Trong lịch sử nước nhà có những mùa Xuân không thể quên. Từ mùa Xuân năm Kỷ Dậu Vua Quang Trung đại thắng quân Thanh.
Mùa Xuân 1974 Hoàng Sa bị mất về tay Trung Quốc. Mùa Xuân 75 cuộc nội chiến tương tàn của người anh em đã không còn nữa.
Rồi mùa xuân 1979, tập đoàn bành trướng Bắc Kinh dưới sự chủ mưu của Đặng Tiểu Bình đã đưa hàng chục vạn quân gồm có pháo binh, chiến xa và bộ binh tấn công trên toàn lãnh thổ miền Bắc nước ta. Mở đầu ở hướng đông, bộ chỉ huy tiền phương Trung Quốc đặt tại Nam Ninh trong tầm nhắm Lạng Sơn. Tiếp theo 2 mũi tiến công song song, thứ nhất do quân đoàn 42A, tuyến xuất phát từ Long Châu đánh vào Đồng Đăng tạo thành bàn đạp thọc sâu vào Lạng Sơn. Cánh thứ 2, do quân đoàn 41A xuất phát từ Tĩnh Tây và Long Châu đạp ngang vào Cao Bằng và Đông Khê. Chưa hết, quân đoàn 55A từ Phòng Thành thọc sâu Móng Cái.
Ở phía Tây bộ chỉ huy lưu động của Trung Quốc đặt tại Mông Tự. Tại đây chúng chia ra thành 3 mũi tiến công. Hướng đầu tiên do quân đoàn 11A và 13A làm nổ lực chính đánh vào Lào Cai. Hướng thứ 2 từ Văn Sơn thọc xuống Hà Giang, hướng thứ 3 quân đoàn 14A đánh từ Kim Bình vào Lai Châu. Tóm lại cuộc tổng công 1979 lực lượng bành trướng Bắc Kinh đã xâm nhập trên tổng số 24 điểm. Trong đó bị thiệt hại nhiều nhất là các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Móng Cái và Mường Khương. Bất cứ nơi nào có dấu chân lính Trung Quốc là nơi ấy nhà cửa, chùa chiền, trường học bị đốt phá và cướp đi trâu, bò, gà vịt v.v… Riêng về nhân mạng lính Trung Quốc không ngừng ra tay chém giết tất cả đàn bà, người già và trẻ em. Nhất là phụ nữ sau khi hảm hiếp xong họ còn dùng hành động cực kỳ mang rợ là cắt nhủ hoa, dùng cây chọc thủng ậm hộ cho đến chết.
Cuộc chiến xâm lăng của Trung Quốc đã xảy ra trong vỏng 1 tháng. Tuy nhiên, xét trên phương diện nhân văn, chưa có lực lượng ngoại xâm nào tàn ác và vô luân hơn quân đội Trung Quốc, một đất nước được tự hào đã thấm nhuần tư tưởng Khổng- Mạnh và có nền văn hóa lấu đời nhất trên thế giới. Ngay cả những nông dân người Hoa thấy sự tàn ác của lính Trung Quốc đều phải lên án. Công bình mà nói, so với hành động của chiến binh Nhật trước kia, người lính Trung Quốc ngày nay còn man rợ hơn lính Nhật gấp trăm, ngàn lần…
Nhìn lại những ngày tháng bi hùng trên vùng trời biên giới 1979, dân tộc ta lại một lần nữa cả nước dâng trào khí thế chống giặc ngoại xâm. Đặc biệt tại biên giới, thanh niên, nam nữ, lớn bé… tất cả đã tình nguyện chống trả giặc Tàu bằng mọi phương tiện. Trong khi đó, cả nước đứng lên đáp lời sông núi với tất cả bầu nhiệt huyết. Huy động nội lực đánh trả quân xâm lược, chiến sĩ và đồng bào ta đuổi chúng ra từng tất đất, từng ngọn đồi, từng con suối. “Đất nước của ngàn chiến công, vẫn sục sôi khí thế hào hùng. Kia Chi Lăng! Đây Bạch Đằng, Đống Đa… đang gọi tiếp bản hùng ca” như lời bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết.
Vâng! Đây nầy Chi Lăng, đầu kia Bạch Đằng- Đống Đa đã chứng minh một cách rõ ràng tham vọng Trung Quốc muốn biến Việt Nam ta thành chư hầu. Nhưng đó chỉ là ảo tưởng của những kẻ thất phu, mặc dầu chúng có cả đoàn quân binh hùng tướng mạnh. Nhưng nào Mã Viện, Thoát Hoan hay Tôn Sĩ Nghị đều gặp sức đề kháng của dân tộc ta. Một Ngô Quyền, Hưng Đạo Vương đã chôn vùi quân giặc trên Bạch Đằng giang. Rồi Hai Bà Trưng đánh bại quân nam Hán, Lê Lợi, Nguyễn Trãi lấy xác giặc Minh làm phân cho ruộng đồng nước Việt phì nhiêu, Nguyễn Huệ đại thắng 20 vạn quân Thanh v.v… Và hôm nay của 35 năm về trước quân dân ta cũng chận bước chân xâm lược của Đặng Tiểu Bình. Dĩ nhiên, quá khứ đã chứng minh cho hiện tại và tương lai, và quá khứ sẽ là bài học thích đáng dạy dỗ tập đoàn lãnh đạo Trung Quốc bài học lịch sử để quân xâm lược chiêm nghiệm lại tham vọng không tưởng của mình.
