Trần Khánh Liễm: Hoài niệm Nhà thờ Điền Hộ tại cửa Thần Phù.
Trần Khánh Liễm:
Hoài niệm Nhà thờ Điền Hộ tại cửa Thần Phù.
Nhà văn Trần Khánh Liễm và nhạc sỹ Anh Bằng ( 2013 )
Điền Hộ có nghĩa người chủ ruộng (tenant), người làm ruộng. Cái tên này rất may mắn cho tới nay vẫn còn tồn tại. Sở dĩ tôi nói như thế vì các tên làng mạc tạị nhiều nơi bây giờ đã bị thay đổi vì ảnh hưởng của thời cuộc. Nếu cầm bản đồ, tìm lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình, hay nơi ông cha đã nhiều đời sinh cơ lập nghiệp ở đây cũng khó tìm thấy cái tên của làng mình, thôn mình khi xưa.
Một hôm tìm đọc được bài viết về kiến trúc mới tại nơi thánh đường giáo xứ Điền Hộ, một bạn trẻ của thế hệ thứ hai sinh trưởng ở Mỹ, có thể sinh trước khi rời quê hương sau hiệp định Genève, hay sinh sau đó ở trong Nam mà không nhớ được cái địa danh ông cha mình đã sinh sống và lập nghiệp ở đây. Người viết bài đó nói công trường xây cất tượng Chúa Làm Vua của em gái mình thay vì là ở nhà thờ Điền Hộ thì lại nói là ở làng Chính Đại. Chính Đại là một làng lớn nằm ngay tả ngạn cửa Thần Phù khi xưa. Từ đây con sông rẽ ra hai nhánh : phía tả ngạn chạy qua Yên Phẩm, Hảo Nho, Bạch Bát rồi cầu Yên đổ vào sông Đáy. Hữu ngạn đổ vào nhánh sông Càn chạy ra biển mà ông cha chúng tôi thường gọi là Càn Giang.
Chính Đại là một trong những làng có khá nhiều bậc khoa bảng nổi tiếng. Vị quận công cuối cùng là ông Đinh Công Kiểu, Cụ đã gả con gái cho ông cố Trần Văn Kỳ, người đứng ra chiêu dân lập ấp tại cửa Thần Phù. Em ông Trần Văn Kỳ là hoà thượng quận công tụ trì tại chùa làng Chính Đại. Khi chiêu dân lập ấp, cụ Kỳ cũng mang theo một số gia đình họ Đinh tới lập nghiệp tại đây và cư ngụ tại con đường thứ hai tính từ phía trong cùng làng ra, con đường từ bờ đê phía tả ngạn sông Càn, đi tới con đường chính hiện nay từ Chính Đại đi qua nhà thờ tới Điền Hộ tới QL.10 Con đường trong cùng làng là con Đường Giới. Theo sắc lệnh triều đình ban phép chiêu dân lập ấp, có ghi giới hạn vùng đất mới tính từ con đường đầu tiên này, có tên Đường Giới : CÀn Giang vi Giới có nghĩa lấy từ đường Giới tả ngạn sông Càn ra tới biển là vùng đất sẽ được khai quang và chiêu dân lập ấp.
