Giới thiệu tác phẩm “Ký”- nhà xuất bản Người Việt
từ 11 cảm nghĩ về Ðinh Quang Anh Thái
Nhà báo Đinh Quang Anh Thái hiện giữ vài trò Chủ Biên trong Tòa Soạn Nhật Báo Người Việt (Managing Editor), kiêm nhiệm vai trò truyền hình Người Việt online với số lượng views rất cao so với các ngành truyền thông và báo chí của người Việt khắp nơi trên thế giới.
Với khả năng đa tài , đặc biệt trong lãnh vực truyền thanh và làm tin trực tiếp truyền hình kể cả những khi đảm nhiệm vai trò dẫn chương trình (MC) ca nhạc hoặc thuyết trình về mọi đề tài tham luận. Qua Phóng sự Chuyện Bên Lề số 652 tường thuật lại vài giờ trong một ngày ở tòa soạn Nhật Báo Người Việt, và gần đây nhất tác phẩm “Ký”, chính là cánh cửa tâm hồn của nhà báo đinh Quang Anh Thái đã rộng mở…
Mời quý bạn xem Phóng Sự Chuyện Bên Lề (số 652) của MC Việt Thảo trò chuyện cùng nhà báo Đinh Quang Anh Thái, cũng như 11 ý kiến của bạn hữu dành cho tác phẩm “Ký” của Đinh Quang Anh Thái, do nhà xuất bản Người Việt, xuất bản và phát hành, đánh dấu bước vào năm thứ 30 của nhà xuất bản Người Việt…
11 cảm nghĩ về Ðinh Quang Anh Thái
Ðinh Quang Anh Thái từ thuở nhỏ đã có máu giang hồ và tính dấn thân. Vì thế, anh có một cuộc đời chìm nổi. Vì thế, anh có dịp gặp và thân với môt số khuôn mặt của miền Nam cũng như của miền Bắc trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn vừa qua. Vì thế, anh có những tin tức đặc biêt ít người có.
Bằng cái nhìn tinh tế của nhà báo, một tâm hồn nhân hậu trời cho và tính bộc trực, Thái viết – với giọng văn khi bùi ngùi thương cảm khi dí dỏm cà tửng – về Nguyễn Chí Thiện, thi sĩ đi giữa hai lằn đạn, và về chín nhân vật đặc biệt có hành tung khác nguời của miền Nam, từ một học giả-chiến lược gia ảo tưởng ở trong tù đến một y sĩ lý tưởng dấn thân ở hải ngoại, từ một nhà báo năng động và khó hiểu đến một nhà báo-mưu sĩ mà tên tuổi ẩn hiện sau các cuộc binh biến ở miền Nam, từ một người bạn đa tài và đa tật, đến một nguời bạn đáng trách và đáng thương đã phản bội lý tưởng đời mình, từ một chiến sĩ sẵn sàng đi vào cõi chết đến một thi sĩ coi mình đã chết khi chưa chết. Đọc “Ký” của Thái không những để biết những nhân vật đa dạng của một miền Nam đã mất mà còn biết thêm về nhưng người trẻ phía bên kia, niềm cơ cực và ước mơ của họ khi cánh cửa tự do mở toang cho họ ở Đông Âu và Nga Xô. Nguyễn Mạnh Hùng
Qua quyển Ký này tôi thấy Đinh Quang Anh Thái như một người thư ký của cả một thời đại, viết phúc trình cho hôm nay và mai sau về những nhân vật mà anh quen biết – trong đó có những người rất nổi tiếng. Đọc anh, chúng ta thấy Thái có lối chơi với bạn riêng, mà tôi gọi là lối giang hồ. Nghĩa là dẹp bỏ các thủ tục rườm rà của giao tế để đi thẳng vào bản chất của nhau với mối thân tình, từ đó nắm bắt được những nét chân thật nhất. Với cách viết ấy, các chân dung hiện ra rõ mồn một. Và đó là cái mà xã hội và thời đại chúng ta cần. Phạm Phú Minh
Các bài viết của Đinh Quang Anh Thái đã chạm đến trái tim của những người xa xứ. Anh nói lên việc thật, người thật, đó chính là những giá trị giúp cho thế hệ sau biết về lớp người đi trước. Cuốn “Ký”, văn phong không bay nhảy mà xoáy thẳng vào trọng tâm người và việc nhưng không “khô ran” làm người đọc khi đã bắt đầu thì không muốn để “Ký” xuống. Lê Thanh Lan
