(ảnh trên: Lê Xuân Trường (phải) cùng Thanh Bùi
thực hiện thành công nhiều dự án ca nhạc nổi bật) (1)
(NVTB News) Trong lúc cho phổ biến poster quảng bá lên trang web về buổi hội ngộ 50 năm nhạc Trẻ (Việt Nam) và kỷ niệm 18 năm góp mặt Tạp Chí Trẻ Kỳ Phát, một số tác giả góp công sức trong dòng nhạc này chợt về trong trí nhớ và hồi tưởng từ sau 1963: Phạm Duy, Vũ Xuân Hùng, Nam Lộc, Kỳ Phát, Lê Toàn, Lê Xuân Trường, Tuấn Dzũng, Nguyễn Duy Biên. Từ sau 1975 lại có thêm nhiều các ca khúc ngoại quốc chuyển lời Việt xuất hiện trên các sân khấu và DVD ASIA, Mây Production, Thúy Nga-Paris By Night..v..v… và gần đây nhất chương trình “Một Thời Âm Nhạc” của SBTN đóng góp, nhắc nhớ đến những tên tuổi nghệ sĩ tài hoa một thời như về ngập đầy trang … ký ức và hồi tưởng.
(ảnh trên: Y Phưong tiếp nối các ca khúc ngoại quốc chuyển lời Việt
thực hiện qua dự án ca nhạc download: I-Tunes, Amazon, Google)
Như một tin vui hội ngộ được loan truyền nhanh chóng của những người bạn một thời cùng với những người yêu 50 năm nhạc Trẻ (VN) bao gồm nhạc sáng tạo mới, trẻ trung hóa gồm nhạc ngoại quốc chuyển lời Việt, nhạc Việt lời Pháp, Anh, Nhật… nhạc Việt mang tính kích động nhạc, nội dung chuyển hướng mới .. v.v.., những người muốn hồi tưởng một thời âm nhạc Việt Nam trong suốt gần nửa thế kỷ qua…
Nhạc Sĩ Kỳ Phát và Trẻ Magazine
Phỏng vấn trưởng ban tổ chức qua điện thoại và email, được nghe Kỳ Phát kể về phong trào nhạc ngoại quốc lời Việt:
Huỳnh Kỳ Phát có làm lời Việt cho rất nhiều bài lời Việt trước và sau năm 1975. Đa số các bài hát này được thu băng nhạc và bán cho nhà phát hành Minh Phát in nhạc lẻ, bán cho nhà phát hành Hiện Đại in thành từng tập nhạc tại Saigon trước 75.
Kỳ Phát cho biết từng thực hiện băng nhạc Trẻ cùng với nhạc sĩ Ngọc Chánh từ cuốn Nhạc trẻ số 2 đến cuốn số 7. Nếu so với Trường Kỳ, Nam Lộc, Tùng Giang, Vũ Xuân Hùng thì có lẽ Kỳ Phát là người may mắn thực hiện nhiều băng nhạc trẻ nhất. Trường Kỳ thực hiện được một cuốn: tên ”Nhạc Hồng”, Nam Lộc và Ngọc Chánh được hai cuốn, sau khi Kỳ Phát ra làm trung tâm riêng, nhạc sĩ Ngọc Chánh đã mời Nam Lộc vào thế. Tùng Giang có thực hiện tới bẩy cuốn, Vũ Xuân Hùng thực hiện ba cuốn Tình Ca Nhạc Trẻ (trong những năm 1970s). Cũng không thể thiếu sót hàng loạt chương trình nhạc trẻ không lời thu cátsét như Anna (tiền thân của Thúy Nga Paris by Night ngày nay trong vài năm trước biến cố 1975) với trên 21 cuốn cátsét bán rất chạy vì được yêu chuộng, và khoảng trên năm cuốn cátsét mang tên “SàiGòn”, rồi đến Hồn Hoang của Thành-Hiện Đại… (3)
Đó là giai đoạn đặc biệt trong dòng nhạc Việt, phỏng theo ý bài viết của một cựu ký giả trước 1975: “vào thời điểm đó Bộ Thông Tin kiểm duyệt dòng nhạc không thích hợp với tuyên truyền cho cuộc chiến đấu. Tránh tinh thần ủy mị, không nói lên được vai trò Hậu Phương ủng hộ Tiền Tuyến… và theo lời Nhạc Sĩ Phượng Vũ, anh ruột của nhạc sĩ Khúc Lan nói: “đó là giai đoạn chính quyền không cho hát nhạc ngoại quốc (trên làn sóng đài phát thanh và Truyền Hình, và cũng sau 1963, các vũ trường được mở cửa hoạt động trở lại, cần có thêm nhiều nhạc bổ sung vào dòng nhạc phổ thông sẵn có.