Chính Đại là làng lớn như tôi đã nói ở trên, có nhiều bậc khoa bảng nổi tiếng. Từ làng này giòng tộc họ Trần lập nghiệp thành một làng khác lấy tên làng Tòng Chính. Khi xưa Chính Đại có tên tuổi, có họ đạo thuộc xứ Hảo Nho, nơi Linh mục Alexandre de Rhodes,( khi tới cửa Bạng vào ngày 19 tháng 3 năm 1627 ) cùng với linh mục Markez mở lớp truyền giáo. Mấy tháng sau, dân trong vùng biết đến đã kéo nhau tòng giáo. Linh Mục Markez và linh mục Alexandre de Rhodes đã vào cửa Thần Phù truyền giáo và lập giáo xứ đầu tiên tại địa phận công giáo đàng ngoài. Khi đó có tên Van No, sau này đổi ra Hiếu Nho rồi Hảo Nho. Chếch phía bên kia cửa sông Chính Đại là làng Yên Phẩm rồi đến làng Hảo Nho. Gần gũi như thế ! Vì ngăn sông cách trở, nên sự đi lại từ Chính Đại sang làng bên ngoài ( làng mới có tên làng Tòng Chính i.e theo đạo) thường có khi có cầu khỉ bắc qua, có khi phải dùng ghe thuyền, gọi là đò ngang. Trong những năm chiến tranh, làng Chính Đại đã chịu nhiều thiệt thòi vì tính cách chiến lược của nó. Có nhiều người trong chúng ta từng biết đến chiến lũy Ba Đình. [ Ba Đình là ba cái đình ở ba làng Thượng Thọ, Mẫu Thịnh, Mỹ Khê nằm bên trên làng Chính Đại]. Đây là căn cứ chiến thuật, chiến lược của nghĩa quân chống Pháp do Đinh Công Tráng đã lập, nằm dọc theo sông Chính Đại. Chiến lũy Ba Đình đã một thời ( 1886-1887 ) làm cho quân Pháp chịu nhiều tổn thất. Để tiến quân vào Ba Đình, quân đội Pháp không thể nào tiến theo phía cửa Chính Đại, vì phải đi qua sông. Binh lính Pháp đã men theo từ quốc lộ số một [ bây giờ QL.10 ], từ phía ngọn núi An Tiêm, men theo núi Quan Lợn, núi Chóp Chài, rồi hữu ngạn sông Chính Đại, một lối khác từ phía huyện Nga Sơn. Sự giao tranh trong suốt năm đã làm cho quân đội Pháp tổn thương. Vào thời chúng tôi, ngay tả ngạn sông Càn, có một gò nhỏ chúng tôi thường ngồi đây câu cá, có mấy mồ mả lính Pháp được chôn tại đây mà ông cha chúng tôi gọi là mả tây. Từ nhà tôi ra đây không đầy một trăm thước tây. Địa thế chiến lũy Ba Đình hiểm trở, kiên cố, trong hào ngoài lũy, khiến quân Pháp tấn công hai lần đều bị tổn thương, thất bại.
Lần tấn công thứ ba quân Pháp thành công, do một vị trong vùng cố vấn cho quân Pháp vì chiến lũy nằm dưới thung lũng, chỉ cần phá đê là nước tràn vào chiến lũy. Quân Pháp nghe theo đã làm theo lời cố vấn, phá đê, nước tràn ngập chiến lũy khiến nghĩa quân phải bỏ chạy. Trong trận này Đinh Công Tráng tử trận, nghĩa binh rút về Mã Cao, miền thượng du tỉnh Thanh Hóa, rồi tan rã. Biến cố thứ hai là vào mùa thu năm 1949, khi quân đội Pháp nhảy dù xuống Phát Diệm, sau đó để mở rộng vùng hoạt động và an toàn cho quân lực trú đóng. Phía tây bắc là những căn cứ từ vùng Phúc Nhạc, tới mãi núi Cánh Diều, giữ an toàn di chuyển trên QL.1. Từ Phát Diệm vào phía Nam : dọc theo Yên Bình, vào Bình Sa, rồi vùng cửa Thần Phù, chiếm cứ cả hai bên phố của hai làng Tòng Chính và làng Văn Đức, phá bình địa cả hai dẫy phố . Dân chúng phải di tản ra Phát Diệm hay một số vào làm nhà chung quanh nhà thờ Điền Hộ. Căn cứ quân sự của quân đội Pháp quan trọng ở Cửa Thần Phù nhờ họ chiếm cứ núi Sơn Tiền [ nay gọi là mỏ đá, vì người ta đã lấy đá ở đây để làm đường ]. Dẫy núi quan trọng nhất là núi An Tiêm nằm hữu ngạn sông Càn, quân đội Pháp đã đặt đại bác canh chừng sự tiến quân của Việt Cộng trong vùng. Căn cứ chót là núi Chính Đại nằm sát núi Mưỡu thuộc đầu làng Tòng Chính, sát núi Lai Thành. Với ba chốt chiến thuật như thế có thể không đâu tìm được những căn cứ lợi hại như ở đây. Theo cách bố trí, làng Chính Đại là bìa ngoài vòng chiến thuật, có thể bị bắn phá khi quân đội Pháp thấy có biến động hay trước khi mở các cuộc hành quân vào vùng huyện Nga Sơn .
