(ảnh Nguyên Thảo- cung cấp 2014)
Nguyên Thảo vốn sẵn có sự bình thản trong đời sống, chính vì thế đã giúp cô luôn giữ được bản sắc và cá tính trong sự nghiệp văn nghệ. Bao năm nay cô vẫn chọn ở xa thành phố bằng cách chọn sống ngoại ô thành phố- để sống xa sự xô bồ, ồn ào của thành phố Sài Gòn. Tính cách đó vận sâu vào suy nghĩ của Nguyên Thảo, và cũng là phong cách mà cô đã chọn cho chính cô trong môi trường showbiz.
Là ca sĩ nhưng chẳng bao giờ cô xuất hiện trong các sự kiện, hay cuộc chơi nào. Có được mời cô cũng ngại ngần không góp mặt. Như lần Sinh nhật thứ 91 của nhạc sĩ Phạm Duy, Nguyên Thảo là một trong số ít ca sĩ nhận được lời mời đến dự. Dù Nguyên Thảo rất quý nhạc sĩ cổ thụ, cô vẫn “cứ thấy ngại ngại” nên cũng chỉ dám gửi bó hoa chúc mừng.
Tham gia chương trình ca nhạc lớn nào, cô đến thật sớm và giấu mình kỹ trong hậu trường. Diễn xong là ra về, né tránh mọi lời mời chụp ảnh, hay trả lời phỏng vấn. Nhiều người nghĩ là cô kiêu. Nhưng không phải vậy; vì đó là bản tính trầm lặng của Nguyên Thảo mà nhiều người chưa hiểu niềm đau mà chính cô đã chôn dấu trong nỗi buồn phong kín của đời mình..
Cách hát của Nguyên Thảo cũng “thản nhiên” như cách sống. Chậm rãi và ngân nga. Cô trau chuốt và nâng niu đến mỗi lời hát. Nhờ thế, cái tình luôn đọng lại trong lòng khán giả. Và chất giọng đặc biệt ấy luôn được đánh giá cao. Từ tốn là từ chính xác để hình dung về Nguyên Thảo. Cô đã một thân một mình từ Đà Lạt lên lập nghiệp tại Sài Gòn, Nguyên Thảo là gương mặt quen của phòng trà. Khán giả không ai là không biết cô ca sĩ có giọng hát cao vút, mượt mà.
Cơ duyên Nguyên Thảo gặp nhạc sĩ Dương Thụ và được ông hỗ trợ hoàn thành CD đầu tay với chủ đề “Suối Và Cỏ”. CD này thành công vang dội, giới thiệu cho khán giả khắp mọi nơi một giọng hát mới đầy tiềm năng và cũng cùng lúc đó cô đã bắt đầu bước vào nghiệp ca hát mà cô hằng đam mê.
Nhiều năm liền, Nguyên Thảo không thể thiếu trong các đêm nhạc lớn có chủ đề như về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Phạm Duy. Cô cũng là người được các nhạc sĩ ưu ái giao cho thể hiện những bài hát khó như: Đường Chiều Lá Rụng của Phạm Duy, Hương Xưa của Cung Tiến, Mênh Mông Tình Buồn của Nguyễn Ánh 9 v..v.. Ca khúc nào qua giọng hát Nguyên Thảo cũng được đón nhận, được người yêu nhạc sôi nổi giới thiệu nhau nghe cuồng nhiệt. Thế nhưng, Nguyên Thảo không như nhiều người, khi gặt hái chút thành công với thể loại nhạc nào đó, họ sẽ có ngay sản phẩm tung ra thị trường.
Sau 4 năm im tiếng, cô vẫn chưa có thêm một CD nhạc nào.
Nhiều người cứ thắc mắc, chỉ cần cô tập hợp các ca khúc đã thể hiện cũng đủ làm thỏa mãn một số đông khán giả. Hay đơn giản là một album nhạc Phạm Duy. Cô giải thích: “Có thể Thảo hát được khen hay. Nhưng để gọi là ưng ý hoặc là sản phẩm của riêng mình thì phải khác. Thảo phải thật cảm thấy mình đang hát từ chính cảm nhận và nỗi niềm của mình”.