Nhiều dòng nhạc đã nở rộ, kể cả nhạc “Du Ca”, tranh đấu ca, nhưng một cánh đồng phì nhiêu mới khai hoang, thật là một không gian mở ngỏ để dòng nhạc “Trẻ” ngoại quốc lời Việt như “Yesterdays” trên thế giới chuyển ngữ có tới cả 3,000 bản chuyển ngữ chiếm ngự người Việt nghe và hát..
Và cả ca khúc “The House Of The Rising Sun”, “Bésame Mucho”, “Love Is Blue” (và hàng loạt của Paul Mauriat) lại có cơ hội ra đời, lừng lững đi vào làng âm nhạc Việt mà không có gì cản trở.. “ Đó là những ca khúc phản chiến như “Make Love Not War”, “Let It Be”, “Imagine” của The Beatles, cho tới dịu dàng “hòa bình” sau này như “Đồng Xanh” của Brothers Four, như “Le Temps Des Fleurs”- Mary Hopkin (4)
Từ làn sóng đầu tiên “lấn sân”trong làng ca nhạc có cả sự tham gia của một nhạc sĩ có tên tuổi lớn: nhạc sĩ Phạm Duy, (với Tiễn Em Ra Phi Trường, Giàn Thiên Lý Đã Xa, Chúa Nhật Xám, Chuyện Tình) “Donna-Donna” (Tuấn Dũng) đã tiên phong tiến vào “không gian” bỏ trống này. Thực ra nhạc chuyển ngữ lời Việt có từ trước đó rồi chứ, từ 1956 Tài Tử Ngọc Trai (gốc Cần Thơ) đã từng hát: Gondolier (Dalida), “Bambino”, “Rose de Chine”, và một số ca khúc chuyển ngữ khác…
Theo lời tâm sự của Lê Xuân Trường: ” là người mê sưu tầm nhạc ngoại quốc, và nghe nhạc ngoại quốc đã cho tôi nhiều ý tưởng mà theo như văn hóa Việt Nam vẫn còn rất nhiều eo hẹp tư tưởng để biến ca khúc trở thành nhiều nét đa dạng…” (5)
Trong thời cực thịnh của nhạc Trẻ (Pop Music) thời ấy… Nhạc sĩ Kỳ Phát cũng có Trung Tâm riêng của mình lấy tên ”Thế Giới Nhạc Trẻ” phát hành được hai cuốn. Dự tính thực hiện cuốn thứ ba thì xảy ra biến cố 1975.
Bản nhạc lẻ mà Kỳ Phát dịch trong phim ”Mùa Thu Lá Bay” bán cho nhà phát hành Minh Phát, bán gần 100,000 bản. Đây cũng là một trong những bản lời Việt bán nhiều nhất trong thập niên 70 tại Saigon. Nhà phát hành Minh Phát cho biết như thế.
