Đóa hồng trắng giữa ngày Xuân
Sáng tác văn chương
Quách Y Lành
“… Me đã gọi và báo tin hết với tất cả anh chị ngày con về thăm nhà, sẽ có đủ mặtmọi người trong gia đình mình.Cả nhà đang trông ngóng con.
Nếu nói me viết lên hết nỗi vui mừng, có lẽ tốn cả ngàn trang giấy gởi đến con cũng không đủ. Me cứ tưởng sẽ không bao giờ nhìn lại khuôn mặt đứa con út yêu quý nhất của me. Những ngày nhớ thương con, đã dồn nén khá nhiều trong lòng me. Điều me ao ước, nhìn lại con sau hai mươi mấy năm xa nhau. Vì hiểu được lý do riêng tư của con và Thàng, nên me không thể thúc hối con về thăm nhà, mặc dầu lúc nào me cũng mong ước có ngày con trở lại Việt Nam…
Những lá thư nhận được chính từ tay me viết nhiều năm trước đây, tôi cứ tưởng me vẫn còn cứng rắn đương đầu với mọi bất trắc xảy đến như lời me khuyên từ ngày tôi vừa mới lớn, dù cho tuổi me mỗi ngày một chồng chất cao hơn. Nhưng tôi đã lầm hơn tôi nghĩ. Những lời lẽ trong thư, me đã giấu hết mọi điều. Me chỉ muốn cho tôi an tâm để săn sóc Thàng và các con. Cho đến hôm nay tôi mới chợt hiểu me tôi.
Cùng chung một nỗi nhớ thương như me, nên tôi đã quyết định về thăm nhà một chuyến. Hơn tháng nay, từ ngày mua hai tấm vé máy bay, dự định của Thàng và tôi về thăm nhà nhằm trong dịp Tết, đã khiến cho tôi nôn nóng, bồn chồn như người ngồi phải trên đống kiến lửa. Tôi tính toán, suy nghĩ. Me thích món quà gì? Chợt nhớ ngày xưa me tôi vẫn thích món kim châm nấu canh với thịt heo xay nhuyễn, viên thành từng viên nhỏ, thả thêm mấy trái cà chua nho nhỏ, nên tôi đã giấu kín Thàng mua luôn mấy ký kim châm đem về cho me. Biết rằng ở bên nhà không thiếu mấy thứ đó, nhưng tôi vẫn thích mua sẵn để tự tay mình nấu cho me một nồi canh thật đặc biệt. Từ ngày xa gia đình, tôi luôn luôn ân hận ngày xưa không chịu khó vào bếp để nấu những món ăn me thích, thật giản dị và dễ nấu. Món ăn giản dị hơn thế nữa me vẫn thích, đó là chột nưa kho với tôm thịt. Loại cây nưa nầy chỉ mỗi xứ Huế của tôi có mà thôi. Me vẫn thường nói với chị em tôi, sau nầy me mất đi có cúng me đừng bày vẻ làm gì mất công, chỉ cúng cho me hai món như thế đã đủ lắm. Xa me đã hai mươi ba năm, tôi vẫn nhớ thật rõ. Riêng về phần ba, tôi nhớ loại rượu mạnh ba vẫn thường thích uống trước đây. Anh chị, tôi biết ý của mỗi người ngày chưa lập gia đình nên không mấy khó. Những món quà chất đầy nhóc chiếc va-ly nặng trĩu khiến Thàng phải la toán lên:
– Em chất cho nhiều vào, mai mốt ráng sức ra khiêng. Chứ phần anh chiếc va-ly nhỏ, dựng vài bộ áo quần, xong chuyện.
Càu nhàu như thế chứ tôi hiểu rõ tính Thàng, tính thương vợ nên cuối cùng Thàng cũng dành gánh vát những công việc nặng nhọc. Sau khi kiểm điểm hết hàng hóa cần đem về, khóa hẳn chiếc va-ly, nhấc thử lên coi sức tôi có thể xách chiếc va-ly dày cộm này không, nhưng mặt mũi tôi đỏ kè, cố nhấc lên, chiếc xách trì xuống nặng trịch. Trong lòng lo sợ Thàng sẽ cằn nhằn, nhưng nghĩ đi nghĩ lại mỗi người một món quà, biết bỏ người nào.
Thời gian như dừng lại trong những ngày tôi mong đợi, ngày như dài hẳn ra và tuần lễ đến chậm hơn mọi khi. Tôi nôn nao thấy rõ, các con vui mừng khôn xiết khi nghĩ đến ngày tôi về gặp lại bà ngoại, mặc dầu ngày ra đi đứa con đầu lòng của tôi mới vừa lên hai, và hai bé con kế tiếp của tôi chưa hề biết mặt ông bà ngoại như thế nào. Vậy mà mỗi lần nhận được thư bà ngoại, mấy đứa con tôi chung đầu vào cố đọc mỗi chữ để ghép lại thành câu. Lá thư nào của me viết cũng dài thường thượt làm cho tôi suy nghĩ và nhớ me nhiều hơn, mỗi lá thư me viết đều bảo tôi phải ráng giữ gìn sức khỏe để lo cho các con và Thàng.
Chỉ còn hai tuần nữa tôi sẽ về đến Sài Gòn như lòng mong chờ. Lần đầu tiên bỏ các con ở nhà không có tôi và Thàng bên cạnh, cả tôi và Thàng đều lo lắng không yên. Tôi dặn dò từng việc một khiến đứa con gái út cười ngất:
– Me yên chí để về thăm ông bà ngoại. Con lo cho con được, con nghĩ chị Bình, chị Thục lớn khôân hơn con, không có gì ba me phải sợ.
Ngày vẫn trôi qua chầm chậm, tôi đứng ngồi không yên mong ngày lên máy bay về thăm nhà. Thàng xin nghỉ trước một tuần vì chàng làm cho chính phủ nên phép tắc dễ dàng hơn tôi. Ở sở làm, gặp ai tôi cũng nói sắp về