LTS.- Bài viết được gửi đi từ www.DUTULE.Com đề ngày (01/16/2014 08:07 AM cho số Tết Giáp Ngọ, để nhớ Seattle, bạn hữu xưa và không quên một người bạn trẻ: Việt Dzũng. NVTB
Mấy ngày vừa qua, tôi có nhiều điện thoại từ Seattle. Điện thoại của Võ Thành Đông, hỏi về bước đi của cuốn thơ mới. Đông sốt ruột muốn nhìn thấy cụ thể công trình designed công phu và mỹ thuật của chàng. Tôi nói, sách đang in. Hy vọng xong sớm. Sự thực, bìa sách vẫn còn nằm lẫn đâu đó trong những phòng làm việc của Lê Ngọc Ngoạn. Ruột một phần còn nằm trong hard disc của Ngô Tịnh Yên. Tôi không muốn nói với Đông, với Seattle, về định mệnh kém phần may mắn của cuốn sách này.
Tôi biết Seattle từ những năm, tháng tỵ nạn đầu tiên. Thời đó, cùng với Thục Ngạn, Việt Dzũng, Phạm Kim, Cao Đông Khánh, Đoàn Vững…, mỗi chúng tôi chất trong lồng ngực mình những khối thuốc nổ hăm hở, những ngọn đuốc tự tin, băng băng tiến về phía trước.
Thời đó, có Phạm Kim, (biệt phái về Bộ Tư lệnh Hải quân, để làm phòng báo chí..) mới trở lại sân chơi văn chương, Nhân Chứng, với những bài viết chữ chắt, lọc. Thời của những ngọn lửa nồng nhiệt thắp lung linh từng con chữ trong Thư Gửi anh Hai Thủy Bộ, ký tên Phạm Kim, cũng viết trên diễn đàn Nhân Chứng.
Ngày đó, Seattle chưa có Đông. Tuần báo Phương Đông cũng vậy. Ngày đó, cũng chưa có Người Việt Tây Bắc. Phạm Kim còn ở gần xưởng đóng tầu Tacoma với KS Phan Tấn Triệu, đạo diễn Trần Thăng. Đó là những ngày cuối tháng Chạp của năm 1980. Thời điểm huy hoàng của báo Đất Mới.
Thời đó, tôi muốn gọi, thời lãng mạn đầu đời tị nạn. Thời đó, tôi muốn gọi, thời tuổi trẻ hồi sinh. Chỉ bằng vào những thôi thúc vô căn cớ, Phạm Kim thức đêm, đội bão, lội tuyết hoàn tất tờ chương trình. Kim cực nhọc in từng tấm flyer, gửi đồng bào, gửi ruột thịt Việt Nam khắp vùng Tây Bắc, để hôm sau, lần đầu, những trái tim Việt tha hương, những tâm hồn Việt tản mác, gặp nhau mừng tủi trên thềm Thánh Đường Công Giáo số 925 đường South King Street. Họ nghe chúng tôi nói chuyện đất nước, chuyện văn chương. Những tấm lòng Việt chia sẻ với chúng tôi, khát vọng đường về tổ quốc. Trái tim tỵ nạn khi ấy, chưa thấy ở Santa Ana. Trái tim Việt lưu vong, chảy máu, ở quê người, khi ấy, ở vùng Tây Bắc. Ở Seattle. Ở những hy sinh, đóng góp âm thầm của vợ chồng Kim, của các cháu nhỏ dồn cục trong một căn phòng hẹp, lầu hai, một căn condo ở Tacoma, có cánh cử sổ nhìn xa xa là hãng đóng tầu và các làn khói trắng hãng xưởng luôn bốc khói. Các cháu phải nhường chỗ ngủ cho chúng tôi, những người xa lạ, đến từ nhiều chân trời khác nhau, suốt một tuần lễ. Chúng phải tự lo lấy bữa ăn, để bố mẹ rảnh tay, tìm, gọi những Việt Nam thất lạc, gặp nhau. Hơn 250 Việt lưu lạc, ngày đó, đã lấp đầy 250 ghế ngồi trong Thánh đường mượn vội…
Cùng với Phạm Kim, chúng tôi đi tới bất cứ một nơi chốn nào có đồng bào, có người Việt. Chỉ bằng vào niềm tin (không căn cớ,)/ những rung động (ngây thơ,)/ những khát khao (trẻ dại,) chúng tôi làm thơ/ viết văn/ soạn nhạc/ làm báo. Chúng tôi mang thơ, văn / âm nhạc / báo chí / tâm hồn trẻ thơ hồi sinh lên đỉnh đồi xao xuyến, xuống đáy dốc đam mê. Thời đó, chúng tôi mang tiếng hát, lời thơ, tiếng đàn qua sa mạc…
Chúng tôi ca hát. Chúng tôi kêu gọi, réo đòi một Việt Nam khác. Một Việt Nam tự do. Một Việt Nam hạnh phúc. Và, Seatlle, một trong những địa điểm dừng chân của chúng tôi. Và, Seattle, đã mở ra, như một biển gương tình thân, một biển gương chia xẻ, một biển gương trí tuệ Việt Nam quê người, lớn.
