Caption: Từ Công Phụng và phu nhân với nhạc sĩ Đăng Khánh (trái) tại Houston năm 2010). (Ảnh: Hoàng Cương)
Bây giờ ngồi nhớ lại, tôi không còn biết lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau vào lúc nào, ở đâu nữa…Tuy nhiên chắc chắn là trong những sinh họat có tụ tập,có văn nghệ,của thời sinh viên những năm đầu của thập niên 1960.Thế là chúng tôi quen nhau và vui chơi với nhau từ tụ điểm cà phê Quán Văn( trong khuôn viên Văn Khoa,1966).Rồi cùng lăn ngụp trong đời sống giữa lằn ranh sinh-tử ngay trước và sau 1975.Đến năm1986 tình cờ gặp lại trên Seattle,Từ Công Phụng hứng chí kéo tôi xuống Porland, và tôi biết anh chàng đang mở một cơ sở ấn lóat cũng như làm tờ tạp chí Hoa Mơ tại đấy…
Nói chung, Từ Công Phụng với tôi quen biết nhau từ thời trai trẻ đôi mươi, đến nay cũng đã tròm trèm nửa thế kỷ. Mặc dù cùng mang cái nghiệp văn nghệ mà chúng tôi khác chuyên môn, lại có nề nếp sinh họat lẫn nghề kiếm sống khác nhau nhưng mỗi khi có dịp gặp, cà phê ăn uống bù khú với nhau, chúng tôi thường hỏi thăm gia đình vợ con của nhau và vẫn tự nhiên xưng hô ‘mày-tao’.Cách xưng hô này đối với tôi không hề có quy ước mà tự nhiên hiếm khi tôi buột miệng ra với những người bạn, dù là bạn lâu năm đi nữa.
Và mỗi khi nói đến Từ Công Phụng, ít nhất là tôi nghĩ ngay tới vài chi tiết có liên quan mật thiết trong tâm tình của tôi với người bạn này.
“.. Đỉnh bình yên trên cao..”
Trong vòng thân hữu văn nghệ, nói đến Lê Uyên Phương là tôi nhớ tới ‘vũng lầy của chúng ta’. Vũ Thành An là tâm trạng của tôi ngu ngơ tình tứ mà chữ nghĩa thời thượng xa vắng với những ‘ bài không tên…’. Trịnh Công Sơn là cõi lòng lơ lửng trong điệu nhạc đu đưa buồn vu vơ mà lời thì trau chuốt dáng vẻ trầm mặc, tạo thành một môi sinh đầy ắp trực giác của cảm tính, với những ‘ Diễm xưa’, ‘Cát bụi’ và ‘ Vết lăn trầm’… Từ Công Phụng cũng có khác. Khác ở chỗ nào?
Các thân hữu của tôi, người thích Trên Ngọn Tình Sầu, kẻ lại ‘chịu’Mắt Lệ Cho Người hơn cả. Từ Công Phụng thì bảo bài “ Bây Giờ Tháng Mấy là bài sáng tác tiêu biểu đầu đời ..còn Mãi Mãi Bên Em là một dâng hiến cho người bạn đời hiện tại của tôi..”* Cũng như Phụng có lần cho tôi biết là anh ưa ca khúc “ Giọt Lệ Cho Ngàn Sau” nhất… Nhưng cá nhân tôi, cho đến bây giờ, vẫn còn nhớ những câu như:
“… Trên đỉnh yên bình,
một mùa xuân ôm kín khung trời.
Một xuân thôi đã thôi rồi…
Xin em đừng làm bão tố đôi mươi.
Để vòng tay khắc khỏai ôm xuôi…
Hãy ôm trọn, ôm trọn tuổi xuân
Có một lần tôi đưa em
Về trên đỉnh yên bình..ngọt ngào
Đỉnh bình yên trên cao
Xin em giữ kín cho lâu dài
Một mùa xuân đã thắm trong tôi..”
của ca khúc “ Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên”;tôi đóan là Từ Công Phụng đã sáng tác vào những năm giữa thập niện 1960.
