Đoản văn: Ngày Mai Cho Con
Mí quyết định ưng người đàn ông xứ lạ. Lục không hiểu. Mới mấy hôm trước, nghe Lục bàn kế hoạch đi làm kiếm tiền gởi về trả nợ cho ba má, Mí đã xúc động nói không thành tiếng: “Em cám ơn anh, mình không cần giàu sang, chỉ cần anh bảo bọc em…” Lục thấy mình dư sức làm được điều đó.
Mí về kể với má về Lục. Má nói “Ừ thằng đó được. Nó hiền, thiệt thà” – “Hồi đó ba có hiền vậy không má?” – “Ừ… cũng hiền. Mà con trai xứ này thằng nào không như vậy”.
Mí bước ra nhà trước nhìn ba. Ông nằm, giang hai chân hai tay, không phải đang mơ màng mà đang ngất ngây… Khi cưới nhau Mí sẽ gầy gò như má. Lục sẽ ngồi mâm với những người đàn ông cùng xóm. Nếu Mí không hiền như má, mặt nặng mày nhẹ thì sẽ có những cuộc ẩu đả. Khi tiếng kêu khóc của vợ con còn chưa lắng xuống, người trụ cột của gia đình sẽ lăn ra giữa nhà hiên ngang ngáy pho pho. Mặc kệ đám chủ nợ chửi nhoi ngoài cổng. Nợ đó má lén lút mượn nuôi chị em Mí. Ba không dính gì tới chúng. Ba vô can với năm đứa con đang nheo nhéo đòi ăn.
Mí cảm thấy sự kinh sợ, căm ghét, chán ngán trào đầy mắt má khi nhắc về ba. Nhưng họ vẫn sống với nhau tỉnh queo, hy sinh hạnh phúc vì con. Chị em Mí được gì trong cuộc hy sinh này?
Mí sẽ có chồng ngoại quốc. Không tình yêu cũng được. Con Mí có thể cũng như Mí, không được nhìn thấy hạnh phúc của cha mẹ. Nhưng nó sẽ có một người cha nhiều tiền. Còn hơn là có chồng tại xứ, tình thì lợt lạt, tiền thì lôi thôi…
Lục đón đường Mí “anh nghe nói nhiều cô lấy chồng nước ngoài thê thảm lắm, em chịu không nổi đâu”. Mí nhích môi. Vậy chớ làm vợ xứ này thì sung sướng sao? May cũng được, rủi cũng không sao. Dun rủi thành Thúy Kiều qua tay đủ loại đàn ông cũng được. Một đồng bên đó rất có giá, có thể làm cuộc đổi đời, cho Mí, cho mẹ, cho em. Cho quá nhiều người, nhất là cho con. Chẳng phải chỉ cần tiền cưới, Mí đã giúp ba mẹ trả dứt nợ đó sao!
Mí có nghe ở đâu đó câu nói “có những chuyện khó mấy cũng phải quên đi”. Lục nói gì đáng lẽ phải quên sạch một lần khi dứt áo, vậy mà Mí lại nhớ không thiếu câu nào, cả cái câu Lục nói hôm đám cưới Mí: “Mí đi đi, chừng nào chịu hết nổi về nghe! Tôi đợi Mí, đợi tới chết. Tôi không giống ba em”.
Cô lắc đầu, cúi xuống hôn con, hôn miết miết… Làm gì có, chắc là cưới vợ mất tiêu rồi! Vậy mà lúc nằm nghe hơi thở dồn dập của A Trung đổ trên người, lúc cấn thai, lúc đau trở dạ, lúc nuôi con… Mí lại cứ nghe câu nói ấy âm ấm, ngòn ngọt… Xa rồi, câu nào của Lục vọng lại cũng như được kết bằng máu của hắn.
