Phó Tế Nguyễn Mạnh San tác giả sách Luật Pháp Hoa Kỳ Thực Dụng
Cách đây hai hôm, vào buổi trưa, tôi nhận điện thoại của Phó Tế Nguyễn Mạnh Sạn, nhờ viết đôi lời giới thiệu tác phẩm cũa thày : Luật Pháp Hoa Kỳ Thực Dụng. Điện thoại đang nói chuyện thì bị kỹ thuật cắt đứt. Tôi gọi lại để xin lỗi và tiếp tục câu chuyện một cách vắn tắt vì tôi sắp sửa phải có hẹn đi ra nghĩa trang Việt Nam gần Nasa, Houston, một dự án tôi đã làm trên 28 năm với bao tâm tình và công sức lo cho đồng hương Việt Nam tại vùng này khi hữu sự được tiết giảm tối đa dịch vụ tang chế.
Khi trở về, tôi lại nhận email có gửi đính kèm cuốn Pháp Luật Hoa Kỳ Thực Dụng. Mở từng trang tôi thấy ngay ảnh Phó Tế Nguyễn Mạnh San chụp chung với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vào 20 tháng sáu năm 1988 tại Rome.
Trông ảnh tôi lại hồi tưởng ảnh một linh mục đặt tay trên đầu ban phép lành cho thày San : LM Trần Ngọc Hải ban phép lành cho PT Nguyễn Mạnh San trong buổi lễ kỷ niệm 25 linh mục của LM Bernard Trần Ngọc Hải. Hình ảnh này đã mang lại bóng dáng của sự liên hệ giữa hai người, không phải khi đã khôn lớn thành đạt, mỗi người một phương trời, mà là những kỷ niệm sống động được lật trở lại từ trên năm mươi năm trước kia của tuổi trẻ, khi gặp nhau nó hiện ra rõ rệt, trong sáng như chuyện vừa xảy ra hôm qua.
Cái thế giới thực tại ngày hôm nay của anh em chúng tôi chính là hoàn cảnh thực và lối sống trong xã hội hiện tại của mình, còn tuổi trẻ mà nhiều người coi là một dĩ vãng xa xưa thì với chúng tôi nó đưa lại những kỷ niệm sống động, những âm vang trong tâm tư chúng tôi, nó ồn ào không phai mờ. Đó là cuộc sống riêng tư của mỗi cá nhân với các bạn thân trong tuổi trẻ, cái xã hội hết sức riêng tư của chính mình. Nói một cách khác : con người xã hội khác hẳn con người riêng tư với những kỷ niệm vui tươi hồn nhiên của tuổi trẻ luôn ở bên chúng tôi. Chuyện này không phải ai cũng có như thế!
Tôi có thể chứng minh cho quí vị trong câu chuyện vừa xảy ra hôm nay. Sáng nay tôi nhận được email từ Roanne, một thành phố cách Lyon, Pháp, trên một trăm cây số. Tôi cảm động mở thư ra. Tối qua tôi có chuyển youtube cũa anh Phan Tấn Hải làm về buổi lễ kỷ niệm 30 năm của phó tế Nguyễn Mạnh San cho người bạn thân nhất của ông, linh Mục Bernard Trần Ngọc Hải.