Về lãnh vực báo chí, Kỳ Phát có một thời gan ngắn học ở Đại Học Vạn Hạnh. Cộng tác với các tuần báo: Màn Ảnh, Sân Khấu Truyền Hình, Điện Ảnh Mới, Quật Cường, Em… vào thời trước năm 1975. May mắn khi đến Hoa Kỳ định cư, Kỳ Phát lại được sự ủng hộ của Trung Tâm Asia, thời gian này Kỳ Phát đã cho in lại một số CD với nhiều tiếng hát trước 1975, trong đó có những ca sĩ cũ-mới từng cộng tác với Trung Tâm Asia như Thanh Lan, Ngọc Hương, Tuyết Nhung, Lâm Thúy Vân, Kenny Thái v.v…
Khi mới qua Mỹ, Kỳ Phát viết cho tờ Đồng Nai, Dân Chủ, Thời Báo, Chí Linh, Thế Giới Nghệ Sĩ sau đó là thành lập “Trẻ Magazine”…
Về lãnh vực Nhạc Trẻ: thực hiện chương trình nhạc Trẻ hàng tuần tại các vũ trường nổi tiếng ở Saigon như: Queen Bee, Maxim’s, Đồng Khánh, Tự Do…
Thời trước 1975 từng cộng tác với Trường Kỳ, Nam Lộc. Tùng Giang trong các chương trình “Đại Hội Nhạc Trẻ Taberd”, Hoa Lư, Thảo Cầm Viên…
Trước khi qua Mỹ năm 1989, Kỳ Phát được Sở Du Lịch Saigon mời thực hiện chương trình ca nhạc hàng đêm dành cho khách nước ngoài tại vũ trường REX và vũ trường Palace (Hữu Nghị) đường Nguyễn Huệ rất thành công. “Có lẽ Kỳ Phát là người tổ chức nhạc vũ trường duy nhất bị kẹt lại Việt Nam, vì thế mới được mời”
Kỳ Phát khiêm tốn thố lộ: “Tính của Phát không thích phô trương, không thích nổi tiếng, chỉ thích âm thầm làm việc cần hành động thay cho lời nói, làm với sự đam mê. Kỳ Phát nghĩ mình cũng chẳng có tài đâu anh, cũng may làm việc gì tương đối cũng không bi thất bại. Phát nghĩ do số hên, Tổ đãi, có quý nhân hỗ trợ. ...”
Trong nhóm nhạc trẻ, Kỳ Phát khiêm tốn, như bản tính hiền hòa Kỳ Phát nói: “Phát chỉ là người bình thường, cũng không có gì ghê gớm lắm đâu anh. Mình thuộc loại “trẻ” trong bao nhiêu đàn anh… “Xin anh thông cảm, vì cảm tình anh muốn giúp Phát, nhưng làm nổi quá, sẽ bị ghét.”
Theo lời yêu cầu của nhiều người, Phát dự tính trong năm nay sẽ làm show kỷ niệm 50 năm nhạc trẻ Việt Nam và kỷ niệm 18 năm Trẻ Magazine. Kỳ Phát cần nhờ đến những người có một thời yêu mến nhạc trẻ, giúp một tay, phổ biến cho khán giả biết tham dự và bảo trợ….”
Nhạc Sĩ Lê Xuân Trường và LXT Media Inc.,
Cũng trong poster trong ngày Hội ngộ ” 18 Anniversary Trẻ Magazine” còn có sự bảo trợ của LXT Media Inc., tức là của Lê Xuân Trường, một tài danh trong những năm qua về nhạc ngoại quốc lời Việt… Từng phụ trách chương trình “Tâm Tình Nghệ Sĩ ” trong những năm đầu tiên (của SBTN-TV) từng phỏng vấn khoảng 400 nghệ sĩ ròng rã hai năm trời, một tuần năm đêm..
Từng là chủ bút của Tạp Chí Văn Nghệ (Thúy Nga) Lê Xuân Trường giải thích rõ hơn về nhạc mang tên New Wave tại hải ngoại những năm đầu tị nạn, với Phan Kiên, nổi bật với ban nhạc Anh Tài (6).
Nhắc nhớ đến Anh Tài là nhớ đến người nhạc sĩ tài hoa – Anh Tài. Ở thập niên 80, 90, Không ai mà không biết tiếng của nhạc sĩ Anh Tài và ban nhạc của anh thời ấy. Anh Tài cũng là người nhạc sĩ đã giới thiệu nhiều những tiếng hát trước đây và giờ đây họ đã là thần tượng của biết bao người ái mộ điển hình là (Leyna Nguyễn-hiện là XNV Truyền Hình, Linda Trang Đài, Trizzi Phương Trinh).