Xin lỗi. Tôi nhớ mà viết ra đây, chứ không biết có hòan tòan đúng như nguyên văn lời của ca khúc ấy hay chăng. Và tôi cũng đã có nhiều dịp ngâm nga những câu hát này khá thường. Đồng thời, tôi thấy hiện ra trong ký ức của tôi những khung cảnh náo nhiệt học tập ở Sàigòn xen lẫn với những sinh họat văn nghệ -họp bạn- hội thảo- công tác xã hội của thanh niên sinh viên học sinh Miền Nam Việt Nam thời ấy.
Nói một cách khác, những câu hát này như được đút kết từ thực tế sinh động của thời thanh niên trai trẻ.Thời ấy chúng tôi đã thừa nhiệt huyết lăn xả vào bất cứ thứ sinh họat nào chúng tôi được tiếp cận, với một ước vọng duy nhất là mong sao sự hăng say tham dự của mình có thể phần nào khiến cải thiện được tình trạng xã hội bấp bênh xáo trộn của thời chiến ấy. Đấy là ước vọng thật đơn giản mà hết sức lý tưởng,của chung mọi lớp trẻ xông xáo vào đời ở bất cứ một giống dân nào, một thế hệ nào… Những câu hát đại lọai như trên, mặc dù của riêng Từ Công Phụng, hay của mấy nhạc sĩ sáng tác trẻ khác cùng thời, nhưng lại đã đáp ứng phần nào tâm tình của tuổi trẻ chúng tôi thuở ấy, đã thể hiện lên cái tâm trạng và hòan cảnh sống của chúng tôi thời buổi ấy…
Chất giọng thủ thỉ tâm tình
Lớp người sáng tác văn nghệ thời tôi xem ra ít ai tự trình bầy tác phẩm của mình trực tiếp trước khán thính giả mà lột tả được trọn vẹn những gì mình muốn trao gửi, và nhất là tạo được hấp lực khiến khán thính giả hòan tòan bị mê hoặc trong không khí do tác phẩm mình dâng hiến, hiếm lắm.
Chẳng thế mà nhạc Trịnh Công Sơn phải qua giọng hát của Khánh Ly,..mới tỏa ra hết được chất quyến rũ của nó, mới lưu lại lâu dài trong tâm khảm giới thưởng ngọạn.Nhạc của Lê Uyên Phương thì..chúng ta vẫn thường thấy anh đệm ghita, còn hát thì cho đến bây giờ tôi nghĩ rằng Lê Uyên là nhân vật trong thưc tế ngòai đời vừa tạo hứng sáng tác vừa là ca sĩ diễn tả vẫn tuyệt vời nhất, quyết rũ chúng ta vào đuợc không khí sinh động nhạc của Lộc…Còn nhạc của Nguyễn Đức Quang, tôi lại thấy cái chất giọng du ca tác động của chính anh- có khi hứng thú bốc lên thành nhiều điệu bộ cử chỉ kích động đến độ khá cường điệu-; nhưng xét cho kỹ lại, chính Nguyễn Đức Quang hát mới đặc biệt lột tả thành công nhất cho dòng nhạc của anh.
Từ Công Phụng cũng vậy, anh trực tiếp trình bầy những sáng tác của anh là trọn vẹn nhất.Có lẽ nhờ anh thường xuyên kiểm sóat được hứng khởi của mình khi trình diễn. Cho đến nay, anh vẫn đuợc mời đi hát nhạc do chính anh sáng tác. Tôi thấy rằng, đây là trường hợp khá hiếm. Riêng tôi thì lại có ít dịp đuợc hiện diện trong hàng khán thính giả nghe anh hát. Phải nói, rất hiếm khi mới đúng. Nhưng mặc dù vậy mà có nghĩa là hòan tòan không: Vài ba lần, một cách rất tình cờ, tôi được hân hạnh nghe anh hát nhạc của anh, trong vòng nửa thế kỷ nay.Tôi chưa biết tại sao.