Khi xem youtube kỷ niệm ba mươi năm phó tế Nguyễn Mạnh San, cha Hải liên tưởng đến PT San đang nhận phép lành của mình trước khi lên đọc sách thánh trong buổi lễ mừng 25 năm linh mục của LM Hải được tổ chức cách đây mười một năm khi tới Houston. Trong dịp này linh mục về thăm gia đình mà chúng tôi nghĩ phải tổ chức long trọng buổi lễ tạ ơn có sự hiện diện đông đảo của một số bạn bè, đăc biệt có những bạn bè từ thuở thơ ấu. Rồi sau đó là tiệc mừng. Những ngày kế tiếp, tôi đưa cha Hải đi từ Houston, Dallas, Oklahoma. Nơi nào cũng đem lại những kỷ niệm của một thời, của cuối thập niên năm mươi, đầu thập niên sáu mươi. Những năm sống dưới mái trường, những rung động của tuổi trẻ : tình yêu và cuộc đời. Trên chặng đường đi thăm bạn bè này, tới nhà một người bạn cùng sinh hoạt lâu năm trong Phong Trào Thanh Sinh Công Việt Nam tại Sài Gòn, một bạn đã lên giọng : “ Em còn nhớ không, những khi mây bay đầy trời, đường về nhà em, có sao chiều đưa lối..”.. Thế là chúng tôi và một số bạn đều hòa nhịp, hát dõng dạc không thiếu một chữ nào ! Tuổi trẻ và tình yêu. Có bao nhiêu bạn bè thuở đó đã mượn bản nhạc : “ Những Buổi Chiều Xưa của Ngọc Hải “ để gửi tâm tình của mình vào đó : tình yêu, tuổi trẻ và những rung động !
Để chứng minh những hình ảnh sống động, tôi xin phép được trích một đoạn trong thư của LM Hải như sau : “Em đã theo dõi bài phóng sự bằng hình ảnh của Phan Tấn Hải . Thấy vui vui. Vui vì được dịp hồi tưởng lại những năm tháng trước khi em vào tu viện. ( em vào tu viện Châu Sơn ở Đơn Dương, tháng 9 năm 1962). Hồi đó, San và em là hai tên bạn thân như hình với bóng. Phải kể thêm Ngọc Quế ( chơi đàn violon và piano rất ngọt ) cho nó thành bộ ba : Ngọc Quế, Ngọc Hải và Ngọc Quỳnh . Em muốn nói những năm dọn thi tú tài ở Sài Gòn.”
“ Bạn thân của em, học cùng lớp thì có Cẩn Nhật Thắng. ( Sau này thành bác sĩ. Gặp lại ở Pháp, hiện nay sống ở Pháp, đã về hưu ). Bạn thân của em trong đời và trong nhạc, thì có Nguyễn Mạnh San. “
“ Chị Dung biết rất nhiều về sự thân nhau của chúng em. Em biết chị Dung rất quí San và coi San như một người em trai. Nói về những sinh hoạt liên quan đến nhạc thì Nguyễn Mạnh San có ông chú là nhạc sĩ Hoàng Trọng. Em thường đến nhà ông Hoàng Trọng với San. Có một lần em đã vác đàn đến chơi ở nhà nhạc sĩ Hoàng Trọng và được ông bạn nhạc của Hoàng Trọng đệm đàn piano, một kỷ niệm rất khó quên. ( Em quên mất tên ông nhạc sĩ này ). Nhạc của San thì được ông Hoàng Trọng đem lên đài phát thanh Sài Gòn và được phổ biến qua ban nhạc của Hoàng Trọng. Bài Đường Chiều Quê Em được ca sĩ Anh Ngọc hát. Và hát nhiều lần trên đài phát thanh Sài Gòn. Em thích bài này. Thỉnh thoảng em còn hát một mình trong tu viện ( ở Việt Nam và ở Thụy Sĩ ). Bây giờ là phó xứ của một họ đạo Pháp, suốt ngày ở ‘giưã” họ, em vẫn thường “mang” bài này ra hát. Hát một mình. Nhạc của em cũng được hát ( cùng thời với nhạc của San, bản nhạc của San được ký tên là Ngọc Quỳnh) trên đài phát thanh Sài gòn và quân đội. Hoàng Trọng không chú ý đến nhạc của em. Nhưng em lại được hai nhạc sĩ có chức vụ trên đài phát thanh chú ý : nhạc sĩ Nguyễn Hiền ( chủ sự đài phát thanh Sài Gòn) và nhạc sĩ Nhật Bằng ( Trưởng Phòng Văn Nghệ Đài Quân Đội ). Nhạc của em, Những Buổi Chiều Xưa được Anh Ngọc và nữ ca sĩ Ánh Tuyết hát. Nguyễn Hiền và Nhật Bằng bây giờ đều đã qua đời. Rất tiếc, khi các vị ấy còn sống, em không biết được địa chỉ để liên lạc . ( Hồi ấy khi gặp các vị ấy trên đài phát thanh, em vẫn gọi là anh: Anh Nguyễn Hiền, Anh Nhật Bằng . Các anh ấy rất nhã nhặn, thân ái và cởi mở). Năm 1967 khi được về Sài Gòn để lo thủ tục đi Thụy Sĩ, em có lại đài Sài Gòn để chào anh Nguyễn Hiền và đến đài quân đội để gặp anh Nhật Bằng. Những hình ảnh của những vị này em vẫn giữ y nguyên trong tâm trí và lòng biết ơn.