Thời bấy giờ ca sĩ Việt, như Lynda Trang Đài, Trizzie Phương Trinh, Don Hồ, Ngọc Hương, Ngọc Lan đã tạo sóng gió trong thế giới nhạc trẻ hải ngoại. Giai đoạn này nổi bật phong trào rất thịnh hành: Nhạc Liên khúc do Trung Tâm Asia, Dạ Lan tạo ra phong trào với rất nhiều ca sĩ thành danh bao gồm cả Ngọc Lan, Tuyết Nhung, Ngọc Hương, Thúy Vi, Phi Phi…
Từ sau những năm chính biến 1963, cuộc “cách mạng” mở ngỏ cho bạn trẻ tham dự. Từ đó giới trẻ các nghệ sĩ, có một không gian âm nhạc riêng, “đứng ngoài dòng nhạc “phổ thông đại chúng” cũng phát triển cùng thời rất tha thiết, tâm tình về những nỗi lòng thương nhớ như những vần điệu ngũ cung, của cả hai loại nhạc “sang-cũ”, có người còn gọi là “Bán Cổ Điển”, hoặc “Tiền Chiến hoặc “Nhạc Trữ Tình”. Nhạc “phổ thông-đại chúng” còn gọi là nhạc quê hương, nhạc “mùi” và một hai cách gọi khác nữa.. thường phổ biến rộng trên làm sóng phát thanh, truyền hình, nhạc in rời, dĩa nhựa 45 tours… chiếm đa số hưởng ứng. Và dòng nhạc “trẻ”, nhạc mới có thể hiểu như là một dòng nhạc “Pop” Tây phương, những dònh nhạc khác như dân ca, cổ nhạc-cải lương, “phong trào Du Ca, nhạc tranh đấu, nhạc tôn giáo- đạo ca, thiếu nhi. Và hàng loạt nhạc “cũng trẻ” như Phạm Mỹ Lộc, Từ Công Phụng, Trường Sa, Nguyễn Đức Quang v.v.. cũng được ngưỡng mộ trong quãng thời gian này.
Đó là giai đoạn khai sanh của một dòng nhạc ta có thể hiểu dưới bất cứ tên gì, nhạc trẻ, nhạc hồng, nhạc trẻ thế giới, trước và sau 1975 lại thịnh hành tên gọi nhạc “hippy à go go“, nhạc choi choi, trước 66-68 khi Ngọc Đan Thanh giống Lê Xuân Trường nhớ lại… Thời Ngọc Đan Thanh mới 14 tuổi mà cô cũng đã say mê nhạc “hippy” mà không hề biết xuất xứ của phong trào chủ xướng loan truyền nội dung mới mẻ, theo lời nghệ sĩ Ngọc Đan Thanh: “Cũng có người còn cho rằng một số ca khúc mang nội dung của nhạc phản chiến, The Beatles: “Peace Not War” hoặc “Make Love Not War” của John Lennon, nhất là loại nhạc đó do các ban nhạc trẻ mang vô các căn cứ Hoa Kỳ để hát… và các ban nhạc trẻ được hỗ trợ từ các đại hội nhạc trẻ ở trường các Frère Dòng La Salle-Trường Taberd, và sân vận động Hoa Lư, được sự ủng hộ của Tổng Cục Trưởng Cục Chiến Tranh Chính Trị”.
Một số ca nhạc sĩ hoặc ban nhạc thời ấy “nhiều kể không hết” như: Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà, Ban Phượng Hoàng, Hải Âu, Mây Trắng v.v.. như Pauline Ngọc, Thanh Lan, Paolo Tuấn, Minh Xuân-Minh Phúc, Jo Marcel, Jimmy Joseph, Thành Hammer, Lê Toàn, Khánh Hà, Tuấn Ngọc, Đức Huy, Thanh Tuyền, Thanh Tùng, Kathy Huệ, Phi Huệ, Tuyết Dung, Vi Vân, Tuấn Dũng, Trung Hành, Cao Giảng, Bích Loan. v..v.. và rất nhiều tên tuổi khác nữa nếu liệt kê sẽ là một danh sách rất dài … không thể kể hết làm thế nào cho đủ được…
Cũng trong giai đoạn đó, những dĩa nhạc và tin tức, tạp chí ca nhạc Âu Mỹ tràn ngập các phong trào nhạc như Woodstock (1969), Johnny Halliday… Santana, Francois Hardy, Sheila, Tiny Yong, Sylvie Vartan… Dalida, Nancy Sinatra (với Bang Bang) hay nhạc “yé yé” trước và những năm đầu tị nạn rất phổ thông qua danh từ mới nhạc Trẻ-“New Wave”, và “Nhạc Trẻ-Liên Khúc”…
Trong khi nhạc ngoại quốc chuyển lời Việt, hoặc chỉ mượn mélody nhạc làm nền tảng cho ca khúc vốn nhiều bài hay và thu hút trong một cao trào dưới nhiều tên gọi điển hình như: “Việt Hóa Nhạc Trẻ” tạm vạch một lằn ranh thời gian từ 1965 tới 1975…. Và tại hải ngoại ngay từ vài năm đầu tị nạn khoảng 1977 cho tới ngày nay với sự gia nhập tích cực của: Nhật Ngân, Lê Xuân Trường, Khúc Lan, Kỳ Phát, Phượng Vũ.. cũng do sự thúc đẩy bởi nhu cầu của các trung tâm ca nhạc cát sét, CD, của Mây’s Production, Dạ Lan, Asia và Thúy Nga… producer Trần Thăng đã góp phần đóng góp rất nhiều đầu tư các ca khúc chuyển lời Việt cho Ngọc Lan, chính nhờ những đặt hàng chuyển ngữ lời Việt và yêu cầu điển hình như Trần Thăng, đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn gần gũi với âm nhạc thế giới qua lời Việt và ca sĩ Việt..
