Đêm nghe kỷ niệm
bài viết: Đông Ban
WESTMINSTER – Tình Yêu, hiện thân tuyệt đẹp của sự sống, trong cuộc chạy đua hụt hơi giữa Chiến Tranh, sẽ vĩnh viễn đóng khung một không gian kỷ niệm, nơi thời gian ngừng trôi, và mọi ký ức khác trở thành vô vị.
Lê Uyên và đêm “Sài Gòn, Cà Phê, Sân Trường, thời 1970…”
Trong không gian ấy, thành phố Sài Gòn thập niên 1970, nơi “người ta đã yêu nhau,” trong “quán nước quen,” hay trong “căn phòng nhỏ, cao ốc vô danh” nào đó, thành nơi ghi dấu mọi ký ức tình yêu thời chiến.
“Sài Gòn, Cà Phê, Sân Trường, thời 1970,” tên gọi đêm nhạc Lê Uyên tổ chức tại Việt Báo, Little Saigon, California, đã thâu tóm mọi ý nghĩa mà người nghệ sĩ muốn mang lại cho khán giả, và cả chính mình. Lê Uyên, linh hồn của đêm nhạc, đã táo bạo khi dứt khoát kéo người nghe lập tức trở ngược gần nửa thế kỷ, về lại Sài Gòn, một Sài Gòn giữa chiến tranh dâng cao, trong lời thoại giữa người yêu với người yêu.
“Em hỏi anh bao giờ trở lại / Xin trả lời mai mốt anh về.”
Vâng, “mai mốt anh về,” có thể giữa vinh quang, có thể trong “hòm gỗ cài hoa,” “trong tấm poncho,” hay trên băng ca, trong “trực thăng sơn màu tang trắng.”
Chỉ sau vài câu nhạc của bài mở màn “Kỷ Vật Cho Em,” không gian và thời gian được xác lập; rồi không ai có thể thoát ra được nữa. Ngay phút này, nơi đây trở thành Sài Gòn. Sài Gòn 50 năm trước.
“Sài Gòn, Cà Phê, Sân Trường, thời 1970” không dành cho tất cả mọi người. Tên gọi của chương trình xác định điều ấy. Đây có lẽ là tên gọi lạ lùng nhất từ trước đến nay cho một đêm nhạc. Không cho tất cả, vậy cho ai? Xin trả lời: Cho người từng ở Sài Gòn, từng yêu nhau giữa thành phố và đất nước chiến tranh, từng ngồi bệt dưới đất hứng từng lời nhạc nơi khuôn viên đại học, từng tận mắt chứng kiến, hay đích thân dự phần, vào chiến tranh.
Khán giả của đêm nhạc không chỉ đến để nghe nhạc. Họ lập tức bị thu hút bởi tên gọi của chương trình, bởi chỉ có họ mới hiểu hết ý nghĩa của tên gọi ấy. Họ đến, để nghe lại kỷ niệm một thời tuổi trẻ.
“Chiều trên phá Tam Giang
Anh sực nhớ em
Nhớ bất tận”
Lê Uyên gợi nhớ tình yêu cho những tình nhân nửa thế kỷ trước qua nhạc phẩm “Chiều Trên Phá Tam Giang.” Nhớ Lê Uyên qua âm nhạc của Phương, ta không thể không nhắc đến Lê Uyên trong nhạc phẩm này.
“Chiều Trên Phá Tam Giang,” thi phẩm lớn của Tô Thùy Yên, được Trần Thiện Thanh trích một đoạn nhỏ nói về tình yêu, có đoạn nói về tình yêu trong chiến tranh, nguyên tác:
“Nghĩ tới anh, nghĩ tới anh
Cơn nghĩ tới không sao cầm giữ nổi
Như dòng lệ nào bất giác rơi tuôn
Nghĩ tới, nghĩ tới một điều hệ trọng vô cùng
Của chiến tranh mà em không biết rõ
Nghĩ tới, nghĩ tới một điều hệ trọng vô cùng
Một điều em sợ phải nghĩ tới…”
Ngay sau Lê Uyên, khán giả được gặp Uyên Phương, người mà hôn phu từng trở lại thành phố trong thân phận tương tự người lính của Kỷ Vật Cho Em. Đây là một trong những giọng ca được yêu thích nhất đêm nhạc này. Người ta yêu cô ngay từ bài hát đầu tiên. Uyên Phương không phải là giọng hát số một. Không quá kỹ thuật, không quá điêu luyện, hơi “mộc,” nhưng vẫn được yêu mến. Uyên Phương bắt nhịp được tâm trạng của người nghe khi cô “nói” về kỷ niệm qua âm nhạc. Nghe cô, người ta có cảm giác nghe lại điều gì quen quen, thân thân, gợi nhớ. Giọng hát này gợi biết bao kỷ niệm ngày xưa.
