Tuấn Khanh. Vuốt mặt nhìn nhau…
Nguyễn Thị Khánh Minh và nhạc sĩ Tuấn Khanh. (chụp bởi Nguyễn Lương Vỵ)
Vuốt mặt… để trong phút ngỡ ngàng nhìn ra chân diện mục nỗi thất lạc của thân phận chúng ta hôm nay, bởi thấu được can cớ của vong thân mới đau đáu nẻo về.
Vuốt mặt… để trong phút dừng lại chợt ngơ ngác trước nỗi thúc thủ bẽ bàng của lương tri, bởi có bức bách hỏi mới quay quắt đi tìm đáp số.
Vuốt mặt… để cùng nhau, rơi xuống mặt hóa trang đã bao lâu che dấu niềm bi phẫn, bởi nhìn ra trắng đen của khổ đau mới có thể chia sẻ tận tình.
Nhạc lời của nhạc sĩ Tuấn Khanh dường như ẩn dụ tất cả những điều ấy. Hình ảnh theo lời hát như cuốn phim đang kéo đi trong nắng sáng, nơi đây, xứ người. Tôi thấy, nhấp nhô bóng người gùi lưng bóng tối, những con đường đất khô, những dòng sông đục, những tòa nhà cao, những đêm hội hè, ánh sáng phù hoa vẽ những vạt tả tơi trên phận đời bé mọn, mà Tuấn Khanh đã cất tiếng bi ai, Gánh xiếc to trên quê hương nhỏ (*).
Ai đem từng trò hề
Ðem đến thành thị
Ðem đến thôn quê
Ca ca hát hát ê chề
Ðem đến thành thị
Ðem đến thôn quê
Ca ca hát hát ê chề
Ai đem từng trò hề
Che khuất đường về
Gieo rắc u mê
Nơi quê hương đã lắm bộn bề
Vuốt mặt… để ngước lên, mở mắt, nhìn rõ hơn, thấm hơn, nỗi ê chề…
Mở mắt đi nhé
Hãy lắng tai nghe
Quê hương Việt Nam nghe sao bỗng muộn màng
Việt Nam nhìn nhau
Việt Nam nhìn mai sau
Hãy gấp trang báo
Hãy tắt tivi
Ðể thấy quanh ta chỉ là những mộng mị…
…Và tôi cũng thấy con tim mình như thúc giục lên đường
(Hãy Gấp Trang Báo, Và Tắt TV)
Che khuất đường về
Gieo rắc u mê
Nơi quê hương đã lắm bộn bề
Vuốt mặt… để ngước lên, mở mắt, nhìn rõ hơn, thấm hơn, nỗi ê chề…
Mở mắt đi nhé
Hãy lắng tai nghe
Quê hương Việt Nam nghe sao bỗng muộn màng
Việt Nam nhìn nhau
Việt Nam nhìn mai sau
Hãy gấp trang báo
Hãy tắt tivi
Ðể thấy quanh ta chỉ là những mộng mị…
…Và tôi cũng thấy con tim mình như thúc giục lên đường
(Hãy Gấp Trang Báo, Và Tắt TV)
Như bóng mõ làng ôm đàn suốt ngõ ngách quê hương hát rao yêu thương những lời tình tự…
Chúng tôi đang ngồi cùng nhau bên một vuông ốc đảo cà phê, vào buổi cuối xuân. Với tôi, thật là hiếm hoi để được một sáng, cùng nhau, như thế. Rất gần, rất xa, tiếng Du Tử Lê, như vạt nắng rơi xuống từ tán lá ồn ào gió, sóng sánh ánh nhìn. Một chút hồn nhiên từ tiếng nói của Hòa, người bạn trẻ chỉ uống đúng 5 muỗng cà phê, và dường như, chỉ nửa điếu thuốc lá. Giọng sôi nổi Ðặng Phú Phong kể về tiếng chim gọi nhau như giục giã lúc nửa khuya, rồi nữ lang hiện ra trong đoạn văn chưa kết thúc của anh. Nguyễn Lương Vỵ, chấp chới một cõi nhìn xa, thêm chút khói, cho tình bạn lung linh. Sáng nay có một con thuyền xa cập vào ốc đảo. Nguyễn Lương Vỵ đem đến một chiếc loa nhỏ và anh mở một bài hát. Vang lên. Thảng thốt. Sững sờ. Tiếng hát Tuấn Khanh, bật ra như con sóng dội vào bờ bãi những trái tim này. Con sóng ngầm mang sức mạnh từ vực sâu trái tim, cuộn dòng bi phẫn, trái tim của những kẻ dám cất cao lời thề không phản bội quê hương
(NS Tuấn Khanh-Formosa-Những Kẻ Phản Bội Quê Hương, YouTube)
