Ảnh trên trang quảng cáo show nhạc Áo Trắng tại Cali ngày 19-7-2014
Viết cho show Ca Nhạc “Áo Trắng”: Truyện tình Áo Trắng
*Đỗ Trọng An
Tôi và Việt Dzũng cùng sinh và lớn lên tại Sài Gòn, Việt Nam.
Chúng tôi cùng được may mắn theo học tại Học viện Lasan Taberd. Chúng tôi được biết rằng sở dĩ nhà trường dùng chữ “Học Viện”, vì đây là một nhà trường có truyền thống trên một trăm năm. Trường dạy các lớp từ Tiểu học, Trung học Đệ nhất cấp và Trung học Đệ nhị cấp.
Đây là một Học viện chỉ dành cho nam sinh. Là chi nhánh của các trường Lasalle trên toàn thế giới, do các Thầy Dòng, Sư Huynh, gọi là Frères De La Salle của Giáo hội Công Giáo. Trụ sở chính của nhà dòng ở bên Pháp.
Ảnh 1: Hình ảnh khu Trung Học Đệ Nhị Cấp thời trước 1975, khu Luyện Thi Tóan Lý Hoá (thuộc Uỷ Ban Y Tế Xã Hội COMITA ở góc phải , tòa nhà Trung Học Đệ Nhị Cấp (xây từ năm 1929) – sau 45 năm có mặt trên đường Nguyễn Du, gần Nhà Thờ Đức Bà) Tại toà nhà này tầng dưới góc phải là văn phòng mở lớp Luyện Thi Toán Lý Hóa của các giáo sư tư thục tình nguyện vào dậy giúp (gây quỹ giúp người nghèo khó.
Ảnh 2: Nguyên hiệu trưởng LaSan Taberd: Adrien Phạm Ngọc Hóa ( chụp tại Narrow Bridge-Tacoma, WA-1984) là người tổ chức các sinh hoạt gây quỹ cho Tổ chức Y Tế Xã Hội của trường. Các lớp học tổ chức trong khoảng vài năm sau 1972
Ảnh 3: cũng Toà nhà cũ sau 1975, đã hạ bệ các tượng Thánh của Dòng La San, và sơn lại mầu vàng sẫm trên chụp sau 1975: tòa nhà Trung Học Đệ Nhị Cấp (xây từ năm 1929) – sau 45 năm có mặt trên đường Nguyễn Du, gần Nhà Thờ Đức Bà)
Trường Taberd có cả hai chương trình Việt Pháp. Các thầy Dòng, Sư Huynh La San sáng lập, điều khiển. Có các thầy giáo từ bên ngoài vào giảng dạy. Không có cô giáo.
Sở dĩ kẻ viết bài này dài dòng về Học Viện La San Taberd, hay còn gọi là Instution De Lasalle Taberd là, để kể cho các bạn nghe là nhà trường rất cổ kính, toàn con trai và đàn ông thôi.
Năm ấy, tôi học đến lớp Đệ Nhất, còn gọi là lớp 12.
Nhà trường đặc biệt dành cho lớp 12 và Terminale, tức là hai lớp chót của chương trình Việt và chương trình Pháp. Hai lớp ày ở khu nhà cũ. Rất cổ kính. Gọi là khu của mấy anh lớn. Phân biệt hẳn với các đàn em bên những khu khác.
Khu đàn anh rất thơ mộng. Dưới những tàng cây lớn. Hai bên vườn cỏ và hoa rất đẹp, chứ không phải như các lớp đàn em, ở hai bên sân chơi và sân bóng rổ. Và thính đường, còn gọi là nhà hát nữa.
Tóm lại, hoàn toàn không có một bóng hồng, phụ nữ nào bén mảng vào sân trường Taberd.
Ngoại trừ, vào dịp Tết, các Sư huynh cho phép các cô nữ học sinh các trường như Gia Long, Trưng Vương, Lê Văn Duyệt, Marie Courie vào trường bán Đặc san, Báo Xuân.
Chuyện xảy ra là, năm ấy, không biết tại sao, các Thầy Dòng, Sư Huynh La San đổi ý, cho phép các Thầy mở Lớp Luyện Thi Toán Lý Hóa, Vạn Vật riêng. Có lẽ để các Thầy kiếm thêm tiền. Dĩ nhiên vì là Lớp Luyện Thi, nên cho phép học sinh bên ngoài vào học. Và dĩ nhiên có nữ học sinh.
Hơn bốn mươi năm rồi, kẻ viết bài còn nhớ, cái cảm giác lâng lâng và ngộ nghĩnh làm sao khi được học lớp có con gái cùng học nữa.
Hôm ấy, cô bạn nữ sinh Gia Long, mặc áo dài trắng, suối tóc huyền ngồi đầu bàn bên kia. Và tôi, ngồi dãy bên này.