Vì nằm trong vùng tác xạ tự do, dân chúng thường phải lẩn trốn hay di tản sang những làng như làng Thiện, làng Mỹ Phường, Mỹ quang. Sau hiệp định Genève 1954, dân chúng hồi cư, nhưng từ từ dân Chính Đại đã chuyển sang định cư tại làng Tòng Chính. Sự thuận tiện của Điền Hộ ở chỗ không phải qua sông, thuận trên bến dưới thuyền, thuận quốc lộ đi từ Phát Diệm vào Nga Sơn, rồi Thanh Hóa. Hơn thế đa số dân làng Tòng Chính đã di cư vào Nam, nên có những căn nhà bỏ trống, có đất làm nhà, có ruộng cây lúa. Điểm quan trọng vẫn là người từ Chính Đại ra đây nắm chính quyền, nên đã đưa dân của mình tới đây lập nghiệp. Cũng chính thế làng Chính Đại trở nên ít người mà hiện nay không còn làng mà chỉ là xóm 7 xóm 8 thuộc xã Nga Điền ( tên mới của làng Tòng Chính mà người ta thường gọi làng Điền Hộ ). Chính Đại do đó đã bị xóa tên làng trên bản đồ! Bây giờ nói tới Điền Hộ thì ai trong vùng cũng lẫn lộn. Điền Hộ là tên giáo xứ công giáo bao gồm giáp Đông, giáp Tây, Tân Tòng, có những họ đạo lẻ như Phước Nam, Tân Ân, Mông Ân, Sơn tiền, Nhân Sơn, Hà Thôn. Tòng Chính là làng thuộc tổng Tân Phong, Huyện Nga Sơn, Tỉnh Thanh Hoá. Tòng Chính gồm Giáp Đông, giáp Tây, giáp Nam, xen lẫn với Làng Tân Chính gồm Tân Tòng, Mông Ân và Tân Ân [giáp núi Tân Tòng và Hoài Lai]. Hai làng Tòng Chính và Tân Tòng nằm ôm nhau như cặp rồng khổng lồ phía tả ngạn sông Càn.
Có thể mà nơi đâ kinh tế phát triển, nhân tài khá đông. Sự lẫn lộn có thể là vì Điền Hộ là họ đạo lớn, có trước làng Tòng Chính sau khi được thiếp lập vào thời chiêu dân lập ấp. Điền Hộ lúc đầu là họ lẻ của giáo xứ Hảo Nho, có tên họ Thần Phù. Sau này vì sự phát triển và thịnh vượng, vùng cửa thần Phù có khá nhiều xứ đạo, trong đó có Điền Hộ. Vùng này người ta gom thành hạt mà linh mục phụ trách trưởng hạt thường ở xứ Điền Hộ.
Nhà thờ Điền Hộ.