Canh bạc đời Mí tính ra cũng không tệ. Nhà A Trung là một biệt thự hai tầng, có vú nuôi, có của gia bảo. Mí đâu có muốn gì nữa, cũng không còn gì để mất. Tuy A Trung hơi sần sượng một chút, phốp pháp một chút và đôi mí mắt hum húp, khó mà nhìn thấy rõ ánh mắt ấy đang vui hay đang giận.
A Trung cũng đâu có quan trọng Mí có thương anh ta hay không. A Trung chỉ bận tâm soi cặp mắt bum búp vào ví của Mí, lục lọi thư từ mấy đứa em gởi qua, kiểm tra giấy chuyển tiền. Mí thản nhiên ôm ghì con mà hôn. Như người đang bị đắm thuyền giữa biển ôm cứng lấy cái phao mà không biết sau trận sóng này, nó sẽ đưa cô tới bến bờ nào…
Mí đã dựa dẫm vào con trai. Nó còn nhỏ xíu, chưa biết nói nhưng đã mang trong người một sứ mạng không ai thay thế được.
Con trai của Mí không giống cha, nó giống Mí như tạc, giống đôi mắt có hàng lông mi quớt ngược. Đứng từ xa thấy mắt đã nhận ra người. Đôi môi hồng chẻ một đường nhỏ ở giữa, cười lên là người đối diện mất tất cả ý chí. Cái cằm cũng chẻ một rãnh nhỏ. A Trung không hề muốn mất nụ cười đó. Nhưng nụ cười đó trên môi Mí thì anh ta không mua được. Điều đó làm anh ta giống như người đói lùa lia lịa cơm nhai ngấu nghiến lại cắn trúng sạn, ê ẩm tới óc.
(nguồn: Dutule.com)
***
– Vợ thằng Thị, bây qua đây tao cho cặp kiếng đen với cái khăn đội đầu.
– Má, mợ Thị đâu có cận mà má cho cặp kiếng. Vấn cái khăn như má nhìn nực nội muốn chết.
– Thằng mất dại, biết gì mà ăn cơm hớt.
Ví dụ như vì sao mợ Thị giấu tóc. Nó đen nhức nhối, xức dầu dừa mướt rượt nhưng lai búi cục, đội khăn quanh năm. Hình như có lúc Đĩnh cũng hiểu. Nếu mợ để cho nó bay tự do thì lôi thôi. Mấy lần mợ gội đầu, nước con sông dường như không muốn chảy nữa. Thật ra chỉ có tóc không thôi thì cũng không đến nổi. Nhưng nếu nó chảy hai bên, trên là trán phẳng, dưới là từng nét từng nét mượt mà. Đố ai không bị ám ảnh.
Cậu Thị là công tử. Một lần đi chơi nhìn thấy người con gái tóc cột buông dài, vo quần tới gối, bầm chuối, quét nhà, rửa chuồng heo… Chọc ghẹo cỡ nào mợ cũng không cười. Vậy mà say la đà. Mợ nói mợ đã có một đời chồng nhắm thương được không. Cậu hoảng. Mấy ngày kế bỏ ăn. Biết mình không thể quên được người con gái có mái tóc đen nhức đó.
Mợ không sợ bụi, mê tro. Có khi mợ đứng bên mấy gốc cây tạp nhìn tàn lá xanh um, ước tụi nó rụng nhiều nhiều… Rồi tự nhiên thấy mình dã man quá. Mình đã đốt rụi bao nhiêu xác lá?
Đĩnh thấy mình có tội. Nếu nhà Đĩnh trồng còng thì mợ có cái để đốt. Lá còng dầy, cháy tốt nhiều tro. Đằng này nhà Đĩnh trồng toàn gòn. Mà gòn mới đâm tượt được vài thước, lá còn xanh um đã bị Đĩnh đốn, phơi khô xay bột, bán cho bè cá, bán cho xưởng làm nhang. Nhìn cái vườn gòn không có miếng lá rụng, Đĩnh thấy mình vi phú bất nhân.