Đây là giai đoạn của ca sĩ, nhạc sĩ “ào ạt” chen chân vào viết lời Việt… bao gồm cả những nhạc sĩ trước 1975, có thêm Khúc Lan, Lê Xuân Trường, Nhật Ngân, Việt Dzũng, Trần Đình Hoàng, Phạm Khải Tuấn; những ca sĩ góp tài, viết vài bài hát như Ngọc Lan, Giáng Ngọc…
Đáng kể hơn hết từ năm 1995, là Lê Xuân Trường, người chủ trương “Tạp Chí Văn Nghệ” in đẹp và có giá trị tại Quận Cam và từ khi cộng tác với Trung Tâm Thúy Nga tiếp tục tài năng biến hóa “phù thủy” những ca khúc nhạc trẻ theo cách của riêng mình, có khi là viết lại lời của những ca khúc đã được viết lời Việt trước đây như “If You Go Away“.. hoặc những ca khúc soạn chung bằng Anh ngữ với Thanh Bùi, hoặc soạn toàn bộ một vài CD soạn lời Việt cho riêng ca sĩ Khánh Hà gần đây… Vì theo Khánh Hà, còn rất nhiều khán giả muốn được nghe những ca khúc nổi tiếng được viết lời Việt cho Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Ngọc Lan… Nhật Hạ và giới trẻ tiếp nối như Nguyên Khang, Trần Thái Hòa, Vina Uyển Mi, NiNi, Johnny Dzũng dịch nhạc và thực hiện một vài CD nhạc Trẻ lời Việt), Y Phương hát nhạc chuyển lời Việt từ thuở 13 (CD loại nhạc lời Việt này như: “Tình Vẫn Thiết Tha” chỉ bán trên Amazon, hoặc qua Google, App và I-Tunes) cũng có thu CD nhạc ngoại quốc lời Việt .. không kể những ca khúc mà Lê Xuân Trường cùng với Thanh Bùi cũng rất thành công qua “chợ bán nhạc” I-Tunes. Sự tài hoa của Lê Xuân Trường từng chắp cánh cho: Bảo Hân, Angéla Trâm Anh và các ca sĩ khác của Thúy Nga rất được khen về viết lời sát nghĩa như “If You Go Away“, “Je Suis Malade” từng được Lara Fabian hát…, và gần đây nhất là hai CD, một soạn riêng cho Khánh Hà, nột dành cho Ngọc Anh…
Nếu như vậy thì đây là giai đoạn đúng nghĩa của “nhạc nổi tiếng ngoại quốc chuyển lời Việt, thay vì danh từ vẫn quen gọi chung là ” Nhạc Trẻ”…
Những thành công nổi bật gần đây là dòng nhạc lấy từ mélody nhạc ngoại quốc được Lê Xuân Trường biến thành “Đôi Khi Em Muốn Khóc”, điểm thêm vài câu tiếng Anh như: I wanna fly- I wanna cry…” hát trên sân khấu Thúy Nga. Youtube của ca khúc này được vào nghe tới cả triệu lượt.. và ước vọng sáng tác nhạc Việt lời Anh ngữ của Lê Xuân Trường cùng với Thanh Bùi để gửi khát vọng cho nhạc bay đi xa rộng hơn…
Nhạc Trẻ… là một chủ đề rộng lớn từ 50 năm qua…
nếu bàn tới sẽ như câu chuyện dài vô tận về nguyên thủy tên gọi- gọi thế nào cho (đúng ý mọi người)*
Gần 50 năm dòng nhạc “mới mẻ”, hoặc thường được gọi là Nhạc Trẻ Việt Nam, là những mảng câu chuyện ghi dấu một thời không kể hết.. mỗi người gọi một tên, và “định nghĩa” khác nhau.. Danh từ nhạc Trẻ, như là một cách gọi cho một dòng nhạc Pop “trẻ trung hóa” ý nghĩa làm tươi mới các khát vọng từ các phương trời thế giới và mélody khác với nhạc “kích động” phát triển cùng thời. Soạn bằng nhạc và lời Việt cùng ra đời một thời tài hoa của Khánh Băng, Hùng Cường, Huỳnh Hoa-Túy Phượng.
