Tôi Đi Xem Chương Trình Vinh Danh Nhạc Sĩ Đại Tá Nguyễn Văn Đông (cập nhật 29-4-2018)
Nói là đi xem thì không đúng hẳn, vì tôi đứng phía sau hậu trường nhiều hơn, vì trước đó hai tuần, Trung Tâm Thúy Nga gọi cho bà xã tôi Phượng Mai, nhờ đạo diễn cho Như Quỳnh – Kim Tiểu Long – Hoài Tâm trong một trích đoạn Cải Lương mà lúc sinh thời cố nhạc sĩ – đại tá Nguyễn Văn Đông đã yêu cầu.
Chương trình có 2 xuất diễn buổi trưa và buổi tối, tôi không thể xem xuất buổi trưa vì đã hứa với nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát làm MC cho chương trình nhạc đấu tranh của anh (Nhạc Chiều Tháng Tư – Hát cho những bạn tù và bằng hữu) tại Thư Viện Việt Nam Toàn Cầu.
Khi tôi đến rạp Saigon Performing Arts thì xuất thứ nhất đã gần xong, toàn bộ bãi đậu xe của khu này chật cứng, phải khó khăn lắm tôi mới tìm được chỗ đậu xe để vào rạp.
Mặc dù cũng là người từng tổ chức show, từng nhiều lần chứng kiến sự tất bật của nghệ sĩ và cũng từng nhiều lần … nhức đầu với những diễn biến bất ngờ trong các show văn nghệ, tôi cũng không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy cách tổ chức chuyên nghiệp và đầy tinh thần của các nghệ sĩ.
Trươc đó vài tuần, Trung Tâm Thúy Nga và cô Tô Ngọc Thủy-Huỳnh Thi (ảnh trên) nói riêng (*) đã phải đương đầu với áp lực nặng nề, khi bị một nhóm người vu cáo cho Trung Tâm Thúy Nga là làm ăn với CS. Mặc dù cô Tô Ngọc Thủy đã nhiều lần giải thích rằng trung tâm Thúy Nga là của riêng gia đình của cô điều hành không hề bán cho bất cứ ai hay có đầu tư gì của CS, khi xảy ra sự kiện đài Truyền Hình ViệtFace TV có chương trình thiện nguyện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở VN, thông qua đài truyền hình Vĩnh Long trong nước, và cô Hạnh Lê con gái của ông giám đốc truyền hình Vĩnh Long làm việc cho ViệtFace TV trong vai trò của một Marketing.
Vụ này có lẽ tôi không nhắc lại, vì câu chuyện tôi đã kể lại cho mọi người nghe trong bài viết trước đây và những lời giải thích của cô Tô Ngọc Thủy. Ở đây tôi chỉ nói đến cái áp lực khi cô Tô Ngọc Thủy phải đương đầu, khi những kẻ “chụp mũ” Thúy Nga, chỉ muốn “giựt giây” biểu tình với mục tiêu đen tối về cạnh tranh và những động cơ của các chính trị gia mùa tranh cử, nên họ không quan tâm, và gạt bỏ tất cả nhũng cơ hội giải thích cần có dành cho nạn nhân.
Tổng cộng những vị này đã tổ chức 3 cuộc biểu tình, kể từ khi Trung Tâm Thúy Nga quyết định thực hiện chương trình vinh danh cố nhạc sĩ – đại tá Nguyễn Văn Đông, sau khi ông vừa qua đời. Trong đó có 2 lần ở Trung Tâm Thúy Nga và một lần ở trước cửa văn phòng đài truyền hình ViệtFace TV.
Mỗi lần số người biểu tình chỉ trên dưới 100 người, đứng la hét đả đảo, với mục tiêu gây sợ hãi cho khách hàng, nhân viên của Thúy Nga hay ViệtFace thì đúng nghĩa hơn là thực hiện quyền tự do ngôn luận một cách nghiêm túc vốn đươc ghi trong hiến pháp Hoa Kỳ.