Bên nhà Đĩnh không có cái gì để mợ Thị có thể gom rồi đốt. Vì má anh cũng thức hồi ba giờ quét sàn sạt, gom gọn ung khói mù trời. Khói đuổi muỗi cho heo, cho gà, cho người. Mùa lạnh còn có thể ngồi quanh đống ung hơ lửa, kể chuyện xưa. Mấy cô gái muốn dễ lấy chồng phải biết quét sân, quét sàn ung lá. Má Đĩnh đã có thói quen này từ hồi mới về làm dâu. Cho nên nhà Đĩnh trước sau không có một cái lá.
Mỗi lần phơi lá gòn Đĩnh luôn tự hỏi mấy cái lá này đốt có nhiều tro không? Lúc cầm thau trút bột gòn vô bao Đĩnh nghĩ cũng là bột lá, sao bột này màu xanh, không bụi, bột tro bụi bay đầy đầu. Mợ Thị mỗi ngày sàng vài chục đống tro. Tro bu đầy hàng mày, hàng mi mướt xanh của mợ. Mắt xanh mi bạc. Không làm mợ già đi, xấu đi, chỉ thấy ngộ. Như là khói giăng mặt hồ. Ai rớt vô đó cũng ngập ngụa mà không hề biết là mình đang ngập ngụa. Hồi năm mợ hai mươi lăm đã có ba đứa con rồi mà mấy anh chàng đi mua tro lần nào tới xứ này cũng ghé hỏi có tro không? Có khi mới bán hai bữa trước bữa sau đã ghé lại hỏi. Mợ nói tro này có người mua rồi. Mợ bắt mối mấy người phụ nữ dù cái thúng họ lớn gấp đôi cái thúng phơi lúa nhà mợ.
Như vậy mới yên thân. Ví dụ thấy một ai đó dòm ngó mợ, cậu hỏi “mày nhìn nó kiểu gì nên nó mới vậy. Đàn bà thiếu gì sao tụi nó xúm dê mày”. Đĩnh thấy mợ hình như cũng đâu có sợ cậu. Chẳng qua mợ không muốn nghe một lời tán tỉnh nào nữa hết. Nghe có thấy vui gì đâu. Tối ngày mợ chỉ lủi thủi với đám tro. Nói chuyện với đống ung. Hơi thở đã mặn mùi tro. Khi vướng vấp đâu đó trong cổ khạc ra cũng chỉ thấy tro.
Mà Đĩnh biết hai thứ bột gòn và bột tro nó giống nhau. Nếu đem đổ xuống đất mười ngày sau chúng thành đất hết. Bột gòn nhà Đĩnh vô bao che chắn kỹ. Mợ Thị không có nhiều bao, không có tấm ni-lông lớn. Nhà mợ tro để đầy cặp bên hông, trước nhà sau nhà đều có tro. Chỉ trừ dưới sàn nhà cậu Thị cất chuồng gà. Mợ chỉ được chui xuống đó quét cứt gà hoặc là lấy tro rãi đuổi đám mạc mẹ, mạc con chớ không được vựa tro chỗ đó. Mùa mưa mợ lấy lá chuối lợp nhiều lớp. Khi bán, một lớp dầy dưới đáy bị ướt không ai mua hoặc là nó đã bị mục thành đất. Như mồ hôi mợ về với đất.
Đĩnh lén má lấy mấy cái bao cũ đem bỏ ra hè, chỗ mợ quét lá. Mợ quét tránh mấy cái bao. Đốt cũng tránh mấy cái bao. Đĩnh tự hỏi vì cái gì mợ không lượm mấy cái bao hốt tro. Vậy thì thôi mợ lùa tụi nó vô đống ung đốt phức cho rồi. Má Đĩnh cằn nhằn.
– Thằng hủy của. Bao tao còn lành bon mà đem giục.
Đĩnh đốn sát gốc một đám gòn, còn đang tiếp tục đốn nữa. Má chạy tới giựt cây dao.
– Thằng trời đánh,mày đốn hết đám gòn rồi lấy lá đâu xay.
