Nói về cuộc đời NHẠC SĨ GIUSE ANH BẰNG khi ông không còn nữa (*) …
(bài giảng Trong Lễ Tiễn Đưa)
của Lm Joseph Nguyễn Thái,
Trọng kính Đức Cha, quý Cha, quý Tu Sĩ nam nữ
Kính thưa tang quyến, họ hàng, thân bằng quyến thuộc
Kính thưa quý vị văn nghệ sĩ, ca sĩ, Trung Tâm Asia
Quý vị truyền thông, báo chí….
Kính thưa toàn thể cộng đoàn Dân Chúa, và cộng đồng người VN Hải Ngoại
Đại diện Đức Cha Dominic Mai Thanh Lương, cha Quản xứ Thomas Quốc và quý cha hiện diện tại nhà thờ St. Barbara trong tang lễ hôm nay, con xin ngỏ lời phân ưu cùng tang quyến và đại gia đình Trung Tâm Asia, cũng như tất cả những ai mến mộ nhạc sĩ Giuse Anh Bằng. Sự ra đi của NS Giuse Anh Bằng không phải chỉ là một mất mát của riêng gia đình, nhưng là của chung tất cả những ai mộ mến âm nhạc và yêu mến quê hương đất nước Việt Nam.
Khi nghe tin NS Anh Bằng trở bệnh nặng phải đưa vào bệnh viện cấp cứu, từ Sài Gòn, nhạc sỹ (trẻ)Tuấn Khanh đã trao đổi với đài BBC như sau: “Bên cạnh nỗi buồn khi nghe tin sức khỏe của nhạc sỹ Anh Bằng đang xấu đi, tôi còn có niềm tiếc nuối to lớn, vì ông là một nhạc sỹ tài ba thuộc thế hệ vàng son của miền Nam. Tầm vóc của ông khó có một nhạc sỹ nào về sau đạt được, xét cả về mặt sáng tác đa dạng lẫn tính cách kín tiếng, không cần những lời ca tụng mà vẫn miệt mài với âm nhạc qua nhiều thập kỷ”.
Điều này cho thấy sự mất mát và thương tiếc đã vượt qua những giới hạn chính trị, hay ý thức hệ, trong nước hay ngoài nước và cho thấy NS Anh Bằng chính là tài hoa âm nhạc của chung mọi người Việt Nam. Trong bài “Khúc Thụy Du”, qua lời thơ của Du Tử Lê, nhạc sĩ Giuse Anh Bằng đã dặn rằng: “Hãy nói về cuộc đời. Khi tôi không còn nữa. Sẽ lấy được những gì? Về bên kia thế giới…”
Hôm nay, đúng là lúc, Nhạc Sĩ Giuse Anh Bằng không còn nữa, con xin phép bác được nói về cuộc đời của bác và về những gì bác đem theo về bên kia thế giới.
Bác đã sinh ra vào năm 1926, tại làng Điền Hộ, tỉnh Thanh Hóa, khi lên 9 tuổi bác được gửi vào học ở tiểu chủng viện Ba Làng, tỉnh Thanh Hóa. Chính tại tiểu chủng viện Ba Làng, bác được hấp thụ Lời Chúa về Tám Mối Phúc với trái tim nhân ái, từ bi và kiến thức căn bản về nhạc lý để phát triển tài năng lỗi lạc của bác sau này.
Muốn biết Ba Làng thế nào, chúng ta hãy nghe nhà văn Trần Khánh Liễm diễn tả: “Ba Làng có hai vườn thông thật đẹp và đầy mơ mộng, mà những ai thích nhạc đều ra đó để lấy cảm hứng. Những buổi chiều Chúa Nhật các chủng sinh của Tiểu Chủng Viện thường lên núi Thủi chơi, nơi này có những đồi hoa sim trải dài cho tới sườn núi và tận cùng ra tới biển, với những tảng đá to lớn phía cạnh bãi. Những đêm khuya, khi trời đẹp, chỉ nghe tiếng sóng êm từ từ đổ, để ru hồn người vào giấc đông miên… Còn khi biển động thì… ôi thôi, sóng lớn như vỡ bờ!”.
Khung cảnh của Ba Làng đẹp và thơ mộng như thế, nên đã đi sâu vào cuộc đời và tất cả các tác phẩm của bác như “Chuyện Tình Hoa Sim” “Khúc Thụy Du” “Anh còn yêu em”…. Hôm nay, giáo xứ St. Barbara được hân hạnh đại diện cho tiểu chủng viện Ba Làng với Đức Cha Dominico chủ tế, cha xứ Luân, gốc Ba Làng, Thanh Hóa và tất cả quý cha dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ tri ân, vì biết bao ân phúc Chúa đã ban cho bác nhạc sĩ Guise Anh Bằng, trong suốt 90 năm trên gian trần.
