Tiểu bang Washington nằm ở hướng Tây Bắc nước Hoa Kỳ, nơi đó được nhiều người Việt chọn làm quê hương mới lập nghiệp, đất lành chim đậu. Khi người Việt lập phố xá thì sinh hoạt cộng đồng nở rộ, sinh động hơn, mọi tin tức cần thông báo qua lãnh vực truyền thông báo chí. Nói về báo chí, tôi muốn đề cập đến báo Người Việt Tây Bắc, một tờ báo góp mặt với cộng đồng từ khi rất sớm, chủ nhân sáng lập kiêm chù nhiệm/ chủbút là ký giả Phạm Kim, chù biên là Tiến sĩ Julie Phạm. Tờ báo có lập trường Quốc Gia rõ rệt.
Trong công tác phổ biến tin tức mau lẹ và chính xác, cũng như phát huy văn hóa Việt tại hải ngoại là 2 mục tiêu chính yếu và quan trọng cho nỗ lực của báo Người Việt Tây Bắc (NVTB). Ban biên tập gồm 7 nhân viên làm việc toàn thời gian, khônjg kể những phóng viên bán thời gian, và phóng viên truyền hình để lo cho hai loại báo: báo giấy truyền thống và báo điện tử online, hợp tác với SBTN thực hiện hàng trăm phóng sự truyền hình cũng như là cơ quan Quảng Cáo với các công ty Mỹ( PR- Communication-Marketing). Số thân hữu báo chí, văn học, cộng tác viên ở khắp nơi đến với NVTB là con số không nhỏ.
Cô Julie cho tôi biết là Người Việt Tây Bắc là một diễn đàn thông báo tin tức, thể hiện tiếng nói của đồng hương gốc Việt trong cộng đồng. Tờ báo là nhịp cầu thông tin nối liền người Việt khắp nơi để biết đến nhau và tìm kiếm đến nhau qua hình ảnh đời sống các nguồn thông tin, sáng tác mới, các sinh hoạt văn học nghệ thuật và thương mại.
NVTB gồm các mục chính như: Tin cộng đồng, Tin địa phương, Tin Hoa Kỳ, Tin thế giới, Bình luận, Kể Chuyện Quảng Đời Tôi, Hương Vị Mỹ Việt, Sinh Hoạt Cộng Đồng, Văn học Nghệ thuật,… Ngoài ra báo giấy có phụ bản báo bằng Anh ngữ cho khách theo dõi như: Người Việt Next (English), là đầu cầu vùng Tây Bắc cho New America Media.
Ông Phạm Kim vốn rất ủng hộ giới văn nghê sĩ, ông tổ chức hay bảo trợ các buổi ra mắt sách hay ra mắt chương trình âm nhạc, hay trình diễn âm nhạc như của các tác giả: Phạm Quốc Bảo, Hồ Văn Kỳ Thoại, Lê Văn Khoa, Anh Bằng, Ngô Thụy Miên, Phạm Anh Dũng,.. và riêng cá nhân người viết có liên hệ, nhờ vào những tình cảm quý trọng mà ông dành cho thân phụ tôi, HQ Đại Tá Trần Phước Dũ, thời còn làm việc ở BTL HQ gặp lại sau này tại Seattle, rất thân thiết này
Tôi thường nhận được báo NVTB, hoặc đọc được những tin cập nhật nhanh chóng qua: www.NVnorthwest.com tôi theo dõi tin tức địa phương như các trích dẫn sau đây về:
“Rước Cờ Vàng VNCH và Lễ Cúng Tổ Tiên Truyền Thống Thành Phố Tacoma.
Ngày mùng 3 Tết Tân Mão nhằm ngày thứ Bảy 5 tháng 2- 2011 vừa qua tại Thành Phố Tacoma năm nay đã cử hành Lễ Rước Cờ Vàng VNCH và Lễ Trước Bàn Thờ Tổ Quốc, Cúng Tổ Tiên – Thổ thần và Thần Tài Sinh hoạt Truyền Thống hàng năm của doanh gia và đồng hương người Việt tổ chức trong khu Thương Mại Thành Phố Tacoma… nơi có treo cờ Vàng VNCH trên hai bên đường kéo dài một tuần lễ mừng Xuân.”
Những thông báo về sinh hoạt Tết nhất tại địa phương:
“Trong ngày thứ Bảy và Chúa Nhật 26 & 27 Tết nhiều tiết mục đón xuân đã được tổ chức tại Tacoma, cũng như thu hút 30,000 khách đến Tết in Seattle-Seattle Center. “
“Người tị nạn Việt TB Washington Hướng về lá cờ thân yêu ngày đầu Xuân mới.
