Khoa Cát: những tâm tình riêng trong đoản văn
Nhiều người bạn của chúng tôi thổ lộ rằng khi xem những chương trình của các đài truyền hình Việt Nam tại hải ngoại họ rất thích thú về ý nghĩa và phong cách thu hút của chương trình: “Lời Vàng Ý Ngọc” do xướng ngôn viên Khoa Cát thực hiện phần dẫn chương trình cùng với người phụ trách phần nội dung là Giáo Sư Quyên Di (cơ sở Tuổi Hoa) …
Được biết giáo sư Quyên Di luôn mang tinh thần trẻ trung từ những năm phụ trách tạp chí thiếu nhi Tuổi Hoa, mà trước 1975 tòa soạn được đặt ngay sau nhà sách Công Giáo tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, đường Kỳ Đồng Việt Nam. Trước đây ông cũng từng làm MC cho Trung Tâm Mây Production của đạo diễn Trần Thăng qua những video mang tên “Những Ngày Xưa Thân Ái”, “Điệp Khúc Mùa Xuân”, “Những Nẻo Đường Việt Nam và Lóng Lánh Tình Yêu”.v.v.
Giáo Sư Quyên Di hiện phụ trách giảng dạy chương trình Việt ngữ và Văn Hóa Việt tại Đại Học UCLA (University of California, Los Angeles); California State University, Long Beach; chương trình Sư Phạm Song Ngữ tại California State University, Fullerton, và chương trình thần học bậc tiến sĩ tại trồng thần học Công Giáo Oblate School of Theology, San Antonio, Texas.
Với một thời khóa biểu giảng dậy đầy kín giờ giấc hàng tuần và thì giờ cuối tuần dành cho các sinh hoạt giáo dục, văn hoá nghệ thuật, trong đạo và ngoài đời, giáo sư Quyên Di vẫn giữ phong thái hòa nhã, thoải mái trên các chương trình truyền thanh và truyền hình, đặc biệt là chương trình “Lời Vàng Ý Ngọc” cùng với Khoa Cát, một chương trình thu hút rất đông khán thính giả mọi lứa tuổi, có thể xem trực tiếp trên truyền hình hay computer, cũng như qu ahệ thống vệ tinh Galaxy hoặc xem lại từ các youtube…
Điển hình, mới đây chúng tôi xem chương trình “Lời Vàng Ý Ngọc” giới thiệu về các món ăn nướng ngon, rẻ tiền của người Việt. Cuộc trò chuyện của hai người thật lôi cuốn và hấp dẫn, không những chỉ vì cách miêu tả sự hấp dẫn của món ngon mà còn qua cách nói chuyện từ tốn của hai người phụ trách chương trình ..
Những lời khen dành cho cô Nguyễn Khoa Cát Nguyện, được rút gọn là “Khoa Cát”, đã thu hút chúng tôi tìm đến trang nhà Facebook của cô với những hình ảnh và những đoản văn do cô đăng tải hoặc viết ra… để đọc được sự trong sáng, trong suốt và có sức thu hút không khác gì nụ cười lôi cuốn, khoan thai của cô trên màn hình…
Chúng tôi ghi lại ba đoản văn của Khoa Cát, ghi lại những kỷ niệm nhỏ nhưng sâu sắc và đầy cảm xúc của cô…
1: Nhà Tôi Bán Tạp Hoá
Cứ mỗi lần đọc Murakami là liền có tâm trạng phải thú nhận một điều gì đó. Không hiểu sao Murakami lại có biệt tài làm người ta phải sống thật với chính mình và mọi người, mặc dù con người thật của mình thật nhiều khiếm khuyết.
Không hiểu sao tôi nhớ về thời niên thiếu của mình, thời kỳ thiếu tự tin và hay xấu hổ về mọi chuyện. Nhà tôi bán tạp hóa!
Đó là câu mà tôi không thể thốt nên lời khi còn nhỏ. Vì sao vậy?
Vì tôi xấu hổ lắm, tôi không thích nhà mình buôn bán những thứ lặt vặt như xà bông tắm, giấy vệ sinh, đến cái bánh cái kẹo cho mấy đứa trong xóm. Tôi luôn trốn trong nhà mỗi khi bố mở cửa hàng, cảm thấy khổ sở khủng khiếp khi bố nhờ trông coi dùm cửa hàng khi ông phải đi đâu đó. Tôi ghét buôn bán, ghét luôn cả khách hàng, nên nhiều khi những người khách quen trong xóm chẳng hiểu vì sao con bé này lại hay lầm lầm lì lì.