Nếu Phạm Hà nhẹ nhàng, lãng đãng trong “Trả Lại Em Yêu,” “Thà Như Giọt Mưa,” thì Thương Linh truyền điện cho cả khán phòng qua nhạc phẩm “Anh Không Chết Đâu Anh.”
Ngày xưa, khi “Kỷ Vật Cho Em” được giới thiệu trước công chúng, nó đã tạo cơn địa chấn cho cả Sài Gòn. Người ta kể lại, trong những quán rượu, nơi quân nhân hay ghé uống rượu khi về lại thành phố, mỗi khi lời hát được cất lên, có cảm giác như luồng điện chạy. Nhiều người cầm lấy ly rượu, khuôn mặt hằn nét chiến tranh, cứ gõ rầm rầm xuống mặt bàn.
“Em hỏi anh, em hỏi anh, bao giờ trở lại?
Xin trả lời, xin trả lời, mai mốt anh về
Anh trở về, đây kỷ vật, viên đạn đồng đen
Em sang sông cho làm kỷ niệm
Anh trở về, anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về, bại tướng cụt chân
Em ngại ngùng dạo phố mùa Xuân
Bên người yêu tật nguyền chai đá.”
“Anh Không Chết Đâu Anh,” qua Thương Linh, tạo cảm xúc tương tự. Như có luồng điện chạy dọc sống lưng. Ở cuối phòng, một trung niên đứng hẳn dậy, mắt dán vào sân khấu. Ở góc bên kia, cạnh bức tường, một phụ nữ đứng tuổi lặng lẽ lau nước mắt.
Lê Uyên trong những bản nhạc đầu và giữa chương trình là một Lê Uyên dày dạn kinh nghiệm sân khấu, đến nỗi át cả cảm xúc. Phải đợi đến những bài hát cuối chương trình, người nghe mới nóng bừng lên, cảm nhận hết một “Lê Uyên của Phương.”
Tiếng guitar thùng quen thuộc, giọng nam hát bè trong các sáng tác của nhạc sĩ Lê Uyên Phương kéo hẳn người nghe trở lại quá khứ.
“Tình Khúc Cho Em,” “Hãy Ngồi Xuống Đây,” “Vũng Lầy Của Chúng Ta,” “Cho Nhau Lần Cuối,” “Uống Nước Bên Bờ Suối”…, hãy dâng lời cảm ơn đến Lê Uyên và Phương. Tri ân cả những bạn hữu đã “kéo” Lê Uyên Phương từ Đà Lạt về Sài Gòn thập niên 1960s. Nếu Đà Lạt sinh ra nhân tài, Sài Gòn tạo nên huyền thoại. Một Khánh Ly, một Lê Uyên và Phương…
Tình Yêu, hiện thân tuyệt đẹp của sự sống, trong cuộc chạy đua hụt hơi giữa Chiến Tranh, sẽ vĩnh viễn đóng khung một không gian kỷ niệm. Không gian ấy là Sài Gòn, được tái hiện rất thực trong đêm hôm nay, qua lời mở đầu của Đinh Quang Anh Thái, trích từ chương trình Nhạc Chủ Đề của Nguyễn Đình Toàn trước 1975:
“Tình yêu là tiếng nói tuyệt vời của một nơi chốn nào đó, một nơi chốn, một quê hương, nơi người ta đã yêu nhau.”
Đông Ban/Nguời Việt
Chú thích hình:
Ảnh 1: Một Performing Art Center dự trù một chương trình tương tự hợp tác cùng Lê Uyên mang khán thính giả trở về một thời SàiGòn trước 1975.
Ảnh 2: Bìa DVD Lê Uyên mới phát hành
Ảnh 3: Lê Uyên trong đêm “Sài Gòn, Cà Phê, Sân Trường, thời 1970,” cùng Hoàng Công Luận (trái) và Hồ Chương,
tối Thứ Sáu, 11 tháng 12. tại Quận Cam (Hình: Tien Nguyen)