Nhưng mơ mộng nào, rồi cũng qua đi. Những ngọn đuốc tuổi trẻ (có lại,) cháy rát một lồng ngực, thiêu phỏng một trái tim, rồi cũng tàn, lụn. Cùng tôi một thời, những người làm thành chút mặt trời trong nước lạnh, nói theo thơ của Paul Éluard, lần lượt ra đi.
Đoàn Vững, với tiếng sáo của một thứ Cao Tiệm Ly thời đại mới, theo tôi, (dù không tự chọc cho mù đôi mắt mình, không mang một mối thù phải trả, không phải bước qua một bờ sông Dịch Thủy nào,) cũng đã một đêm bẻ sáo, chẻ tiêu, cắp sách trở lại sân trường tìm phương sinh sống.
Cao Đông Khánh, một lúc đóng cả hai vai: Hắc / Bạch Công Tử, một thứ tay chơi hảo hớn, đầy chất “Nam kỳ lục tỉnh”, cũng mang cơn say ngật ngưỡng bất kể ngày đêm, về Texas. Việt Dzũng, người nhạc sĩ trẻ tuổi, rất trẻ khi viết những bài ca đấu tranh đầu tiên, cũng trở lại Houston, giúp bạn, làm nhà in… Tôi chỉ còn Thục Ngạn, dù cũng không được bao lâu.
Thục chọn đi con đường khác. Con đường khuất lánh đám đông. Con đường lìa cắt tập thể. Như thế, Thục đã ra khỏi được đời tôi. Thục đứt lìa tập thể, cũng đã trên dưới mười ba, mười bốn năm. Chọn lựa của Thục Ngạn là một chọn lựa, mỗi khi nghĩ lại, tôi còn bàng hoàng, ngậm ngùi nhưng, trân trọng.
Tôi có trở lại Seattle đôi lần, khi thời lãng mạn của chúng tôi, như đám bọt nước, những cụm bèo, rong, tan, chết giữa biển đời trùng điệp. Một đôi lần trở lại, quá đỗi âm, âm…
Phải tới ngày Võ Thạnh Đông chính thức chọn Seattle làm nơi dừng chân. Kể từ ngày báo Phương Đông, ra đời. Thôi nôi. Lên hai. Lên ba…, tôi mới có dịp trở lại, cùng bằng hữu, soi chiếc bóng mình nhiều lần trong biển gương, vĩnh viễn, biếc trên đèo dốc đời đời, xanh gió ấy. Đông là chiếc cầu / cửa biển/, cho trở lại tôi, xưa.
Những trở lại Seattle gần đây, những đêm nằm trên chiếc giường đôi của Lynn, tôi nghe được tiếng gió chạy từ đáy thung lũng bên hông nhà ngôi nhà cũ của Lang / Đông, ngược dốc, thốc lên đỉnh đồi. Những đêm mất ngủ, nghe gió cào miết hai cánh cửa sổ, tựa quá khứ oan khiên/ hạnh phúc cay nghiệt nào, vừa trở lui, quành bước. Tôi có cái khát thèm từng hồi, lửa ngọn, gặp lại Th.
