Quận Cam (TA) – Nhạc sĩ Châu Đình An, tác giả “Đêm Chôn Dầu Vượt Biển,” có buổi trình diễn và trò chuyện với người hâm mộ Little Saigon, tại hội trường nhật báo Người Việt vào tối Chủ Nhật, 14 Tháng Tư.
Với chủ đề là thân phận người Việt Nam sau quốc nạn 1975, Nhạc sĩ Châu Đình An trình bày tổng cộng 10 bài hát do ông sáng tác. Các bài hát, có bài đã quá nổi tiếng như “Chăn Vịt Ở Phương Nam” hay “Đêm Chôn Dầu Vượt Biển,” cũng có những bài ít phổ biến hơn nhưng lại nói lên hết tâm tình người tác giả như “Sầu khúc”, hoặc “Tâm Động Ca.”
Trong không gian nhỏ của hội trường, giọng hát ấm áp và tiếng đàn điêu luyện của Nhạc sĩ Châu Đình An trở thành lời tự sự của người nhạc sĩ với khán giả. Các bài hát đưa người nghe lướt qua khoảng thời gian đầy biến động của đời ông, và có lẽ cũng là của nhiều người bên dưới hàng ghế khán giả. Nhạc sĩ trình bày trước là những ca khúc ông viết về khoảng thời gian kẹt lại ở Việt Nam, tiếp là về thuyền nhân, và cuối cùng là nỗi nhớ niềm đau của người xa quê.
Mở đầu chương trình là ba tác phẩm nổi tiếng, được cho là “dấu ấn” của Nhạc sĩ Châu Đình An trong nền âm nhạc Việt: Tình Khúc Cho Loài Sâu, Đêm Chôn Dầu Vượt Biển, và Tâm Động Ca.
“Người bỏ ra đi, quê xa mịt mù. Một ngày Tháng Tư, quê hương ngục tù, để lại non sông, cơn đau hận thù…” bài Tình Khúc Cho Loài Sâu trong điệu nhạc chậm, da diết, đưa người nghe vào cảm xúc chủ đề của chương trình.
Từng câu, từng chữ của lời hát vẽ lại hình ảnh một đất nước Việt Nam, một dân tộc Việt Nam vật lộn trong giai đoạn tang thương lịch sử. Nhạc của Châu Đình An, tuy nhẹ nhàng, không chút cầu kỳ, vẫn cứ dần xoáy vào lòng người qua tiếng đàn da diết.
Nối tiếp chương trình là các tác phẩm: Sầu Khúc, Tự Tình Tôi, Chăn Vịt Ở Phương Nam, Thủy Tang, Chỉ Là Hạt Bụi Thôi, Tình Em Vẽ Một Chân Dung, và Với Em Suốt Một Con Đường. Nỗi lòng tác giả khi đau đớn qua cái nhìn của người thất thời đi chăn vịt, khi chỉ man mác buồn mượn điệu ca ru tình gửi lời tâm sự.
Vì không cầu kỳ, nhạc của Châu Đình An, tả kỹ lắm, từng chi tiết hiện rõ mồn một. Từ “cây đa miền Bắc, cây dừa miền Nam” của quê hương, hay “giọt nước mắt nhăn nheo mẹ già, giọt nước mắt lưu vong trực trào” của người thuyền nhân…
Căn phòng với gần hai trăm khán giả, không có một tiếng động nào khác ngoài tiếng đàn, giọng hát người nhạc sĩ. Người nghe lặng thinh đắm đuối trong âm nhạc. Lúc chuyển tiếp giữa các ca khúc, tay họ vỗ vang vang, nhưng người thì vẫn ngồi yên như bất động để lắng nghe lời tâm sự của nhạc sĩ, để chờ được thưởng thức bài hát tiếp theo. Có thể nói, đêm nhạc Châu Đình An thôi miên tất cả những ai đến tham dự.
Mười bản nhạc trong buổi văn nghệ đặc biệt này là một thước phim, thật và buồn, do Nhạc sĩ Châu Đình An dùng tiếng nhạc dựng lên để tặng người hâm mộ tại Little Saigon, thủ người Việt tị nạn, sau hơn 20 năm xa cách.
Khán giả được “thấy”, qua lời , hình ảnh một thanh niên ốm o, bị tù tội vô lý dưới tay Cộng Sản, đi gánh dầu mướn để được một chỗ lên thuyền vượt biển, rồi lạc lõng trong khu trại tị nạn ở đất Hồng Kông, và cuối cùng đến đất Mỹ xa lạ và lòng luôn đau đáu về “Việt Nam, tôi mất đâu rồi.” Đó là câu truyện đời của chính bản thân tác giả, và cũng là của không ít thanh niên thời bấy giờ.
Nhạc sĩ Châu Đình An không giấu được hạnh phúc khi gặp lại người hâm mộ. Ông cho biết: “Sống ở Florida tôi vẫn sáng tác, làm việc với niềm đam mê âm nhạc. Nhưng 21 năm rồi giờ mới đứng trên sân khấu hát cho khán giả nghe.”
Trong không khí “gần gũi như gia đình,” người nhạc sĩ bộc bạch chia sẻ nhiều chi tiết về bản thân mà ít người hâm mộ biết về ông. Nhìn người nhạc sĩ chỉnh chu trong chiếc áo vest phẳng phiêu, gương mặt lãng tử, thân thiện, nhiều người không khỏi bất ngờ khi ông kể chuyện ở nhờ nhà người bác vì mồ côi cha lẫn mẹ, hay lúc ông còn đi làm ruộng, đào mương…
Về phần khán giả, những người được phóng viên hỏi đều cho biết yêu mến các tác phẩm của nhạc sĩ Châu Đình An. Họ, có những người lớn tuổi như ông Michael Hồng, ông Bá Khanh, bà Janet Nguyễn, và cũng có những thanh niên nhỏ tuổi hơn cả các bài hát trong chương trình, như anh An Lâm, cô Tú Quyên… Tất cả đều ở lại tới phút chút, nài nỉ người nghệ sĩ hát thêm, đàn thêm. Chương trình vì thế mà kết thúc trễ hơn so với lịch trình.
Nhạc sĩ Châu Đình An, sinh ngày 30 tháng 5 năm 1954 (Giáp Ngọ) tại Huyện Lệ Thủy, Tỉnh Quảng Bình. Ông vào Nam trong tháng 7 năm 1954, mồ côi cha rất sớm (lúc 9 tuổi). Ông tự học nhạc và viết nhạc năm 16 tuổi. Đến Hoa Kỳ tháng 10 năm 1980, ông sinh hoạt âm nhạc tại hải ngoại từ năm 1981. Ông từng sinh sống tại Nam California từ năm 1983, đến năm 1992 thì lập gia đình, chuyển sang định cư tại thành phố Orlando, Florida. Tài sản âm nhạc của Châu Đình An hiện có trên 400 ca khúc viết về đất nước, con người và tình yêu.