Gánh xiếc to trên quê hương bé nhỏ
Mẹ phải vỗ tay
Mà cười buồn mắt âu lo
Gánh xiếc to trên quê hương cháy đỏ
Người người hỏi nhau
Thì thầm với đắn đo
Mẹ phải vỗ tay
Mà cười buồn mắt âu lo
Gánh xiếc to trên quê hương cháy đỏ
Người người hỏi nhau
Thì thầm với đắn đo
Ai đem từng trò hề
Thay những mộ phần
Chôn lấp nhân gian
Cho quê hương nhỏ bé hoang tàn
Thay những mộ phần
Chôn lấp nhân gian
Cho quê hương nhỏ bé hoang tàn
Sao không đem mộng lành
Trong thế kỷ dài
Mơ tới tương lai
Quên đi bao chia chác tranh giành
Trong thế kỷ dài
Mơ tới tương lai
Quên đi bao chia chác tranh giành
Gánh xiếc to trên quê hương bé nhỏ
Người người lặng yên, u uất trong tim
Gánh xiếc to trên quê hương cháy đỏ
Bài học tự do đâu chỉ cơm no
Người người lặng yên, u uất trong tim
Gánh xiếc to trên quê hương cháy đỏ
Bài học tự do đâu chỉ cơm no
Gánh xiếc to sao không nghe tiếng cười
Tiếng vỗ tay sao như tiếng khóc người
Vuốt mặt nhìn nhau
Bỗng thấy nghẹn lời
Tiếng vỗ tay sao như tiếng khóc người
Vuốt mặt nhìn nhau
Bỗng thấy nghẹn lời
Tiếng nghẹn lời rơi hẫng xuống, cái nặng của vô thanh bắn tung tóe những mũi tên vào tim chúng tôi nhói buốt, âm thanh vỗ tay vọng lên từng tiếng đập của bức bách. Tuấn Khanh hát hay hạt lệ đứt tung từ trái tim ứ nhịp. Tuấn Khanh hát, vang nhịp chân hòa ca trên đường phố cuồn cuộn lòng tuổi trẻ. Tiếng hát ruổi rong, kể rằng, tôi đã thấy đã nghe, một quê hương bé mọn không kham nổi những trò tang thương lớn, đã khóc những hạt lệ nhân chứng của mộng dữ. Sao không đem mộng lành/ Trong thế kỷ dài/ Mơ tới tương lai…
Xin hãy cùng anh, mơ tới tương lai, để biết những viên gạch anh đang kiên nhẫn, ôn hòa, lát trên con đường qua. Và tin rằng mỗi đau khi cúi xuống ngậm ngùi, là mỗi vuốt mặt ngước lên để nhìn rõ ánh sáng giấc mơ. Hãy tự mình chọn lựa, và hãy hy vọng vào tương lai tốt đẹp nhất của đất nước và dân tộc mình. Lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng biết uyển chuyển trước thời cuộc và bất bạo động luôn là phương thức tốt nhất…, là con đường để thay đổi mọi thứ tốt nhất cho quê hương mình. (Thư Cho Người Bạn Trẻ – Tuấn Khanh’s Blog)
Vì vậy mà anh đã hát, đã viết, lời được cất lên từ bệ phóng trái tim thiết tha, hiền lương, nên chấp cánh bay thẳng vào lòng người. Cái nhìn tinh tế, suy luận sắc bén mà mẫn cảm, những câu hỏi sững sờ tâm can, được diễn tả đầy tính văn chương, nên lời của anh là những áng văn hay, và thuyết phục. Tôi thích cái quyết liệt không khoan nhượng với sự bất lương, mà tất cả lại dựa trên nền tảng tình người. Ðúng, trên hết mọi điều, là tính nhân bản trong văn của anh. Tôi ngưỡng mộ điều đó. Nếu muốn nói về văn chương của Tuấn Khanh, tưởng không gì đầy đủ hơn câu của Nguyễn Lương Vỵ, “có tài có tâm và có tầm. ”
Từ cảm xúc khi nghe bài hát trên, tôi muốn ngồi yên lặng để đọc cho bạn nghe, hay chỉ cho mình, thì cũng là điều rất cần thiết cho tôi, lúc này, để thấy được tất cả ý nghĩa của vuốt mặt, của nhìn nhau, của nghẹn lời. Và lực tác động của thiện tâm, chắc không chỉ với riêng tôi.