Mỗi lần có dịp nghĩ tới San hay được nghe nói đến San hoặc được đọc những bài viết của San, em thường được chìm đắm trong dòng thời gian của quá khứ. Một dòng đầy sức sống, tươi mát và ngọt ngào. Dòng này bất diệt trong em.
Hôm nay được anh cho biết về San. Cho em được xem ảnh của San, của gia đình San, được biết những sinh hoạt lớn nhỏ của San em rất xúc động và sung sướng. Sung sướng vì được biết nhiều sự liên quan đến cuộc đời của người bạn quý của mình. Được nghe giọng nói của San. Được thấy hình ảnh Kim Ngọc và các con của San!”.
Vào cuối thập niên năm mươi vì PT San là cháu của NS Hoàng Trọng, PT San có dòng máu văn nghệ đã được huấn luyện và chơi nhuyễn một số nhạc cụ, đặc biệt guitare. PT San đã học 5 năm dương cầm với nhạc sỹ Ngọc Lan, thân phụ của Ngọc Quế. Ngọc Hải là học trò đứng hàng đầu của nhạc sư William Chấn . Cả ba đã hợp thành ban nhạc trẻ vào thời đó. Các em của PT San cũng không thua gì anh, các em đã lập thành vũ bộ Tuyết Lê : gồm Tuyết Lê, Tuyết Lan, Tuyết Loan. Vì má của PT San có một tấm lòng vàng, có một trái tim lớn đã cống hiến cả cuộc đời lo cho cô nhi viện hội Dục Anh, đường Nguyễn Tri Phương, Sài Gòn. Vũ bộ Tuyết Lê đã đem tài năng của mình đi trình diễn để gây quỹ cho viện Dục Anh. Một ý nghĩa cao đẹp các em đã thực hiện để hỗ trợ cho những hoạt động của má. Trong một buổi văn nghệ của Phong Trào Thanh Sinh Công việt Nam tại rạp Thống Nhất gây quĩ cứu trợ nạn lụt miền Trung, vũ bộ Tuyết Lê đã tham gia chương trình và đem lại kết qua thật tốt đẹp.
Nhân câu chuyện nói về bà má của PT San, tôi cũng muốn chia sẻ một suy tư như thế này : nếu gia đình nào có con cái biết thương người, biết lo cho tha nhân thì không phải tự dưng mà có , mà do tuyền thống trong gia đình ông cha để lại những gương sáng cho con cháu. PT San và các em đã có được tấm lòng vàng do bà cụ để lại.
Một buổi tối sau khi ăn cơm chiều, từ câu lạc bộ sỹ quan An Đông, tôi và Phạm Thiên Hùng ( RIP ), người bạn chí thân từ thuở thiếu thời đã tới thăm San, nhân dịp này tôi cũng gặp Đinh Vĩnh Giang ( RIP ), bạn học của tôi từ lớp ba tiểu học trường Alexandre de Rhodes tại thị xã Thanh Hóa. Giang là hạm trưởng một khu trục hạm Hải quân với cập bậc Trung Tá. Năm 1976, tôi có dịp tới Northfort, VA, tới thăm vợ chồng Giang & Lê. Khi đó rau thơm rất hiếm, Tuyết Lê có một cây kinh giới năm lá, đã bứt ba lá, một cho Giang, một cho tôi và một cho Lê. Giang đã qua đời cả thâp niên đang khi làm hạm trưởng cho một thương thuyền để Lê có bảo hiểm tri bệnh. Đó là những vui buồn của cuộc đời anh em bạn bè của chúng tôi.