– Con trồng còng.
– Trồng còng chi?
– Cho nó rụng lá…
Tới đây thì má của Đĩnh đã hiểu.
– Mày vô đốt nhà, thảy tao vô đó luôn cho nó nhiều tro.
Má Đĩnh thấy mặt anh buồn buồn bà dọ tới dọ lui kiếm mấy cô gái ở xóm trên xóm dưới.
– Má đừng có dọ nữa. Con không lấy vợ đâu.
– Mày tính ở vậy báo tao tới già hả thằng chết bầm
– Con sợ mình có vợ không lo được cho người ta, để người ta khóc thầm.
Đĩnh sợ nghe tiếng khóc thầm của phụ nữ rồi. Sao mà nghe được. Khó nghe lắm. Nhưng mà đã nghe rồi thì vô phương quên. Đó là những tiếng khóc làm không gian đứt gãy. Trở mình nghe ruột gan lăn rổn rảng. Má lắc đầu.
– Trời ơi, con ơi là con. Đã người ta khóc thầm rồi mà mày còn lén nghe làm chi cho nặng lòng nặng dạ không biết.
Mấy ngày sau mợ Thị chặt tre gai về cắm hàng rào. Cậu Thị hỏi mầy có khùng không? Ở đây người ta cất nhà còn không làm cửa, mày làm hàng rào không giống ai hết.
Mợ nói không làm rào ăn trộm nó lấy hết mấy đống tro của tôi. Ăn trộm sát bên vách nhà nè. Cậu Thị tán mợ cái bốp. Mày muốn tao phải đội rượu đi lạy bà con à.
Cái hủ nước mắm để bên hè bữa đó không biết ai múc hết, chế đầy nước thúi um. Mợ nói hồi hôm thấy ăn trộm nó leo qua rào, múc hết nước mắm, đổ nước cho đầy hủ. Mà thằng trộm đó quen lắm. Cậu Thị lại tán mợ cái bốp “đồ ba trợn”.
Má hỏi mày có nghe gì không. Đĩnh cười. Tiếng khóc thầm còn nghe nữa mà. Má làm như do Đĩnh mà mợ Thị bị mấy cái tán đó. Mà hình như Đĩnh cũng thấy đau đau như là chính tay Đĩnh đánh mợ. Đĩnh xòe bàn tay mình ra. Những ngón tay rất thô. Mấy lúc ngồi bên đây nhìn cậu Thị tắm cho gà, Đĩnh cũng thấy những ngón tay cậu Thị kệch cợm như vầy. Anh tán nguyên bàn tay lên mặt mình. Đau tối tăm mày mặt. Anh ngồi gục đầu bên vách nhà.
Đĩnh không dám nhóng mắt qua rào nữa. Mỗi lần muốn nói gì đó cậu không còn nói lớn tiếng. Anh cũng không dám để tai nghe coi bên đó họ đang làm gì.
Mợ Thị có thai nữa rồi. Thiệt khổ. Nó hành mợ oằn oại. Sắc diện mợ chỉ còn phân nửa hồi trước.
Cậu Thị không hay vụ mợ xỉu cũng không hay chuyện thai nghén. Một bữa đá gà thua về ghé nhà người bạn nhậu con gà xác. Xế chiều tới nhà biểu mợ dọn cơm. Mợ đang tắm cho thằng Quệnh ở nhà dưới nói chờ mặc đồ cho thằng nhỏ xong cái đã, không thôi nó lạnh. Cậu đón ngay cầu thang nhìn mợ ghìm ghìm. “Bữa nay mày lý sự với tao hả”. Cậu đá một cái mợ rớt từ sàn nước xuống đất. Cậu Thị bỏ mợ đó, đi kiếm người nhậu tiếp.
Mợ nằm oằn oại giữa vũng trịn trên sàn nước. Bụng cấn vô mấy cục đá kê chỗ lầy. Bụng đau làm mợ không nhúc nhích nổi.