Vuốt mặt khôn nguôi kéo thành dấu hỏi dài… Nhớ, hình ảnh u khốc trong thơ Nguyễn Lương Vỵ, triệu dấu hỏi lênh khênh như ma trơi trong đêm mộ thế kỷ,… với Hố Thẳm Phía Trước Người Việt mình rồi sẽ sống ra sao? Ðó là câu hỏi như đang bị lãng quên… Loại im lặng mà Tiến Sĩ Nguyễn Ngọc Hiếu của trường Ðại Học Việt Ðức từng nói rằng loại hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ có giá 1 đồng, nhưng nhờ đút lót 3 đồng nên cái gì cũng trôi. Cái gì cũng trôi, số phận con người, nội lực của một quốc gia cũng trôi đi. Tôi bỗng lại nhớ những tấm băng-rôn mà những người lao động Mỹ căng trên các ngả đường vào Walmart: “Bring our America Back” (Hãy trả lại nước Mỹ của chúng tôi). Mùa Xuân này, tôi cũng muốn giăng một biểu ngữ như vậy, “Hãy trả lại một Việt Nam!” một Việt Nam của tôi! (Người Việt Mình Rồi Sẽ Sống Ra Sao? – Tuấn Khanh’s Blog)
Ngồi lại với nhau, vuốt mặt, tinh luyện qua bao nhiêu lần năm tháng, bấy bấy nhiêu sự kiện, vui thì hạn mà buồn muôn trùng, bao giờ thì nó có được phép mầu để khi chúng ta ngước lên thì mọi việc, như mơ biến thành sự thực? Bao giờ?
…Giới văn nghệ hay ngồi lại với nhau, nói đùa rằng nếu có một thế giới khác để đến, nơi đó các gương mặt sáng chói của Việt Nam đang tập hợp đông đủ và vui vầy biết bao nhiêu… nơi hàng ghế đợi của nhà ga chờ những chuyến đi cuối của đời, mỗi ngày lại càng vắng thưa người, nhạt nhẽo hơn, cô đơn hơn. Có khi nào bạn tự hỏi nơi ấy neverland – vùng miên viễn – nơi có đủ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Văn Cao, Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, Hoàng Thi Thơ, Y Vân, Duy Khánh, Ngọc Lan, Duy Quang, Trần Thiện Thanh… họ đang làm gì? Ca hát, hay vẫn còn tiếc nuối cho những gì chưa làm được?… Từng người ra đi. Như những dòng sông nhỏ im lặng chảy dần về quy lộ.
…Hơn 40 năm, con người mải miết chạy lại gần nhau, bất chấp chính trị, bất chấp rào cản về kẻ thắng người thua. Cuộc chạy khôn cùng và nhọc nhằn để nắm lấy bàn tay nhau, như để hoàn thiện bức tranh đất nước đã liền một dải, im tiếng súng nhưng chưa bao giờ thật sự hòa bình. (Lặng Nghe Thời Gian Ðã Mất – Tuấn Khanh’s Blog)
Ôi, gánh xiếc lớn, nhạc sĩ ơi, tôi nghe tiếng nước mắt vỡ theo từng thớ thịt quê hương, theo những cơn biến động nhân gian,
…Nhân dân chỉ được biết sau cùng, khi nghe tin dữ rằng mỗi người đang mang trên lưng món nợ công lịch sử, với 30 triệu đồng/người… Nhân dân mãi mãi là người đến sau trong con đường đến ấm no, thịnh vượng, hạnh phúc… Như những con cá chết oan ức trên bờ biển, chỉ biết sau cùng rằng đại dương không còn là nhà, mà chỉ còn đầy độc dược, những người dân Việt Nam cũng chỉ biết được phần đen đủi nhất được gieo về phía mình, dù chung quanh đầy lâu đài và dự án vĩ đại, như đang phát triển cho ai khác. Nếu như có một thiên đường để đến, có lẽ người dân Việt nhỏ bé như móng tay chúng ta, mãi cũng chỉ là người đến sau. (Nhân Dân Mãi Mãi Là Người Ðến Sau – Tuấn Khanh’s Blog)
…Hình ảnh hàng chục ngàn người chạy xô đẩy tranh nhau vào được khu vực đền Thượng, Phú Thọ làm lễ giỗ tổ Hùng Vương năm nay đã mang lại cho không ít người chứng kiến cảm giác sợ hãi. Không phải sợ hãi vì sự hỗn loạn, đạp nhau có thể thiệt hại nhân mạng, mà kinh hoàng vì đó là hình ảnh của cơn biến động nhân gian, mà tín ngưỡng chỉ là một cái cớ.