Trở về bộ ba trong ban nhạc trẻ : Ngọc Hải, Ngọc Quế và Ngọc Quỳnh ( tức PT San ).
Chúng ta cũng biết ít năm sau hiệp định genève 1954 chia đôi đất nước, biết bao thương tiếc gửi từ miền Nam về đất Bắc. Rồi sau đó là những việc ổn định cuộc sống, lớp trẻ lớn lên trong không khí hòa bình, thịnh vượng tươi sáng của miền Nam. Cũng trong thời này văn hóa gồm cả âm nhạc đã rộn ràng thăng hoa. Ngọc Hải, Ngọc Quế và Ngọc Quỳnh cũng không thua kém đã thành lập một ban nhạc trẻ rất linh động như tôi nói ở trên . Ngoc Hải, Tây ban cầm Hawaian, Ngọc quế violin chơi ngọt và piano, Ngoc Quỳnh piano và guitare nhuyễn. Với những tài nghệ tươi trẻ, chơi nhuyễn những nhạc cụ, hát hay, ban nhạc này đã để lại những bóng dáng cao đẹp đầy nghệ thuật của một thời!
Mời quí vị đọc một đoạn thư tôi mới nhận được để biết về ban nhạc trẻ này :
“Thày sáu kính mến,
Đọc mail này em rất cảm động và mắt em cay ( bụi trong mắt ) vì hình ảnh của thời quá khứ ùa về trong em. Khi anh và cha Hải nhắc lại những kỷ niệm xưa : Ngọc Quế, Ngọc Hải và Ngọc Quỳnh, ba người mà chị Thu em rất quý mến ( nữ ca sĩ Anh Thu sau này lập gia đình với BS Trần Minh Tùng, tổng trưởng y tế trước 75, cả hai đã an nghỉ trong Chúa ), nên gia đình chúng em có cơ hội được quen biết và thân quý trong một thời gian không lâu, nhưng đã để lại những tình cảm không phai mờ. Anh Quế đã mất khi còn quá trẻ để lại tiếc thương cho mọi người, anh Hải làm cha ở tận phương trời xa xôi cách biệt chẳng bao giờ dám mong có ngày được diện kiến để biết anh đã thay đổi ra sao và em ví dụ nếu có cơ may được gặp thì sự cách biệt giữa đạo và đời cũng không cho phép mình được xem anh gần gũi vô tư như trước. Chỉ còn anh, thày sáu thân kính của mọi người là em vẫn thường được anh liên lạc gửi bài cho em,. Dù có nhiều lúc bận rộn không viết hồi âm, nhưng trong lòng em rất cảm kích vì anh mang cho em những lạc quan vui vẻ trong cuộc sống của tuổi xế chiều, em rất cảm ơn anh, em chúc anh nhiều sức khỏe để phụng sự lý tưởng cao đẹp mà Chúa đã dẫn dắt anh. Cho em gửi lời thăm chị và nếu có dịp anh cũng cho em gửi lời thăm cha Hải nữa nhé, chắc cha không quên chị Thu nhưng không biết cha có còn nhớ em không nhỉ! “. Tôi cũng muốn nói thêm là ban nhạc thường tới tập hát cho nữ ca sĩ Anh Thu, như thế để tránh cho quí vị hiểu lầm, nếu có. Bởi lẽ ban nhạc rất hồn nhiên với tâm hồn thật trong sáng vào buổi đó.