Nhưng dù khuấy động kiểu nào, thì những kẻ tổ chức cuộc biểu tình cũng không cản được lòng dân, cả hai xuất hát đều sold- out vé trước đó hơn một tuần, trên một ngàn khán giả vẫn sẵn sàng đến để được nghe lại những ca khúc một thời của Nguyễn Văn Đông, người được xem là một nhạc sĩ tài hoa, một vị thầy đáng kính trọng của nhiều thế hệ nghệ sĩ và cũng là một quân nhân QLVNCH giữ trọn khí tiết cho đến cuối cuộc đời.
Tuy nghe nói đã nhiều, nhưng đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cách làm việc của cô Tô Ngọc Thủy, để thực hiện show vinh danh này, gần một trăm nhân viên hậu trường đã được huy động, từ khâu sắp xếp chỗ ngồi cho khán giãn, chuyên viên thu hình, âm thanh, ánh sáng, chuyên viên hóa trang, người lo trang phục, phân cảnh cho đến … ẩm thực.
Thoáng ẩn thoáng hiện, lúc ở hậu trường, lúc trên phòng máy, lúc tại sân khấu, Tô Ngọc Thủy như con thoi điều khiển mọi khâu, mọi việc, tôi cũng giật mình cho nghị lực của một producer, bận rộn tới mức không kịp thở, nhưng vẫn không quên nhắc từng nghệ sĩ, người thì phải thêm phấn, người phải ráng thuộc lời ca v.v…
Nhiều bạn bè trong giới nghệ sĩ nói với tôi, Tô Ngọc Thủy là “best Producer” của cả trong và ngoài nước Việt Nam, tôi để ý xem như thế nào, có thật đúng vậy không?
Những câu chuyện đời xưa, được các nghệ sĩ lớn tuổi như Giao Linh, Thanh Tuyền, Anh Khoa kể rôm rả cho các nghệ sĩ hậu bối nghe, ngoài sân khấu MC Nguyễn Ngọc Ngạn liên tục kể về những giai thoại, cách làm việc, sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông với khán giả, thì trong hậu trường những câu chuyện khác của nhạc sĩ tài hoa này cũng được kể lại với một kiểu khác, phóng khoáng hơn và dung tục hơn, những câu chuyện chỉ có giới nghệ sĩ mới hiểu với nhau.
Tôi chứng kiến các vũ công cả Mỹ lẫn Việt đều chạy đôn chạy đáo với tà áo dài; điều đặc biệt nhất trong show này, toàn bộ các nữ ca sĩ và cả Nguyễn Cao Kỳ Duyên đều trong các loại trang phục áo dài, khác hẳn với các show trước, có lẽ ý niệm nghiêm túc đã được đưa ra ngay từ đầu của Tô Ngọc Thủy, muốn có sự nghiêm túc và kính trọng đối với người nhạc sĩ không chỉ có uy thế với nghệ sĩ mà còn cả với nhiều quân nhân của quân lực VNCH.
Nhìn các ca sĩ trẻ của Thúy Nga, trong hậu trường, đôi khi họ nói chuyện với nhau bằng Anh Ngữ, nhưng khi bước ra sân khấu họ vẫn hát tròn trịa từng câu, từng chữ các nhạc khúc của cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, tôi tự hỏi, chúng ta muốn gì? Có phải chăng là muốn đem tất cả tài sản văn hóa của Miền Nam trao lại cho thế hệ trẻ tiếp nối?
Đứng ở góc nhìn đấu tranh toàn diện, giới văn nghệ sĩ nói chung rõ ràng họ đã từng bước chiến thắng trên mặt trận văn hóa, hôm nay những tài sản âm nhạc một thời rực rỡ của Miền Nam Việt Nam, đã chinh phục nhiều thế hệ tại Việt Nam, nếu tính ở thời điểm năm 1975, dân số của cả nước là 45 triệu người, riêng Miền Nam Việt Nam là hơn 20 triệu người, hôm nay dân số ở Việt Nam đã tăng gấp đôi lên đến 90 triệu người, đa phân đều là những thế hệ sinh ra và trưởng thành sau cuộc chiến.
