* Dân Huỳnh (NV)
Khó có thể tưởng tượng được một nhiếp ảnh gia trưởng thành trên đất Mỹ đã trên 32 năm mà tâm hồn vẫn còn đầy ắp những kỷ niệm của quê hương.
Phạm Hoài Nam yêu Việt Nam đến lạ lùng! Từ đồng ruộng, dòng sông, căn nhà góc phố, con đường cho đến bà mẹ già quang gánh, những đứa trẻ thơ bán vé số trên hè phố. Cảm xúc của anh trải dài chỉ để tìm lại những ước mơ, những kỷ niệm và ký ức của một thời thơ ấu, anh sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Việt Nam nghèo khổ mà không riêng anh, ai ai cũng đều có thật nhiều ước mơ…
Một trong những làn gió để đưa cánh diều ước mơ của Hoài Nam bay cao trong bầu trời nhiếp ảnh nghệ thuật chính là tà áo dài trắng. Bộ ảnh lịch Ước Mơ 2013 đã được anh thể hiện về tà áo trắng và những ước mơ đầy ắp tình người.
Nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam đã tâm sự về mình:
“Nam vượt biên cùng với chị định cư ở Minnesota, Mỹ từ năm 8 tuổi. Thời thơ ấu Nam đã sống xa gia đình nên từ thuở học lớp 10, Nam thích nghệ thuật: vẽ, nhạc, thơ… những yếu tố đó đã cho Nam có nhiều cảm xúc để đến với nhiếp ảnh, bức ảnh đầu tiên Nam đã tự chụp cho chính mình (self portrait) và Nam đã có cảm giác cái máy ảnh có thể thực hiện thành một câu chuyện cho chính mình, Nam đã thích nhiếp ảnh từ đó. Qua 18 năm chụp hình cho đến nay, Nam chụp đa số ở nước Mỹ, năm 1996 Nam đã thực hiện trang web Áo Trắng để giới thiệu hình ảnh của mình. Nhiếp ảnh cũng không phải là nghề chính của Nam mà chỉ là niềm đam mê nghệ thuật của mình, Nam chưa hề học qua trường lớp mà tự tìm tòi, tự học nhiếp ảnh, Nam không chú trọng nhiều đến kỹ thuật mà chỉ chú trọng đến cảm xúc cho tác phẩm của mình, nếu người chụp hình biết cách kể được câu chuyện để gửi gấm cảm xúc của mình vào đó…”
Một trong những ý tưởng mà Hoài Nam ấp ủ về hình ảnh quê hương qua những bài thơ bài nhạc chính là tà áo dài Việt Nam, trước đây ở Mỹ, Nam cũng có nhiều lần chụp tà áo dài Việt Nam dù với cảnh đẹp mùa Thu lá vàng hay thiên nhiên hùng vĩ của nước Mỹ cũng vẫn thiếu đi “hồn quê” hay một điều gì đó trong tâm hồn của một nhiếp ảnh gia mang giòng máu Việt.
Vào năm 2010, một dịp Phạm Hoài Nam về nước đến một cô nhi viện trao tiền từ thiện. Cơ duyên khiến gặp được người mẫu Tăng Thanh Hà cũng hết sức tình cờ.
“Nam thật sự bị thu hút với một cô bé có khuôn mặt thánh thiện, một cô gái có vẻ đẹp thanh thoát cũng đang làm từ thiện ở đây. Nam không hề biết Tăng Thanh Hà là một diễn viên điện ảnh hay người mẫu nổi tiếng ở Việt Nam vì Nam quá bận bịu với công việc kinh doanh và sống tại Mỹ, nên ít theo dõi tin tức văn nghệ, giải trí trong nước nên cũng không biết cô là ai. Nam không chỉ ấn tượng về vẻ ngoài của Hà mà còn ấn tượng về cách cô ấy làm việc thiện: âm thầm, lặng lẽ, hầu như ít ai biết, Nam làm quen và hẹn có dịp để chụp ảnh.
“Trở về Mỹ, Nam quyết định một ngày sẽ thực hiện bộ ảnh lịch Tăng Thanh Hà với tà áo dài trắng quyện trong bối cảnh quê nhà. Biết được mục đích thực hiện bộ ảnh lịch, Tăng Thanh Hà đã vui vẻ cùng Nam cùng lên kế hoạch thực hiện. Mặc dù một tháng trước ngày lên xe hoa, Hoài Nam và Tăng Thanh Hà rong ruổi khắp các con đường, ngõ hẻm ở Sài Gòn để tìm bối cảnh, thậm chí, còn chạy xe về các tỉnh miền Tây, chạy đến đâu, thấy có cảnh quê chân chất đúng như ý đồ của concept ảnh thì ngừng xe lại và chụp. Hà diễn rất tự nhiên, nhẹ nhàng trong sáng. Những nhân vật trong ảnh đều là người thật, việc thật, cảnh thật. Chúng tôi không thích sắp đặt điều gì trong khung ảnh. Và ngày về, trên những con đường đặt chân qua, tôi đã được gặp những con người, những mảnh đời khác nhau và đã cùng ngồi chia sẻ những ước mơ về cuộc sống. Sự đồng cảm giữa những ước mơ của tôi và của họ là cảm hứng cho sự ra đời của bộ lịch này,” Hoài Nam kể.
Phạm Hoài Nam sinh ra ở Quảng Ngãi nhưng lớn lên ở Sài Gòn. Tuy 32 năm ở Mỹ, anh vẫn nói, viết tiếng Việt lưu loát. Bộ ảnh lịch “Ước Mơ” đã được phát hành tại Mỹ với số lượng 5,000 cuốn. Với 12 ảnh đen trắng cho mỗi tháng và mỗi tác phẩm đều có caption kèm theo đoạn văn, bài thơ của những thi văn sĩ, nhạc sĩ danh tiếng Việt Nam. Đây là một trong những bộ ảnh lịch Phạm Hoài Nam thực hiện trong suốt 18 năm qua nằm trong dự án mang tên Áo Trắng của anh. Từ số tiền bán lịch, anh đã tặng hơn 100,000 USD cho các viện mồ côi tại Mỹ và Việt Nam.
Bộ ảnh lịch Ước Mơ với tà áo dài trắng thanh khiết trong sáng của Tăng Thanh Hà dưới góc nhìn của nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam đan xen tà áo dài trắng với bà mẹ già bán rong, với hai em bé bán vé số, với chiếc thuyền, cô lái đò, dòng sông, bờ tường rêu phong, góc phố tĩnh lặng… Tất cả những ước mơ đó thật nhẹ nhàng như hơi thở quê hương của tình người ban tặng cho nhau. Người nghệ sĩ trẻ đó đã đem một giấc mơ đơn sơ để gửi tặng đến tất cả những người Việt Nam, dẫu có xa quê nhà bao lâu đi nữa thì chỉ một thoáng nhớ quê cũng đủ quặn đau để…
Giọt nước mắt đó cũng đủ để tôi trân trọng một người nghệ sĩ trẻ, một nhiếp ảnh gia đã đem đến những ước mơ cho tình người và cho riêng tôi một ước mơ… thầm kín!
Xin cảm ơn Phạm Hoài Nam.