…Nếu tĩnh tâm nhìn lại, người dân trên đất nước này đang bị dắt tay đi vào vô số những cuộc vui-biến động nhân gian như vậy… Những người bình tĩnh lùi xa và nhìn ngó các dòng chảy biến động đó ắt hẳn luôn âu lo, không hiểu được trào lưu nào, điều gì đang xô đẩy người Việt giẫm đạp nhau, trở thành những hình dạng méo mó, kỳ lạ với cuộc sống ngày thường từng có… Thế kỷ 19, khi người Pháp đang đô hộ Việt Nam, họ cũng tổ chức vô số các cuộc vui, các lễ hội… để thu hút người dân vào cuộc vui, vào hưởng thụ mà quên tình cảnh đất nước.
…Thế nhưng chúng ta chỉ còn thấy những cuộc diễn tập son phấn rẻ tiền và vô bổ – như chuyện làm những cái bánh chưng hàng tấn, những tô mì khổng lồ để dâng cho ngày giỗ tổ, cho lễ lạt trong khi những đứa trẻ đói khát vẫn còn đầy ở vùng cao nguyên, những vùng khô hạn và cứu đói ngày càng dài trong danh sách… Những cuộc biến động nhân gian vui cười không ngớt ấy như đang dẫn dắt khiến người Việt vô tâm hơn, tham lam hơn, ích kỷ hơn, và người Việt không còn biết thương người Việt. Những cuộc biến động nhân gian trình tự đó, một ngày nào đó rồi sẽ dẫn đến một đổi thay khôn lường. Con người rồi sẽ đứng ở những biên giới mơ hồ, vuốt mặt nhìn nhau và tự hỏi tại sao chúng ta phải trả giá cho những điều này? (Những Cơn Biến Ðộng Nhân Gian – Tuấn Khanh’s Blog)
…Vì sao chúng ta cần những sự thật lịch sử? Vì sao phải cần ghi vào sách giáo khoa cho con cháu về sau? Câu hỏi nghe chừng có vẻ ngớ ngẩn – nhưng không phải là không cần đặt ra lúc này. Vì bởi lịch sử làm nên nhân cách và dân tộc tính của mỗi quốc gia. Lịch sử tạo nên những con người có ý thức rằng dân tộc mình đã tồn tại với thất bại và vinh quang như thế nào. Lịch sử dặn dò rằng con người nhỏ nhoi nhất có thể trở nên vĩ đại nhất, nếu vượt qua và sống sót. Tựa lưng vào lịch sử đầy đủ và trung thực, con người có thể tìm thấy cho mình cái nhìn sâu sắc, giá trị giúp cho từng thế hệ đi tới. Lịch sử không để dùng nuôi giữ hận thù hay phục vụ cho mục đích nào đó, ngoài việc dâng tặng cho tri thức tử tế và sinh tồn… (Sao Lại Làm Ngơ Cuộc Chiến 1979 Trong Sách Giáo Khoa? – Tuấn Khanh’s Blog)
…Người Việt đang bị đay nghiến là những kẻ độc ác với đồng loại. Rất nhiều chứng cứ cho thấy tâm tính ngàn đời của dòng giống Lạc Hồng đang vào cơn lốc thay đổi đến chóng mặt… Thật khác biệt với những gì lịch sử ghi chép về một đất nước mà Nguyễn Trãi viết Bình Ngô Ðại Cáo để không phải mở đại sát giới, phát lương thực cho kẻ quy hàng hồi hương…
…Người Việt đang trong một quá trình lọc máu tim mình, học đòi theo những hình mẫu khác và đánh mất dần sức mạnh thật sự của mình là sự hiền lương… Cái ác của người Việt trong cuộc sống, được nói tới lúc này, cũng như những kẻ hành hương mang trái tim hiền lương đi về phía trước, nhưng rồi bất ngờ phải tàn bạo để có thể sống sót. Ðức Phật nói con người hiền lương là con người mạnh mẽ nhất. Chúng ta đang bị đầu độc tư duy để làm suy nhược sự hiền lương của dân tộc này, đất nước này. (Cái Ác Trỗi Dậy, Vì Người Việt Không Còn Niềm Tin – Tuấn Khanh’s Blog)