Khi Ngọc Quế ra đi rồi và cũng đến lúc hai người còn lại phải tìm một hướng đi cho cuộc đời. Nhờ sự quen biết viện phụ Léon Chính khi đó là bề trên tu viện Châu Sơn tại Đơn Dương, hai người bạn trẻ, Ngọc Hải và Ngọc Quỳnh ( PT San ) sau nhiều tháng cầu nguyện đã đi đến quyết định xin Viện Phụ cho vào dòng khổ tu. Với không khí vắng vẻ trong rừng sâu, với sự thinh lặng ( tịnh khẩu ) theo luật dòng, với công việc lao động, đêm khuya thức dậy đoc kinh nguyện. Giường ngủ là một tấm ván, khi qua đời, thân nằm trên tấm ván này với mảnh vải che thân để được hạ xuống lòng đất. Bên cạnh giường là quốc xẻng và chiêc nón lá. Cơ nghiệp chỉ có thế thôi : tất cả chỉ còn Chúa và mình.
Tôi chỉ kể như thế thôi để quí vị thấy sự cách biệt giữa cảnh sống ồn ào của tuổi trẻ với cuộc sống khổ tu. Cũng nhân tiện tôi xin kể ra câu chuyện này để những bạn trẻ có thể chia sẻ một phần nào với Ngọc Hải và Ngọc Quỳnh. Năm 2001, tôi và một linh mục trẻ đã ghi danh dành chỗ tại một tu viên chiệm niệm dòng Thánh Biển Đức tại Atlanta, Ga. Khi tới phi trường, chúng tôi phải nhờ hai người con của bạn tôi, một trong hai là con đỡ đầu của tôi. Từ thành vào tu viện lái xe gần nửa tiếng. Khi tới cổng tu viện, hai cháu không nói gì, khuân đồ chúng tôi vào tu viện, rồi cả hai nói tụi cháu sợ quá : quá tĩnh mịch, quá cô quạnh ! . Sau đó chào chúng tôi, hai cháu chạy r a xe và biến mất.
Chúng tôi chọn mấy ngày vào đây tĩnh tâm để sống trong thinh lặng chiêm niệm, sống riêng cho mình để nhờ sự thinh lặng, có dịp lắng nghe lời Thày trong sâu thẳm mà không bị những vướng vấn của mùi tục lụy!
Ít lâu sau, Ngọc Quỳnh không chịu được lối sống khắc khổ này, hay nói cách khác Thiên Chúa lại dẫn đi một lối khác để rồi sau này sống giữa thế tục mà như “ men trong bột, như ánh sáng giữa thế gian ( Lux Mundi ) “. Ngọc Quỳnh đã xuất tục, trở về thế gian để tiếp tục hoàn tất việc học hành, đi làm và cuối cùng lựa chọn cuộc sống gia đình. Điều này khó hiểu với Ngọc Hải, đến nỗi trước khi đi du học tại Thụy Sỉ năm 1967, Ngọc Quỳnh phải đưa Ngọc Hải tới giơi thiệu vị hôn thê, để Ngọc Hải có thể tin là Ngọc Quỳnh đã có tình yêu thực sự rồi. Bởi lẽ những năm còn trong ban nhạc, cả ba người chưa biết thực sự yêu là gì. Tình yêu chỉ như sương như gió như thoảng thoảng hoa nhài thế thôi! Đó là tâm trạng chung giới trẻ chúng tôi vào thời đó.
Quí vị sẽ được đọc trong bài giới thiệu của ký giả Nguyễn Đức Linh của Việt Báo, trong đó tương đối được trình bày rất rõ về công danh và sự nghiệp của PT Nguyễn Mạnh San từ khi ở Việt Nam cho tới nay trên quê hương thứ hai tại Hoa Kỳ. Thế nhưng, ngoài những việc chính mà ký giả Nguyễn Đức Linh trình bày, tôi xin nói thêm một vài hoạt động khác của Ngọc Quỳnh ( tôi nêu tên Ngọc Quỳnh để tiện cho việc diễn tả con người thực của tác giả vào thời đó cho tự nhiên ) . Có một việc tôi phải kể ra đây cho có sự liên tục với ơn gọi của Ngọc Quỳnh đó là việc tham gia công tác xã hội.