1-Tạ ơn Chúa vì trái tim nhân ái của bác:
-Bác luôn nở nụ cười tươi tắn, phúc hậu, hiền hòa, bình dân, thầm lặng. Trong các bức hình của bác, luôn có nụ cười hiền lành, toát lên cái cõi lòng nhân ái. Cho dù cuộc đời của bác đã có những lúc phải ngậm đắng nuốt cay. Năm 1953, Việt Minh đã lên án tử hình cho các người anh và chính bác. Riêng người anh cả là Đại Úy Trần An Lạc, chỉ huy trưởng Lực Lượng Tự Vệ của Đức Cha Lê Hữu Từ đã bị giết. Còn bác đã bị bắt, bị kết án tử hình, đi tù ở trại Đầm Đùn Lý Bá Sơ. Sau này là Trại Lam Sơn T5. Đây là trại lao tù dành cho người lãnh án chết tại Thanh Hóa, vào trại là chết, không có đường đi ra!
-Ông Phạm Kim, Chủ Nhiệm Tuần Báo Người Việt Tây Bắc, Seattle đã nhận xét về bác thế này: “Ðã từng sống trong Lý Bá Sơ, từng đêm nghe tiếng cai tù đánh thức những người bạn đồng tù khác, thức dậy, trói ké, mang ra sân bắn, hoặc mang đi điều tra hành hạ có lẽ là nỗi ám ảnh khôn nguôi trong đầu của nhạc sĩ… thiếu ăn, thiếu áo quần, thiếu một mảnh chăn đơn để che đắp cái rét giá tù đày… nhưng tác giả Anh Bằng luôn nở một nụ cười, không chua cay oán thù, dù “không bao giờ đội trời chung với chủ nghĩa CS từ những năm trước 1954, và những năm sau đó…”.
Ðối với người nhạc sĩ đầy tấm lòng nhân ái này, ông luôn có một nụ cười tươi tắn với cuộc sống, hầu như không bao giờ đắng cay, hận thù!
-Quả thế, bác Không bận lòng với ai, chỉ phấn đấu say mê làm việc, thúc đẩy chính mình với câu nói: “Khi làm việc thì phải tiến lên”. Bác không tranh giành với đồng nghiệp, hoặc với một ai, nhưng luôn khích lệ và tạo cơ hội cho người trẻ thăng tiến, với bản tính chân chất hiền lành đã được giáo dục từ tiểu chủng viện Ba Làng: “Phúc thay ai hiền lành vì họ sẽ được đất làm cơ nghiệp. Phúc thay ai biết thương xót, vì họ sẽ được xót thương. Phúc thay ai kiến tạo hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.”
-Phải, từ trái tim nhân ái này, đã rung cảm lên trên 650 ca khúc gồm đủ mọi thể loại, đặc biệt là tình ca. Ai cũng có thể hiểu được, tình yêu say đắm của thời trai trẻ: “Tôi xa Hà Nội năm lên 18 khi vừa biết yêu”. Nhưng ai cũng phải ngạc nhiên, khi bác đã vào tuổi bát tuần rồi, mà cũng vẫn nồng nàn, vẫn cuồn cuộn như sóng đổ triều dâng với “Anh Còn Nợ Em”, “Anh Còn Yêu Em” qua khung cảnh của Ba Làng, của Quy Nhơn nơi bác đã từng gắn bó “thì thầm sóng vỗ”, “bạch đàn thâu đêm”!
-Trái tim thổn thức yêu thương của bác, mê say với tình yêu, không phải là với những cuộc tình lãng mạn, chóng qua, tình chỉ một đêm hay vài ngày, mà là cuộc tình trung thủy với cụ bà trên 65 năm trời. Thật là hiếm có với người nhạc sĩ tài ba lãng mạn mà lại rất đứng đắn và mẫu mực trong tư cách của người chồng, người cha trong gia đình!
2-Tạ ơn Chúa vì trái tim yêu quê hương dân tộc của bác:
Bác không những thành công rực rỡ qua các bản tình ca tha thiết trữ tình, mà còn tuyệt vời, với những sáng tác viết cho cuộc chiến, cho thân phận con người và cho những người lính chiến VNCH. Chính những năm lao động khổ sai, khi lãnh án tử hình của Lý Bá Sơ, là hành trang, cùng với Lời Chúa phán dạy: “Phúc thay ai đói khát sự công chính, vì họ sẽ được no đủ. Phúc thay ai bị bách hại vì sự công chính, vì Nước Trời là của họ”, để bác dấn thân đấu tranh không ngừng nghĩ cho tự do, dân chủ, nhân quyền khi còn sống ở Miền Nam Việt Nam, và ở hải ngoại cho đến ngày nhắm mắt suôi tay.