Thế là, Thầy dạy cái gì trên bảng , có lẽ thằng bé chẳng nghe thấy gì cả. Vì cứ thỉnh thoảng, cô bạn học sinh Gia Long mặc áo dài trắng lại làm rớt cây thước.
Thế là, cậu bé học sinh Taberd lại nhặt thước để đưa cho cô bé.
Thế là, hôm sau cậu bé học sinh Taberd lại mang vào lớp một bọc viết màu. Chẳng hiểu thầy dạy cái gì, mà cậu bé lại cứ dùng viết màu để vẽ. Rồi lại làm rơi cây viết chì màu…
Cô bé Gia Long lại nhặt bút chì màu đưa sang đầu bàn bên kia cho cậu học sinh Taberd.
Cố gắng bạo dạn lắm, cậu học sinh Taberd mới ghé sang bàn cô bé Gia Long để xem, cô bé tên gì. Ấy vậy mà tay chân cứ run lẩy bẩy. Nhìn xong rồi cũng chẳng nhớ cô bé tên gì!
Cậu bé học sinh Taberd cũng mặc áo trắng và quần màu đậm. Là đồng phục của trường Taberd. Nhưng ngơ ngẩn làm sao đó, áo trắng lại bị quẹt nhiều màu viết lúc nào chẳng biết.
Được có vài ngày, một hôm Sư Huynh Giám Học đi vòng vòng kiểm tra. Gọi cậu bé học sinh Taberd, hỏi rằng: Con học thêm có vui không? Và có học được thêm nhiều để chuẩn bị đi thi Tú Tài không?
Cậu bé học trò Taberd khai rằng : Vâng, con học vui lắm. Nhất là trò lượm thước và bút chì màu.
Sư Huynh Giám Học cau mày hỏi: Vậy trò có học thêm được gì không? Khi mà trò không còn tập trung tư tưởng. Thế là cậu bé được nghe một bài giảng về sự chuyên cần. Và bị ngồi tập trung nửa giờ đồng hồ.
Không biết có phải vì lời khai dại dột ấy, chỉ vài hôm sau các Thầy trường ngoài tình nguyện giúp, được Hội COMITA mời dạy thêm Toán Lý Hoá và Vạn Vật luyện thi Tú Tài trả tiền lại cho học trò và không dạy nữa.
Vậy là cậu bé học trò Taberd chẳng còn có dịp nhặt thước hay lượm bút chì cho cô bé học trò Áo Trắng của trường Gia Long. Và nàng, kể từ đó cũng biến mất luôn!
Cậu bé học trò Taberd đành chỉ biết hát theo danh ca Lệ Thu, bài hát Nỗi Lòng của Nguyễn Văn Khánh:
“Yêu ai, ai hiểu được lòng…”
Hôm nay, đọc bài viết của Bích Huyền, nói về chương trình ca nhạc do Việt Dzũng khởi xướng và chuẩn bị lúc sinh thời, nay những người trong Ban Tổchức phải tiếp tục tiến hành. Chương trình sẽ diễn ra tại rạp Performing Arts Center ở Little Saigon, California.
Cậu học trò Taberd ngày nào, nhớ lại câu chuyện hơn bốn mươi năm trước. Ngẫm nghĩ: Có lẽ cũng cùng chung tâm trạng với Việt Dzũng. Lúc ấy cũng là học trò mặc áo chemise trắng và quần mầu đen hoặc xanh đậm, thường lén lút nhìn mấy cô nữ sinh áo dài trắng của trường Gia Long. Bởi vậy có lẽ Việt Dzũng mới đặt tựa đề cho chương trình nhạc là “Áo Trắng” chăng?
Hy vọng rằng, với show Nhạc Thính Phòng “Áo Trắng”, cậu bé học trò mới lớn ngày ấy- tác giả bài viết này- có thể gặp được cô bé học sinh Gia Long xưa. Cô bé với mái tóc huyền như dòng suối ngang vai. Có đôi mắt nai, đeo kính màu hồng thật to, che khuất gần cả khuôn mặt. Thời trang trẻ trung của một thời Sài Gòn năm nào, qua dòng nhạc Áo Trắng. Người Áo Trắng Gia Long trong câu chuyện tình Áo Trắng của đời tôi.
Hay biết đâu, có thể tôi sẽ gặp nàng bên cánh trái của rạp hát?
À, nhưng mà không biết cô bạn Áo Trắng Gia Long ngày xưa có còn nhận ra cậu học trò Áo Trắng Taberd được chăng?
Vì chính mái tóc của cậu học trò đã phai màu đen, mang màu sương khói.
Tình học trò không phai nhạt nhưng mái tóc tôi đã bạc trắng theo thời gian mất rồi!
Đỗ Trọng An