Trần Việt Hải giới thiệu
Los Angeles (TH) Suốt mấy ngày Lễ Chúa Giáng Sinh, tôi đọc lai trang tin từ Cỏ Thơm (WA-DC) cũng phổ biến xa gần vào dịp Giáng Sinh với nhiều chủ đề về nhiều nhạc sĩ có ca khúc Giáng Sinh, tiêu biểu cho năm nay là Ave Maria (nhạc và lời Văn Phụng) về Nguyễn Văn Đông và nhớ về tác giả “Bài Thánh Ca Buồn” của Nguyễn Vũ một thời Đặc Khu Rừng Sát- Nhà Bè (1972).
“ Hằng năm cứ mỗi dịp gần Noel, vào độ cuối đông tiết trời se lạnh, dường như đã trở thành thông lệ, chúng ta lại nghe thấy giai điệu quen thuộc của “Bài Thánh Ca Buồn” vang lên khắp nơi. Gần nửa thế kỷ trôi qua, vào dịp lễ Giáng sinh, bản tình ca ấy vẫn cứ thản nhiên len lỏi vào tâm thức từ người dân đô thị đến những chòm xóm nhỏ, còn quen thuộc hơn cả thánh ca vì chan chứa chút tình riêng lãng mạn.
Đã 42 năm trôi qua, giờ đây khi đặt câu hỏi, trong số các bài hát việt về Giáng Sinh, ca khúc nào phổ biến nhất, câu trả lời chắc chắn sẽ là “Bài Thánh Ca Buồn” của nhạc sĩ Nguyễn Vũ, không ngừng ngân vang từ các phòng khách gia đình cho đến hội quán, vũ trường, sân khấu ca nhạc và màn ảnh truyền hình .v. v….
Elvis Phương không phải là ca sĩ đầu tiên hát “Bài Thánh Ca Buồn”, và có lẽ cũng chẳng phải là người hiếm hoi hát, nhưng anh đã là người mặc định cho ca khúc một vị trí hoàn hảo, thổi vào đó dạt dào những cảm xúc từ khung trời kỷ niệm pha trộn giữa mùa Noel xưa và nay, một chút gì tiếc nuối, xa vắng, kết hợp giọng hát ở không gian cao, rộng, khoan thai, phát âm lời ca rõ ràng, lắng đọng, để người nghe luôn yêu mến…
Trở lại với nhạc phẩm “Bài Thánh Ca Buồn” vốn là một sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Vũ, phong cách lúc bấy giờ rất hiền hòa bên lề cuộc chiến’ lãng đãng trong không gian âm nhạc và tình cảm lãng mạn của mình. Khung cảnh SàiGòn 1972 thời chiến, tức cách đây đã 45 năm và ca khúc của anh đã được hãng đĩa Sơn Ca ‘đặt hàng’ đáp ứng các chương trình ca nhạc Mùa Noel… , nam ca sĩ Thái Châu là người thu âm sớm nhất, rồi đến những Elvis Phương, Khánh Ly, Julie Quang, Vũ Khanh, Hồ Lệ Thu, Y Phương, Trường Vũ, và nhiều youtube song ca như Đàm Vĩnh Hưng-Mỹ Tâm… và còn rất nhiều hơn nữa, cũng như trên Thúy Nga, Asia Entertainment, SBTN-TV cũng không thiếu ca khúc này trong các show diễn Giáng Sinh nhiều không kể hết như NgaMy và Lê Hoàng Hiệp v.v….
Nhạc sĩ Nguyễn Vũ có thời thơ ấu đã sống ở Đà Lạt. Chính thành phố sương mù này đã tác động nhiều đến bước đường nghệ thuật của ông.
Năm 12 tuổi (1956), cậu bé Tuấn Khanh từng đoạt giải nhất đơn ca thiếu nhi do đài phát thanh Đà Lạt tổ chức. Năm 23 tuổi, Nguyễn Vũ có bản nhạc đầu tay “Huyền Thoại Chiều Mưa”… áo Tím Mùa Thu, Bài Cuối Cho Người Tình, Ga Chiều Phố Nhỏ, Hiện ông có coi sóc lớp nhạc và dạy đàn, ở Sài Gòn. ông có 4 người con gái đều đã trưởng thành nhưng không có ai theo nghiệp âm nhạc của cha
Mỗi ca khúc đều có một số phận, giống “Em đã thấy Mùa Xuân Chưa” của Quốc Dũng cũng thai nghén thời mới lớn… Với Nguyễn Vũ cũng thế… sau hơn 45 năm khi ca khúc ra đời, cha đẻ của Bài Thánh Ca Buồn – nhạc sĩ Nguyễn Vũ – vẫn sống động với cảm xúc thố lộ: “Tôi không nghĩ ca khúc này lại được nhiều khán giả yêu mến đến thế. Khi viết ca khúc ấy, đơn giản tôi đang hoài niệm quãng thời trai trẻ của mình. Cái thời 14 chỉ dám ngắm nhìn người tôi mến, không dám mở lời làm quen”.