Có thể từ ban kích động nhạc của giới trẻ, yêu những sự thể hiện mới mẻ qua ngôn ngữ ý tưởng từ những nhạc Âu Mỹ, giá trị lâu dài Âu Mỹ, hoặc nhạc thời trang thịnh hành tại Pháp Mỹ..
Tên gọi Nhạc Trẻ còn được hiểu là nhạc của những người bắt đầu thích nghe một loại nhạc mới, vừa được du nhập, được các “ban kích động nhạc” chơi trong các club và đơn vị Mỹ trú đóng; để so với nhạc tiền chiến, nhạc thị trường thịnh hành chiếm đa số quần chúng, mà cũng khác với nhạc “kích động” nhạc và lời Việt cùng ra đời một thời như Khánh Băng, Hùng Cường, Mai Lệ Huyền trong các buổi ca nhạc lớn của quần chúng…
Dòng nhạc từng có tên “Nhạc Trẻ” sẽ được nhớ đến trong đêm “Dạ Tiệc & Hội Ngộ 50 Năm Nhạc Trẻ, với các ngôi Sao Nhạc Trẻ Xưa Và Nay” từ thời Sài Gòn nói chung ra đến ngoài này; gặp gỡ bao nhiêu nghệ sĩ một thời cống hiến…
Liên lạc giữ chỗ và ủng hộ chương trình hội ngộ 50 năm Nhạc Trẻ Việt – qua
Ban Tổ chức: (714) 222-2129
tại SeaFood Restaurant, Westminster, CA
Thứ Sáu ngày 8 tháng 11-2013
Chú thích:
(1) Lê Xuân Trường và Thanh Bùi, một tiêu biểu thành công trong thế hệ tiếp nối, không chỉ trên các sân khấu, mà còn cả trong dòng chính và cả Y Phương bán nhạc qua internet nhờ “ngôi chợ thế giới bán nhạc” “I-Tunes”, có thể đọc thêm: Nhạc Trẻ Việt 50 năm qua cái nhìn của Lê Xuân Trường trên www.NVnorthwest.com và www.Danquyen.com
(2) Bài viết chú trọng giới thiệu một phong trào nhạc phát triển mạnh mẽ tại Miền Nam Việt Nam trong khoảng nửa thế kỷ qua, và tiếp nối mạnh mẽ tại hải ngoại vài năm sau 1975. Đây là một dòng nhạc phát triển bên cạnh nhạc tiền chiến, nhạc “bán cổ điển”, nhạc giá trị được soạn bởi những nhạc sĩ tên tuổi, nhạc Du Ca, nhạc “phổ thông-pop” được nở rộ bởi rất nhiều tài danh trong “Kho Tàng Âm Nhạc Việt” nhiều “vô số kể”… không nhắc tới trong bài này: Phạm Duy, Anh Bằng, Y Vân, Tuấn Khanh, Hoàng Thi Thơ, Duy Khánh, Phượng Vũ, Hoài Linh, Nguyễn Văn Đông, Trường Sa, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Hoàng Thanh Tâm, Phạm Anh Dũng, Trầm Tử Thiêng, Trần Đình Quân, Việt Dzũng, Trúc Hồ, Vũ Tuấn Đức, Nguyễn Vũ (ở lại VN), Vũ Thành An và ba nhạc sĩ tốt nghiệp từ Trường Quốc Gia Âm Nhạc SàiGòn là: Phạm Thế Mỹ, Anh Việt Thu, Quốc Dũng (sáng tác trước 1975) … Tràn ngập nhạc sĩ cống hiến đủ mọi trường phái mà chỉ được gọi chung là nhạc phổ thông (pop music) có lẽ đúng hơn; thay vì gọi là nhạc “thời trang“,. Gọi là nhạc “mùi” thì cũng tạm, nhưng đừng nên gọi một cách “official” là “nhạc Sến“, dù có một số ít bài cũng hới quá lố. Gọi là nhạc “mùi”, nghe không ổn mà còn mang tính sai lạc phân chia, ngăn cách.