Nhưng tất cả họ giờ đây vẫn hàng ngày nghe, xem và hát lên những ca khúc còn lớn tuổi hơn cả họ, những ca khúc của Miền Nam Việt Nam, họ bất chấp những tuyên truyền ra rả hàng ngày của kẻ cai trị, họ chẳng quan tâm đến những sự đố kỵ của kẻ cai trị với sự giầu có văn hóa của Miền Nam Việt Nam, họ vẫn hát lên những bài nhạc của Nguyễn Văn Đông, của Lam Phương, của Anh Bằng, của Châu Kỳ của Ngô Thụy Miên của Từ Công Phụng, không chỉ ở Miền Nam mà xa xôi tận ngoài Bắc, từ những vùng hẻo lánh ở biên giới.
Dưới sự kiểm soát gắt gao của kẻ cai trị bằng bạo lực, với sự cấm đoán, trừng phạt cho những ai phổ biến các ca khúc của Miền Nam từ quá khứ kể cả hiện tại đối với một số tác phẩm, vậy mà giòng nhạc của Miền Nam vẫn trổi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết, giờ đây ngay cả những kẻ đeo “thẻ đảng” vẫn vào quán Karaoke để “được” hát những ca từ như “ trời còn vương nắng để gió đi tìm …..”, “chiều mưa biên giới anh đi về đâu …..”, “tôi trở về đây với con đường xưa…..” v. v…..
Ai là những người có công lao to lớn này? Phải chăng đó chính là những trung tâm băng nhạc ở hải ngoại trong đó có Thúy Nga, những nghệ sĩ đã nhiều năm tháng miệt mài với công việc của họ? Chính họ là những người đã chiến thắng ý thức hệ hay chủ thuyết CS, chính họ đã đem nét văn hóa đẹp, tinh hoa của Miền Nam Việt Nam truyền bá khắp nơi, không chỉ ở những nơi hẻo lánh vùng biên giới xa xôi tự ngoài Bắc của Việt Nam, mà ra cả thế giới, những thế hệ thứ hai, thứ ba tiếng Việt nói không sõi, không rành, nhưng vẫn cất tiếng hát từ những ca khúc được sáng tác trước 1975 của Miền Nam.
Toàn bộ chương trình vinh danh nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông với tôi đã thành công từ nhiều góc, bao gồm cả khán giả lẫn nghệ sĩ, những khán giả đã khóc, cười theo từng mẫu chuyện, từng giai thoại từng ca khúc của Nguyễn Văn Đông với Nguyễn Ngọc Ngạn, các nghệ sĩ trẻ lại có dịp được nhắc nhở đến công lao của nghệ sĩ tiền bối, những huyền thoại của tiền bối làm hành trang cho họ trên con đường phục vụ nhân sinh bằng tài năng của họ.
Nhìn hình ảnh của Tô Ngọc Thủy như một mãnh tướng “đánh đông dẹp bắc”, trước những áp lực của ý đồ cạnh tranh và chính trị đen tối, trước cơn khủng hoảng của phong trào văn nghệ ở hải ngoại đang ở cửa “sinh tử” vì Youtube, vì Facebook, không còn đem đến nhiều khả năng nuôi dưỡng cho văn hóa bản sắc của người Miền Nam về tài chánh, nhưng vẫn với sự đam mê cuồng nhiệt trong cái nghề tổ chức, Tô Ngọc Thủy vẫn miệt mài gìn giữ và phát triển tài sản văn hóa của Miền Nam.
