Một trong những cuốn sách vừa ra đời gần đây, mang tên Tùy Bút của nhà thơ Du Tử Lê lại như một bó hoa của những bài thơ và những ca khúc được phổ nhạc từ thơ của ông, vang vọng lan xa, lan vang xa…
Nghe đâu đó âm điệu của “Khi Bước Vào Tuổi 30”, Trên Ngọn Tình Sầu”, Khúc Thụy Du” ướt mềm những người yêu văn chương, thơ và nhạc… những bài thơ còn xanh mượt tươi trẻ (vừa bước vào tuổi 30, mãi xuân xanh)
Dù ở một chương tùy bút nào, phụ bản nào cho những câu thơ, thì bạn văn cũng hình dung ra những dòng chữ tùy bút được viết nhẹ nhàng trầm ngâm như những câu thơ… (và ngược lại… những câu thơ Du Tử Lê là những dòng văn xuôi mở ra những suy tư gần, xa, vời vợi…)
Nếu trong những tác phẩm của tác giả Du Tử Lê trước đây có kèm theo những tranh minh họa của Duy Thanh, Đinh Cường thì với Tùy Bút mới nhất lần này, những dòng văn nhẹ nhàng vô hình đưa ta về những giai đoạn nào đó nhắc nhớ những vần thơ cũ, đã trở thành những ca khúc mênh mang: “Trên Ngọn Tình Sầu”, “Giữ Đời Cho Nhau-Tạ Ơn Em” (nhạc Từ Công Phụng),
“Khúc Thụy Du” (nhạc Anh Bằng), Dòng Sông Đứng Lại (nhạc Đăng Khánh), “Tình Sầu -Du Tử Lê” (Phạm Đình Chương).. Thu Hồng (Phan Nguyên Anh), “Khi Bước Vào Tuổi Ba Mươi” (Trần Duy Đức) …
Những bài thơ, ngôn ngữ vẫn là những lời gọi ngọt, vỗ về dịu dàng lôi cuốn, chẳng hạn như từ thuở nào đó: “em ơi , nếu có xa nhau, xin hãy đợi qua mùa mưa này!” ngọt ngào, như một tín đồ ngoan mình trước Bồ Tát.
Vớiø ca khúc như Khúc Thụy Du của nhạc sĩ Anh Bằng thơ Du Tử Lê thực hiện qua những ngôi sao ca nhạc, thì vẫn là một “Lê” trầm ngâm như chim bói cá.
Đây có thể được xem như tác phẩm đào sâu những trân quý qua các sân khấu, với ý, từ, đầy hình ảnh của “Khúc Thụy Du” của “Trên Ngọn Tình Sầu” từ “chim bói cá”, đến “bầy sẻ cũ”… nhiều người đã hát như hương còn lãng mạn ấm áp, sống động trong không gian.
Với mỗi bài thơ, mỗi đoản văn, tùy bút là một món quà trao gửi như trong Các buổi Ra Mắt Tuyển Tập Tùy Bút của Du Tử Lê gần đây tại Houston cũng như Hoa Thịnh đốn.
Những sân khấu văn học nghệ thuật ý nghĩa của bằng hữu, đặc biệt là những nhạc sĩ sát cánh với tác giả như Nguyên Bích, Đăng Khánh-Phương Hoa…
Đêm ra mắt tại Tuyển tập hứa hẹn sé có tại vùng Tây Bắc, để những người yêu thơ, khán thính giả của các ca khúc như
Khúc Thụy Du, Khi Bước Vào Tuổi Ba Mươi, Trên Ngọn Tình Sầu, Tình Sầu Du Tử Lê, được gần gũi, nắm tay vàcảm thông với những đóng góp bền bỉ.
Tập Tuỳ Bút (2011)
mới phát hành có bán qua Tự Lực online
hoặc có thể liên lạc qua:
Hanh Tuyền ï Production
12751 Lucille Ave.,
Garden Grove, CA 92841-4711
email: hanhtuyen@hotmail.com
Phút giây chân thành với Tùy Bút và thơ Du Tử Lê
Du Tử Lê, Trả lời những câu hỏi…
Người Việt Tây Bắc: Xin nhà thơ nói về cảm nghĩ về tập Tùy Bút mới được ấn hành?
Du Tử Lê:Với cá nhân tôi, mỗi khi một tác phẩm được ấn hành, gửi tới bạn đọc và thân hữu, là một hạnh phúc đáng kể. Cũng tựa như người mẹ sinh nở thêm được một đứa con.
Mặc dù, theo tôi, một khi tác phẩm đã được xuất bản thì, tác phẩm đó, tự thân sẽ có riêng cho nó, một định mệnh. Và, cách gì tôi cũng không thể can dự.
Người Việt Tây Bắc: Dự định kế tiếp?