Tôi biết gia đình Th., là một trong những gia đình tị nạn đầu tiên chọn định cư tại thành phố này. Họ chọn Seattle từ những ngày còn ở đảo Guam. Khi tin tức cho hay, Thống đốc tiểu bang Washington sẽ dành nhiều quyền lợi, ưu tiên cho những gia đình Việt chịu về Washington lập nghiệp.
Tôi biết, quyết định rời bỏ Guam một cách bất ngờ, vội vã của bác Long, cũng chỉ vì chuyện tình giữa tôi và Th., sớm thành xì căng đan. Tôi không biết phải nói gì, trình bày cách sao, cho gần sát sự thật nhất. Tôi muốn nhận về phần mình, mọi tội lỗi bằng tất cả tấm lòng biết ơn, chân thật, và ngay tình tối đa có được.
Đã hơn hai mươi năm trôi qua! Th., đã có gia đình? Bác Long trai đã qua đời. Thiện, chị ruột của Th., cuối cùng, cũng đã chồng, con tốt đẹp? Và, tôi cũng trải qua nhiều tình huống tai tiếng, vùi dập…
Trong mỗi trở về, ăn ở với Seattle, gần đây, tôi vẫn nhớ, buổi trưa, trên chiếc ghế bố kê sát cửa chiếc lều vải, trông xéo vào chiếc lều của gia đình bác Long, tôi vẫn nhớ, chị Quy ngừng tay thoa lớp thuốc nhờn lên con mắt bị bầm tím. Con mắt không mở ra được bởi va đập vào cạnh tầu lúc chị trượt chân, rớt xuống gần cửa biển Rừng Sát đêm 29 rạng ngày 30 tháng 4, 75.
Trong dáng ngồi in, khắc vào biển cát rang cháy, sau những giờ khắc im gió của chị Quy, tôi đọc được nơi chị, điều gì, giống như niềm băn khoăn/ nhấp nhô / thấp thỏm… Tôi đoán, ở chị, dường có điều muốn nói. Chị ngập ngừng với câu hỏi khác. Câu hỏi, tôi tin, tựa viên đá thăm dò ném xuống mặt nước ứ đọng.
“Phá không đi xếp hàng ăn trưa sao em?”
Lần thứ hai, chị Quy hỏi tôi, câu hỏi ấy. Cả hai lần, tôi chỉ có một câu trả lời không đổi khác:
“Dạ, không. Em chưa thấy đói.”
Tuồng tôi đã hờn dỗi trút mọi rã rời tuyệt vọng có trong tâm hồn, thân xác tôi vào câu trả lời kia. Cả hai lần, trả lời xong, tôi đều tiếc, không lợi dụng cơ hội đó, để nói với chị, những uẩn tình.
Tôi biết, bác Long gái đã nhiều lần tìm chị Quy. Tôi cũng biết, trong những lần hai người đàn bà trò chuyện thầm thì, chẳng lần nào họ quên đề cập tới chuyện tôi và Th. Cách khác, tôi là nguyên nhân đề tài câu chuyện.
Nhiều buổi tối, đưa Th., từ bờ đê trở về lều, tôi bắt gặp bác Long chặn Th., ngoài cửa lều, nói gì đó…
Từ ngày lên đảo, mối liên hệ giữa tôi và Th., bị Thiện bắt gặp nhiều lần. Ông bà Long đã không cho Th., ra khỏi lều một mình. Thậm chí, Th., cũng không được phép đi dạo mỗi buổi chiều, nếu không có chị Thiện đi cùng.
Cấm đoán, ngăn ngừa gia tăng bao nhiêu, Th. càng quyết liệt bấy nhiêu. Th., phản ứng lại bằng cách bỏ ăn. Th., phản ứng lại bằng cách dùng thư để liên lạc với tôi, qua trung gian người cậu.
Buổi tối, chờ mọi người ngủ hết, Th., lẻn ra khỏi lều. Ra dấu cho nhau, chúng tôi chạy về bờ đê. Con đê lớn, dài, làm thành một vòng bán nguyệt vây bọc phần đảo tiếp giáp biển. Những đêm trốn đi được với nhau như thế, Th. không chịu về, dù tôi nhắc nhở. Nằm với nhau dưới những vì sao vùng nhiệt đới, cùng một mùa hè tới sớm, Th., nói cho tôi nghe dự tính trốn gia đình, ở lại đảo. Th., nói về cái mà Th. gọi là “première d’amour của nàng.”
