Trần Quảng Nam:
Trần Quảng Nam lắm lúc phải đi, phải đi qua những con đường dài. Phải đi qua tháng ngày tăm tối, phải đi qua cái tôi trần gian. 30 năm trước đây – Tình yêu của NAM cho phép những ca khúc của anh ra đời. Nỗi đau và niềm hân hoan làm thành bào thai sinh nở ra âm nhạc. Âm nhạc như thế là tình yêu, là trong bản thân nó hàm chứa một cõi nhân sinh bề bộn những khổ đau và hoan lạc. Không có bất hạnh và nụ cười có lẽ âm nhạc cũng không thể có duyên ra đời. Anh đã đi qua những nghiệt ngã, đi qua nắng mưa bụi trần, đi qua tiếng cười nước mắt, phải tin yêu đắng câu đời nhau, lắm lúc anh phải quên, phải quên đi biết bao ưu phiền, phải quên đi dối gian hận thù…
Mỗi ca khúc của NAM lại cho mỗi người những rung động khác nhau. Tiếng hát của NAM trong đêm của 30 Năm Tình Cũ vẫn khát khao, mộng mơ chới với trong tình yêu buồn man mác, nhưng NAM đã đến với khán giả từ niềm tin và sự can đảm đương đầu với nghịch cảnh cuộc sống. Là hiểu được cái tôi trong sâu thẳm tâm hồn mình, biết lắng nghe tiếng nói từ trái tim và biết hy sinh cho người khác hơn là chỉ nghĩ đến bản thân. NAM đã sống…sống mạnh mẽ hơn trong đêm đó, biết tạo ra niềm vui và tận hưởng niềm vui trong từng khoảnh khắc của cuộc sống.
Tôi biết nhiều lúc NAM đã sống hụt hẫng, chơi vơi, sống trong nỗi cô đơn ngạo mạn của mình, lạnh lùng, bất cần tất cả, nhìn ai cũng thấy giả dối. Dòng nhạc đầu tiên đến với đời anh 30 năm trước đây, như điềm báo trước cho số phận của một cuộc đời. Cho đến bây giờ, anh vẫn tưởng như mới đâu đây, tưởng chừng như ngày hôm qua…Vậy mà đã hơn một phần tư thế kỷ, thoáng như một giấc mộng du. 30 năm qua, anh chỉ biết ghi lại những cảm xúc của mình qua âm nhạc… để giữ lại khoảnh khắc của những rung động trong đời.
Vì sau này, dù cho anh sẽ không còn hiện hữu nơi đây, thì tác phẩm của anh vẫn còn đó, giữa trần gian này, khi sự sống trên trái đất còn hiện hữu…
30 năm qua, Anh đã trải qua biết bao nhiêu nhẫn nhục, phấn đấu, học hỏi, nuôi dưỡng trái tim mình, bằng những sáng tác đã viết lên, và đó cũng là hạnh phúc đích thực của chính anh. Anh đã thật sự diễm phúc, khi gởi gấm được niềm hạnh phúc hay nỗi bất hạnh của mình vào trong âm nhạc, và được chia sẻ tâm sự của mình đến với tất cả mọi người. Anh lúc nào cũng cảm tạ cuộc đời này, đã cho anh nếm trải những buồn vui của kiếp sống, để anh hiểu được rằng, hạnh phúc hay nỗi đau, cũng chỉ là một cảm nhận hữu hạn trong phút chốc. Chỉ có tình yêu đích thực, mới đem lại sự bình an vĩnh cửu cho thế giới của chúng ta đang sống hôm nay…
Trên đời này đam mê nào cũng có cái giá của nó. Nghệ thuật là nỗi đam mê đắt giá nhất, đau khổ nhất, và bất hạnh nhất.. vì khó tìm một tri âm hiểu mình. Triết gia Alfred de Musset đã viết “The most despairing songs are the most beautiful, and I know some immortal ones that are pure tears” những ca khúc hay nhất là những ca khúc được sáng tác trong lúc đau khổ nhất, đầy ắp những nước mắt. Đó chính là nỗi buồn khi không ai “TOUCH NAM from the Inside”
Nghệ thuật là sáng tác của linh hồn – ít ra, nó phản ảnh hoặc chuyên chở được linh hồn (hay con tim) của mình. Những sáng tác nghệ thuật thành công là những sáng tác nối liền hai linh hồn hay hai con tim, giữa kẻ sáng tạo và người thưởng ngoạn. Ở đó, nghệ thuật đã tự nó đã đi vào chiều sâu của tư tưởng. Của tâm linh. Ở đó, nghệ thuật có một linh hồn riêng của chính nó. Cho chính nó. Tuyệt đối. Vĩnh cửu.
Đời sống có rất nhiều trói buộc cho những kẻ mà sự sáng tạo nghệ thuật không nằm trong phương diện toàn thời. Những vật lộn với mưu sinh, những chắt chiu với thời gian hầu như đã làm cho những sáng tác nghệ thuật, và thân phận của nó sau khi nó ra đời, trở nên hẩm hiu hơn bao giờ hết. Nhưng có khi chính những trói buộc đó đã trở thành mầm mống của nhu cầu sáng tạo, cơ hồ để thỏa mãn cho một cơn đói linh hồn, mà thức ăn là tác phẩm, khi tư tưởng đã thành hình. Linh hồn phải tự nuôi cơn đói của chính nó khi nó bị trói buộc bởi những đòi hỏi của cuộc đời.
