* Phạm Quốc Bảo.
Vốn xuất hiện trong mạng lưới điện toán Internet độ gần một thập niên nay, loại thơ này phát triển hết sức nhanh và phong phú ở nhiều thể loại. Nhưng trong số các thể loại đó, có một thể thơ mà năm 1995, chuyên gia điện toán Tom Brinck chính thức hóa gọi là Scifaiku, tức là Science-fiction haiku, thơ hài cú khoa học giả tưởng.
Thể thơ được gọi là Hài cú khoa học giả tưởng,Scifaiku, được ưa chuộng nhất,đến độ sau khi Brinck bỏ công phu để thảo nên Tuyên ngôn của nó (Scifaiku manifesto), rồi bây giờ nó còn trở nên diễn đàn thơ với cuộc tuyển lựa hàng năm toàn Hoa Kỳ do tờ The Writer’s Digest bảo trợ.
Nhưng tại sao gọi là Thơ Hài cú khoa học giả tưởng? Đã “khoa học giả tưởng” mà kèm theo chất “hài cú” thì thật kích động trí tò mò đấy. Loại thơ này là thơ Hài cú khoa học giả tưởng Scifaiku bởi vì ít nhất gồm ba yếu tố: Thứ nhất là bài thơ phải rất ngắn gọn và chữ dùng rất chuốt lọc, có tính chất biểu tượng, tượng trưng. Thứ nhì, diễn tả nội dung ý tưởng bao trùm vũ trụ. Thứ ba là nội dung đó đã được khoa học ngày nay khám phá ra, tác động đến ngũ quan chúng ta, đầu óc chúng ta, và tâm thần chúng ta.
Chẳng hạn hai bài thơ sau đây đều chỉ gốm có ba câu thôi. Người viết bài này phiên dịch sang việt ngữ:
— Năm ngữ âm, lên bảy âm rồi trở lại năm ngữ âm:
The bitmapped flowers
wither in the harsh point light
of my 3 D world (Roger Cotton)
Những đóa hoa hướng dương
cùng trong một điểm sáng chói lọi
của thế giới ba chiều
— Bốn ngữ âm, bốn ngữ âm rồi kết bằng ba ngữ âm thôi:
Millennia pass
and I just watch
from my jar ( Tom Brinck)
Thiên niên kỷ qua
tôi vừa thoáng thấy
từ ly trà.
Mấy khía cạnh phong phú của thơ lên lưới điện toán
Đọc hai bài thơ tiêu biểu nêu trên, chúng ta nhận ra rằng chất hài hước ý nhị và triết lý truyền thống của thơ Hài cú (Haiku) Nhật bản, như nụ mỉm cười thiền vị, mặc dù đã nhạt nhòa đi nhưng lại có những ý, những hình ảnh chưa từng có ở hài cú cổ điển. Có lẽ chính Tom Brinck cũng nhận ra điều đó, khi anh diễn tả trong nội dung của tuyên ngôn loại thơ này, Scifaiku Manifesto, rằng Scifaiku, thơ hài cú khoa học giả tưởng này “hài cú và không hài cú”.
Chúng ta thử nhận ra cái tính chất “hài cú mà (và) không hài cú” ở một số thơ của mạng lưới điện toán tiêu biểu dưới đây:
1. Nội dung tình gia đình (nhân bản):
Đây là một nội dung rất hiếm có trong thơ Hài cú truyền thống của dân Nhật bản. Sở dĩ trong mạng lưới điện toán lại có nội dung này là vì, rất thực tế, ở tâm tình của giới chuyên viên điện toán: Vì nghề nghiệp, chuyên viên điện toán gần gũi với máy điện toán ngày đêm liên tiếp, nhiều khi còn thân mật hơn cả vợ chồng con cái của họ nữa. Do đó, trong thoáng chốc nhớ đến con, chuyên viên Lea Deschenes đã diễn tả tâm tình của mình bằng bài thơ sau đây:
Martian reads tabloid:
Two-headed love child. Front page:
Wishes he’d stayed home.
Hắn đọc tờ báo nhỏ:
Trẻ được cưng chiều. Trên trang nhất:
Muốn hắn ở lại nhà.
2. Nội dung kỹ thuật tiên tiến:
Nội dung rõ rệt và hoàn toàn khác hẳn, chưa hề có trong thơ Hài cú trước đây.Chẳng hạn:
The cat is missing
Schrodenger’s lab in chaos:
He plots his revenge.( Lea Deschenes)
Con mèo mất tích
Phòng lép xáo trộn
Hắn tính trả thù
3. Nội dung con người tiếp cận vũ trụ:
Nội dung này cũng hết sức mới lạ, là một cách thế khác của con người trước vũ trụ, nhưng lại hết sức thi vị.Chẳng hạn:
All the universe
pulls slowly into center:
Alas, the Big Crunch.(Leslie Gornstein)
Toàn vũ trụ
tiến dần vào trung tâm
Ráu, miếng cắn.
4. Con người trong kỷ nguyên kỹ thuật tân tiến:
Nội dung này có thể nói rằng cho đến bây giờ, chiếm đa số lượng thơ của mạng lưới điện toán. Với nội dung này, chúng ta đặc biệt đọc tới hai bài, nội dung như nhau nhưng kỹ thuật khác nhau:
Thể thơ xuôi: Hai câu nhưng xuống thành 3 hàng chữ, có chữ bị cắt đôi:
What culture crea-
ted this artifact and why
is that moon now gone?
Văn hóa nào đẻ ra
tuyệt nghệ phẩm này và tại sao
vầng trăng nọ đã xa?
Nguyên tác thật tiêu chuẩn nhưng chuyển ngữ thì nếu muốn gói trọn nội dung, phải phá vỡ hình thức:
To leave Mars’ death camps,
I gave my brain to the ship
stars taste like champagne.( Andrew Mc Cann)
Rời trại chết sao hỏa
não tôi phó thác cho phi thuyền
những vì sao nếm chất não tôi
như nhấm nháp sâm banh.
Nói chung lại, thơ của mạng lưới điện toán hết sức giản dị, chính xác, thích ứng với thời đại mới hiện nay (thời đại mở đầu vào kỷ nguyên điện toán), và đương nhiên không hề thiếu chất thơ, thi vị. Cái chất quan trọng nhất của thơ, ở bất cứ thời đại nào, hoàn cảnh nào.
Thơ của mạng lưới điện toán hiện vẫn còn quá mới mẻ nhưng rõ rệt nó đã hiện diện và phát triển rất nhanh.Và chúng ta gọi thơ của mạng lưới điện toán là gì? Là thơ hài cú khoa học, thơ hài cú mới, tân hài cú? Là thơ lên lưới? Là thơ điện tử? Thơ tân kỳ?
Riêng bạn, bạn đã nghĩ ra một từ ngữ nào chưa, để chỉ loại thơ của mạng lưới điện toán?
Tháng 4 — 1999.
* Phạm Quốc Bảo.(http://www.tapchitho.org/wtho20/pqb.htm😉