So sánh Điền Hộ với Phát Diệm, trước khi cụ Trần Lục xây nhà thờ, Phát Diệm chỉ là một bãi lầy và là một xứ đạo thật nhỏ. Đã có lần giáo quyền muốn dùng Điền Hộ làm trụ sở giáo phận Duyên Hải hay giáo phận Thanh. Nhưng vì nhà thờ Phát Diệm mới xây sau này thật đồ sộ, vì thế được chọn làm trụ sở địa phận, thay vì tên địa phận Duyên Hải hay địa phận Thanh, năm 1924 gọi địa phận Phát Diệm. Phải đợi tới năm 1932 địa phận Phát Diệm chia đôi, giáo phận mới là giáo phận Thanh Hóa, ngay thị xã Thanh Hóa. Điền Hộ là một trong những vùng phì nhiêu có sinh hoạt rất phồn thịnh, trên bến dưới thuyền, có chợ có phố buôn bán sầm uất. Vào thời chúng tôi khi bắt đầu đi học, lớp chúng tôi được học trong nhà thờ nhỏ gọi là nhà thờ ông Thánh An Tôn. Tuy nhỏ nhưng được xây rất kỹ lưỡng [tôi có nhắc tới ngôi nhà thờ này trong bài những thân xác khô cằn ].
Bên cạnh là núi hang đá Đức Mẹ. Sau nhà thờ Thánh Antôn là ngôi nhà thờ bằng gỗ rất kiên cố. Tôi không được biết xây từ thời nào, nhưng tới khi chúng tôi còn nhỏ thì ngôi nhà thờ này đã cũ kỹ lắm [ ít nhất cũng lâu trên dưới thế kỷ]. Tới năm 1936, họ đạo bắt đầu xây ngôi nhà thờ mới đồ sộ như chúng ta thấy hiện nay [ hình trên]. Ngôi nhà thờ cũ đã được tháo gỡ và bán cho giáo xứ Liên Quy với giá hai ngàn đồng Đông Dương. Ngôi nhà thờ mới hoàn tất vào năm 1940. Người đốc xây là ông Trần Văn Tộ, cháu nội của cố Trần Văn Kỳ. Người bỏ nhiều tiền nhất là ông Ninh Thế Kiếng, có cơ sở buôn bán tại tỉnh lỵ Thanh Hoá. Trong thời kỳ này một lò vôi được thành lập do sáng kiến của ông Trần Văn Tộ để có vôi xây nhà thờ và để giúp người cháu gái có công ăn việc làm trong khi người chồng đi làm ăn xa. Sau này dư vôi, bán chịu cho nhà thờ Liên Quy.
Người cháu này là mẹ của giám Mục Nguyễn Sơn Lâm và linh mục Nguyễn Hữu Duyên. Không hiểu vì lý do gì, những người nắm quyền thế trong xã là những người từ làng Chính Đại ra đây sau hiệp định Genève 1954. Tên làng Tòng Chính bị bỏ đi và thay thế bằng xã Nga Điền, thuộc huyện Nga Sơn [Nga Điền tức Đìền Hộ của huyện Nga Sơn]. Tất cả những làng thuộc huyện Nga Sơn từ thời đó đều bắt đầu bằng Nga. Sau khi miền Nam bị xâm chiếm năm 1975. Năm năm sau, tức 1980, dân làng được chính phủ báo cho biết phải đào sông để mở rộng việc giao thông đường thủy. Thế là một con đê mới được thay thế con đê cũ : chạy từ phía trong làng qua ngay trước sân nhà thờ Điền Hộ rồi nối vào QL.10. Kết quả hai giáp Đông và Giáp Tây của hai chi tộc của hai vị chiêu mộ dân làng biến thành bãi lau sậy : không nhà, không vườn, không ruộng. Có người nghĩ lại về những va chạm tôn giáo vào thập niên ba mươi, nên người làng Chính Đại muốn trả thù, xóa cả hai dòng tộc. Vị linh mục chánh sở nhà thờ không muốn làng Chính Đại rước kiệu Thần qua nhà thờ mà phải đi theo đường đê tới cầu Điền Hộ. Một cuộc đụng độ lớn đã xảy ra trứơc khi kiệu tới nhà thờ.