Th., nói về dự tính tương lai, với vốn tiếng Pháp có sẵn, nhờ theo học chương trình Pháp từ nhỏ, chuyển qua tiếng Anh có phần dễ dàng, Th., dự tính qua Mỹ, sẽ xin theo học ngành nurse ngay. Th. sẽ có việc tốt. Phần tôi, kiếm một việc làm bậy bạ gì đó. Chúng ta làm chủ lấy cuộc đời mình, đâu cần phải có ai nhìn nhận, Th. nói!
Th., cuồng nhiệt vẽ một viễn ảnh tự do, phơi phới. Th., say sưa nhấm nháp cái tương lai ngây ngất, tuồng đã nằm gọn trong tay nàng.
Chỉ một điều Th. quên, Th., mới mười lăm. Những ba năm nữa, Th, mới tới tuổi trưởng thành.
Chỉ một điều Th. quên, dù cậu Thuận có thương nàng bao nhiêu, dù anh Q. tôi, có chiều tôi cách mấy, họ cũng không dám chứa chấp Th., một khi gia đình nàng lên chuyến bay về trại Fort Chaffee. Chưa kể phần tôi! Tôi cũng không thể chắc chắn điều gì, dù rất biết ơn Th. Nhờ có Th., tôi thôi, không nghĩ đến chuyện tự tử. Nhờ có Th., tôi vượt qua được những giây phút thình lình đứt lìa mẹ tôi, đứt lìa Bậu, đứt lìa Chuột và Bím. Đành rằng với quốc tịch Pháp, Bậu có thể đem hai con ra khỏi nước. Nhưng còn Hạnh? Chẳng phải tôi mới chia tay Hạnh trên lầu hai chung cư TĐ, sau khi Hạnh pha cho tôi và HT.An, ly cà phê giữa trưa, 29?
Chẳng phải Hạnh tiễn tôi ra về, còn nhìn theo, không một chút nghi hoặc, dự phòng một chia tay, bặt, bặt. Hạnh đã không thể nghĩ, chỉ một, hai ngày thôi, chúng tôi đã xa cách nhau, nửa quả địa cầu? Chẳng phải, gần một năm rồi, tôi không có chút tin tức nào của Thục, sau khi nàng quyết định bỏ gia đình về Vũng Tầu ở với anh chị Tiến?
Vũng Tầu, những ngày cuối tháng Tư! Vũng Tầu, nơi giam lỏng, địa điểm cách ly những người lính điên loạn trên tầu, trong hải trình tháo chạy từ miền Trung về Sài Gòn? Thục thế nào giữa một thành phố panic cùng tột kia? Hạnh thế nào, khi Sài Gòn đổi chủ? Chẳng phải Hạnh chân đất, nát nhầu sống / chết trên liên tỉnh lộ 7B, chạy bộ từ Pleiku về Sài Gòn, chỉ vì tôi thôi sao? Chẳng phải tôi và Vũ Đức Thanh muốn chảy nước mắt khi thấy Hạnh xuất hiện ở 2 Bis Hồng Thập Tự? Không. Tôi không thể chắc chắn điều gì…
Những lần trở lại Seattle gần đây, nơi căn nhà mới của Lang-Đông, những đêm mất ngủ, tôi nghe được tiếng lá cây băng băng, hú chạy trên một mặt đường giá buốt. Tiếng mưa tuyết đập, dội vào những khung kính chạy hết chiều ngang ngôi nhà, nghe như tiếng cào cửa miết, miết của một niềm tuyệt vọng cũ, xưa nào, thức dậy. Tôi lại nghe ruột gan mình thốc tháo nỗi thèm khát được gặp Th. Tôi muốn gặp lại Th., sau hơn hai mươi năm. Một Th., đã thiếu phụ? Xồ xề?
