Kể chuyện quãng đời: Cà Phê Loãng, Bóng hồng phai
Trịnh Bình An
Tôi không còn nhớ mình bắt đầu uống cà phê kiểu Mỹ từ lúc nào. Bạn biết mà, cái cà phê loãng toẹt, đắng chút chút, mùi chút chút, còn màu thì cứ như là nước rửa ly ca phê vậy. Thế nhưng, chiêu một ngụm cà phê nóng cà phê loãng này sau khi ngoạm một miếng bánh donut thì nó lại hợp ơi là hợp, miếng bánh chiên ngọt bứ đường trôi tuột xuống cổ hết sức dễ dàng và hết sức… đã!
Sáng nào vào sở, điều đầu tiên là làm một ly cà phê. Ly cà phê của tôi là một cái ly uống… bia. Có như thế mới được nhiều chứ. Lấy xong về chỗ ngồi, hai tay áp vào thành ly nóng hổi, ngày trời Đông giá lạnh, thật ấm áp làm sao! Mấy người bạn Mỹ làm chung, nhìn cái ly , kinh hoàng. Còn một người bạn Việt, tán thán kêu lên “Uống gì mà cả chum thế!”. Dạ đúng, chum cà phê.
Bạn sẽ hỏi , ly to như thế bao nhiều đường cho đủ? Dạ, không uống đường. Nhất là khi ăn bánh cookies hay donuts thì uống thêm đường có mà mập chết. Nhưng cà phê “chum” lạt nhách, có đắng chi đâu mà cần tới đường. Nhưng một ông anh bạn, tuổi 8 bó, thì khác nha, mỗi lần uống cà phê là cho đường mải miết. Tôi la , nhà hàng dám tính tiền đường thêm á. Anh bảo , tại đời mình cay đắng nhiều nên giờ này cần ngọt. Cái này không là cà phê ngọt nữa mà là “chè cà phê” rồi. Nhưng thông cảm, ông anh của tôi đã cùng với đất nước đi qua biết bao máu lửa, tôi làm sao hiểu được những cay đắng nào mà anh và thế hệ anh đã phải trải qua.
Uống “cà phê chum” như tôi bị chê là không biết uống cà phê, là uống uổng cà phê, là bị Mỹ hóa,…
Kể cũng có lý, vì có thể thích uống cà phê loãng là một thói quen đã có từ thời nước Mỹ lập quốc. Đó là lúc người Mỹ từ miên Đông di dân qua miền Tây để tìm đất sống. Những đoàn xe chở người di dân phải đi qua những vùng đất hoang vu. Nước ở các con sông, con suối có mùi khó ngửi đến mức gia súc cũng không chịu nổi . Những người di dân thường phải nấu nước với trà hoặc cà phê. Lúc đó họ uống loại cà phê loãng toẹt này trong các cái ly to tướng bằng sắt . Cũng là “chum cà phê” chứ gì nữa?
Có vài người khi thấy tôi lấy cà phê lại trợn mắt hỏi “Dzu mà cũng uống cà phê nữa sao?” Ủa, lạ kìa, tại sao không ta? Bộ cà phê cũng cấm trẻ em dưới 18 tuổi nữa sao ta? Không phải đâu. Có lẽ họ trông mặt tôi thấy nó… to quá, tức là ngủ đủ giấc quá, cần chi nữa cà phê.
À, hồi còn đi học đại học ở Sài Gòn cũng có đi uống cà phê với đám bạn. Đứa nào cũng gọi một ly đen nhỏ tí nhưng sau đó là xin cô hàng nước thêm mấy bình trà nóng nữa. Một giọt cà phê trộn lẫn với chục giọt nước cũng thành loãng toẹt. Thành loại “cà phê đại dương”.
Bây giờ hết là sinh viên nghèo nhưng cà phê thì vẫn uống kiểu nghèo. Tôi vẫn chẳng biết phân biệt thế nào là cà phê Ban Mê, cà phê Trung Nguyên, cà phê cứt chồn, cà phê bắp rang,… khác nhau thế nào. Hễ có thứ nước nong nóng, đăng đắng là được rồi. Hiềm một nỗi, cà phê dù loãng vẫn gây ghiền, sáng nào chưa kịp uống là thấy tơ lơ mơ, không thật tỉnh ngủ dù tối qua vẫn đúng tám tiếng “beauty sleep“.
Ngày trước cụ Tú từng nói tới những cái vốn làm mình ghiền như trà , rượu (tửu) nhưng đứng đầu vẫn là … cái kia (sắc).
Một trà, một rượu, một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta
Chừa được thứ nào hay thứ ấy
Có chăng chừa rượu với chừa trà!
Rồi có ai đó muốn bảo vệ lạc thú tửu - sắc đã đùa cợt sửa câu thơ nổi tiếng bao nhiêu năm qua trở thành…
Một trà, một rượu, một đàn bà
Năm, tháng luôn luôn ở cạnh ta.
Sao phải bỏ đi ba thứ đó?
Đời không có chúng hóa ra ma!
Hóa ra nếu đời không còn rượu với chè, không có café – cho dù café loãng, cũng như những bóng hồng – cho dù phai nhạt , sẽ thành thiếu thốn, sẽ buồn biết bao nhiêu .
Đúng không, thưa bạn?