Trong tất cả những món hàng nhà tôi bán, tôi ghét nhất là dầu hôi. Vì sao ư? Vì dầu hôi rất hôi, và vì một lý do vô cùng tế nhị nữa, là vì tôi không thích đong dầu. Khi dầu hôi được mua về, bố tôi đựng trong một can nhựa lớn. Can nhựa có một cái miệng rất nhỏ, đủ để bỏ vào đó một dụng cụ dùng để hút dầu lên và đong thành từng lít cho khách. Lúc đó tôi không thể nào hiểu nổi, tại sao chúng tôi lại phải bán thứ sản phẩm đó, và càng không hiểu người trong xóm mua nó về để làm gì. Tôi đâu biết người dân trong xóm lao động chúng tôi vẫn phải nấu ăn bằng dầu hôi và những ngày cúp điện thì phải chong đèn dầu nữa. Nhà tôi thì sung túc hơn một chút, đã được dùng bếp điện từ lâu nên tôi nào có biết. Nhưng dù sao vào thời điểm đó, tôi cũng rất ghét dầu hôi và cái đồ bơm dầu ồn ào kia. Buồn thay, tôi không thích đong dầu một, thì tôi cảm thấy xót xa 10 khi nhìn thấy bố hoặc mẹ tôi phải làm hành động đó. Bố hoặc mẹ phải ngồi chồm hổm, hoặc quỳ một chân xuống đất, một tay giữ ống bơm, tay còn lại phải kéo lên kéo xuống một cây cần dài trong ống bơm để bơm dầu lên. Tôi buồn bã và xót xa vô cùng khi thấy bất kỳ người thân yêu nào của tôi phải làm điều đó, nên cuối cùng tôi quyết định giành việc bơm dầu cho mình. Bất cứ khi nào có mặt tôi ở cửa hàng, tôi đều giành việc bơm dầu. Làm riết thành quen, tôi không còn thấy dầu hôi là hôi nữa, tôi thấy mùi của nó vô cùng đặc biệt, thứ mùi hăng hắc có thể làm cho người ta ghiền hồi nào không hay. Có khi bơm dầu ướt cả tay, nhưng chỉ một lúc sau, dầu và mùi dầu bay đầu mất, thế là tay tôi như vừa được bôi một lớp kem dưỡng mịn màng, cũng thích.
Nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó, điều sung sướng khi có cửa hàng tại nhà, đó là tôi được thỏa thích ăn bánh kẹo mà không phải trả tiền, đã vậy còn vô cùng hào phóng mời bạn bè khắp nơi, đương nhiên là cũng len lén thôi. Tôi không sao quên được mùi vị thơm tho, béo ngậy của những chiếc bánh hạnh nhân hay tai mèo được đựng vô cùng gọn gàng, bắt mắt trong những cái keo to bằng thủy tinh trong suốt. Tôi phải bắc ghế leo lên mới có thể với tới những thứ ngọt ngào này.
Nhưng cũng có những điều không thích chút nào khi nhà bán tạp hóa, đó là không thể tự mình đi mua quà sinh nhật cho bạn. Lúc nào cũng phải chọn trong đống hàng hoá có sẵn của tiệm, ôi thôi chán chết, điều này làm tôi chẳng bao giờ tự tin khi các bạn mở quà, món quà của tôi luôn là xà bông hay dầu gội đầu, khỏi mở vì ai cũng biết.
Nhưng ngao ngán hơn cả là khi đi học, mỗi lần phải viết hồ sơ sơ yếu lý lịch, đến mục nghề nghiệp của bố là tôi lại băn khoăn không biết phải viết thế nào cho phải. Mẹ tôi thì dễ rồi, mẹ làm cho bưu điện mấy chục năm nay nên chỉ cần đề là Công Nhân Viên Bưu Điện là xong. Còn bố tôi lại là một ca khó, không lẽ lại ghi là bán tạp hóa à? Tôi luôn ao ước bố có một nghề nghiệp gì đó mà có thể gọi thành tên, như kỹ sư hay giáo viên chẳng hạn. Nhưng tôi có biết đâu, bố tôi sinh vào cái thời kỳ loạn lạc, có được miếng ăn đã khó, nói chi tới việc có được một công việc như ý. Sau này tôi mới biết, vừa học xong trung học 18 tuổi đầu là mất nước, bố phải cùng ông bà nội kiếm tiền lo cho các bác trong trại tù cải tạo, mặc dù bố vô cùng thích học, thích được đến trường (điều này hoàn toàn ngược lại với con gái bố sau này, là tôi, vô cùng lười học). Bố luôn nói, ước gì có ai cho bố đi học, bố sẽ đi học suốt đời (Ôi, sao mà kinh thế). Bố cưới mẹ và tạo dựng cuộc sống từ con số không, nuôi tôi khôn lớn đủ đầy, vậy mà tôi cứ thắc mắc hoài về cái danh xưng nghề nghiệp vô nghĩa kia. Có lần nghe người lớn nói chuyện, thời buổi này mấy ông giám đốc toàn là mua chức mua quyền, tham nhũng hối lộ, tôi ghét lắm. Tới khi nghe bạn bè khen một cô bạn có ba làm giám đốc, tôi liền nhảy vào nói giám đốc toàn là mua chức quyền chứ không có thực tài, tôi liền bị cô bạn nọ mắng cho một câu “vậy sao ba mày không ngon đi làm giám đốc đi”, tôi liền thẳng thắn trả lời “tại ba tao không thèm” mà trong lòng mừng rỡ nghĩ “may quá, bố mình không làm giám đốc”. Năm đó tôi 7 tuổi, chưa thật sự biết giám đốc là gì nữa trời, mà đã ghét người ta như vậy đó.