Th. bây giờ, không phải Th. mười lăm, với chemise trắng tay bồng, skirt xanh nước biển, trường Tây, tôi thấy lần thứ nhất nơi góc đường Hàm Nghi, Nguyễn Huệ nữa. Nhưng tôi rất muốn được gặp lại nàng. Tôi muốn gặp lại không phải để nói lời xin lỗi, về chiếc vòng ngọc, bảo vật gia truyền, từ đời bà cố, qua bà ngoại, rồi tới mẹ nàng… Trước khi di tản, mẹ nàng đã chia cho nàng, như phần gia tài quý báu nhất. Chiếc vòng ngọc Th. nhờ ông cậu chuyển giao tận tay tôi, buổi tối, trước khi nàng lên máy bay, rời Guam, về Washington State.
Chiếc vòng, tín vật tình yêu hai đứa, tôi đã làm mất, ngay những ngày đầu tiên, vừa rời khỏi Camp Pendleton. Tôi muốn gọi để nói lời cảm ơn. Tôi muốn cảm ơn Th., muốn tự mình nói ra (không bằng chữ viết) rằng, nếu không có Th., chắc gì giờ này tôi còn sống? Tôi muốn gặp Th., không phải để nói một điều gì, giống như lời xin lỗi, về những đau đớn tơi xé thịt da nàng: những ngày dưới hầm tầu H.Q.1. Những ngày trên đảo Guam… Tôi chỉ muốn điện thoại để bảo Th.:
“Thời gian đã đủ để chúng ta tha thứ cho những người thân quanh ta. Tha thứ cho chính chúng ta, hết thẩy, mọi chuyện.”
Mấy ngày vừa qua, tôi có rất nhiều điện thoại từ Seattle. Điện thoại của Phạm Kim, Lê Thu Hương… Kim gọi tôi không dưới ba lần, trong ngày.
Khi Kim thông báo bài phỏng vấn dành cho đài VOA Phạm Kim thực hiện, đã được phổ biến trên mặt báo. Khi Kim, bảo mới đăng lại bài thơ Biển, Gương, Seattle. Một bài thơ viết về, viết tại thành phố mà, Kim cùng nhiều bằng hữu khác của tôi, đang ở. Kim kể độc giả thích. Nhiều người điện thoại chất vấn Kim sao bây giờ mới đăng tải bài thơ ấy. Tôi bảo đôi khi, bài thơ, in trong sách, cùng với những bài thơ khác, không hề gây một tác động nào nơi người đọc. Nhưng khi nó một mình, đứng như một ngọn cây cô đơn, đứng như doi cát cô độc, thì, người đọc lại thấy được ở nó, một trời đất/ thổ ngơi/ nắng, gió/ gắt… Khi Kim hỏi tôi bao giờ lên? Khi Kim bảo tôi fax ngay cho Kim bài Tình Sầu Du Tử Lê, theo lời yêu cầu của ĐC. Bài thơ tôi viết hồi cuối năm 69. Nhan đề nguyên thủy của bài thơ đơn giản, hai chữ: Tình Sầu. Đầu năm 70, Nhạc sĩ Phạm Duy soạn thành ca khúc. Trước khi đưa cho Nhạc sĩ Ngọc Chánh của Trung tâm Shotguns thâu vào băng nhựa với tiếng hát Thái Thanh, ông bỏ tên tôi vào sau hai chữ Tình Sầu như một thứ tiếp vĩ ngữ của nhan đề chính. Nó trở thành Tình Sầu Du Tử Lê.
Sau khi phổ biến, bản nhạc có tiếng vang tốt, có thể người nhạc sĩ hài lòng sáng kiến mới của mình, ông nói với tôi, ông sẽ làm một loạt nhạc tình mà, tên các nhà thơ sẽ là một phần của nhan đề.
Nhận lời, không hề hỏi, tôi nói, sẽ fax cho Kim ngay khi có thể.
Nhận được bài thơ, Kim nhờ Thu Hương điện thoại cho tôi, nhắn rằng, Fax gấp bản nhạc nữa. Lần này, tôi rất muốn hỏi để làm gì? Nhưng người gọi lại không phải là Kim…
Lê Thu Hương, một người cùng quê Hà Nam với tôi. Chính Thu Hương, trong gặp lại mới đây, ở Seattle, nhắc tôi, những ngày cuối cùng của tháng Mười hai, Tám mươi.