…Ði về miền Tây Việt Nam, chứng kiến những câu cầu mới, xây vội vã theo các dự án, nhưng giờ đây cũng vô dụng vì lòng sông đã cạn khô. Thật là một nghịch cảnh khi nghĩ đến những cây cầu khác đang quỵ xuống ở đâu đó, chìm dưới làn nước. Mà không chỉ là cầu, mà kỷ niệm và dấu vết văn minh của người Việt cũng đang chìm dần trong làn nước. Nếu chúng ta không biết yêu quý những gì đã có. Chúng ta mải mê chạy theo những đại lộ xa xôi và sẵn sàng bỏ quên những thứ đã có, hoang phế và đạp đổ di sản của tổ tiên mình, thì không chỉ những cây cầu, dòng sông sẽ chết, mà cả niềm tin và hy vọng của chúng ta rồi cũng không còn… Trên những chuyến đò, trên các chuyến xe liên tỉnh… Người ta đang râm ran nói về nơi mình đến – miền lục tỉnh bao la sông nước-nhưng giờ thì đang chết dần. Những vùng đất dồi dào sản vật của miền Nam có thể sẽ chỉ là chuyện kể như trong cổ tích. Rõ là một quốc gia đang bị bao vây. Và bao vây một cách êm đềm vì người ta không nghe tiếng kêu cứu hay phản đối đúng mức cho sự sinh tồn của dân tộc mình… (Khi Chúng Ta Bị Muôn Trùng Vây – Tuấn Khanh’s Blog)
…Nhà ga Kami-Shirataki, Nhật, sẽ đóng cửa vào Tháng Ba này, và mở ra một ký ức văn minh hết sức ấm áp cho nước Nhật cũng như cho thế giới. Nhà ga nhỏ… duy trì phục vụ cho một hành khách duy nhất, là một nữ sinh đi học hàng ngày… trở thành huyền thoại trong thế giới hiện đại, vốn đang nghèo khó sự chia sẻ và lòng bác ái… Chuyện nhà ga Kami-Shirataki làm tôi nhớ đến người lái đò ở Cồn Sơn, Cần Thơ. Vùng đất miền Tây lặng lẽ và hiền lành này nếu được ai đó viết lại, cũng là một chuyện truyền kỳ đáng ngưỡng mộ trong cuộc sống này.
Ðể đi đến vùng… xanh tươi cây trái Cồn Sơn, phải đi qua một con sông. Phương tiện duy nhất nối hai bờ là chiếc đò của chị Bé… mỗi ngày lái hàng chục chuyến đò miễn phí cho dân chúng ở Cồn Sơn, từ 5g sáng cho đến 9 giờ tối. Rất nhiều chuyến, chị chỉ chở một học sinh, thậm chí chỉ một con vịt được gửi qua bên kia bờ… Tên thật của chị là Nguyễn Hoàng Dịch Thủy. Cái tên đẹp và ý nghĩa như công việc ngày thường của chị. Ở Nhật, người ta giữ lại một nhà ga cuối cho một học sinh. Ở Việt Nam, người phụ nữ vô danh ở miền Tây xô vạt một con sông để chắt chiu một ngôi làng, 49 gia đình với già trẻ lớn bé không họ hàng thân thích gì với chị cả… Tháng Ba này nhà ga Kami-Shirataki dự trù sẽ đóng cửa vì cô nữ sinh tốt nghiệp vào đại học, sẽ ở lại trên thành phố lớn. Còn con đò Dịch Thủy ở miền Tây thì vẫn ngược xuôi, không hẹn ngày nghỉ. Phật dạy rằng gánh nặng lớn nhất trong đời người là yêu thương. Người đàn bà miền quê đó lặng lẽ mang hết những gánh nặng đó trong đời, với nụ cười chai sạm hết sức hồn nhiên. Con đò như đời người, như một công án thiền mênh mông, không màng lời giải… Một ngày nào đó, liệu chúng ta có còn cơ hội để học về những con người bình thường – những con người không âm mưu danh lợi hay quyền thế, không chà đạp nhau mà chỉ muốn cho đi với sự bao dung như một con đò vô danh? (Huyền Thoại và Vô Danh – Tuấn Khanh’s Blog)
Tôi cũng có niềm tiếc xót ngậm ngùi thốt lên phải chi như nhạc sĩ… Phải chi những câu chuyện đầy tình người như thế được đưa vào chương trình giáo dục để gieo hạt nhân ái, bao dung, và thế hệ con cháu chúng ta sẽ là quả lành, khôi phục lại sức mạnh thật sự của mình là sự hiền lương (TK).