Với những đồng tiền dơ bẩn hút máu của dân, CSVN dư giả tài chánh để thực hiện những chương trình vĩ đại hơn Thúy Nga, và điều này đã từng xảy ra trong quá khứ, nhưng đến chung cuộc, CS đã chuốc lấy sự thất bại, Thúy Nga vẫn được xem là công ty hàng đầu không chỉ ở hải ngoại mà ngay cả trong Việt Nam, dù rằng dân ở Việt Nam chỉ xem ….DVD lậu và trên Youtube, vì đến giờ này CSVN chưa bao giờ dám để cho một tác phẩm văn nghệ nào được sản xuất ở hải ngoại được phát hành ở Việt Nam. Các ca nghệ sĩ thành danh ở Việt Nam dưới thời CS, có nghệ sĩ nào không mơ ước một lần được đứng trên sân khấu của Thúy Nga?
Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta nên công bằng hơn với các trung tâm băng nhạc và giới nghệ sĩ, đôi khi vì mục tiêu đấu tranh chính trị, chúng ta đã không ít lần đẩy những nghệ sĩ về tay CS, trong khi CS thì chỉ mong như vậy, CS chỉ mong đánh gục chúng ta bằng nhiều cách bao gồm luôn cả việc triệt tiêu những huyền thoại, những sự thật về cuộc sống của người dân Miền Nam trước năm 1975.
Hãy để cho người nghệ sĩ và những người tổ chức văn nghệ làm công việc của họ, vì với tôi họ thật sự là những người đã chiến thắng CS, còn chúng ta, chúng ta đã từng thua hai lần trong cuộc đối đầu với CS, lần thứ nhất năm 1975 và lần thứ hai là giai đoạn mà CS “nhảy qua đầu” cộng đồng của chúng ta để “làm ăn” với Washington D.C.
Và với cái nhìn cảm nhận chủ quan của riêng tôi, Tô Ngọc Thủy quả thật là “the best Producer” của người Việt Nam dù trong hay ngoài nước, nhất là trong nước dưới guồng máy cai trị của CS, cả một hệ thống đồ sộ hơn 3 triệu đảng viên, nhưng 43 năm qua không có một Producer nào có bản lãnh, tâm nhìn và dầy dạn kinh nghiệm như Tô Ngọc Thủy, đừng đẩy cô ấy về tay của CS, vì sự thật Tô Ngọc Thủy và Trung Tâm Thúy Nga nói riêng hay những trung tâm ca nhạc khác nói chung, chính là những cái “gai” đầy “ngứa mắt” của những kẻ cai trị Việt Nam bằng bạo lực hiện nay
Trần Nhật Phong
(*) Chú thích ảnh: Huỳnh Thi và Tô Ngọc Thủy (gắn bó với ca nhạc của Trung Tâm từ năm lên 7 tuổi … cùng với Huỳnh Thi là người bạn chung ca đoàn nhà thờ Công Giáo từ trung học tại Paris… và nay tiếp tục điều hành Trung Tâm Thúy Nga…
Nhạc tưởng nhớ: Chiều Mưa Biên Giới
“Mấy Dặm Sơn Khê” – là ca khúc không mấy ai không biết đến của một người lính Quốc Gia, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông (từng được ân thưởng Bảo Quốc Huân Chương – 1964) … mang tâm hồn nhạc từ khi còn ở dưới mái trường Thiếu Sinh Quân VNCH- Vũng Tầu.
Lời Giới Thiệu: Nhân có chương trình tưởng nhớ nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông của hai trung tâm ca nhạc hàng đầu của người Việt hiện nay. Người Việt Tây Bắc xin giới thiệu một trong các cuộc trò chuyện với người “bạn tù Trảng Lớn và Suới Máu “ (1975-1985). Bài viết trích dẫn email trao đổi của cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông để có tài liệu cho một bài viết và thu âm một ca khúc giới thiệu trên trang báo NVTB, bằng email nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cũng là người bạn của các anh em chiến hữu có thời cùng sống trong trại Suối Máu qua những tâm tình được trích đăng, để được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông trả lời một số câu hỏi như:
1) Trong trường hợp nào nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã làm bài hát này?