Đó là đáp số của bài toán xâm lăng, là chứng minh của lịch sử. Lịch sử không thể đổi trắng thay đen. Mà lịch sử đã nhắc nhở cho chúng ta rằng ý đồ Hán hóa đã có tự ngàn xưa cho dù trên biển cả hay đất liền, giặc Tàu 1000 năm trước vẫn là giặc Tàu của 1000 năm sau. Do đó, dân tộc chúng ta muốn tồn tại điều duy nhất phải có là cảnh tỉnh và đoàn kết.
Kỷ niệm 35 năm chống ngoại xâm, là người Việt Nam có ai không đau lòng khi hình ảnh tàn bạo của lính Trung Quốc đối với dân tộc Việt Nam. Ôi máu thịt Việt Nam đã đổ, biển đảo của ta bị họ cướp đoạt, hận thù nầy làm sao quên được. Rồi đây chúng ta sẽ trả lời ra sao với tiền nhân? Và sẽ nói với con cháu những gì về bài học xâm lăng do người Trung Quốc gây ra? Ôi những con đường mang tên Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Nguyễn Trãi có còn nhắc nhở chúng ta bài học vẻ vang và chiến công hiển hách mà tổ phụ ta đã đổ ra trên mãnh đất Việt Nam chăng? Chính thế, mốc thời gian 35 năm nhìn lại quá dài và quá lâu để chúng ta đánh giá lại cuộc chiến 1979, nhận định một cách trung thực, nhìn nhận một cách cự ly, để hiểu rằng cuộc chiến đấu bảo vệ của quân dân ta chính đáng, ý nghĩa và có giá trị tuyệt vời ở gương hy sinh bảo vệ tổ quốc. Đó là giá trị vô cùng nhân văn và nhân bản, là lòng kiêu hãnh được hy sinh cho tổ quốc và vì tổ quốc. Chúng ta là những người đang sống, khoắc khoải từng giây, từng phút nên chúng ta đòi hỏi ở sự công bằng ghi công, nhớ ơn và trân trọng những đóng góp vĩ đại của các liệt sĩ và đồng bào ta trong cuộc chiến bảo vệ lãnh thổ tháng 2/1979. Đây không phải là lời cầu xin mà là mệnh lệnh dân tộc, là tiếng nói khởi đi từ lương tri của hơn 83 triệu người với lòng thiết tha khẩn thiết. Làm được điều ấy nghĩa là chúng ta đánh dấu một giai đoạn lịch sử, tỏ lòng biết ơn đến sự hy sinh vĩ đại của những người con vì tổ quốc Việt.
Kỷ niệm ngày chống lại quân xâm lược trong cuộc chiến 1979 là sự công bằng với lịch sử chứ hoàn toàn không có ý định hâm nóng oán thù. Kỷ niệm là thái độ biết ơn của những người còn sống đối với những người đã hy sinh. Điều ấy còn có một ý nghĩa cao cả nữa là chúng ta đang ôn lại lịch sử để nói lời tri ân, và nói với thế hệ tương lai rằng: sự hy sinh chống trả ngoại xâm trong bất kỳ thời đại nào cũng vinh quang và tổ quốc luôn phải ghi công, toàn dân nhớ ơn cho dù hôm qua, ngày nay hay mai sau luôn luôn và mãi mãi…
Vâng, lịch sử là lịch sử, lịch sử được đồng nghĩa với khách quan nên không ai có thể “lấy tay che mặt trời” vì thế không ai có thể che dấu được lịch sử, và điều ấy nếu có, thì lịch sử sẽ luận tội giống như hành động Lê Chiêu Thống , Nguyễn Văn Thân hay Hoàng Cao Khải v.v…
Tóm lại, có những mùa Xuân ta không thể quên. Đúng thế, Người dân Việt Nam chúng ta không ai có thể quên được mùa Xuân 1979. Ngăn chặn làn sóng xâm lấn từ Bắc Phương. Chúng ta cũng còn nhớ mãi mùa xuân năm ấy. Vì đó là sự công bằng của lịch sử, của chính nghĩa và lẽ thật. Cho nên dân tộc Việt Nam của chúng ta đã và sẽ được sự hậu thuẫn của nhân dân trên thế giới. Điều chúng ta cần làm là phải đoàn kết từ trong ra ngoài, duy trì và ổn định chính trị, tân trang quốc phòng, ổn định kinh tế, phát huy kỹ thuật và xiển dương tinh thần chủ nghĩa dân tộc chống ngoại xâm phương Bắc.
Tất cả những yếu tố ấy sẽ là công cụ để chúng ta những con dân Việt tiến thành một Đại Nghị Quốc Dân nhằm ngăn chận chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh sau nầy./.
Tiến Sĩ Nguyễn Hữu Hoạt