Các đoạn văn tìm thấy hàng loạt trên Google như: “Nguyễn Vũ kể rằng năm 14 tuổi, ông bị mê đắm bởi một cô gái người Công Giáo tại thành phố Đà Lạt sương mù. Tình cảm ấy khiến ông cứ lẽo đẽo theo cô trên đường đến nhà thờ. Trong một lần tan lễ, trời mưa rất to, cả hai đành phải trú mưa chung dưới một hiên nhà. Lúc ấy cũng đúng ngày lễ Giáng Sinh. Cô gái và người nhạc sĩ đều im lặng. Khi nghe ca khúc Silent Night (Đêm Thánh Vô Cùng) phát ra từ nhà bên cạnh, cô gái lẩm nhẩm hát theo, hình ảnh ấy cứ ám ảnh người nhạc sĩ cho đến nhiều năm sau đó, “trái tim của một gã trai mới lớn thổn thức đến tội nghiệp nhưng lại không có can đảm để làm quen”.
Theo lời một nhà báo cùng trong quân chủng Hải Quân kể lại những kỷ niệm thân thương về anh Hạ Sĩ Nhất Hải Quân Nguyễn Tuấn Khanh trong quãng thời gian anh ký tên Nguyễn Vũ vài tháng trước Giáng Sinh đã hoàn tất ca khúc “ấp ủ“ 14 năm này mới viết được thành ca khúc.. gửi gấm phát thanh trên các làn sóng phát thanh thời ấy…
Vào năm 1972, Nguyễn Vũ đã viết lại cảm xúc của mình”dù không bị ảnh hưởng nhu cầu khi phục vụ trong Hải Quân hoặc kiếp sông hồ, biển cả và những chuyến hải hành lênh đênh của người thủy thủ… như: “Gửi Em Đất Liền” , “Chuyện Một Loài Chim Biển”, “Mưa Thu”, “Sao Rơi Trên Biển”. Cũng dễ hiểu vì trong giới văn nghệ lúc ấy còn có nhiều nhạc sĩ trong quân chủng khác như Anh Thy, Vũ Thái Hòa, Trường Sa, Anh Vũ… họ cũng giống nhau cho ra đời những khúc hát về đại dương, sông nước và các cuộc tyình đẹp của người Lính Thủy
Và “Bài Thánh Ca Buồn” trong quãng đời quân ngũ của tác giả cạnh Đặc Khu Rừng Sát ?.
Bấy giờ là mùa Thu 1972, nhạc sĩ Nguyễn Vũ đã có tyên tuổi sánh vai cùng những nhạc sĩ trong Quân Chủng Hải Quân, dù cuộc sống của anh rất hài hòa, khép kín, đấy là khoảng thời gian anh phục vụ tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 3 Sông Ngòi tại Biên Hòa và thường xuyên được biệt phái về Giang Đoàn 22 Xung Phong. Một doanh trại nhỏ rất dễ thương cuối đường cùng của Nhà Bè cạnh Đặc Khu Rừng Sát. Chúng tôi chỉ thủ thỉ hát cho nhau nghe đặc biệt là sáng tác mới của Nguyễn Vũ…
Lúc ấy , anh vẫn kể về những ca khúc đã đóng góp, có bóng dáng người lính thủy, biển cả – đại dương theo nhu cầu của thính giả tiền tuyến lẫn hậu phương qua các làn sóng phát thanh…
Những bài hát anh đang ấp ủ, có lẽ anh giấu kín không phô trương, nhưng anh có thể dễ tính hát cho những bạn thân trong đơn vị.
Một người bạn Hải Quân của Nguyễn Vũ kể: “… người nhạc sĩ dáng thư sinh rất dễ thương, mặc quần lính Hải Quân xanh, và áo lính thủy xanh lợt ngắn tay, dáng dấp anh mảnh mai như học trò dịu dàng trong lời ăn tiếng nói, có chiều sâu và nét suy tư. Trong hai túi quần một túi nhét chiếc mũ polo trắng, một túi kia là chiếc bóp đen khá dầy, trong ấy chứa đựng những bảo vật và kỷ niệm đẹp của một cuộc tình… đẹp đang nâng niu, mà anh sẵn sàng san sẻ niềm vui và ạnh phúc anh có để tâm tình cho bạn…”
Bảo vật của Nguyễn Vũ mở bóp ra khoe bạn rất là giản dị: hai cùi vé ciné mới đi chơi với bạn gái, một vài tấm hình, những dấu vếty của cuộc hò hẹn ngọt ngào, những kỷ niệm thân thương mà người nhạc sĩ năm ấy đã 28 tuổi, nhưng hiền lành và nói năng ngọt ngào thân thiết như cậu sinh viên 18 tuổi…
Trong khung cảnh những ngày mưa bên sông Nhà Bè, căn cứ bên sông nơi có chiếc tầu sắt cũ rỉ Anita, có câu lạc bộ nhỏ sát cạnh cây đa bên bờ nước.