… Mới đây, báo Tuổi Trẻ có đưa ý kiến của một giáo viên về chuyện nạn Cờ Ðỏ trong các nhà trường. Ðây không phải là ý kiến đầu tiên được nói lên, mà lâu nay đã là những điều băn khoăn của giới phụ huynh và các nhà xã hội học, rằng việc trao cho những đứa trẻ trong cùng một môi trường công việc rình mò, theo dõi bạn bè mình và quyền lực “báo cáo” để trừng phạt có phản lại giá trị giáo dục chung hay không? Hơn nữa, bệnh thành tích và quyền lực giả tạo đó tạo nên những ảo tưởng và sự dối trá như một thói quen cho những đứa trẻ, sẽ tạo ra những nhân cách và phẩm chất gì cho xã hội trong tương lai?… Ở thế kỷ 21, việc mơ ước rằng các ngôi trường trên đất nước này chỉ có giáo dục – và thuần túy giáo dục mà thôi – có phải là một điều quá nhiêu khê? (Khi Trẻ Em Bị Gieo Mầm Dối Trá Và Bạo Lực – Tuấn Khanh’s Blog)
Lại ước chi, có những vị quyền cao chức trọng, sau khi ngồi cùng bạn trẻ nghe Tuấn Khanh hát, vuốt mặt nhìn nhau, bỗng đưa ra quyết định diệu kỳ, đưa vào môn Công Dân Giáo Dục từ cấp tiểu học, như lúc nào đó rất xưa, người ta dạy rằng, biết ngả mũ chào một đám tang đi qua, biết kính yêu người già, em bé, biết giữ gìn hạt cát cọng cỏ. Ðưa vào chương trình bài diễn văn bảo vệ môi trường của cô bé Severn Suzuki, 12 tuổi, để người ta biết khóc vì động thực vật đang bị bức tử khắp trái đất, như nước mắt của cậu bé 6 tuổi Henry Marr ở Washington vừa mới đây trước cảnh con chim bị mắc nghẹn vì bao nhựa do con người thải ra. Tưởng là hợp lý thuận tình để có một chương trình giáo dục như thế, ấy vậy mà lại thèm thuồng, Ước chi! Tại sao một cậu bé 6 tuổi xứ người biết nói rằng: “Hành tinh này đang bị con người phá hoại. Mọi người chỉ biết đối xử thô bạo với trái đất này”? – Ðó là kết quả của giáo dục. Không có chương trình giáo dục đúng, văn minh, nhân bản, thì, Tận Thế, Ðến Từ Chúng Ta, tận thế nhiều kiểu, không riêng gì môi trường.
…Nếu tận thế là điều có thật, có đúng là chúng ta sẽ phải chứng kiến những nghịch cảnh đó? Chúng ta phải chấp nhận nhìn thấy sự sụp đổ của các nền pháp trị bằng bản năng thú tính, chấp nhận lọc lừa và quy lệ mới phục vụ cho bóng tối và sinh tồn bầy đàn? Ðó quả là câu hỏi mà thế giới đặt ra qua các phương tiện nghệ thuật. Và nếu bước qua giai đoạn diệt vong đó, liệu loài người có khả năng hồi phục được nhân tính và nền văn minh của mình không?… Tận thế có nhiều hình dạng. Tận thế đến từ lúc con người tự hoại điều tốt đẹp nhất của mình. Tận thế đến khi chúng ta cố gắng gìn giữ sự tử tế trong mình nhưng hoàn toàn cảm thấy cô đơn và sợ hãi.
Ở một xã hội mà mọi giá trị bị đảo lộn, con người sẽ co cụm trong hang sâu của chính mình, không còn niềm tin vào bất cứ điều gì nữa. . Tất cả những chia sẻ của loài người thiếu niềm vui tương lai, mà chỉ là run rẩy nối kết với nhau với kinh nghiệm sinh tồn chưa bao giờ được dạy, chưa bao giờ được biết trong nhà trường hay trong một cuộc đời tử tế. Nhưng bạn cũng có thể nhìn thấy chồng chất những mệt mỏi và thờ ơ mà chúng ta trải qua từng ngày, những cam chịu và lãng quên phận người chung quanh trong xã hội hôm nay, mặc cho lẽ phải bị dày vò, nhân tính bị hoán đổi… đó chính là những dữ liệu hấp dẫn cho những kịch bản đón chờ một loại ngày tận thế. Ðôi khi không phải cho thế giới, mà dành cho chính bản thân chúng ta. (Tận Thế, Ðến Từ Chúng Ta – Tuấn Khanh’s Blog)
Thêm vào những ước chi ở trên một điều nữa, ước chi… Một ngày, vuốt mặt sẽ có sức mạnh như câu thần chú Vừng Ơi, cánh cửa ngôi nhà Việt Nam bừng mở, nơi có một Bộ Hạnh Phúc, thống kê nước mắt nụ cười người dân,
Ðầu tháng 1, 2016, tại các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), người dân ở đây được giới thiệu Bộ Hạnh Phúc, do bà Ohood Al Roumi làm bộ trưởng, mà theo như chính quyền thông báo, thì bộ này có quyền hạn bổ sung, lèo lái các chính sách chung nhằm đem lại “niềm vui và sự thỏa lòng” của dân chúng trong đời sống hiện tại… Hạnh phúc, quả có một hạnh phúc cho mỗi cuộc đời con người trên trần thế, nhưng mong manh và hư ảo làm sao. Thậm chí con người vẫn luôn lầm tưởng rằng mình đang hạnh phúc, với những nhu cầu được biện giải giản đơn của trần thế như tiền bạc, xác thịt, danh vọng… Hạnh phúc vẫn có thể bị lãng quên hoặc lạc nơi xó xỉnh nào đó giữa những nhu cầu con người ngày càng phức tạp, đến mức Liên Hiệp Quốc phải ấn định ngày 20 tháng 3 hàng năm là ngày International Day of Happiness để mỗi người tự xem lại đời mình đã thật sự có phút giây hạnh phúc nào chưa?
