Lê Phong.
San Jose – Người chen vai, kẻ nhón chân, người rướng mắt, kẻ nhíu mày… và rồi tất cả đều dường như ngừng thở lắng nghe từng tiếng hát vút trời, từng tiếng đàn vĩ cầm réo rắt, và những lời bộc lộ chân thành của một nhà thơ, một tâm hồn héo hắt, một nghệ sĩ suốt đời nghiệt ngã, nhưng cũng chính là một thi sĩ lừng lẫy được mọi người mở rộng tâm hồn đón nhận với biết bao yêu thương trìu mến: Đó chính là nhà thơ Du Tử Lê đang đắm chìm trong một niềm hạnh phúc bất ngờ nhất của đêm sinh họat văn học nghệ thuật chưa từng thấy từ trước đến nay, được tổ chức vào đêm thứ Bảy ngày 18 tháng 8, 2012 vừa qua tại Hội-An Bistro, San Jose.
Có lẽ mọi người tham dự trong đêm văn nghệ hiếm có đặc biệt nầy cũng không kịp nhớ ra rằng Du Tử Lê đã từng đọat giải khôi nguyên Văn Chương Toàn Quốc, bộ môn Thi Ca, vào năm 1973 tại thủ đô Sài Gòn. Cũng chẳng có ai đếm được anh đã có 40, 50 hay 60 tác phẩm được ra đời trong hơn nửa thế kỷ sáng tác với hơn 2000 bài thơ và 200 bài nhạc phổ thơ, trong đó có nhiều bài đã trở thành vĩnh cửu. Nhưng có một điều chắc chắn nhất trong đêm huyền diệu ấy chính là niềm xúc động dạt dào chưa từng thấy nơi một nhà thơ với cả một cuộc đời thăng trầm dày dặn, đã thốt thổ lộ rằng “Để ở được những bài thơ như quý vị đã biết, tôi đã phải trả bằng một giá rất đắt.”
Diệu Linh mở đầu với “Tạ Ơn Em” (Từ Công Phụng, 1969) như một lời tạ ơn gửi đến cho tất cả mọi người, không những chỉ ơn tình yêu, mà còn ơn văn nghệ, ơn tình người, tình quê hương, v.v.. Tiếng hát cao vút của Diệu Linh cùng với dóc dáng xinh đẹp, kỹ thuật trình diễn duyên dáng, đã chiếm trọn cảm tình của cử tọa ngay từ câu hát đầu tiên cho đến câu ngân cuối cùng.
Đồng Thảo đưa hết tâm hồn vào hai tác phẩm kế tiếp: “Tan theo ngày nắng vội” (Trần Duy Đức, 1984), và “Đêm, nhớ trăng Saigon” (Phạm Đình Chương, 1981).
Danh ca cổ nhạc Phượng Mai đã đem lại một sinh khí sôi động cho đêm văn nghệ thính phòng với phần tân cổ giao duyên qua bài hát “Mai em lấy chồng” do Mai Trường phổ từ bài “Thư cho em” vào năm 1964, và sau đó được sọan giả Kiên Giang sọan phần cổ nhạc.
Minh Nguyệt diễn tả truyền cảm một ca khúc rất lạ mà chính anh Lê cũng lần đầu tiên được nghe: “Em về trong tưởng tượng tôi” do Khang Thụy phổ thơ vào năm 1981.
Mạnh Quân với một giọng ca trầm ấm đã tiếp nối với hai ca khúc: “Khúc Thụy Du” và “Trong tay thánh nữ có đời ta.”
Đồng Thảo lại hát “Khi gối đầu lên ngực em” do NP Tịnh Hiếu một nữ nhạc sĩ rất trẻ phổ từ bài “Tháng Tư T., Biệt Khúc, Khác” mới viết hồi tháng Tư vừa qua cho người bạn đời Hạnh Tuyền.
Diệu Linh đã trở lại với một ca khúc rất cũ về một bài thơ cũng rất xưa, nhưng lần đầu tiên sau gần 40 năm mới được giới thiệu trên sân khấu: Bài “Dỗ giấc người bất hạnh” cũng được viết cho Thụy Châu vào năm 1969, và được Trần Hữu Trung phổ nhạc vào năm 1974.
Nhạc sĩ Tâm Nguyên đã trao cho nhà thơ Du Tử Lê một món quà đặc biệt là tấm poster kỷ niệm của chương trình, kết thúc chương trình với một sáng tác mới nhất, cảm hứng từ bài thơ của Du Tử Lê mang tên “Valentine.”
Thật vậy, đêm thơ nhạc Du Tử Lê là quả là một biến cố văn học nghệ thuật hiếm hoi và qúy báu. Và cũng chính nhà thơ Du Tử Lê, rất xúc động bồi hồi lắng nghe lần đầu tiên một số ca khúc như được chính thức trình làng: Dỗ giấc người bất hạnh, Em về trong tưởng tượng tôi, Khi gối đầu lên ngực em, và Valentine. Riêng bài Valentine đã được Tâm Nguyên sáng tác để kỷ niệm nhân buổi sinh họat văn nghệ nầy.
Trước lúc chia tay đề về lại Nam Cali, nhà thơ Du Tử Lê đã nhờ BTC gởi lời kính chào và cảm tạ tất cả sự ưu ái nồng nàn của giới yêu mến văn học nghệ thuật của vùng San Jose – Bắc Cali, đã cùng chia xẻ với tác giả những suy tư và quan tâm về gia tài văn học nước nhà của một thời lẫy lừng trong 20 năm tự do ngắn ngủi 1954-1975. Nhà thơ tiếp lời: “Triều đại nào rồi cũng qua. Chế độ nào rồi cũng qua. Cái còn lại là dân tộc Việt Nam. Trong sự tồn tại của dân tộc Việt Nam, trong đó văn học nghệ thuật. Và chính qúy vị, những người có mặt hay không có mặt trong buổi sinh họat văn học nghệ thuật tối thứ Bảy ngày 18 tháng 8 năm 2012 tại Hội-An Bistro, theo tôi, chính là những người đã và đang làm thành sự vĩnh cửu của gia tài văn học nghệ thuật Việt Nam.”
-Lê Phong
*
Caption:
-Nhà thơ Du Tử Lê đón nhận tấm poster kỷ niệm từ LS Nguyễn Tâm.