Đĩnh từ nhà bếp của mình phóng thẳng xuống đất, đạp lên rào quỳ xuống đỡ mợ lên.
– Mợ. Tôi không để mợ sống kiểu vầy nữa đâu. Lâu nay tôi nín nhịn lắm rồi. Tôi sẽ đưa mợ đi.
– Dính gì tới Đĩnh mà nói là nhịn. Đi chỗ khác. Tôi không có đi với Đĩnh đâu đừng có nghĩ khùng . Qua đây làm gì, tôi đã rào rồi không thấy sao?
– Một trăm cái hàng rào này tôi cũng đạp. Tôi biết mợ không ghét tôi mà. Tôi sẽ đưa mợ đi nơi nào mợ muốn.
– Dang ra.
Mợ Thị đẩy Đĩnh ra rồi gượng đứng dậy. Nhưng nửa chừng mợ nhăn mặt quỵ xuống. Đĩnh bồng gọn mợ lên chạy re xuống xuồng. Má Đĩnh chạy theo kéo áo Đĩnh lại. Nhưng ngẫm nghĩ một hồi bà thở dài buông áo Đĩnh ra.
Đĩnh bơi xuồng đi có cảm giác mình không muốn ghé đâu hết.
– Đĩnh nên để mợ chết ở nhà. Mợ đã đi một lần, cả đời ngóc đầu không được. Giờ mợ đi nữa mấy đứa nhỏ cũng bị tiếng xấu lây.
– Tôi sẽ đưa mấy đứa nhỏ đi. Tôi có thể nuôi mợ, nuôi ba đứa năm đứa cũng được. Mợ có thể nấu bún, đốt lá sàng tro hay là làm bất cứ việc gì mợ thích. Nhưng tôi không để mợ khóc thầm.
– Đĩnh nghe được tiếng khóc thầm nhưng Đĩnh không biết vì sao mợ khóc đâu.
– Biết chớ. Vì tủi phận.
– Không
– Chớ sao mợ khóc.
– Vì mợ thương Đĩnh, thương cậu Thị.
– Thương sao khóc
– Hai người đều khổ như nhau.
Đĩnh thét lên.
Tôi sao mà giống cậu được. Tôi chỉ muốn giang thân che chắn cho mợ. Tôi không muốn nhìn thấy một cái nhíu mày. Một nét buồn phảng phất qua mặt mợ làm lòng tôi như sát muối. Sao mà giống cậu Thị được. Cậu Thị không phải đàn ông, cậu không phải là người. Giọng Đĩnh nghe rền hẳn lên.
Mợ đã ngủ, Đĩnh ra chợ mua cho mợ thêm mấy tên thuốc, một cái khăn lau mặt, vài bộ đồ. Khi anh về trạm xá mợ đã đi mất. Đĩnh chạy theo. Mợ đã về tới nhà. Người ta nói thấy mợ đi, mặt như sắp lã đi. Ai giúp mợ cũng lắc đầu. Mợ bườn về tới nhà mình, gục bên cầu thang. Mấy đứa nhỏ còn đâu đó trong xóm. Cậu Thị còn say nằm ngáy trên chõng. Mợ nằm đó một mình.
Nhà trước nhà sau lá rụng xao xác. Lá nhiều kìa mợ, ngồi dậy mà gom lá đi mợ…
Suốt đám tang mợ Thị, Đĩnh nhăn nhăn như gặp bài toán khó, không dứt ra được.
Đĩnh nói như là anh rất tỉnh, như một người ngoài cuộc vậy. Nhưng bà má nhìn thấy mặt anh đã bắt đầu có nếp nhăn dù anh mới chớm hai mươi.
– Con còn ngoài cuộc thấy vậy đó. Thử vô vòng với mợ, con không lo lắng ghen tuông thì con không phải đàn ông rồi. Cái đẹp của mợ dễ làm người đàn ông lú lẫn.
VÕ DIỆU THANH