Nguyên Thảo – Tuổi Thơ Đánh Mất
Cuộc đời Nguyên Thảo buồn như dòng sông, không bến bờ và lặng lẽ thân phận mồ côi Mẹ vì những điều đáng tiếc xẩy ra. 7 tuổi, cô bé Nguyên Thảo chứng kiến cha mình giết mẹ. Nguyên Thảo không thể tha thứ cho sự vô tâm của cha sau khi ông ra tù vì chính ông ấy đã đẩy cô vào cuộc sống sợ hãi, trầm cảm. Mới 7 tuổi đời Nguyên Thảo mất mát quá lớn. Lúc đó, Cô chỉ sợ hãi co rúm mình lại trong căn nhà nhỏ. Bà Dì ruột bế cô và rồi cũng đã khóc ngất, với số phận buồn thảm lên mái tóc trẻ thơ chưa nhuốm bụi đời. Nguyên Thảo tâm sự: “lúc đó Thảo không thể khóc nổi, đúng hơn là sợ hãi và căm giận.” – Một thời gian khá lâu sau khi mẹ qua đời, sự mất mát mới dần ngấm. – “Sẩy mẹ bú dì”, chính dì ruột là người thay mẹ.
Khi đó, dì làm giáo viên, cuộc sống khó khăn lắm. Dì thương Thảo như con, và Thảo coi Dì Dượng như cha mẹ mình. Nguyễn Thảo lại kể: “Có lần ở trường học, cô giáo nói lại với dì là Thảo không chịu nói chuyện với ai trong lớp và hay nhìn ra cửa sổ. Về nhà dì la là sao không tập trung học hành nhưng sau đó dì quay mặt đi lau nước mắt vì hơn ai hết dì hiểu tại sao Thảo như vậy.”
Dì của Nguyên Thảo không bao giờ nhắc lại những chuyện không tốt lành ấy đã xẩy ra trong đời cô vì luôn sợ những ám ảnh cũ lại hiện về cho một đứa trẻ. Một đứa trẻ rất muốn nghĩ về một chốn riêng để chứng minh mình có một tuổi thơ thì gần như Nguyên Thảo đã không có. Tuổi thơ của Nguyên Thảo đã mất từ khi mẹ cô ra đi, căn nhà xưa đã là một niềm đau chôn dấu tiếng cười khúc khích của Thảo năm nào đã mất rồi.
Cho đến bây giờ, chính Nguyên Thảo cũng không muốn tìm hiểu tại sao cha cô lại hành động như thế. Cô chỉ nghĩ là dù bất cứ lý do gì đi chăng nữa cũng không thể chấp nhận được. Không ai có quyền tước đoạt sự sống của người khác. Chỉ có trời mới có quyền đó. Đằng này, ông ấy lại cướp đi sinh mạng của vợ, đồng thời là mẹ của con gái ông ấy, càng không có gì để bào biện hay để cầu xin được tha thứ. Dù thời gian có dài như thế nào thì cô cũng không thể tha thứ cho cha với việc làm vô nhân đạo như thế.
Cha của Nguyên Thảo ra tù khi cô gần gần 20 tuổi. Suốt bao năm cô chỉ chờ đợi ở ông một lời xin lỗi nhưng không được. Điều đó nói lên rằng người ấy không còn xứng đáng với bao năm chờ đợi của đứa con gái bé bỏng nữa. Ông đã chối bỏ con mình và gần như mặc nó trong những đớn đau do chính ông gây ra. Nguyên Thảo im lặng với buồn đau suốt một chặng đời và mang theo nó trên những bước đường. Gặp khó khăn, trắc trở gì cô cũng lầm lì chịu đựng. Cũng như bao người con gái khác, có những lúc cô cũng yếu đuối, có lúc muốn gục vào bờ vai mẹ nhưng mọi thứ đã qua để lại một Niềm Đau Chôn Dấu, chính vì thế Nguyên Thảo đã trải lòng thật sâu sắc qua Mênh Mông Tình Buồn của Nguyễn Ánh-9 đến nức nở như thế
Sống bên nhau một phút giây thôi để rồi chia tay đường đời
Ðến bên nhau lần cuối hôm nay khi ngày mai đã muộn rồị
Khóc chi cho lệ thắm hoen mi, hỡi người ơi!
Cuối trời phiêu lãng thoáng mênh mông tình buồn.
Tình yêu nào ai có hay tựa như một thoáng mây bay
chợt đến ta không đón mời, rồi đi không câu giã từ.
Hỡi người, xin anh lần cuối hôm nay, khi còn bên nhau đường về.
Hãy quên đi một thoáng đam mê ta vùi chôn những hẹn thề.
Lá thu rơi ngập lối chia ly tiễn người đị
Ðể tình yêu đó với tháng năm còn lại gì?
(Mênh Mông Tình Buồn – Nguyễn Ánh 9)
(Lê Xuân Trường)
22-4-2014