2) Cảm hứng riêng của tác giả khi sáng tác ca khúc có nhắc tới mùa Xuân thời 1957: “Mấy Dặm Sơn Khê”… ở một vùng núi rừng Miền tiền tuyến nào tại Việt Nam thời Đệ Nhất Cộng Hòa.
3) Tại sao nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông viết “tang trắng” hay là “giữa vùng-sương trắng” (miền sơn khê), hay là “vòng hoa chiến thắng” ?
nguồn: Báo Người Việt Tây Bắc (tháng 1-2014)
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông tâm tình lúc tân niên:
Cám ơn quý anh quan tâm bản Mấy Dặm Sơn Khê. Theo yêu cầu của anh cho bài viết, tôi (nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông) ghi lại một số tài liệu sau đây:
Trước hết: Trần văn Trạch và Lệ Thanh là hai nghệ sĩ đầu tiên thâu thanh ra đĩa 45 tours của hãng Tân Thanh vào năm 1960. Trần văn Trạch sử dụng chất giọng đặc Nam Bộ, pha luyến láy làn điệu “Bình Bán” cổ phương Nam, nghe rất duyên dáng (tìm nghe: Trần văn Trạch và Lệ Thanh qua youtube hoặc Google Search). Năm 1961, tác giả và ca sĩ Thái Thanh cùng Nghiêm Phú Phi, trình bày lần đầu tiên trong Đại nhạc hội Trăm Hoa Miền Nam, một tổ chức văn nghệ quy mô vào thời đó do bà cố vấn Ngô Đình Nhu chủ toạ, diễn ra suốt 10 đêm tại rạp hát Hưng Đạo, Thủ đô SaiGòn. Tôi nhớ khi ấy tác giả cùng Thái Thanh song ca thì nhạc sĩ Lê Thương đánh nhịp Ban nhạc Đại hoà tấu, còn nhạc trưởng Nghiêm Phú Phi ngồi đàn dương cầm dạo Prélude (tìm nghe: Thái Thanh qua youtube hoặc Google Search). Sau đó một số nghệ sĩ như Hà Thanh, Hùng Cường, Tuyết Mai trình bày Mấy Dặm Sơn Khê cũng rất thành công. Thời gian sau, vào tháng 11/1961, Bộ Thông Tin ra thông báo cấm lưu hành và trình diễn 2 bài “Chiều Mưa Biên Giới và “Mấy Dặm Sơn Khê” trên toàn quốc.
Thứ đến: Lý do lệnh cấmMấy Dặm Sơn Khê vì ấn phẩm đầu tiên có lời ca mà Bộ cho
là không thuận lợi cho cuộc chiến. Đó là những phân câu sau đây:
a) Non nước ơi! Bèo trôi theo sóng đưa, hiến thân đời gió bụi……
b) Chờ mùa xuân tươi sang nhưng mùa thắm không sang…
c) Mấy ai ra đi hẹn về dệt nốt tơ duyên ?
d) Chít lên vành tang trắng. Cầm tay nhau đi anh, tơ trời quá mong manh. (Đính kèm Bản lời ca 1, ấn phẩm đầu tiên bị cấm).
Xin giải thích dụng ý câu “Chít lên vành tang trắng” là chít lên vành khăn tang trắng lên người goá phụ có chồng là tử sĩ, không nhằm gợi ý trừu tượng hay ẩn dụ về “Sương trắng phủ ngang mấy dặm sơn khê” như anh đặt câu hỏi.
Thời gian sau, tôi có chỉnh sửa, đặt lại lời 2 theo yêu cầu của Nhà Xuất Bản như sau:
a) Non nước ơi! Hồn thiêng của núi sông kết trong lòng thế hệ ….
b) Chờ mùa xuân tươi sang nhưng mùa thắm chưa sang…..
c) Nhớ ai ra đi hẹn về dệt nốt tơ duyên…
d) Khoác lên vòng hoa trắng. (Ý nói đoàn binh khoác vòng hoa chiến thắng thay vì chít khăn tang trắng lên người goá phụ tử sĩ).
