nhiêu lần đã đến thành phố Houston, nơi chốn Khanh đang sống với gia đình, nhưng có bao giờ được trời đất run rủi cho tình cờ gặp nhau nói với nhau một câu nói nào đâu, dù chỉ là hai ba chữ rồi thôi. Có một lần dường như tôi đã tình cờ trông thấy nàng ở một sân bay, nhưng hai đứa ngược giòng nhau, kẻ đi người đến.
Chưa kịp gọi nhau một lần thì lại lạc mất nhau nữa rồi. Bây giờ tuy đời sống mỗi người đã yên phận khác rồi, không ai nợ nần tình nhau, không ai muốn vướng lại những điều có thể thành hệ lụy trần gian, nhưng mai sau này có ngày tôi nằm xuống, trái tim sẽ ngừng đập nhưng sẽ không quên mang theo kỷ niệm mối tình đó và hình ảnh người xưa đó.
Trường Cũ
Và Bạn Xưa…
Từ phi trường, tôi thường nói với người tài xế cho xe đi qua con đường góc ngã tư Bảy Hiền, để về trung tâm thành phố, con đường Lê Văn Duyệt ố Phạm Hồng Thái ngày trước nay bị đổi tên đường là “Cách Mạng Tháng Tám”. Bởi vì xe có thể chạy ngang cho tôi nhìn thấy trường cũ Nguyễn Thượng Hiền của tôi, nằm trên tuyến đường này.
Tôi theo học trường Nguyễn Thượng Hiền suốt sáu năm trung học, từ lúc trường vừa thành lập cho đến ngày hết chiến tranh. Trường nằm đối diện bệnh viện Vì Dân nay là bệnh viện Thống Nhất. Trường hôm nay vẫn còn tên Nguyễn Thượng Hiền, nay là một trong những ngôi trường hàng đầu trong nước về phẩm chất đào tạo. Nhưng thầy cô cũ của tôi không còn ai nữa ở đây. Năm 2010, trong chuyến công tác, tình cờ, trường có đại hội, của trường, tôi được anh em ban đại diện hội cựu học sinh mời đến tham dự. Trường nay lớn quá, có hồ bơi, sân vận động, nhà thể thao, uy nghi và rộng lớn vô cùng. Nhưng điều tôi vui, là vì trường vẫn còn mang tên xưa, không bị đổi thay như nhiều trường lớn khác.
Bạn bè cùng lớp với tôi ngày xưa còn ở lại cũng khá nhiều. Có người may mắn nay làm nên chức phận hay có sự nghiệp trong xã hội. Có người số cơ cực, suốt cả đời vẫn chân lấm tay bùn chưa ngoi lên khỏi vũng bùn của Xã Hội Chủ Nghĩa này. Nhưng dù giàu dù nghèo bạn tôi muôn đời vẫn là bạn tôi, và tôi vẫn muôn đời là bạn chúng nó. Nguyễn Tiến Bắc, Nguyễn Mộng Hài, Đỗ Tuấn Linh, Nguyễn Văn Thái, Nguyễn Đức Tuệ, Cao Trí Dũng, Lê Văn Hên, Nguyễn Thị Minh Phương, Phạm Thị Đào, Trương Thị Hoàng Mai, Đỗ Vũ Trung,… mỗi lần về lại Sài Gòn, là chúng tôi cười đùa ôn nhau lại kỷ niệm học trò.
Từng chút kỷ niệm nhỏ với ngôi trường, với lớp học, bên trong hay bên ngoài sân trường, còn nhớ nhau nhiều lắm. Bạn bè tôi ở lại quê nhà, có những thằng làm tổng giám đốc công ty lớn, có thằng giàu cả chục triệu đô la, nhưng vẫn có thằng làm nông dân ở ruộng nuôi heo, hay tài xế lái xe kiếm cơm nuôi vợ con. Mỗi lần chúng tôi gặp lại nhau là nước mắt bạn bè mừng rỡ, không cần biết tôi là ai, nó là gì, dù sống trong hai xứ sở khác nhau nhiều về môi trường hay chủ nghĩa. Với ai, tôi cũng hãnh diện gọi hai chữ Bạn Tôi.