Rồi cuối cùng tôi cũng biết phải viết gì ở mục nghề nghiệp của bố trong sơ yếu lý lịch. Hôm đó, tôi liếc trộm qua nhỏ bạn ngồi kế bên, không ngờ nó cũng cùng hoàn cảnh như tôi, nhưng nó khôn hơn tôi, nó biết chính xác phải ghi gì. Tôi viết bố tôi làm nghề “buôn bán”.
Khi nhớ lại khoảng thời gian đó, tôi không khỏi xấu hổ, vì sao tôi ngày xưa lại đi xấu hổ về một chuyện đáng tự hào như vậy. Tôi đã không biết bố tôi đã rất vất vả tìm mọi cách để tôi có cuộc sống đầy đủ hơn. Tôi đã không biết lao động chân chính, cho dù là nghề nghiệp gì, đều xứng đáng được tôn trọng. Giờ đây, Murakami làm tôi phải “xưng tội” về những gì làm tôi vô cùng xấu hổ khi xưa. Phải nói lời cám ơn đến cái ống bơm dầu ngày xưa đã cho tôi mạnh mẽ hơn, cám ơn bố mẹ đã không giận con khi con cảm thấy xấu hổ về công sức lao động của bố mẹ, và cám ơn Murakami đã cho tôi đủ dũng khí để có thể viết ra những dòng chữ này. (Thở phào nhẹ nhõm)
2- Rừng Na Uy và Murakami
“Trong Rừng Na-uy, thân xác là nơi trú ngụ và phương tiện biểu cảm tự nhiên nhất của tình yêu. Không những hoàn toàn không phải là một “dâm thư”, mà ngược lại, Rừng Na-uy là cuốn tiểu thuyết bắt người đọc phải nhận thức được sự ngu xuẩn của mọi thứ dâm tính trong thị trường văn chương, phim ảnh, và trong chính ý nghĩ của con người. Rừng Na-uy chinh phục được độc giả toàn thế giới vì nó đã giúp giới trẻ (và cả những người không còn trẻ nữa) nhận ra cái cao cả theo nghĩa triết học và tự nhiên của tình yêu. Cái cao cả không còn núp bóng lí tưởng và lãng mạn, mà công khai trực tiếp trong tấm lòng trung thực dũng mãnh của tuổi trẻ.
Đọc Rừng Na-uy rồi, tôi chắc bạn sẽ nghĩ nhiều về bản thân mình. Về người mình yêu. Về bạn bè. Về bố mẹ anh chị em trong nhà. Bạn sẽ nghĩ, và sẽ nhớ đến lời những nhân vật trong Rừng Na-uy, và thực sự cảm thấy sung sướng vì máu nóng đang chảy trong huyết quản bạn, vì bạn đang sống, vì tình yêu là có thực. Và bạn sẽ muốn chạy đến với người mình yêu mến nhất để nói rằng bạn hỡi, chúng ta hãy trung thực với nhau, cùng làm quen và chấp nhận những bất toàn của nhau, vì chỉ có vậy chúng ta mới có thể tìm thấy bình yên và hạnh phúc.”
3- Nhớ Bạn.
Hôm nay, tự nhiên nhớ bạn Từ Ái Trinh da diết! Lần đầu tiên hai đứa gặp nhau trong một dịp vô cùng đặc biệt đối với cuộc đời Trinh.
Năm đó, cô bé Trinh vào khoảng 10 tuổi, mặc một chiếc áo đầm thật xinh, khuôn mặt dễ thương, hiền lành luôn gây thiện cảm cho người đối diện. Cô bé bình thản ngồi bên quan tài mẹ, mặc cho xung quanh người người ra vào ồn ào, tấp nập, vì khi đó, cô bé nghĩ rằng, mẹ mình chỉ đang nằm ngủ đó thôi. Khi nhìn thấy hình ảnh đó, Mình đã biết chắc tụi mình sẽ là bạn thân của nhau.