Linh Mục Trần Khắc Cần, cháu nội của cụ Trần Văn Kỳ phải nhờ người bạn chí thân là tổng đốc Nguyễn Hữu Bài đứng ra dàn xếp cho êm chuyện. Đây là nguyên do nhiều người thuộc dòng tộc cụ Trần Văn Kỳ nghĩ như thế. Nhưng theo đường lối cộng sản, chẳng riêng gì giáo xứ Điền Hộ mà rất nhiều giáo xứ miền Bắc đã bị thay đổi. Chủ trương của chính quyền là xoá bỏ mọi hình thức cũ, để có ai trở về quê không nhận ra vết tích cũ, tên đường cũ, tên làng cũ của mình. Cũng có những người tưởng lầm rằng vì sự xích mích này mà giáo phận phải dùng 30 mẫu ruộng bên cánh đồng Chưa bồi thường cho làng Chính Đại. Thực ra thì giáo Phận Phát Diệm không hiểu vì sự giao hoán thế nào mà sau này gạt cho ông Nghị Tư 30 mẫu ruộng này. Ong Nghị Tư đã để người vợ kế cư trú và sinh con đẻ cái tại đây. Cũng nên nhắc người con gái của ông nghị Tư [đời vợ trước] đã lập gia đình với con ông Ninh Thế Kiếng ( Đời vợ kế ), xứ Điền Hộ.
Trong những năm sau này, dân làng từ nhiều nơi, kể cả ở ngoại quốc trở về để thăm quê cha đất tổ, thấy thực buồn cho những năm xưa dân làng sống bình an thịnh vượng. Nay cả hai giòng tộc của hai cố chánh phó chiêu mộ dân làng nhà cửa bị san bằng chỉ còn một giải đất đầy lau sậy thay thế cho những nhà cửa ruộng vườn, con cháu sống sung túc trên giải đất này. Sau năm 2001 có những người trẻ thuộc thế hệ thứ hai, sau khi thành công, đã trở về thăm làng và muốn tu bổ lại ngôi thánh đường. Nhờ sự kêu gọi của giám mục Nguyễn Sơn Lâm, đồng hương kẻ ít người nhiều đã đóng góp để trùng tu ngôi giáo đường. Điểm nổi bật nhất là con cháu dòng tộc cụ Ninh Thế Kiếng đã đóng góp nhiều nhất cho việc trùng tu này. Cách đây mấy năm, con cháu về thực hiện công tác xã hội, phát thuốc cho dân chúng trong một số năm, nhờ đó chính quyền đã dễ dãi cho xây tượng chúa KiTô vua ở hồ trước cửa nhà thờ. Công việc này do bác sỹ Trần thị Bích Thùy con ông bà Trần Tấn Mùi là anh ruột nhạc sỹ Anh Bằng thực hiện vào tháng 7 năm 2011. Không biết cháu có được ai nói cho biết là cha, chú, bác của mình đã một thời từng đóng góp những khúc hát ca dội vang trong các nghi thức phụng vụ tại ngôi giáo đường này hay không!. Đây là công trình rất khang trang làm nổi bật quang cảnh giáo đường…
Tượng đài Chúa KiTô Vua. Điền Hộ là giáo xứ trù phú, có nhiều ruộng nương nhất vùng huyện Nga Sơn [tôi sẽ nói nhiều khi viết về vị đứng ra chiêu dân lập ấp tại cửa thần Phù]. Vào thập niên 1940 tới 1950 là những năm thịnh vượng nhất của Điền Hộ: Dân chúng sống trong cảnh thanh bình, an vui, trù phú. Phố xá đông đúc , chợ búa tấp nập và là một trong những nơi phân phối những hải sản và thủy sản quý vùng Cửa thần Phù cho các vùng Phát Diệm, Ninh Bình và chuyển tải cả những hải sản, thủy sản quý lên Nam Định, Hà Nội, đặc biệt cua lột và tôm he! Điền Hộ là nơi có nhiều lúa gạo được chuyển tải vào Thanh Hóa, có cói, có chiếu bán ra vùng Phát Diệm, có tơ tằm. Cảnh sống sung túc trên bến dưới thuyền, đặc biệt có đường thủy với nhiều ca nô như Hồng Bàng, Đại Bàng và nhiều ca nô khác được đóng ngay ở đây, cung cấp phương tiện di chuyển cho dân trong vùng từ Phát Diệm, Cầu Yên, Điền Hộ, Chính Đại, Đền Sòng, Đò Lèn tới cầu Hàm Rồng, tỉnh lỵ Thanh Hóa.