Vào những năm đầu thập niên sáu mươi, với những bước tiến nhảy vọt của nhiều phong trào trẻ, trong đó tôi phải kể đến phong trào Thanh Sinh Công Việt Nam. Mỗi buổi lễ khai giảng năm học, phong trào đã qui tụ được nhiều giớ trẻ, cả những trường lớn như Taberd, Thiên Phước, Thánh Tâm, Regina Pacis, v.v…
Các sư huynh đã hoạt động rất hăng say, kể cả các thày ở đại chủng việc Sài Gòn, mà sau này có thày làm linh mục như LM Chu Quang Minh, sau này nhập dòng Tên và phụ trách những chương trình Thăng Tiến Hôn Nhân, Linh Thao và Linh Hồn Trẻ.
Ngọc Quỳnh đã gặp cơ hội được nguyên hiệu trưởng Trường LaSan Taberd, Frère Andrien Phạm Ngọc Hóa (tôi được biết Frère Adrien Hóa từ SàiGòn ra Bắc về Thanh Hóa dự lễ cưới; khi em của ngài kết duyên với bà chị họ của chúng tôi mà chúng tôi thường gọi là chị Tú Còm. Anh chị anh họ của tôi, đã sinh ra Phạm Kim, chủ báo Người Việt Tây Bắc tại Seattle, Wa vừa kỷ niệm gần ba thập niên làm báo, mà tôi có dịp góp mặt sau những năm cùng làm ở BTL-Hải Quân SàiGòn).
Trong thời gian sau này frère Andrien Phạm Ngọc Hóa, trong thơ82i gia này cũng là Tổng Thư Ký Đại Học La San mới thành lập. Khi cho mở các lớp Anh văn đàm thoại, lớp luyện thi Y Khoa, Toán Lý Hóa ngay tại Trụ Sở COMITA để tổ chức có ngân sách phục vụ xã hội giúp trẻ em troing các xóm nghèo… ngài mời Ngọc Quỳnh tới dạy và từ đó anh lại có dịp hoạt động xã hội trong ủy ban xã hội COMITA của nhà trường (trong đó có BS Trần đức Tường, Trương Kế Nhơn, La Thành Nghệ, Nguyễn Thị Hằng Nga, Lưu Vĩnh Lữ, Phạm Kim, Phạm Thiên Hùng v.v… là những người thân, hoặc là các cựu học sinh của ngài)
Ngọc Quỳnh đã đưa đoàn công tác gồm nhiều bác sỹ, y tá, và thiện nguyện viên đi công tác vùng ngoại ô Sài Gòn và những tỉnh lỵ lân cận trong những cuối tuần. ( tôi xin nhắc lại khi đó Ngọc Quỳnh vừa lập gia đình ). Ở vào thời buổi đó, mỗi người có bao nhiêu công việc thường nhật, bổn phận đối với gia đình, tham gia thêm vào công tác xã hội là cố gắng vượt bực ít người có thể làm được.
Đây cũng là một việc báo trước cho cuộc sống sau này khi PT San lăn lộn trong việc phục vụ đồng hương những năm mới đặt chân tới cuộc sống của dân tỵ nạn và sau này cho chức vụ Phó Tế của giáo hội, làm việc cho các giáo xứ và cuối cùng tuyên úy trại tù của chính phủ Liên Bang Hoa Kỳ.
Sau khi miền Nam rớt vào tay cộng sản, tháng Bảy 75 anh em chúng tôi lại gặp nhau ỡ Fort Chaffeee. AR. Mỗi người xiêu bạt một ngả, mặc dầu San có kiếm cho tôi một bảo trợ quá tốt để làm việc cho sở xã hội công giáo tại Oklahoma và San có ý cho tôi đi học làm thày Sáu!. Ý Chúa không muốn nên chuyện không thể xảy ra. Không phải chỉ có mình San mà nhiều vị khác cũng có ý muốn giúp tôi! Nhưng tôi không được ơn gọi trong chức vụ phó tế.