…Nhà văn lừng danh của Nga M. A. Solokhov (1905-1984) khi bị mật vụ Nga tố tập 2 của bộ tiểu thuyết Họ Ðã Chiến Ðấu Vì Tổ Quốc “có vấn đề,” ông buộc phải đốt bản thảo này, và trả lời với an ninh văn hóa rằng “tôi hạnh phúc với miếng bánh mì của mình…” Năm 1972, vua Jigme Singye Wangchuc của Bhutan đã từng gợi ý rằng nước này sẽ đặt ra một chỉ số đánh giá mang tên “Tổng Hạnh Phúc Quốc Gia” (Gross National Happiness/GNH) và coi trọng hơn hoạt động kinh tế của mọi chính sách công… Hạnh phúc là nơi gương mặt con người, nơi tự do và lời nói về cuộc đời mình đang có. Hạnh phúc không rõ ràng như thấy ở đám đông vui cười mặc veste, đi xe hơi và nói tiền tỉ. Hạnh phúc có thể nằm ẩn sâu trong những đôi mắt im lặng nhìn chúng ta, những cái nhìn có thể làm chúng ta thao thức. (Mật Mã Hạnh Phúc – Tuấn Khanh’s Blog)
Vuốt mặt, để được mơ. Biết đâu ở một tương lai nào, giấc mơ của Tuấn Khanh hiện thực. Có một cô bé bước ra từ truyện lãng mạn của Nicholas Sparks (*), đi dạo trên bờ biển Nha Trang, cô nhặt được một cái chai có lá thư… Ôi sức mạnh của mơ mộng và niềm tin, khiến người nhạc sĩ ngày xưa ấy đã gói ước mơ, hy vọng vào cái chai thả vào tương lai, chiếc chai trôi đi bao thời gian để giờ đây khi cầm lá thư trong tay, cô biết rằng, nước Việt mình thời xưa ấy sao khác thế, không khí lúc này cô đang thở, cô cảm thương thời xa xưa ấy, người đã,
…Tôi viết vội bản tường trình về thành phố bị bao vây, mọi thứ được bỏ vào một cái chai, thả vào tương lai. Tôi gửi đi với niềm hy vọng chưa bao giờ mạnh mẽ hơn lúc này. Vì lẽ,… tôi nhận thấy những tiếng hát vang – đã ngày càng lớn – của những con người công chính về một ngày mới sẽ đến tốt đẹp hơn.