Điền Hộ cũng là bến của những lâm sản, những bè nứa, bè luồng và các loại gỗ qúy từ mạn ngược Thanh Hóa chở về đây, cung cấp nhu cầu xây cất nhà cửa tại địa phương và các vùng lân cận như Phát Diệm và một phần tỉnh Ninh Bình. Điền Hộ cũng là nơi rất nhiều chum vại từ Lò Chum, một trung tâm sản xuất đồ gốm thật lớn tại tỉnh lỵ Thanh Hoá phía nam cầu Hàm Rồng [đối diện với phía bắc là Đông Sơn của văn minh Trống Đồng], chở về đây để phân phối trong khắp vùng. Nước mắm kẻ Bạng [Ba Làng] được chở vào cửa Thần Phù để từ đây phân phối đi trong vùng rất nổi tiếng. Giữa cảnh sinh hoạt ngày mùa: nào vợ, nào chồng bận bã trong việc đồng áng. Những cánh đồng xanh ngát hàng hàng lớp lớp trong vùng chiêu dân lập ấp tại cửa Thần Phù. Tiếng hát đúm, hát quan họ vẳng lên từ những ruộng lúa con gái đang có đòng đòng chờ ngày trở bông của trai gái trao đổi tình tứ vơi nhau. Những sân rộng phơi lúa, những cót lúa đầy ắp thóc sau ngày gặt lúa.
Rồi những tháng sau ngày mùa, người dân có đầy đủ những thứ sinh hoạt vui chơi : đánh bẫy chim ngói, con nào cũng béo ngậy, đánh bẫy mòng két để rồi xào nấu hay hấp, thêm vào những mùi vị khắp xóm, những chú chim xanh từ núi Chắp Chài béo lân. Xóm làng sau ngày mùa, mùi chả nướng hòa nhập với gạo thơm : gạo dự, gạo tám thơm còn gì thú vị và tình tự khi vợ chồng an vui cảnh thái bình sau ngày mùa, ngồi chia nhau những món hảo vị hòa theo mùi thơm của rượu tăm nổi bọt!. Khi gió heo may bắt đầu nổi cơn, trai tráng trong làng đã chuẩn bị sáo diều, thả những con diều lên cao tắp tít trên bẩu trời. Đêm khuya tiếng sáo đổi chiều thay giọng, chao đảo theo chiều gió đem lại tiếng vi vu vẳng từ dẫy núi Chóp Chài, núi quan Lợn vang sang phía núi Chính Đại ru ngủ giấc bình an cho khắp dân làng. Những buổi chiều tà, trai gái từ thánh đường sau buổi kinh chiều, lũ lượt đi về các xóm : xóm trong , xóm ngoài, chuyện trò ồn ào vui vẻ trong cảnh thanh bình. Nói về phong thủy thì Điền Hộ là đất phát [ dĩ nhiên vì là đất bồi ].