Ngay khi bắt đầu làm việc cho USCC, một công việc quá bề bộn cho bất cứ ai, ở bất cứ cơ quan bảo trợ nào cũng thế. Chưa hết, còn vợ dại con thơ trong lúc mới đặt chân tới một xã hội có quá nhiều khó khăn cho bất cứ một cư dân nào. Làm sao San có thể thích ứng hoàn cảnh và nhu cầu cho gia đình mà vẫn phải cố gắng đạt được những mộng ước cuộc đời. Trong những năm đầu, cả hai phải cố gắng vượt bực giúp cho các con thích ứng được với trường học mà ngôn ngữ, bạn học, giáo sư tất cả đều xa lạ, đều mới mẻ. Mặc dầu cả hai vợ chồng phải nhảy vọt trong mọi lãnh vực, trong một thời gian thật ngắn để ôn định gia đình.
Tại sao phải làm như thế, vì cả hai còn quá nhiều việc phải làm, còn quá nhiều ước mơ phải đi tới của một xã hội mà ai cũng cho là xã hội của cơ hội mới, hoàn cảnh mới. Riêng San phải học những lớp chuẩn bị cho chức phó tế ( dĩ nhiên học vào buổi tối sau những giờ làm việc ban ngày ) . Rồi phải chuẩn bị hoàn tất văn bằng để trở thành luật sư. Nói thì đơn giản, nhưng những chuẩn bị này phải có một thời gian thật dài, một ý chí kiên trì mới có thể đạt tới được. Nhìn lại những gian truân, những năm tháng dài, người trong cuộc mới thấu hiểu được : con đường quá dài không ngờ mình đã có thể vượt qua nếu không có ơn phù trợ của Thượng Đế.
PT San đã làm được một công trình thật quí báu cho gia đình, cho xã hội và cho giáo hội sau một thời gian cố gắng vượt bực học để lãnh chức phó tế, học để trở thành luật sư, học để trọn mọi bổn phận được trao phó và cuối cùng làm tuyên úy trại tù, sau trên thập niên phục vụ tại các giáo xứ trong giáo phận.
Sau một số khóa thụ huấn, PT San đã trở thành tuyên úy của trại tù. Thiên chức khó khăn mà trung bình một vị tuyên úy chỉ phục vụ trong năm năm. Thế mà : PT San đã kéo dài được mười bảy năm và còn đang tiếp tục !
Nói đến trại tù là nói đến những người đang bị cách biệt, xa hẳn xã hội bên ngoài. Khi làm việc cho các giáo xứ, PT San đương nhiên có dịp chia vui sẻ buồn với mọi người trong cộng đồng, có vui, có buồn. Còn đối với những người trong trại tù là chia sẻ những chén đắng, chia sẻ thời gian dài đằng đẵng, chia sẻ những vô vọng : buồn ơi là buồn. Đường đi đầy chông gai, lối bước chỉ có đắng cay và nước mắt. PT San đã nghe tiếng gọi của Thày Chí Thánh tìm tới để chia sẻ, an ủi những người xấu số nhất trong xã hội. Đây là ơn gọi đặc biệt Chúa gửi tới cho thày.
Trong kinh nguyện mỗi ngày của tôi đều có phần cầu nguyện cho những người tù sống cô quạnh trong khung đóng kín của tù ngục, vì thời khắc của họ dài vô tận, tâm hồn của họ tràn đầy đau khổ dằn vặt ! Có lúc tôi ước được ít nhất một tháng một lần đi thăm những người tù để chia sẽ tâm tư với họ mà không được.
PT San đã được diễm phúc hàng tuần tới thăm họ : làm phúc cho họ, an ủi và chia sẻ những đau khổ của họ.
