Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hoạt.
Kể từ sau Đệ nhị thế chiến Đông Nam Á trở nên đối tượng và đối lực quan trọng của các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ. Bởi lẽ, Đông Nam Á có một lịch sử lâu dài gắn bó đến nền an ninh và kinh tế của họ qua các triều đại và thời đại, trong đó từ cuộc chiến giữa Nam- Bắc Triều Tiên, Nhật Bản cùng sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản. Bắt nguồn từ đó chủ thuyết Domino dưới thời Tổng Thống Truman được ra đời. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến đẫm máu giữa anh em Bắc và Nam Việt Nam trong 20 năm. Cả 3 cuộc chiến trong lịch sử Hoa Kỳ đã phải hy sinh hàng vạn sinh linh, tên tuổi của các vị tướng lãnh như: John H. Church, William F. Dean; Douglas MacArthur. Cận đại hơn như tướng Maxwell D. Taylor; William Westmoreland; Tất cả đã được đi vào lịch sử trong những cuộc trường chinh ý hệ Đông -Tây cho dù núp kín dưới chiêu bài nào hoặc thắng bại hay nhục vinh…
Từ những vết nhăn quá khứ để lại sau 30/4/75, chính sách Hoa Kỳ tại Đông Nam Á gần như bỏ ngõ trong hai thập niên. Cho đến cơn khủng hoảng kinh tế vào cuối năm 1990 tại Châu Á Thái Bình Dương, tiếp theo việc tái thiết lập quan hệ ngoai giao giữa Mỹ và Việt Nam, cùng sự xung khắc sắc tộc và chuyển giao quyền lực tại Indonesia. Sự trổi dậy của một Trung Quốc đã thôi thúc các nhà làm chính sách Hoa Kỳ đưa ra một tầm nhìn rộng lớn và mang tính chiến lược hơn, thay vì bỏ ngõ trong 2 thập niên qua, tạo thêm cơ hội để con rồng Trung Quốc vươn vai, phun khói..
Nhìn về góc độ kinh tế, Đông Nam Á với tổng số là 525 triệu dân, GNP trung bình 700 tỷ hằng năm, được xếp hạng vào hàng thứ 5 mậu dịch Hoa Kỳ. Trong một số quốc gia như Thái Lan, Phi Luật Tân và Indonesia các cuộc khủng hoảng kinh tế luôn tiếp diễn do bởi sự xáo trộn chính trị gây ra, làm suy giảm và thiếu niềm tin của các nhà đầu tư trong nước cũng như ngoại quốc. Tuy nhiên, đứng trước sự vươn vai của con rồng Trung Quốc và lợi nhuận mậu dịch trong vùng, các nhà làm nên chính sách Hoa Kỳ đã đưa ra một quy trình chiến lược “Trở lạị Á châu” bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ. Việc trước tiên, Ngũ Giác Đài đã đưa thêm vào Thái Bình Dương những chiến hạm tầm cở có khả năng chận đứng sức mạnh quân sự của Trung Quốc, sau đó củng cố và viện trợ cũng như giúp đỡ ổn định chính trị và huấn luyện quân đội Indonesia. Đây là quốc gia đông dân đứng hàng thứ 4 trên thế giới và có cộng đồng Hồi Giáo lớn nhất trên thế giới, còn là điểm tựa cho Hiệp Hội các nước Đông Nam Á, như Hoa Kỳ trông đợi.
Trên mô hình chiến lược, nếu Hoa Kỳ ảnh hưởng được Indonesia mà bỏ quên Việt Nam là một điều thiếu sót trong chiến lược “Trở Lại Á Châu”. Chính vì mức độ liên kết quan trọng ấy, cho nên những bước nhảy vọt của Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn chẳng những chỉ hạn chế ở vấn đề mậu dịch, tìm hài cốt binh sĩ Mỹ trong chiến tranh, mà 2 kẻ cựu thù trở thành đồng minh chiến lược trọng yếu trong việc bảo vệ hành lang Đông Nam Á. Đúng như lời của Lê Duẫn từng nói: “Rồi đây bạn của ta sẽ là kẻ thù và kẻ thù sẽ là bạn của ta”.
Theo sau Indonesia và Việt Nam, chúng ta không thể bỏ quên Phi Luật Tân. Một tiểu quốc đồng minh lâu đời của Hoa Kỳ, đã một lần Phi “xin” được gia nhập trở thành Tiểu bang, nhưng đã bị quốc hội Mỹ phủ quyết. Sự gắn bó lâu đời giữa Phi và Mỹ kể từ Đệ Nhị thế chiến đã giúp Phi chiếm ưu thế trong việc tranh chấp biển đông cùng Trung Quốc hiện nay tại Liên Hiệp Quốc. Nhất là những lời tuyên bố từ Ngoại trưởng Clinton và đương kim Ngoại trưởng John Kerry chính là sự khiêu khích lớn đối với quan hệ Mỹ-Trung Quốc. Mặc dầu Phi Luật Tân là một nước nghèo nàn, nhỏ bé, cơ cấu chính trị mong manh, tiềm năng kinh tế không đáng kể. Nhưng Phi lại chiếm vị trí chiến lược quan trọng trong Biển đông và có nền văn hóa thân Mỹ lâu đời. Đây là lý do để Hoa Thịnh Đốn trở thành điểm tựa vững chắc cho Manila.