Không xa lắm chừng vài trăm mét là căn cứ Đặc Khu Rừng Sát, căn cứ Hải Quân Nhà Bè nơi mà nhạc sĩ Thiện Lý (lúc ấy là chỉ huy phó căn cứ Hải Quân Nhà Bè) là nơi ông đã viết “Mưa Bên Kia Sông“?… Cũng là thời gian tại nơi đây, Nguyễn Vũ đã được giới sản xuất các tác phẩm âm nhạc thúc đẩy anh phát hành ca khúc về Noel, và “Bài Thánh Ca Buồn”, ký ức từ thời 14 tuổi của chàng thư sinh lính thủy rất nâng niu kỷ niệm, không chỉ trong chiếc ví luôn chất chứa, mà trong ký ức là những khúc nhạc nhẹ nhàng do anh sáng tác gợi nhớ kỷ niệm mà anh chắt chiu…
Đối với một tác phẩm nổi tiếng “Bài Thánh Ca Buồn” đúng là một ca khúc đã vượt qua sự thử thách của thời gian, lưỡi kéo kiểm duyệt, để trở thành hiện tượng âm hưởng, xứ sở, một không gian lãng mạn bình yên giữ riêng trong tâm hồn trên quê hương vào thời binh lửa… chứa đựng giá trị nghệ thuật, nét đẹp của không gian một thời, khiến cho tác phẩm phẩm vì thế được cả những người theo đạo Thiên Chúa, cả những người ngoại đạo đều yêu thích.
Một câu chuyện tình lãng mạn nhưng tinh tế và chân thật của một mùa Noel kỷ niệm, hơi phảng phất buồn, nhưng không bi lụy vang lên, vang xa trên các làn sóng phát thanh mỗi mùa Giáng Sinh…
Ở Việt Nam, dù không chính thức nhưng Giáng sinh dần dần được coi như một ngày lễ chung, thường được tổ chức vào tối 24 và kéo sang ngày 25 tháng 12. Ngày nay, ngoài việc cộng đồng công giáo tổ chức lễ Noel theo những nghi lễ của tôn giáo nghiêm trang của mình, lễ Giáng sinh còn là một dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhộn nhịp của nhiều tầng lớp dân chúng nói chung, không là của riêng những người theo đạo Chúa nữa…
(như những ý tưởng chia rẽ thiển cận), Noel luôn là một ngày Hội hơn là một ngày Lễ.
Đã 45 năm kể từ khi ca khúc “Bài Thánh Ca Buồn” ra đời, đến nay vẫn được nhiều người nghe, thích và tiếp tục hát, bao gồm xu hướng trẻ trung hóa. “Bài Thánh Ca Buồn” đã thực sự trở thành một trong những ca khúc trữ tình lẫn thính phòng tha thiết được nhiều người Việt và nhiều ca sĩ đáp ứng sự ưa chuộng, đã chọn hát trên sân khấu vào mỗi dịp Giáng Sinh.
Nhân Lễ Giáng Sinh 2017, anh bạn Hải Quân ngày xưa, kết thúc cuộc trò chuyện: “… Mình luôn nhớ đến Nguyễn Vũ, nhìn hình ảnh của anh hiền hòa… hiện vẫn sống ở SàiGòn ngày nay- sau 45 làm việc chung thời xưa, nhìn thấy anh đàn hát qua các youtube khiến tôi nhớ đến “chiếc bóp” của Nguyễn Vũ, chất chứa những gì anh cất giữ và nâng niu những kỷ niệm, cũng như những thương yêu lãng mạn trong cuộc tình mơ mộng ẩn trốn trong xứ thần tiên riêng… của người nhạc sĩ. Và cho đến nay một số ca khúc về cuộc đời lính thủy của Nguyễn Vũ vẫn còn vang vọng quanh chúng ta trong tủ Nhạc Vàng, nổi bật hơn cả vẫn là: “Bài Thánh Ca Buồn”…
Trần Việt Hải
(nguồn Cỏ Thơm)