Trong thời chiến tranh, bác viết về quê hương mình, như một chứng nhân, của thời chiến tranh loạn lạc, kêu lên tiếng kêu trăn trở, than khóc, cầu xin của người công chính trước sự bạo tàn do chủ nghĩa cộng sản gây ra cho dân tộc. Qua bản nhạc “Đêm Nguyện Cầu”, chúng ta thấy được cái nổi đau của người lính VNCH, cũng là nỗi đau của chính bác, dưới lằn bom đạn, mặc tình cho súng nổ bên tai: “Hãy lắng tiếng nói vang trong tâm hồn mình người ơi. Con tim chân chính không bao giờ biết đến nói dối. Tôi đi chinh chiến bao năm trường miệt mài. Và hồn tôi mang vết thương trần ai…”
Nhạc sĩ Tuấn Khanh đã nhận định, di sản âm nhạc mà nhạc sỹ Giuse Anh Bằng để lại là: “một tình yêu quê hương, dân tộc qua âm nhạc mà không phụ thuộc vào một chính thể nào…”
Quả vậy, qua những DVD “Dòng nhạc trong lòng dân tộc”, “Anh Bằng Dòng Nhạc Lưu Vong”, những ca khúc diễn tả nỗi lòng của người Việt yêu quê hương, dân tộc, trước thảm hoạ xâm lăng của Trung Cộng, chiếm các vùng biển đảo của Việt Nam là Hoàng Sa và Trường Sa. DVD nầy đã được đón nhận nồng nhiệt của mọi người trong và ngoài nước, theo lời giới thiệu của nhạc sĩ Nam Lộc, bác Anh Bằng tâm sự: Đã là người cầm bút chúng ta có bổn phận phải viết sáng tác, để nói lên điều gì mà người khác không nói được. Dù sự đóng góp của tôi chỉ là hạt muối trên biển cả, nhưng một hạt muối, cũng có thể làm cho biển mặn hơn …“
Đúng vậy, những nhạc phẩm làm người nghe cảm nhận nỗi ray rứt, rung động trái tim khơi dậy lòng yêu nước, như: “Hãy Đứng Lên, Phải Lên Tiếng, Cả Nước Đấu Tranh“… các nhạc phẩm đó như tha thiết mời gọi những trái tim Việt Nam cùng đoàn kết, hiệp thông, chia xẻ, và đồng hành với các nạn nhân, cùng Dân Tộc Việt Nam nói chung trong hoàn cảnh bất công tại quê nhà.
Những buổi sinh hoạt cộng đồng, các ca khúc đong đầy tình yêu mến quê hương dân tộc của bác, đều được hát vang dội như lời kêu gọi, thúc dục lòng yêu nước của mọi người dâng cao, và thể hiện tinh thần đoàn kết quyết tâm, chống giặc ngoại xâm của người Việt Nam trên khắp thế giới: “Đừng sợ hãi! Hãy vươn lên. Tranh đấu cho quê hương Việt Nam niềm tin bác ái! Đừng sợ hãi xiết tay nhau. Mang trái tim yêu thương Việt Nam vào đời!“ (Trích Tuổi trẻ Việt Nam, Hùng Sử Ca).
3-Sau cùng chúng ta cảm tạ Chúa vì bác Giuse Anh Bằng đã ra đi bình an và có chuẩn bị:
Sau hơn ba ngày mê man, cha Christopher Tuấn phó xứ St. Barbara đây, đã được mời đến để ban các phép sau cùng cho Bác. Khi ban phép tha tội và phó thác linh hồn Bác trong Lòng Thương Xót Chúa, và Đức Mẹ Maria, thì bỗng nhiên bác mở mắt ra nhìn mọi người lần cuối rồi ra đi với Chúa và Mẹ Maria. Quả thật, bác đã sống hiền lành, ra đi bình an. Sống hiền chết lành, living well dying well. Mặc dù thể xác đau bệnh, 10 năm bị điếc, mắt mờ, 8 năm ung thư gan, nhưng bác vẫn tươi cười với một niềm tin trông cậy vào Lòng Thương Xót của Chúa. Bởi thế, giờ này cùng với những người thân trong gia đình, chúng ta có thể nói được rằng bác Giuse Anh Bằng đang ca hát lên lời Thánh Vịnh 114: Tôi sẽ bước đi trước mặt Người. Trong cõi đất dành cho kẻ sống“. Bởi như lời thánh Phaolo trong bài đọc hôm nay đã nói: Dù sống hay chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa“.