Năm 2010, tháng 11 trong một chuyến đi công tác, tôi tổ chức rủ những bạn bè đó kéo nhau ra vùng Bình Thuận chơi 2 ngày, khu vực biển Mỏm Đá Chim. Resort này không hẳn là đẹp nhất, nhưng có biển, và tịnh vắng để chúng tôi cùng tìm lại với nhau kỷ niệm thời học sinh áo trắng. Hát karaoke cho nhau nghe những bài hát một thời, để quay về chuyện xưa đã củ nhưng không phai. Ai cũng vui, ai cũng thấy đời sống hôm nay chỉ còn lại tình người là cao quý, tình bạn là ngọc ngà. Kiếp làm người, có ai nghèo ai sang, nhưng đều là những con người cao quý cho nhau, trái tim giữ lấy còn đây. Chuyến đi hạnh phúc nhiều, vì có Tuyết Bình, có Hoàng Nam, có những người bạn vẫn còn thân thương hoài trong tôi.
Hai chữ Bạn Tôi nghe đơn giản, nhưng không tầm thường. Bởi vì ở Mỹ gần gần 36 năm, tôi cũng không kiếm được bao nhiêu người để tôi gọi hai chữ bạn tôi bằng những thân thương trìu mến. Hai chữ bạn tôi, chỉ tìm thấy từ trong tim, được định nghĩa bởi kỹ niệm và ân tình đi chung với nhau. Thiếu một cũng không phải là bạn tôi. Triệu người quen có mấy người thân, khi lìa trần có mấy người đưa. . . lời nhạc Vũ Thành An thấm thía khi nói về tình con người cho nhau. Nhưng ở xứ Mỹ này tìm bạn tôi lại càng thưa thớt hơn giữa giòng nhân gian hôm nay.
Rồi Khi Về Cali Lại Nhớ Sài Gòn
Ở Mỹ hôm nay, hay rõ hơn là ở Cali bây giờ, tôi không còn nhiều bạn bè như xưa nữa, không có thêm bạn mới, mà bạn cũ cũng mất đi vài người. Bạn bè hôm nay còn có vài thân tình đậm sâu như Vũ Thanh Hải, Lê Phước Vinh, Sén Đỗ, Hồ Hữu Thắng, Nguyễn Đức Tuấn, Sơn Phạm, Sơn Nguyễn.. vài người còn lại vậy thôi. Bạn thân hơn như Vương Văn Thanh thì ở San Jose xa lắc xa lơ, thỉnh thoảng có dịp về ghé quận Cam thì cả nhóm tụ hội nâng chai nâng ly bằng hữu vạn vạn tuế.
Nhưng con người ở Mỹ không có thâm tình và thủy chung như bạn bè tôi xưa kia nay cũng còn có cả ở quê nhà. Có bạn bè đã phản bội. Có bạn bè đã quay lưng. Đời sống vật chất và chong chóng thời gian, khiến con người bớt gần nhau hơn. Nhưng tôi vẫn sống với bạn, cho bạn, và vì bạn. Hằng tuần hằng tháng, tôi vẫn thường ngồi với bè bạn ở một góc quán cà phê, hay có những buổi tối trong quán với nhau vài chai bia, cụng ly nói chuyện cuộc đời. Nhưng sau khi những chai bia đã cạn, bước ngoài tiếng nhạc tiếng cười, thì lòng mình vẫn trống rỗng tuếch, như đời vẫn không có còn ai!.
Khi về nhà, tôi hay cố tình tìm quên đời trong giấc ngủ. Mỗi khi chợp mắt cố mong là đêm nay trong giấc mơ có thấy mình đang về quê hương, nhưng lại ước là có những hình ảnh của ngày cũ kỷ niệm xưa
Hạnh Phúc
Hôm Nay
Viết vẩn vơ nhân ngày Xuân sắp tới và nhớ kỷ niệm là điều của ngày xưa mà không gian nào cũng không xóa mất, nhớ những hình ảnh thân thương mà dù tuổi nào vẫn được lưu giữ ngọc ngà trong góc tim, nhớ những ngày tháng là thời gian không giết chết được, nhưng thực tế hôm nay tôi thấy mình bình yên và hạnh phúc.
Buồn có, vui không còn như thuở ấy, nhưng đời sống tôi có gia đình là niềm hạnh phúc. Và tôi đang mãn nguyện với những điều đang có trong tay.
Năm 2011 thời gian sẽ mới, nhưng kỷ niệm sẽ không bao giờ khác. Lúc nào, nơi chốn nào, tôi vẫn nhớ hoài những thân thương kỷ niệm.
HỒ VĂN XUÂN NHI