Từ đó, hai đứa không rời nửa bước, mỗi buổi sáng đều được bắt đầu với tiếng gọi “Ca ơi Ca”, hoặc “Trinh ơi Trinh”. Sau đó thường là đi công viên tập thể dục, ăn yaua tám chuyện, trên đường về là một bữa ăn sáng thịnh soạn bên một quán lề đường.
Trưa xuống, hai đứa rủ nhau chơi đủ thứ trò, từ nhảy dây, thảy đá, banh đũa… lúc nào tụi mình cũng là đội vô địch, Ái Trinh há…
Từ đó, hai đứa không rời nửa bước, mỗi buổi sáng đều được bắt đầu với tiếng gọi “Ca ơi Ca”, hoặc “Trinh ơi Trinh”. Sau đó thường là đi công viên tập thể dục, ăn yaua tám chuyện, trên đường về là một bữa ăn sáng thịnh soạn bên một quán lề đường.
Trưa xuống, hai đứa rủ nhau chơi đủ thứ trò, từ nhảy dây, thảy đá, banh đũa… lúc nào tụi mình cũng là đội vô địch, Ái Trinh há…
Nói đến nhảy dây thì không thể không nhắc tới mấy bộ đồ bộ của Ái Trinh vì nó góp phần rất lớn vào cái vũ điệu duyên dáng của bạn. Ở nhà, Trinh hay mặc những bộ đồ bộ vải in hoa, được cắt may khéo léo với tay cánh tiên, phần chân cắt ngang đầu gối có viền bèo nhún xòe ra, xoay xoay nên khi nhảy dây, Trinh như đang biểu diễn khiêu vũ vậy, thích lắm. Ca luôn ước gì có được bộ đồ bộ như vậy (tới giờ vẫn chưa toại nguyện hihi…).
Trưa nào không được đi chơi, tụi mình trùm mềm trốn trong phòng xem hình của nhau và của các bạn. Có mấy tấm hình xem tới xem lui mãi mà không thấy chán, vì trong đó có hình các bạn trai mà tụi mình thích, 3 tháng hè không được gặp nhau, cũng thấy có gì đó hơi xao xuyến, Trinh nhỉ
Còn những buổi trưa được đi bơi là thích nhất, nhớ có 1 lần bơi xong, trên đường về, Mình thấy có 1 xe bán mận Hà Nội nhìn ngon quá, 2 đứa chưa được thử lần nào, Ca hào phóng móc 2000 đồng còn sót lại mua đãi bạn, nhưng không ngờ bà bán mận chỉ đưa cho mình có 3 trái. Không thể chấp nhận được sự bắt nạt như vậy, vì 2000 đồng mua được rất nhiều mận Sài Gòn thì tại sao chỉ mua được 3 trái mận Hà Nội, Ca tức quá phải tranh đấu đòi lại công bằng, một là bán thêm, hai là trả tiền lại. Trinh thì hiền khô đứng im, chẳng nói gì, cứ kéo tay áo Ca nói “Thôi, đi đi”. Ca tiu nghỉu đi về, lòng buồn vô hạn khi lần đầu tiên hiểu được cảm giác bất lực của sự thấp cổ bé miệng. Mận Hà Nội sao mà chua lét và đắng chát
Còn khi đi học hai đứa cũng đi chung dù khác trường, nhưng không bao giờ chia tay ở ngã rẽ mà luôn đi đến tận trường đứa này, rồi đứa kia mới đi bộ một mình đến trường mình. Học xong thì hớt ha hớt hải chạy bay qua trường bên kia để đón bạn rồi cùng nhau ăn một ly chè hoặc kem thật ngon, nếu Ca hết tiền thì đã có Trinh lo hihi…
Vậy mà giờ đây, ngày trọng đại của Trinh đến gần mà Ca không thể về tham dự, trong lòng áy náy và buồn vô cùng…
Vậy mà giờ đây, ngày trọng đại của Trinh đến gần mà Ca không thể về tham dự, trong lòng áy náy và buồn vô cùng…
Trinh ơi! Không biết phải làm gì hơn, chúc bạn bước vào cuộc đời mới viên mãn, luôn được hạnh phúc. Giờ đây đã có người thương yêu và che chở cho Trinh, hẳn mẹ sẽ rất vui khi thấy con gái luôn mỉm cười. Chúc mừng bạn của tôi.
(Khoa Cát)
Chú thích ảnh:
1- Khoa Cát và GS Quyên Di trên show hàng tuần: “Lời Vàng Ý Ngọc, ngoài những giờ đọc tin tức của đài….
2: Khoa Cát và những tấm ảnh trong album riêng
3- Khoa Cát và con két nuôi trong nhà thân thiết, ảnh chụp được dùng trong show Lời Vànjg Ý Ngọc tháng 3-2017 với chủ đề “Những Con Chim Biết Nói”