Kính thưa tang quyến, thân bằng quyến thuộc, và bạn hữu,
Kính thưa toàn thể quý vị,
Đứng trước linh cửu của người quá cố nhạc sĩ Giuse Anh Bằng, quý vị cảm thấy mình bị mất mát lớn lao, nhưng quý vi cũng thật có phúc vì đã được cùng sống, làm việc, học hỏi, gặp gỡ, và chứng kiến một “con người cao cả” đã dâng hiến cả tấm lòng cho gia đình, cho bạn hữu, cho đồng nghiệp, cho đồng bào, cho quê hương dân tộc với một lòng nhân ái bao dung.
Quý vị là những nhân chứng về cuộc đời của một người “môn đệ “Chúa Giêsu, âm thầm sống với Tám Mối Phúc Thật, hiền lành và thương xót, trong ơn gọi của một người nhạc sĩ.
Quý vị là những nhân chứng về cuộc đời của một chiến sĩ, hết lòng với quê hương đất nước, luôn chiến đấu cho tự do, dân chủ, và nhân quyền, nhưng không chiến đấu bằng súng ống, bom đạn, bạo lực, mà bằng âm nhạc với trái tim yêu thương qua lời ca tiếng hát.
Quý vị là những chứng nhân về cuộc đời của một con người đã biết sống với khổ đau ở đời này bằng một nụ cười phúc hậu, đã biết đánh vần chữ Khổ = ca hát ô khô hỏi khổ, ca hát để khỏi khổ, chứ không phải là = khờ ô khô hỏi khổ! Bị khổ đến khờ cả người!
Tất cả chúng ta hiện diện nơi đây đang chứng kiến “một người chồng, cha, anh, em, một người ông, một người bác”… đã ra đi nhưng tình yêu, lòng nhân ái, và những nhạc phẩm nồng nàn yêu thương như sóng biển triều dâng sẽ còn vang vọng mãi như lời thánh Phaolo đã nói: “Đức mến không bao giờ mất“, vì nhạc của ông là nhạc tình yêu: yêu con người, yêu quê hương dân tộc.
Lời cuối cùng bác Giuse Anh Bằng muốn nhắn gửi đến mọi người trong tang lễ hôm nay là lời của Nỗi Lòng Người Đi ngày xưa: “Tôi xa Hà Nội, năm lên 18, khi vừa biết yêu“, thì Nỗi Lòng Người Đi ngày hôm nay là: “Tôi xa trần đời, năm thọ 90, khi được Chúa yêu“.
Phải, trong niềm tin yêu phó thác, chúng ta phó dâng linh hồn nhạc sĩ Giuse Anh Bằng vào Lòng Thương Xót Chúa và Đức Mẹ Maria, theo như Lời Chúa Giêsu đã phán: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được đất làm cơ nghiệp. Phúc thay ai biết thương xót, vì họ sẽ được xót thương. Phúc thay ai kiến tạo hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa“. Amen.
Lm Joseph Nguyễn Thái,
St. Barbara Church
Ngày 21 tháng 11 năm 2015.
(ảnh và tài liệu từ Nhân Ảnh Tân Văn/Lưu Anh Tuấn)
Chú thích và ảnh:
(*) Hãy nói về cuộc đời khi tôi không còn nữa, là thơ Du Tử Lê, mở đầu cho ca khúc Khúc Thụy Du, NS Anh Bằng phổ thành ca khúc.
1- Nhạc Sĩ Giuse Anh Bằng chụp tại buổi họp gia đình với các anh chị Trần Khải, Trần Minh, Trần Thăng, Trần Minh , Thanh Xuân tại Federal Way (ảnh PK)
2- Trong Áo quan phủ khăn trắng của Nhạc Sĩ Giuse Anh Bằng, bình an trước Cung Thánh Nhà Thờ St Barbara, trong ngày Lễ Tiễn Đưa với hàng ngàn người thân yêu đưa tiễn, với vợ các con cháu chắt trên 100 người chít khăn tang và hàng ngàn người thân thuộc, văn nghệ sĩ bao gồm cả những khán thính giả yêu mến ông cố gắng có được một chỗ trong thánh đường. (ảnh Hạ Vi- Asia Forum)
3-Nhạc Sĩ Giuse Anh Bằng, an nghỉ với người thân yêu trước giờ tiễn đưa Cung Thánh Nhà Thờ St Barbara, (từ Cung thánh nhìn xuống ảnh chụp bởi Lưu Anh Tuấn)
Tác giả bài giảng Linh Mục Joseph Nguyễn Thái, với bài giảng trên 15 phút, dõng dạc, lôi cuốn tâm tình tha thiết đầy thu hút…
4- Đại diện Nhân Ảnh Tân Văn Lưu Anh Tuấn bên cạnh nhạc sĩ Lam Phương và một số văn nghệ sĩ trong tang lễ, và một số hội viên khác như Lê Văn Khoa, Việt Hải không có trong ảnh)