Bài và hình : Nguyên Nguyễn
HOUSTON, TX (NV) – Cuộc triển lãm tranh Du Tử Lê do The Mozart Institute of Music (Truờng Suối Nhạc) được khai mạc trong tiếng thụ-cầm (Harp) của nữ nhạc sĩ Terece Weber và tiếng dương cầm của nhạc truởng Paul English lúc 6 giờ 30 tối Chủ Nhật ngày 7 tháng 10 vừa qua, tại thành phố Houston, Texas.
Mở đầu chương trình, với tư cách người đứng đầu trường Suối Nhạc, nhạc si Đăng Khánh cho biết, năm 1992, Suối Nhạc đa hân hạnh giới thiệu lần đầu tiên thi phẩm Thơ Tình / Love Poem của thi sĩ Du Tử Lê với độc giả Houston. “Và, hôm nay, đúng 20 năm sau, Suối Nhạc lại được hân hạnh giới thiệu lần đầu tiên những họa phẩm của thi sĩ Du Tử Lê sáng tác trong vòng mấy năm qua…”
Sau khi giới thiệu danh tánh của khoảng gần 100 tân khách chọn lọc, (nhiều người đến từ những nơi rất xa), nhạc sĩ Đăng Khánh, tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng, như ca khúc “Lệ Buồn Nhớ Mi” cũng giải thích vắn tắt về thuật ngữ “nghe tranh” của ông, trong chủ đề: “Đọc thơ, sống nhạc, nghe tranh Du Tử Lê“ ? Ông nói, ngay từ hậu bán thế kỷ thứ 19, nhạc sử thế giới đã ghi nhận rằng, nhạc sĩ – soạn nhạc gia Alexander Scriabin người Nga nổi tiếng thế giới khi ông cho biết, ông nhận ra nhiều vị khác nhau từ mặn ngọt tới chua cay khi ngửi hương thơm của một bông hoa hồng. Cũng như ông nghe được nhiều thanh âm khác nhau, dấy lên từ một bức tranh, khi ông nhìn mầu sắc lại nghe ra âm thanh thánh thót. Sau này y học định ra đó là chứng “synesthesia”, chính nhờ thiên khiếu đặc biệt này ông đã mở ra một cõi nhạc riêng gọi là “atonality”.
Tác giả “Lệ Buồn Nhớ Mi” kết luận: “Do đó, khi tôi dùng thuật ngữ ‘nghe tranh Du Tử Lê’ thì xin quý vị nhớ cho rằng, tôi không phải là nguời đầu tiên dùng thuật ngữ này…”
Tiếp lời nhạc sĩ Đăng Khánh, nhà thơ Du Tử Lê cho biết, ông sẽ không bao giờ tự nhận ông là một họa sĩ mà ông chỉ là người nỗ lực chuyển thể thi ca của ông qua một kênh nghệ thuật khác. Đó là hội họa.
“Tuy nhiên, nỗ lực nào lúc khởi đầu cũng cần tới sự khuyến khích hỗ trợ của đám đông. Và khởi sự đó, thường đuợc bắt đầu từ bằng hữu. Do đó, quý vị và các bạn chính là những người đầu tiên khuyến khích và hỗ trợ tôi trong nỗ lực này…”
Trước khi kết luận, họ Lê xin lỗi hai nguời bạn thân thiết của ông và cũng là của tất cả các tân khách, để đuợc bày tỏ lòng “tri ngộ” của ông với hai nguời bạn đặc biệt ấy. Đó là nhạc si Đăng Khánh và Phương Hoa, người bạn đời của người nhạc sĩ đa tài này.