Tôi có gửi thêm trong chai một câu chuyện cổ xưa của người Ấn Ðộ. Câu chuyện kể về những ngày tháng thế gian dị động. Ngày tháng có rất nhiều dạng súc sinh mang hình dáng người, trà trộn vào trần thế để tung hoành nhưng chúng sớm bị phát hiện, bởi vẫn còn nguyên vẹn trái tim loài súc sinh. Tôi muốn nói rằng chúng tôi – thế hệ chúng tôi, có cả những người rất trẻ – đã từng kiêu hãnh vì thật sự là con người trọn vẹn nơi thành phố đó. (Tường Trình Từ Thành Phố Bị Bao Vây – Tuấn Khanh’s Blog)
Cầu xin cái khoảng thời gian, của người khi thả ước mơ vào chai và của cô bé khi nhặt được chai trong bầu không khí sạch trong, không quá dài, để ta còn cơ hội được nghe những lời hát thực sự chắt ra từ hạnh phúc, và câu chuyện thành tựu ước mơ của người nhạc sĩ ấy không chỉ là cổ tích…
Con người rồi sẽ đứng ở những biên giới mơ hồ, vuốt mặt nhìn nhau và tự hỏi tại sao chúng ta phải trả giá cho những điều này? (TK). Ý thức rõ cái biên giới mơ hồ ấy sẽ xô đẩy người ta nghiêng về phía bất thiện để sinh tồn, hoặc giả sẽ dồn ta đến chân tường thúc thủ, nên có lẽ điều vực dậy là đây,
…Ít phút với sự thật mỗi ngày, là cơ hội làm người, là điểm tựa nhỏ nhất để ta không rơi xuống đáy vực suy đồi… ít giây phút đó để con tim còn đập dồn máu nóng… Ít phút để tập lại sự căm giận cần thiết. . Dành chút thời gian cho sự thật, bạn có cảm thấy cái chết?. . Sự thật là ngọn lửa âm ỉ, và luôn bùng cháy sáng rực khi được khơi gợi, rộn rã như ngày hội của lương tri.
…5 phút mỗi ngày với sự thật, là một bài tập để từng người chúng ta cứu lại phần ung dung đời mình đã mất, biết đâu. (5 Phút Mỗi Ngày Với Sự Thật – Tuấn Khanh’s Blog)
Cảm ơn nhạc sĩ Tuấn Khanh truyền đi thông điệp tình người. Cảm ơn những giây phút vuốt mặt nhìn nhau, cảm ơn 5 phút mỗi ngày với sự thật, để nhận chân thiện ác. Cảm ơn nhạc sĩ đã bồi vào bờ trái tim người hạt nước mắt phù sa lấp lánh, để bùng lên ngọn lửa hy vọng chuyền tay nhau, tiếp sức trên con đường chạy đưa chúng ta đến tương lai, nơi người Việt Nam được sống tử tế là một hiển nhiên, nơi – tự do không chỉ là cơm no – như Tuấn Khanh viết, như Tuấn Khanh đang đi theo thời gian, trầm hùng hát. Ðể cuối đường kia là nơi chúng ta quây quần vỗ tay ca ngợi cuộc sống đang cho chúng ta cảm nhận thế nào là hạnh phúc, để chúng ta được thong dong mơ những giấc mơ lãng mạn.
Santa Ana, Jun 5, 2016
(*) Gánh xiếc to trên quê hương nhỏ – Nhạc Tuấn Khanh
(**) Nicholas Sparks, nhà văn Mỹ, tác giả cuốn Message in a Bottle (1998).
(**) Nicholas Sparks, nhà văn Mỹ, tác giả cuốn Message in a Bottle (1998).
Nguyễn Thị Khánh Minh
(Nguồn: Quán Văn-NV)
Đôi dòng về nhạc sĩ Tuấn Khanh:
Tuấn Khanh bắt đầu chơi nhạc cho nhiều ban nhạc trẻ Sài Gòn và sáng tác nhạc từ năm 17 tuổi.Năm 20 tuổi, anh học thêm các ngành luật, báo, tiếng Anh. Anh đã từng được đài truyền hình Rai International (Rai Italia) của Ý trao tặng giải thưởng cho các tác phẩm của mình. Vào năm 2001, anh được bình chọn là một trong 10 nhân vật trẻ của Đông Nam Á có ảnh hưởng đến cộng đồng chung, do tạp chí East Magazine tổ chức. Năm 2003, Vào năm 2007, anh là thành viên Ban giám khảo chương trình Việt Nam Idol. Chắc hẳn từ những lời phản kháng về vấn đề Biển Đông, đã cô lập anh với địa bàn văn nghệ trong nước từ đó. Anh từng tuyên bố từ nay sẽ không tập trung vào khuynh hướng sáng tác những ca khúc tình ca thông thường mà chuyển qua những đề tài xã hội và đặc biệt hơn, anh sẽ không xin phép kiểm duyệt các đĩa nhạc của mình mà tự phát hành trên mạng. Năm 2004, ca khúc “Trả Nợ Tình Xa” nổi tiếng và quen thuộc ở hải ngoại, đến năm 2016, nổi bật với “Hãy Tắt TV, Hãy Gấp Trang Báo”… đều được trình diễn trên sân khấu ca nhạc Trung Tâm Asia.
Từ đó những đề tài viết về bảo vệ Biển Đông, và những đề tài xã hội và cuộc thay đổi tư duy và ý thức con người trong hoàn cảnh thiếu tự do dân chủ ngày nay.