(Tìm nghe: lời ca 2 được phép phổ biến qua youtube hoặc Google Search).
Và qua Bản Music sheet Mấy Dặm Sơn Khê lần này được chụp hình lại và Scan bằng máy thật tốt nên có chất lượng trội hơn bản trước đã gởi anh.
Câu trả lời chót là: Trong binh nghiệp, tác giả Mấy Dặm Sơn Khê phần lớn thời gian phục vụ ở các đơn vị tác chiến, xuyên dọc qua các vùng chiến thuật, có cả vùng thượng du rừng núi Bắc Việt năm 1954, đi gần hết chiều dài cuộc chiến. Vì vậy, “Mấy Dặm Sơn Khê” có thể là phản ánh vùng núi rừng cao nguyên miền Trung hay Thất Sơn miền tây Nam Bộ mà tác giả đã từng sống và chiến đấu ở các nơi đó. Mong anh hài lòng với giải đáp này. Đính kèm theo 6 files.
Sau hết, quý anh là chiến hữu cùng trải qua nghiệt ngã ở trại Suối Máu, tôi rất mừng được gặp lại anh qua mail. Trước thềm xuân mới Giáp Ngọ, chúc anh vui khoẻ, bút lực sung mãn, gia đình hạnh phúc, an khang, thịnh vượng. Đặc biệt trang NGƯỜI VIỆT TÂY BẮC do anh chủ trương thành công nối tiếp thành công hơn nữa trong năm mới.
NGUYỄN VĂN ĐÔNG- SàiGòn
bạn tù “cải tạo” Suối Máu – Sàigòn.
Tái Bút: Tôi có gởi đến anh (phần cuối bài) “Chuyện Văn Nghệ Tất Niên”.
Lời ca khúc : MẤY DẶM SƠN KHÊ (trước 1961)
Anh đến thăm, áo anh mùi thuốc súng
ngoài mưa khuya lê thê, qua ngàn chốn sơn khê
non nước ơi, bèo trôi theo xóm đưa
Hiến thân đời gió bụi, nghìn sau nối nghìn xưa
Như giấc mơ giữa khung trời phiêu lãng,
Chờ mùa Xuân tươi sang, nhưng mùa thắm không sang
Anh đến đây, rồi anh như bóng mây,
Chốn phương trời ấm lạnh hòa chung mái nhà tranh
Anh như ngàn gió, thăm ngược xuôi, theo đường mây,
Tóc tơi bời lộng gió bốn phương,
Nước non còn đó một tấc lòng,
không mờ xóa cùng năm tháng,
mấy ai ra đi hẹn về dệt nốt tơ duyên,
Chít lên vầng tang trắng, cầm tay nhau đi anh
Tơ trời quá mong manh
Anh hỡi anh, đường xa vui đấu tranh,
giữa khung trời gió lộng, nghìn sau tiếc nghìn xưa
Tái bút về câu chuyện cho bài viết Tân Niên của Nguyễn Văn Đông
(gửi Phạm Kim) .