Lễ Thượng Kỳ Việt Nam Cộng Hòa đầu năm đã được long trọng tổ chức tại mặt tiền trụ sở Cộng Đồng Việt Nam Tacoma Pierce County. Đây là một truyền thống có từ những năm đầu người Việt tị nạn, tập họp, và cùng nhau họp mặt, tổ chức tại nhiều thành phố khác nhau điển hình như Lacey, Olympia, Tacoma, khu Đông Nam Seattle (của SRBS-Radio), cũng như tại khu Thương Mại PLT của CĐNVQG cũng như Tổ Đình VN mùng Bốn Tết, cùng trân trọng nghi thức chào cờ.”
Báo Người Việt Tây Bắc được trình bày rất trang nhã, đẹp mắt, khổ giấy tabloid, và nhiều tin tức cập nhật do các thông tín viên gửi về. Cùng lúc với những phóng sự hình ảnh, đồng hương khắp thế giới có thể theo dõi được các phóng sự này chiếu trên Truyền Hình SBTN, và được lưu trữ trên website-online
Nhân dịp Tết Tân Mão tôi xem bài văn “Xuân Về” của tác giả tuổi độ 20-Hải Yến, trên onlie NVTB từ Tết Canh Dần nay được trích đang lại trên Trang Quán Văn online Nhật Báo Người Việt dịp Xuân Tân Mẹo, xin trích đoạn:
“Cái không khí lạnh nơi xứ người, không làm tôi quên đi được niềm hao hức chuẩn bị mỗi khi nôn nao đón Xuân về. Dù rằng đây là lần thứ nhì đón Tết nơi đây, nhưng niềm mong đợi trong tôi vẫn còn đó.
Vẫn vang dội niềm vui đón Xuân thêm một lần nữa. Tôi còn nhớ lúc ở quê, cứ mỗi lần sắp Tết, bà con họ hàng lại sum họp lại, quấn quýt bên nhau, mà gói bánh chưng, bánh tét. Tôi không thể diễn tả được nỗi lòng hao hức như thế nào, vì nó cứ trào dâng trong tim tôi, như một đứa trẻ chưa bao giờ được thấy Tết vậy! Mùa Tết ở quê hương nào là hoa mai, hoa cúc, nào là dưa hấu, mãng cầu. Cứ mỗi lần nhớ đến những cảnh tượng đó, tôi lại mỉm cười thoáng nhẹ riêng một mình mình, tận hưởng cái cảnh đó. Còn ở đây, ở mảnh đất Hoa Kỳ này, nơi xứ lạ quê người, tôi cũng chẳng biết mình có thể tận hưởng được Chợ Tết lớn như thế hay không vì chưa bao giờ tôi được đi chợ Tết ở đây. Lần Tết năm vừa rồi, tôi được đi đến ngôi chùa, đó là Chùa Cổ Lâm, xem người ta đốt pháo bông, và những màn múa Lân hoành tráng. Khung cảnh thật ấm cúng với người dân mọi miền tụ họp về đây đón Tết. Điều làm tôi tự hào ở đây là người Việt Nam cần mẫn, Tết về lại dành thời gian làm bánh chưng, bánh dầy cho ngày Tết. Với chất liệu làm đặc sắc quê hương, nó càng tô đậm nét truyền thống tốt đẹp của người dân Việt nơi đất khách. Hồi trước tôi cứ nghĩ chẳng bao giờ có được cảm giác thân thương như đón Tết ở quê nhà, nhưng giờ đây chính họ đã làm cho tôi cảm thấy cuộc sống còn có thêm nhiều ý nghĩa hơn. Còn có những điều mà chúng ta không thể tưởng tượng ra được sự thần kỳ của niềm yêu thương dân tộc, niềm yêu thương cộng đồng. Chính những con người dù vất vả lao động trong cuộc sống, vẫn không quên đi bản sắc dân tộc, nguồn gốc quê quán của mình. Đời này, truyền cho đời sau, để vẫn duy trì văn hóa truyền thống, đóng góp rất lớn lao cho nét đẹp vẻ vang ấy? Tôi thầm nghĩ: Tôi yêu dân tộc mình biết là dường nào!. .”
Tôi xin trích dẫn một doạn trong bài văn của tác giả Hải Yến để “cảm ơn cô và báo Người Việt Tây Bắc”, vì chính Hải Yến và cơ quan ngôn luận NVTB là những viên gạch nối kết với nhiều ngòi bút khác cùng nhiều nhiều cơ quan ngôn luận hải ngoại đã và đang xây đắp ngôi nhà văn hóa để duy trì và phát huy chữ Việt đáng yêu, những nguồn phong hóa dân tộc cần trao lại cho ngàn sau như câu kết của Hải Yến, tôi xin mượn để kết thúc bài này:
“Nhưng một điều quan trọng nhất đó là: Cho dù ở nơi đâu bất cứ hoàn cảnh nào, Tết Việt Nam vẫn cứ làm cho tôi không bao giờ quên được cảm giác tràn ngập niềm vui sướng trong tim.”
Việt Hải Los Angeles