Du Tử Lê: Năm tới, năm 2012, là năm tôi muốn thực hiện, ít nhất, một cuộc triển lãm tranh sơn đầu. Đó là những bức tranh tôi vẽ từ nhiều tháng quá. Tôi không phải là một họa sĩ chuyên nghiệp. Tôi cũng không tốt nghiệp về hội họa ở một trường, lớp nào. Nhưng, hội họa, trong những năm cuối đời tôi, lại là một tình yêu mới. Tôi cố gắng thể hiện thơ của tôi ở một dạng khác hơn chữ và nghĩa. Dạng đường nét và, sắc mầu.
Người Việt Tây Bắc: Có còn hứng thú để cống hiến những tác phẩm nghệ thuật khác như: bình, dĩa thư họa thơ CD/DVD, tranh họa…
Du Tử Lê: -Tôi không thể nói trước điều gì về những cảm hứng của mình. Có thể, ngay sau những câu trả lời này, mọi ngọn lửa văn nghệ trong tôi sẽ phụt tắt… Nhưng hiện tại, ngay giờ phút này thì, những ngọn lửa văn học và nghệ thuật vẫn còn nóng bỏng trong tôi.
Người Việt Tây Bắc: Nói gì thêm về những chuyến đi tại các thành phố các nơi, bạn yêu thơ muốn “nắm tay”, níu kéo”, kể lể tâm tình?
Du Tử Lê: -Tôi cho mọi tâm tình, trao đổi giữa tác giả và độc giả, dù ở thời điểm nào, cũng đều cần thiết, ý nghĩa. Đó là cây cầu, là cửa ngõ tương thông tốt nhất giữa người viết và, người đọc vậy.
Người Việt Tây Bắc: Tại sao có tên “Trên Ngọn Tình Sầu cho tuyển tập?…
Du Tử Lê: -Tôi chọn cho tập tùy bút mới nhất của mình nhan đề “Trên ngọn tình sầu” vì, linh hồn của bài thơ, ca khúc ấy đã đột ngột qua đời vào đúng ngày Mồng Một Tết Nguyên Đán vừa qua, tại Saigon. Tôi chỉ được thông báo khoảng 6 tháng, sau cái ngày bi thảm của riêng tôi, đó.
Người Việt Tây Bắc: Những bài thơ nào còn mãi mênh mang ấn tượng? Những bài thơ nào đã quên trong tiềm thức, như Khi Tôi Chết Hãy Mang Tôi Ra Biển”, Xin kể ra 5 ca khúc mang cho tác giả những phấn kích, yêu cuộc sống, muốn được kéo dài thêm hơn…?
Du Tử Lê: – Câu hỏi này của nhà báo Phạm Kim, gồm 3 câu hỏi nhỏ. Tôi xin chia thành “a”, “b” và “c” cho dễ trả lời.
a- Thú thật, rất khó cho tôi khi phải xác định những bài thơ nào của tôi gây “ấn tượng mênh mang” cho tôi. Với tôi, mỗi bài thơ như một đứa con vốn có những nét đặc thù khác nhau, để nhận diện. Mà tôi thì lại thuộc loại bà mẹ… “đẻ mắn” (như cách nói với của nhà thơ Cung Trầm Tưởng, về tôi, cách đây mười ba, mười bốn năm, trong một họp mặt ở Hoa Thịnh Đốn).
Tuy nhiên, nếu nhất thiết phải liệt kê một vài bài thơ, tới hôm nay, tôi tình nhớ tới hoặc, đọc / nghe lại thì, tôi xin nhắc tới những bài (không theo thứ tự thời gian sáng tác) như “Trên ngọn tình sầu,” “Dòng suối trăm năm,” “Đêm, nhớ trăng Saigon,” “K. khúc của Lê,” “Khi tôi chết, hãy đem tôi ra biển,” “Người về như bụi,” “Thơ ở một thời của những người không tuổi trẻ,” “Cõi tôi,” “Ơn em,” “Khúc Thụy Du” v.v…
b- Tôi nghĩ, khi chúng ta không nhắc tới một đứa con nào đó của chúng ta, điều đó, không có nghĩa chúng ta đã bẵng quên đứa con ấy. Có khi trái lại. Vì một lý do thầm kín nào khác.
c- Rất tiếc cho tới hôm nay, tôi chưa có được cho mình một / nhiều ca khúc làm cho tôi có được “những giây phút phấn kích và yêu đời, (đưa tới ao ước) muốn cuộc sống kéo dài thêm ra…” Có thể, tương lai hoặc một kiếp nào khác chăng?
Người Việt Tây Bắc: Những đau đớn nào không muốn nhớ, không muốn nói tới?
Du Tử Lê:- Những hàm oan, ngộ nhận liên quan tới phần đời riêng, cũng như công của tôi./.