Từ một góc độ khác, cựu chủ biên đài VOA, ông Lê Văn mượn lời cố nhà văn Mai Thảo, trong những lần tâm tình riêng với ông, tác giả “Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền” từng nhắc nhở ông rằng:
“Đọc kỹ, từng chữ thơ tình của Du Tử Lê, bạn sẽ thấy hắn là một phù thủy ngôn ngữ đấy… ”
Từ nhận xét của bạn văn Mai Thảo, sau nhiều dẫn chứng, cựu chủ biên đài Tiếng Nói Hoa Kỳ kết luận:
“Vì thế, tôi không chút ngạc nhiên khi cảm đuợc cả một thế giới lãng mạn và sâu sắc trong tranh Du Tử Lê…”
Sau khi mời các tân khách thưởng thức 2 ca khúc “Lệ Buồn Nhớ Mi” và “K. Khúc Của Lê” của Nhạc sĩ Đăng Khánh phổ từ thơ Du Tử Lê, được song tấu bởi tiếng thụ cầm của nữ nhạc sĩ Terece Weber và tiếng dương cầm của nhạc trưởng Paul English nhà thơ Tô Thùy Yên, một trong 7 vì sao bắc đẩu của nửa thế kỷ thi ca Việt Nam (theo nhà văn Mai Thảo), khi được mời phát biểu, ông cho biết, có lẽ vì tâm hồn nhà thơ Du Tử Lê chứa chất quá nhiều bức xúc mà thi ca không giúp ông giải tỏa được hết những dồn nén ấy, nên ông đã tìm tới hội họa như một bổ khuyết cần thiết và hữu ích.
Hoạ sĩ Phạm Thông, tác giả của bức tượng Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng Saigon, bức tượng duy nhất không bị chế độ CSVN giựt sập cho thấy ông không đồng ý trước sự khiêm tốn của nhà thơ Du Tử Lê, khi họ Lê nhấn mạnh ông chỉ là một người vẽ tài tử. Mà theo ông thì Du Tử Lê là một họa sĩ đích thực của chỉ danh này và, nhất là:
“…Tôi không thấy một ảnh hưởng nào của các hoạ sĩ đi trước, trong tranh Du Tử Lê. Chưa kể tranh ông rất có hồn. Một cảm nhận khó diễn tả. Nhưng lại rất cần thiết cho một tác phẩm nghệ thuật. Chính cái ‘hồn’ đó, mới làm nên giá trị đích thực một tác phẩm…”
Chủ tịch sáng lập hội Văn Hóa Khoa Học Houston, ông Nguyễn Ngọc Bảo, đi xa hơn, sau khi nêu những dẫn chứng đầy tính thuyết phục từ thi ca tới hội họa của Du Tử Lê, ông kết luận:
“Tuy nhà thơ Du Tử Lê cho biết tranh của ông thường nghiêng về trường phái ấn tượng, siêu thực, hoặc phối hợp nhiều trường phái khác nhau, nhưng theo tôi thì đúng hơn cả, ta nên gọi đó là trường phái Du Tử Lê…”
Là diễn giả sau cùng, nhưng nhạc sĩ và cũng là nhà ngôn ngữ học Trần Như Vĩnh Lạc đã gây bất ngờ thích thú cho cử tọa, khi ông chỉ ra rằng, trong thơ cũng như tranh của Du Tử Lê đầy nữ tính, “một biểu lộ can đảm của những thiên tài…”.
Ông nêu ra một số tranh tiêu biểu như các bức “Mùa Em.Thu Tím. Rừng Tôi Phía Nào”, bức “Em Và, Mẹ Và, Tôi Là, Một Nhé” hay bức “Mưa Ở Đâu Về Như VếtThương” tố chất nữ không chỉ có nổi rõ qua đuờng nét mà còn hiện rõ trong từng sắc độ của các game mầu nữa.
Bà Phương Hoa thay mặt ban tổ chức cho biết, với kết quả cụ thể là 12 trong số 16 bức tranh được trưng bày, (chưa kể bức tranh lớn nhan đề “Tôi MuốnCất Ngôi Nhà Trong Ký Ức” của thi sĩ Du Tử Lê đã được hệ thống nhà hàng Kim Sơn Houston, đặt mua để bán đấu giá gây quỹ vào ngày 16 tháng 12 tới đây), đã đủ nói lên phần nào tài năng hội họa của một người “sẽ không bao giờ tự nhận mình là họa sĩ”: Du Tử Lê.