Chào quý anh…
Sau khi gởi cho toà soạn các tài liệu về bản Mấy Dặm Sơn Khê, tôi có vào xem trang Người Việt Tây Bắc (qua online và Google), Tôi đặc biệt thích thú các bài vở đặc sắc viết về nghệ sĩ ỡ trang “Văn học Nghệ Thuật.” Bài của tác giả Phạm Kim viết về nhạc sĩ Anh Bằng và nhóm Lê Minh Bằng hấp dẫn tôi từ đầu đến cuối. Tôi cho đây là bài viết hay nhất về cuộc đời sự nghiệp văn nghệ; của nhạc sĩ Anh Bằng qua ngòi bút tinh tế tài hoa của tác giả. Là nhạc sĩ, tôi cũng có ước mơ ngày nào đó, anh có hứng chấp bút viết một bài về tôi, về Mấy Dặm Sơn Khê chẳng hạn. Đọc bài về Anh Bằng, tôi quan tâm đoạn tác giả tả về đời sống phong lưu của NS Anh Bằng, giàu có bằng tài năng và chuyên cần do tự mình tạo ra. Tôi cho rằng bài viết rất chính xác. Trích đoạn anh Phạm Kim viết:
“Từ thập niên 1965-1975, với những ca khúc top hit như: Nếu Vắng Anh, Giấc Ngủ Cô Đơn, và khi sang đến hàng loạt sáng tác như Chuyện Tình Lan Và Điệp 1, 2, 3… ra đời cùng với các nhạc phẩm khác của Sóng Nhạc, lúc ấy Nhạc Sĩ Anh Bằng đã là người nhạc sĩ sống rất phong lưu, bằng tài và chuyên cần, tự mình tạo ra; đi lại bằng xe Toyota tư nhân mới, tiền bạc vô nhiều không kể, không nhạc sĩ sáng tác hoặc nhà văn có tác phẩm nào có thể giầu bằng”. (Hết trích) Bài viết Phạm Kim: Nhạc Sĩ Anh Bằng- Một Đời Cho Âm Nhạc, Nhìn lại sau hơn 50 năm sáng tác. Wednesday, April 3rd, 2013.http://nvnorthwest.com/category/arts/
Tôi là người trong cuộc, sống cùng thời, xác nhận thực tế đúng trăm phần trăm. Đó cũng là điển hình chung về đời sống vô cùng phong phú của lớp nghệ sĩ tài ba ở Miền Nam dưới chế độ Cộng Hoà. Thời gian này, Anh Bằng và nhóm Lê Minh Bằng có hợp tác với hãng đĩa Continental và Sơn Ca của tôi. Những hợp đồng của nhóm Lê Minh Bằng ký với hãng đĩa của tôi có giá trị hằng mấy trăm lượng vàng và nhiều hợp đồng như vậy trong suốt thời gian dài ở thập niên 1965-1975 như tác giả Phạm Kim có nêu ra ở trích đoạn trên. Qua những biến thiên, vật đổi sao dời, tôi vẫn còn giử được vài hợp đồng kỷ niệm về nhóm Lê Minh Bằng và những nhạc phẩm của nhóm trên list nhạc của hãng đĩa tôi. Bằng tài năng và công sức đóng góp, Anh Bằng và nhóm Lê Minh Bằng được hãng đĩa đền công tương xứng và có cuộc sống sung túc giàu sang là điều dể hiểu. Tôi hãnh diện có thời gian sát cánh cùng với các bạn này và làm nên điều kỳ diệu mang lại đời sống vật chất sung túc. Tôi chỉ tiếc, đúng ra là tủi thân, vì trong suốt bài viết về cuộc đời sự nghiệp Anh Bằng cùng nhóm Lê Minh Bằng, không có chút kỷ niệm nào dành cho thời gian cộng tác với hãng Continental và Sơn Ca của tôi, trong khi đồng nghiệp Sóng Nhạc thì lại được nhắc nhở trân trọng bằng những lời có cánh. Tác giả Phạm Kim có thấy tôi đòi hỏi quá đáng không, để sau này tác giả cũng viết “bù lỗ” cho hãng đĩa tôi thôi. Tôi vừa kể chuyện văn nghệ tất niên cho quý anh vui. Tôi cũng đã cung cấp tài liệu “Mấy Dặm Sơn Khê” cho anh rồi. Tôi yên tâm ăn tết.
Bạn (Tù cải tạo) Suối Máu của quý anh…
Nguyễn Văn Đông.
NGUYỄN VĂN ĐÔNG – Sài Gòn (tháng 1-2014).
Mời nghe: Mấy Dặm Sơn Khê (Nguyễn Văn Đông) – Xuân Thanh tyrình bày do Người Việt Tây Bắc tiếp tay giúp thực hiện (2014) với sự góp ý và phê bình của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông..
https://www.youtube.com/watch?v=8b11Qrw41hU