Ở Đầu làng, khi con sông Càn đổi chiều tại đầu làng [ có cây đa cổ thụ], thì giòng tộc ông cố Thủy, họ ngoại của mẹ tôi đều làm ăn khá giả : của dư của để, con cháu đều khá. Từ xóm trong trở ra thuộc dòng tộc cố Trần văn Kỳ, con cháu thay phiên nhau làm lý trưởng, chánh tổng, trông coi việc làng việc nước. Khi qua đình làng là đến lò vôi chị họ tôi là bà trùm Phương, giòng sông đổi chiều. Nước sông xoáy mà địa lý Tả Ao gọi là đất kết, chị họ tôi có người con trai đầu lòng làm giám mục. Cũng tại nơi đây, cả giòng tộc cố phó Trần Văn Sao đều làm ăn khá giả và thành công. Nhìn lại cả hai giòng họ nội, họ ngọai của chúng tôi đều sống sung túc. Khi tới cây bồ đề già cỗi trong làng thì giòng sông đổi chiều ngay trước cửa nhà cô chú của tôi. Phong thủy đẹp và mang lại sự sung túc, giầu sang phú quý : Người con cả làm linh mục, tiến sỹ văn chương Pháp, làm tại hàn lâm việc Pháp ở Paris, người con thứ làm thứ trưởng bộ giáo dục,VNCH, người con gái lấy quận trưởng Nga Sơn, hai người con trai đỗ khoa bảng, một trong hai đã làm tổng truởng kế hoạch cho chính phủ VNCH.
Những người con khác cũng rất thành công và đỗ đạc. Nhích ra một chút là phố xá thịnh vượng, trên bến dưới thuyền. Hai dẫy phố Điền Hộ xây cất đẹp đẽ có đủ mọi mặt hàng cửa tiệm đều thuộc con cháu hai giòng họ của vị đã đứng ra chiêu mộ dân làng. Qua cầu Điền Hộ, nơi phố đối diện có hai ba cơ sở buôn bán, có hai cửa hiệu thuốc bắc, một tiệm đã có lâu đời của cụ Hội Châu. Cụ là vị thày thuốc được uy tín trong vùng. Nhà cụ có phong cảnh đẹp, có núi non bộ, có bến dưới sông trông thật ngoạn mục. Cụ giáo Tuyển có nhà rộng bên sông. Cụ là thày dạy chữ nghĩa cho những con cháu trong làng để gánh vác việc công. Khu này người ta gọi là khu núi Sơn tiền, thuộc làng Văn đức. Tục truyền khi xưa người Tầu thu tích của, chôn ở một hang trong núi này. Người Tầu thường bắt con gái còn trinh, miệng ngậm sâm, bị chôn vào nơi giấu của chờ ngày trở lại, đục hang lấy của trước kia đã cất tại đây.
Bây giờ núi Sơn tiền bị phá để lấy đá, người ta gọi mỏ đá. Xuôi giòng sông Càn, tới phước Nam có giòng họ cụ Hàn Hiệp buôn bán thành công. Nhà ông Tri Lượng có hai người con thành đạt, người con trưởng là bác sỹ, một thời nổi danh trong sở nghiên cứu chính trị của chính phủ tông thống Ngô đình Diệm. Tiếp theo là Mông An, Tân An, rồi đến những cánh đồng thẳng cánh cò bay cho tới làng Văn Hải, tức giáo xứ Văn Hải thuộc địa phận Phát Diệm.
Khu này do cố Trần Văn Kỳ dâng cúng giáo phận khi cụ Trần Lục xây cất nhà thờ Phát diệm. Cụ Trần Lục và cụ Trần Văn Kỳ là bạn với nhau từ thuở thiếu thời. Có lần cả hai cụ cùng bị giam một nơi với nhau trong thời kỳ cấm đạo. Cụ Kỳ hơn cụ Trần Lục 5 tuổi. Khi cụ kỳ mãn phần, trong đám táng cụ Trần Lục cỡi ngựa trắng về đễ tiễn đưa người bạn của mình tới nơi an nghỉ cuối cùng.
Trần Khánh Liễm.
Chú thích ảnh: Tác giả Trẩn Khánh Liễm (trái) tác giả “Cửa Thần Phù”, “Thú Điền Viên”
bên cạnh nhạc sĩ Anh Bằng sát cánh từ thuở thiếu thời tại Ba Làng, gặp lại nhau tại Quận Cam …
Ảnh 1& 3: Tượng Đức Chúa Giêsu làm Vua trước nhà thờ có sự đóng góp của người Việt hải ngoại gốc Điền Hộ về thăm , góp phần trùng tu,