Bình Nhưỡng trước nguy cơ và đối lực của Hoa Kỳ
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hoạt
Sau những tuyên bố nẩy lửa của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-Un, thế giới tưởng chừng như một cuộc chiến sẽ xảy ra trong giây lát. Trong khuôn khổ bài xã luận nầy chúng ta thử tìm hiểu bản chất đưa đến hiện tượng Kim Jong-Un. Bởi, đơn phương Bình Nhưỡng làm sao có thể đương đầu với Nam Hàn, Nhật Bản và Hoa Kỳ, nếu họ không có sức đẩy từ Bắc Kinh. Đây là cách trả đủa của lãnh đạo Trung Quốc vì những tuyên bố từ Bạch Cung cho rằng Mỹ sẽ đứng về phía Nhật Bản trong các tranh chấp biển đảo hiện nay. Do đó, với những lời tuyên bố của Jong-Un chắc chắn đã được bật đèn xanh từ Bắc Kinh. Nếu không, với tuổi đời 29, Jong-Un hãy còn quá trẻ để có thể dẫn dắt Bình Nhưỡng tìm kiếm một phiêu lưu chính trị. Trong đó người ta tin rằng trò chơi mới của Jong-Un đưa ra sẽ đẩy Bình Nhưỡng sống trở lại thời kỳ đồ đá và ngay cả số phận của Jong-Un rồi sẽ không khác gì Saddam Hussein hay Gaddafi.
Đối diện với những thách thức từ Bình Nhưỡng, Hoa Kỳ và Nam Hàn vẫn tiếp tục tập trận và sẵn sàng đáp trả lại bất kỳ hành động nào có tính khởi đầu cho việc tấn công. Nhằm mục đích tăng cường sức phòng thủ, Hoa Kỳ trang bị thêm phi đạn bảo vệ căn cứ Guam và Alaska., đưa thêm chiến hạm vào Thái Bình Dương, tăng cường loại máy bay B2 (tàng hình) trên các vùng biển lân cận. Riêng về Nam Hàn Hoa kỳ đã có những động thái sau đây:
Ngũ Giác Đài đã chấp thuận bán cho Nam hàn 60 chiến đấu cơ F-15 loại cực kỳ tối tân, thay thế các loại F- 4 cũ kỷ.
Đưa thêm hàng trăm thiết giáp loại hiện đại, kể cả các loại phá mìn, lội nước. Đây là loại chiến xa có khả năng vượt vĩ tuyến 38 để tấn công Bắc Hàn.
Bổ sung thêm lính Thủy đánh Bộ sang căn cứ Darwin tại Úc, tham gia các chương trình huấn luyện. Ngoài ra đơn vị lính Thủy đánh Bộ nầy còn được trang bị thiết bị chống lại vũ khí hóa học và sẵn sàng lên đường khi có nhu cầu.
Phía Nhật Bản:
Hoa Kỳ đã thiết lập các dàn lá chắn (hỏa tiễn) tại Tokyo và các vùng phụ cận.
Chiến hạm Hoa Kỳ đã trực chỉ vào Thái Bình Dương tạo thêm hàng rào trên lãnh thổ Nhật.
Lính Thủy đánh Bộ, Không Quân tại căn cứ Okinawa đặt trong tình trạng báo động 100%; sẵn sang lên đường.
Trên phương diện ngoại giao: Ngoại trưởng John Kerry công du Á Châu, gặp lãnh đạo của Nhật, Phi Luật Tân và Nam Hàn tái khẳng định lại vai trò của Hoa Kỳ cùng đồng minh. Sau đó ông đã sang Bắc Kinh gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường bàn thảo về đề tài thay đổi khí hậu, môi trường, mậu dịch cũng như nhắc nhở về việc định lại tỷ giá đồng nhân dân tệ. Dĩ nhiên, vấn đề Bắc Hàn, Nhật Bản đã được Ngoại trưởng Kerry nhắc nhở để Trung Quốc không thể vượt qua lằn ranh. Ngoài ra, tình hình Syria, Iran cũng như Trung Đông, Hoa Kỳ đã yêu cầu Trung Quốc đóng góp một cách tích cực hơn nữa.
Đối với quốc phòng: Tổng thống Obama đã chỉ định Đại tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Martin Demsey sang Bắc Kinh. Sau chuyến đi của Ngoại trưởng Kerry và Tướng Demse, Tổng thống Obama sẽ gữi Cố Vấn Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Tom Donilon sang thăm Hoa Lục. Nhìn vào những con thoi từ chính trị, quân sự cho đến Hội Đồng An Ninh tối cao của Hoa Kỳ, giới quan sát viên cho rằng Bạch Cung đã gữi tối hậu thư cho Bắc Kinh biết rằng vấn đề Bắc Hàn phải được Bắc Kinh dùng áp lực của mình để giải quyết, nếu không muốn Hoa Kỳ và đồng minh xóa sổ. Dĩ nhiên, Bắc Kinh sẽ không muốn thấy một Bắc Hàn giải thể hoặc thống nhất với Nam Hàn, điều nầy cũng không lạ gì trước đây Bắc Kinh cũng đã từng chống lại Bắc và Nam Việt Nam thống nhất.