Có điều rõ rệt là mấy lần ấy Từ Công Phụng ôm ghita tự đệm và miệng hát nhạc của anh, giữa một đám năm bảy thân hữu trong đó có tôi tham dự; và đã lưu lại trong tôi như một dấu ấn khó phai mờ.
Trong mấy dịp ấy, tôi nhớ mãi một lần vào khỏang giữa tháng 12 năm 1968, chúng tôi cùng hiện diện ở một trại họp bạn thanh niên thế giới ngòai Vũng Tàu. Buổi sáng khai mạc trại, được tin chính thức cho biết một người bạn chung chúng tôi** vừa bị ám sát vào trưa hôm trước ở sân trường Văn Khoa sàigòn.Chiều tối,sau khi cơm nước xong, chúng tôi tụ họp năm mười anh em thân tình trên bãi biển, để nhắc nhớ đến anh bạn bị ‘tai nạn’mà chưa biết tường tận là sống chết ra sao kia, trong mong mỏi là anh bạn ấy đuợc ‘tai qua nạn khỏi’.Có người kể mấy nét đáng mến, có nguời nhắc lại kỷ niệm đáng nhớ, liên quan đến anh bạn kia.Còn Từ Công Phụng thì tự động ôm ghita hát liên tiếp những ca khúc của anh,của những ai khác chợt hiện ra trong anh lúc ấy.Giữa sự im lặng của cả bọn chúng tôi, xen lẫn trong tiếng ì ầm của sóng biển từ ngòai khơi vào chạy dài trên bãi cát thoai thỏai uốn lượn, với tiếng hải âu thỉnh thỏang kêu rời rạc ở quanh và những đợt gió chiều mỗi lúc một lồng lộng thổi vào…,tiếng đàn ghita đệm nhẹ như có như không, giọng ca của Từ Công Phụng rù rì tâm sự:Lúc xa vắng mênh mông,lúc thủ thỉ tình tự, lúc sâu lắng ấm áp vào tận đáy lòng của từng người chúng tôi hiện diện buổi ấy…
Tiếng hát của Từ Công Phụng vốn sẵn trầm ấm, đậm chất nam tính nhưng lại đặc biệt rất truyền cảm nhờ luôn chứa đựng những rung động của tâm sự anh lúc ấy. Bây giờ, đang khi viết ra đây, tôi nhận ra cả một khung trời cũ đó từ trong ký ức hiển hiện lên mồn một, giọng hát Từ Công Phụng hồi ấy dường như mang nặng mối thương cảm của anh đối với người bạn hữu chưa biết sống chết ra sao kia mà phổ vào lời ca điệu nhạc của chính anh cảm nhận được.Và trong những giây phút thầm lặng ấy, giọng hát của anh đã trỗi nhịp cho tâm trạng của cả bọn.
Đến giờ phút này tôi đang mường tượng lại đây, làm như tiếng hát và nhạc của họ Từ đã thêm phần minh chứng rõ rệt cho cái sinh động vô tận của âm nhạc.Nó vượt thời gian bốn mươi mấy năm chục năm trời, nó vượt không gian từ Vũng Tàu (Việt Nam) để vang xa ngòai nghìn dặm, vượt nửa vòng trái đất, sang đến tận Quận Cam,Nam Cali này, để cho tôi vẫn còn nghe lại được..
Phạm Quốc Bảo.
* trích bài viết“ Từ Công Phụng và những tình khúc lãng mạn” của Nguyên Nghĩa, Đại Chúng 106, 16/8/02.
**Bị bắn ngay trước cửa trường Văn Khoa sàigòn, may thay viên đạn xuyên qua phần thịt ở gáy mà không hề chạm vào những dây thần kinh hay xương cổ, B.H.S. thóat chết!