Những ngày tháng ngọn lửa thanh niên bồng bột, phừng phừng cháy rát lồng ngực lưu vong của chúng tôi. Ngày đó, Hương là Thủ Quỹ của Hội Văn Hóa Việt Nam vùng Tây Bắc… Hương mang đến cho tôi, những thăm hỏi chân tình… Hương mang đến cho tôi, những quan tâm thật thà, ngay thẳng. Hương cũng mang đến cho tôi, những trang văn xuôi còn ngập ngừng, rụt rè trên ngưỡng cửa văn chương và đời thường. Hư cấu và thực tế. Hương cũng mang lại cho tôi một Phủ Lý mùa mưa, lụt. Những buổi sáng mở mắt, nước ơi là nước. Buổi trưa, chị vú làm những chiếc thuyền giấy, cho tôi ngồi trên bậc thềm cao, thả xuống sân nước sôi ục ục. Những chiếc thuyền giấy trôi dạt quanh quẩn trong chiếc sân, thường ngày, mẹ tôi dùng làm nơi phơi những quả mơ vớt ra từ bể muối. Bà bảo phải phơi cho đến khi chúng mọc một lớp da khác. Lớp da mới, lốm đốm phấn trắng trên nền nâu đỏ sớm nhăn nhúm.
Mỗi năm, bến sông Đáy, nơi tôi ở ngắn ngủi một thời tuổi thơ, dâng nước một lần. Như mỗi năm, mẹ tôi có một nhiệm vụ làm ô mai cung cấp cho các đại lý vậy.
Những ngày mưa, lụt là những ngày hạnh phúc, đồng thời, cũng buồn bã nhất của tôi. Suốt tuổi thơ, tôi có một câu hỏi không ai trả lời. Đó là câu hỏi, liệu có một tương quan bí mật nào giữa những ngày mưa bão, và, mẹ tôi?
Những ngày mưa, bão mẹ tôi dường bẵng quên tôi. Có những lúc bà bỏ mặc tôi cho chị vú. Bà cũng không buồn la mắng, hay chỉ bảo đám thợ tập trung nơi dẫy nhà dưới. Khi ấy, mẹ tôi ngồi bó gối, nhìn vào vạt sân mịt mù, ùng ục nước. Khi ấy, làm như mẹ tôi quá đỗi bận rộn với cuộc trò chuyện hoặc tranh cãi (bí mật) cùng mưa, lụt…
Sau này, lớn lên, tôi hiểu, tuồng chỉ những ngày mưa bão mới buộc được mẹ tôi ngừng tay. Chỉ những ngày mưa bão kia, mẹ tôi mới sống lại, sống thực, với hình ảnh thầy tôi, quá khứ. Hình ảnh các anh, các chị tôi, những người đã vĩnh viễn đi theo thầy tôi…!
Tôi không nói gì với Hương về quê hương chung của hai đứa. Tôi nghĩ, vô ích thôi. Tôi không tin trong ký ức Hương, có một bến sông Đáy. Có một mùa lụt mỗi năm, một lần, kéo dài cả tháng. Hương còn quá nhỏ. Có thể, Hà Nam, chỉ là quê hương trong chuyện kể, mà, Hương nghe được. Tuy nhiên, cách gì, giữa tôi và Hương, cũng đã mau chóng hình thành một tương quan tốt lành, sâu, lắng, do nơi những chiếc nhau của chúng tôi được chôn chung một mảnh đất? Hay tương quan chữ nghĩa, cuộc chơi với Hương mới bắt đầu, trong lúc tôi đã quá mệt mỏi?
Một lần, Hương hỏi tôi có ý định di chuyển về Seattle? Tôi nói có. Tôi kể, Hạnh tin, về Seattle, vùng biển, gương, nhiều phần đời sống chúng tôi, sẽ tốt hơn. Nhưng nếu mỗi cuộc đời, (ít nhiều) đều có những lỗi lầm tốt tươi (hay thẹo, nám) thì, liệu nên chăng, những lỗi lầm, thắp lại ?
DU TỬ LÊ