Nhìn lại tiến trình cùng các hoạt động của Mỹ tại Đông Nam Á, có một câu hỏi đặt ra là: Liệu Mỹ có thể duy trì chính sách xoay trục tại Châu Á Thái Bình Dương hay không? Khi Tổng thống Obama hủy bỏ Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương vừa qua, vì lý do ngân sách Hoa Kỳ bị shutdown. Thật ra, nếu chúng ta theo dõi và để ý những gì Ngoại trưởng Kerry tuyên bố và những bước đi “nhung” của Bạch ốc chúng ta sẽ hiểu được rằng Hoa Kỳ khi xoay trục sang Trung Đông hay Châu Á, đòi hỏi Hoa Kỳ phải cân bằng đối tác chiến lược. Vì thế, Khi Tổng thống Obama hủy bỏ Hội nghị Thượng đỉnh là hoàn toàn do yếu tố chính trị chứ không phải vì thiếu ngân sách. Mặc dầu sau đó, Ngoại trưởng Kerry vẫn đã tuyên bố rằng vai trò và chính sách của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á không thay đổi.
Nhưng thế nào gọi là “Không Thay Đổi”?; không thay đổi bản chất hay hiện tượng? Trước đây Tổng thống Obama đã từng cam kết đặt khu vực Á Châu- Thái Bình Dương là ưu tiên và trọng tâm của chính sách đối ngọai Hoa Kỳ trong thập niên tới, vì nhu cầu và lợi ích của Mỹ. Điều ấy hoàn toàn chính xác qua các động thái như tăng cường Thủy Quân Lục Chiến tại Úc, đưa thêm chiến hạm vào Thái Bình Dương, liên tục thực tập chiến tranh cùng các quốc gia như Việt Nam, Phi Luật Tân, Đài Loan, Nhật Bản v.v.. Về phương diện ngoại giao cựu Ngoại trưởng Clinton và Bộ trưởng Quốc Phòng Leon Panetta tham dự các Hiệp hội ASEAN và viếng thăm hải cảng Cam Ranh. Tất cả những hoạt động mang tính tích cực trên là nỗ lực trong chiến lược “xoay trục” của Hoa Kỳ. Trong đó phần lớn 2 quốc gia được “trục xoay” nằm trong chính sách “trở lại Á châu” chính là Việt Nam và Indonesia.
Với chủ trương tái cân bằng cán cân lực lượng, Tổng Thống Obama quả thật theo đuổi rất “chân thành” trong kế hoạch nầy. Tuy nhiên, hiện tượng Trung Quốc và Trung Đông cùng những diễn biến nội tại như vấn đề ngân sách, chính trị có thể đã trói tay, cột chân TT Obama trong một giai đoạn, ít nhất trong lúc nầy. Hơn nữa, khi chọn John Kerry trở thành Ngoại trưởng Tổng Thống Obama có thể đã chuyển trục xoay ngã về Trung Đông giải cứu chính sách sa lầy tại đây nhiều hơn Á Châu. Đây là yếu tố thứ nhất, yếu tố thứ hai của sự chuyển trục xoay nầy là hiện tượng Trung Quốc, một quốc gia có tiềm năng kinh tế đứng hàng thứ 2 trên thế giới, và yếu tố sau cùng nhưng chưa hết, ấy là việc Tổng thống Obama quyết định không tham dự hội nghị các nước Á Châu, có quan điểm cho rằng đây là hiện tượng của chiến lược “xoay trục” sang Châu Á hình như chưa được bền vững cho lắm…
Tựu chung, đó là những hiện tượng gần, nhưng bản chất của chiến lược “trục xoay” của các nhà làm nên chính sách vẫn giữ vững lập trường rằng Châu Á Thái Bình Dương không thể tách rời với quyền lợi của Hoa Kỳ, và sức mạnh đang lên của Trung Quốc là một đe dọa trực tiếp đến nền an ninh của Mỹ. Do đó, cho dù Hoa Kỳ nghiên ngã về Trung Đông, nhưng Á châu không thể bỏ ngõ như đã làm trong 2 thập niên qua.Vì thế, cho dù Dân Chủ hay Cộng Hòa đều phải cân nhắc mọi động thái cả chính trị lẫn quân sự để cân bằng chiến lược Trung – Á và sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Á Châu là điều không thể thiếu vắng. Ấy chính là “thế chiến quốc, thế thời phải thế”./.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hoạt.