Người viết xin thành thật tạ lỗi, vì không thể nào có khả năng trí nhớ trọn vẹn và thệ hống hoá đầy đủ trong nội dung bài phỏng vấn “ngắn” để có khả năng ghi ra hàng trăm tên của quý vị nhạc sĩ, ca sĩ trong “kho tàng âm nhạc” Miền Nam được. Một số tên trong bài chỉ là những gợi nhớ dẫn giải điển hình mà thôi!
(3) Có những thời kỳ các dĩa nhạc, và tạp chí in lời các ca khúc và hình ảnh gửi từ ngoại quốc về SàiGòn, để in lại thành dĩa nhựa, cátsét, tuyển tập nhạc, làm giầu một cách “vô tư, thoải mái”, và đáp ứng nhu cầu giới trẻ thưởng ngoạn, và mở rộng tầm nhìn.. Theo Tiến Sĩ Phạm Quỳnh, hiện nay còn lưu giữ rất nhiều Dĩa Nhựa tài liệu, sách báo ca nhạc thời ấy, từng cung cấp những tài liệu âm nhạc cần thiết cho một trung tâm ca nhạc Việt Nam trước đây.
(4) sau 1975, nhiều anh em cựu quân nhân trong các trại “cải Tạo”, vẫn thường hát một số nhạc ngoại quốc được đặt lời Việt mà cứ gọi là “nhạc Liên Xô” để không bị cấm đoán như ca khúc từng được hát bởi Mary Hopkin do Paul McCartney trong nhóm The Beattles phát hành năm 1968: “Le Temps Des Fleurs” hoặc Those Were The Days… anh em cải tạo “ở Miền Nam thường thích mélody ca khúc thường bắt đầu bài hát với lời … “Thảo Nguyên bát ngát như xanh tận chân trời…”
(5) Ca khúc Donna-Donna ban đầu được hát bởi Joan Baez lời Anh ngữ (1968), nguyên thủy từ nhạc Do Thái, kể về một chuyến xe lửa chở người Do Thái bị tập trung về trại trừng giới- nhằm ca ngợi khát khao tự do-nhân quyền, thật bi thiết gây xúc động mạnh mẽ. Ca sĩ Tuấn Dũng đã viết lời Việt vào giữa thập niên 60, với tâm tình và nỗi lòng riêng cho một cuộc tình mang tên “Tiếc Thương” rất được phổ biến, yêu thích nghe và hát. Thời XHCN, ở Việt Nam, nhạc sĩ Trần Tiến cũng dựa trên ca khúc từ Pháp ngữ để sáng tác lời, không theo ý nghĩa nguyên bản được Mai Khôi hát.
(6) Ảnh Ban Nhạc Anh Tài, một trong những ban nhạc do Anh Tài (thứ hai từ trái) thành lập, Anh Tài là con chim đầu đàn đầy sáng tạo trong lãnh vực hòa âm và thực hiện CD cũng như đào tạo tài năng.
(Ảnh trên: Ban Nhạc Anh Tài, một trong những nhạc sĩ trẻ nhiều sáng tạo và khai phá trong lãnh vực âm nhạc tại hải ngoại,
NS Anh Tài (thứ hai từ trái) và các bạn trong ban nhạc gần ba thập niên trước – nhạc sĩ Trúc Hồ đứng góc trái)