Vai trò NATO.
Để hổ trợ cho Nam Hàn và Nhật Bản, Tổng thư ký tổ chức NATO Anders Fogh Rasmussen lần đầu tiên đã đến Tokyo hội kiến với Thủ Tướng Shinzo Abe, cùng nội các của ông. Sau đó ông đã đến Hán Thành gặp gỡ Tổng thống Park Geun-hye, các bộ trưởng cùng Quốc Hội. Trong cuộc họp báo tại Hán Thành, ông Tổng thư ký cho biết vào một ngày rất gần NATO sẽ ký kết với Nhật Bản và Hán Thành một văn kiện “hổ tương lẫn nhau”. Bởi vì, giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và những quốc gia thuộc khối NATO “giống nhau những giá trị cơ bản, chẳng hạn như: tự do cá nhân, dân chủ, nhân quyền và các quy định của pháp luật. Chúng tôi sẽ chia sẻ sự cần thiết để đối mặt với những thách thức an ninh chung vượt ra ngoài giới hạn. Do đó, chúng tôi quyết tâm giữ vững vai trò tích cực để thúc đẩy an ninh và ổn định”.
Sự có mặt của Tổng thư ký NATO lần đầu tiên tại hai quốc trên là dấu hiệu quan trọng cho thấy NATO chẳng những chỉ trợ giúp Nam Hàn và Tokyo khi bị Bắc Hàn tấn công, mà sự hiện diện của Rasmussen còn nói lên vai trò của NATO trong việc bảo vệ Nhật Bản, nếu có sự tranh chấp cùng Trung Quốc. Đây chính là “mụt nhọt” mà Bắc Kinh lo ngại và là động lực chính để Bắc Kinh xúi giục chư hầu Bắc Hàn có những động thái hiếu chiến vừa qua.
Trở lại Hoa Thịnh Đốn, sau khi Bộ trưởng Ngoại Giao, Quốc Phòng và Cố Vấn An Ninh Quốc Gia công du Á Châu, tiếp xúc với lãnh đạo Nhật Bản, Nam Hàn và Trung Quốc cùng chuyến viếng thăm Á Châu lần đầu tiên của Tổng Thư Ký NATO. Sau đó Bạch Cung đã mời Tổng Thống Nam Hàn Park Geun-hye viếng thăm Hoa Kỳ. Tại đây Tổng thống Obama tái khẳng định lại vai trò của Mỹ sẽ hổ trợ Nhật Bản và Hán Thành bằng tất cả phương tiện hiện có. Như thế chúng ta đã hiểu rõ chính sách của Hoa Kỳ tại Châu Á Thái Bình Dương không những hiện nay mà nhiều thập niên tới (chính sách tiến gần Châu Á của Hoa Kỳ được khởi đầu vào cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Bush). Hơn ai hết, Bắc Kinh và Bắc Hàn lại càng rõ hơn nữa về liên minh Á Châu mà Hoa Kỳ chính là người đạo diễn.
Cho nên, Bắc Triều Tiên đã đồng ý đàm phán cùng Hoa Kỳ và Nam Hàn là điều không ngạc nhiên. Cho dù họ thật sự có vũ khí hạt nhân hay không. Nhưng trước áp lực của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn, khối NATO và ngay cả Trung Quốc, Bình Nhưỡng không còn lựa chọn nào khác hơn là phải thương thuyết để tồn tại. Ngược bằng hình ảnh của Saddam Hussein sẽ là nổi ám ảnh bủa vây Jong-Un qua những lời tuyên bố mang tính cường điệu.
Cũng từ đó, chúng ta đã nhìn thấy được phương vị của chính sách Hoa Kỳ tại Châu Á Thái Bình Dương. Trong đó Việt Nam là “một phần thân xác của em tôi”. Đây là thời cơ chín mùi để Việt Nam viết nên một chương mới trở thành đồng minh chiến lược cùng Nhật Bản, Phi Luật Tân, Nam Hàn và Hoa Kỳ, nhằm hóa giải ảnh hưởng từ Trung Quốc và cơ hội để chúng ta phát triển nền khoa học hiện đại và kỹ nghệ tiên tiến trong mục đích bảo vệ đất nước./.