Từ mấy thập niên cho tới nay, PT San đã khởi sự viết những chuyện ở xã hội Hoa Kỳ phó tế học được trong nhiệm vụ phục vụ, giúp cho người tỵ nạn tránh những vấp phạm. Xã hội này có nhiều khác biệt với xã hội Việt Nam của chúng ta. Chỉ một sơ sẩy rất nhỏ có thể đưa chúng ta tới tụng đình, đưa chúng ta vào nhà tù. Có những oan khiên không ngờ và không có cách gì bênh đỡ được, có thể làm hại cả cuộc đời chúng ta.
Tình đồng hương, tình huynh đệ, tình bạn bè đã khiến cho PT San xúc động, khiến ông phải viết những truyện xảy ra để can ngăn, khuyên người đọc cần biết để tránh những rủi ro trong xã hội thường ngày của chúng ta.
Từ khi làm cho tòa án chính phủ liên bang, với chúc vụ phụ tá trưởng phòng tố tụng, biết bao nhiêu trường hợp cần được học hỏi về di trú, về việc vào quốc tịch Hoa Kỳ. phó tế San đã viết lại thành những bài học giúp cho đồng hương hiểu được và tìm thấy những phương thức thích ứng cho cuộc sống trong xã hội mới
Đặc biệt những năm tháng vừa làm việc cho tòa án liên bang, vừa làm tuyên úy trại tù, PT San đã chứng kiến rất nhiều trường hợp, bài học quí giá cần gửi tới đồng hương để tránh những khó khăn, tránh những tội phạm có thể mang lại hệ lụy cho cá nhân, cho gia đình, cho xã hội.
Những kinh nghiệm, những bài học được lọc qua nhiều tiến trình, học hỏi liên quan đến pháp luật Hoa Kỳ. Nhiều thập niên qua, PT San đã viết cho rất nhiều báo chí, đặc san và những mạng lưới. Rất nhiều đọc giả đã đọc và hiểu ích lợi của những bài viết. Do sự yêu cầu của rất nhiều thân hữu, của nhiều đọc giả, những bài PT San viết trong nhiều năm, cần phải được thu thập lại và ấn hành thành sách cho nhiều người đồng hương có cơ hội học hỏi trong việc chuẩn bị cuộc sống tại Hoa Kỳ.
Cho tới nay, sau bao nhiêu cố gắng cuốn Luật Pháp Hoa Kỳ Thực Dụng đã được ấn loát để gửi tới bạn hữu, đọc giả xa gần như một người bạn hướng dẫn cho mỗi người chúng ta trong cuộc sống mới tại xã hội mới có quá nhiều khác biệt với xã hội khi xưa của chúng ta.
Với tình bằng hữu, tôi xin được giới thiệu tác giả và tác phẩm tới quí vị như người bạn đường để chúng ta có thể xử dụng trong những trường hợp cần thiết trong cuộc sống.
Cùng đồng hành, LM Bernard Trần Ngọc Hải đã được chịu chức linh mục năm 1973 tại HauteRive, Thụy sĩ, 30 năm làm tuyên úy cho người Việt tại Giáo phận Lyon và 7 năm làm việc tại Roanne, cho giáo xứ người Pháp.
Bây giờ, hai người đi hai ngả với sứ mạng Chúa trao phó, với sự bình an của tâm hồn, với gánh nặng trên hai vai theo bước chân Thày. Cả hai đã biết tri thiên mệnh, biết ý của Trời, cả hai đã tới tuổi thất thập cổ lai hy. Những năm tháng còn lại là mình sống cho đời, cho người và bởi người ( unum e pluribus ). Mong rằng những âm vang của tuổi trẻ, những thành quả của cuộc đời là một món quà thăng hoa cho cả hai. Tôi viết thế vì cả hai tuy hai mà một trong tình bạn thắm thiết hiếm có tên cuộc đời. Cũng chính thế tôi viết giới thiệu một người mà ra hai để tất cả những bạn bè, thân hữu, những người đã chứng kiến một chặng đường dài cả cuộc đời của hai người được tìm lại niềm vui thuở xưa, được chia sẻ thành quả tốt đẹp còn lại cho người cho đời.
viết từ Houston.
Trần Khánh Liễm.