Kẻ sáng tạo có thể vì đòi hỏi của linh hồn mà quì gối với cuộc đời, nhưng không thể nào vì đòi hỏi của cuộc đời mà quì gối với linh hồn, với con tim. Đó là dòng nước giữa hai bờ sông – một bờ là lý trí, một bờ là lương tâm. Kẻ sáng tạo vả chăng là người đã bắt được cây cầu qua giòng nước đó trong chính linh hồn mình. Sáng tạo, vả chăng, không chỉ là lao vào tận cùng vực thẳm. Mà là sống.
Kẻ sáng tạo có thể vì đòi hỏi của linh hồn mà quì gối với cuộc đời, nhưng không thể nào vì đòi hỏi của cuộc đời mà quì gối với linh hồn, với con tim. Đó là dòng nước giữa hai bờ sông – một bờ là lý trí, một bờ là lương tâm. Kẻ sáng tạo vả chăng là người đã bắt được cây cầu qua giòng nước đó trong chính linh hồn mình. Sáng tạo, vả chăng, không chỉ là lao vào tận cùng vực thẳm. Mà là sống.
Điều quan trọng không là sống ở mức độ nào, đầy vơi nào, rộng hẹp nào. Mà là sống thật trọn vẹn điều mình muốn sống. Cần sống. Sẽ sống. Phải sống. và cho đến giờ vẫn chưa ai “TOUCH NAM from the Inside”.
Những ai yêu dòng nhạc của NAM, họ cho những ca khúc là niềm hạnh phúc đón nhận từ tác phẩm những chấn động tâm linh thật sâu đậm, những thoát thai của tư tưởng về các biên giới chưa từng, những đỉnh cao hay vực sâu của ý thức. Còn người sáng tác ra những ca khúc ấy, hạnh phúc là ký thác vào tác phẩm của mình những đầy vơi của cội nguồn rung cảm, những đáy huyệt của mặc niệm tư duy, những cơn bão cuồng điên cuối chân trời khát vọng.
Trần Quảng NAM yêu và sống chết với nghệ thuật, không thể thiếu; tôi thường ví có thể nào trẻ thơ sống bên ngoài lòng mẹ? Cám ơn âm nhạc, văn chương và những thứ chung quanh đời sống này đã cho tôi đã cho NAM, đã cho những người bạn yêu mến NAM – Marie Tô Ngọc Thủy, Lê Quốc Dân, anh Nhã, Uyên (Norway), Bùi Thanh Tuấn, Nam Quan, Tiến Chỉnh, Nguyễn Tiến Đức, Hoài Phương, Lê Hoàng Hiệp, Trịnh Nam Sơn và còn nhiều nữa những cảm xúc tràn ắp những điều thuộc về cõi tâm hồn và trái tim của người nghệ-sĩ, biết yêu thương và yêu thương nhiều như tháng cùng năm của tất cả loài người!
Trong sâu thẵn của đáy trái tim NAM
…có chút mưa đã không thể thành giọt nặng
…có chút khói cay lòng mắt – có chút men cay tim mềm
…có chút tình lắt lay – có đam mê dứt day
…có chút khói cay lòng mắt – có chút men cay tim mềm
…có chút tình lắt lay – có đam mê dứt day
Mà rồi cũng chỉ là ảo mộng trong một góc quán mờ. Mờ đủ che lấp tên người đang choáng ngập trong đầu, những tâm tư không thể thoát ra. Bởi vì không thể thoát ra nên cứ quánh đặc lại tại chốn nào lẩn khuất trong khoảng tim vẫn còn đâu đó chưa bị tổn thương đến mức chối từ mọi kháng tuyệt.
Nhưng biết chắc rồi cũng sẽ đến lúc vỡ òa
thành khói
thành men
thành hoang mạc trong ký ức
hoang mạc đến mức tàn nhẫn không thể dám ghi nhẹ một tên người lên trên chốn đó. hoang mạc đến mức đau đớn không thể chấp nhận thêm một lần nữa cái tên ấy lại gây thêm một vết xát lên trên chốn đó.
trên chốn đó… chỉ còn có thể nhẹ nương lương thiện những lần nào đó cho ta quay về. Rũ đi mỏi mệt. Rũ đi ê hề. Rũ đi nuối tiếc của một lần chia tay cuối không hề trọn vẹn, không hề ước hẹn…
Ừ thôi về thôi…
về lại chốn không Người
về lại chốn không tên Người
về lại chốn ta-không-ta….
về thôi nhé ta…!
để rồi không một ai “TOUCH NAM from the Inside”
Lê Xuân Trường
Chú thích hình:
1- Đêm nhạc Trần Quảng Nam thành công trên VietMaxim với từ phải sang trái: Trần Quảng Nam, nhạc sĩ Hoài Phương, ca sĩ Đồng Lan, casĩ/người điều khiển chương trình Lê Hoàng Hiệp và tác giả Nhạc sĩ Lê Xuân trường
2- Ca sĩ Đồng Lan trước poster show nhạc tại Lạc Cầm với MC Lê Xuân Trường và nhạc sĩ Trần Quảng Nam
2 Attached Images