Đây là một cuốn sách với nhiều mẩu chuyện thú vị, bao gồm nhiều chủ đề vì tác giả là người đi nhiều, quen biết nhiều, và sống rất nhiều. Đọc để trải nghiệm về một nước Nga kinh hoàng trong thời kỳ Cộng Sản tan rã; để thương cảm cho những thân phận tù; để biết lòng vị tha của Nguyễn Chí Thiện, đa tài của Đỗ Ngọc Yến, tâm bất an của Nguyễn Tất Nhiên, v.v. Và cuối cùng, đọc để nhận ra tấm lòng đối với quê hương, đất nước và con người Việt Nam của Đinh Quang Anh Thái. Nam Phương
Nếu họa sĩ vẽ chân dung bằng cọ thì với tác phẩm này Đinh Quang Anh Thái đã hoàn tất được những bức chân dung bằng ngòi viết của mình qua nhiều nhân vật danh tiếng thuộc các lãnh vực chính trị, xã hội cũng như văn hóa. Để làm được công việc này, hẳn không phải dễ. Bởi điều trước hết là người viết phải thật trung thực khi cầm bút, nếu không, tác phẩm sẽ dễ rơi vào tình trạng viết ra để thù tạc. Rồi thứ đến, tác giả phải có liên hệ mật thiết với những nhân vật mình viết để mang lại cho chân dung những đường nét hiếm hoi, bất ngờ, khám phá. Và sau cùng, viết ra không phải chỉ là để đọc qua rồi bỏ mà còn là một sự gửi gấm những tâm tình, ghi gói những niềm ước mơ về tương lai còn ấp ủ của những nhân vật được khắc họa và gửi lại cho thế hệ sau những mảnh gương sáng ngời của thế hệ đi trước. Tất cả những điều kể trên, Đinh Quang Anh Thái đã thực hiện được trong tác phẩm này. Nhật Tiến
Ngoài đời Đinh Quang Anh Thái có dáng vẻ của một tay giang hồ, nhưng cũng rất kỷ luật và nguyên tắc. Bấy lâu, thính giả đã quen thuộc với một Đinh Quang Anh Thái có giọng nói nội lực, khúc triết qua các bản tin, phóng sự, phỏng vấn nhân vật bên trong và ngoài nước, cả với vai trò của một MC điều hợp chương trình trong các buổi lễ hội. Nay qua tập Ký, là hợp tuyển những bài viết mới được xuất bản, độc giả sẽ khá ngạc nhiên khi tiếp cận với một Đinh Quang Anh Thái khác. Ký vốn là một thể văn rộng rãi, nhưng với Đinh Quang Anh Thái chủ yếu là những ghi chép về nhân vật và sự kiện, qua những hoàn cảnh và các giai đoạn mà Đinh Quang Anh Thái có dịp tiếp xúc, trải qua và sống với. Chân dung các nhân vật được lột tả sống động, các sự kiện phong phú được ghi lại với một trí nhớ dễ nể và được viết với một văn phong bộc trực thô nhám nhưng không thiếu phần tinh tế. Ngô Thế Vinh
“Ngừng đây soi bóng bên dòng nước lũ Cầu cao nghiêng dốc bên giòng sông sâu …”
Biết Đinh Quang Anh Thái, nên khi đọc xong tập bút “Ký” của anh, tôi hình dung ra chàng tuổi trẻ một thoáng dừng bước giang hồ, ghi vội những điều mình đã trải nghiệm, những con người có lần gặp gỡ từ những cơ duyên bất chợt trong suốt cuộc ruổi rong.
Thái bắt đầu cuộc phiêu lưu từ thuở chưa đến tuổi hai mươi, mỗi bước đi anh mang theo ngọn lửa của lý tưởng của thương yêu. Ngọn lửa đã theo Thái đi bốn phương tám hướng, từ Việt Nam qua Mỹ, rồi sang Âu sang Á, đi vòng hết tinh cầu, đi từ những vùng sáng tự do đến những góc tối đen tù ngục. Chính ngọn lửa đó đã khơi lên tình bằng hữu giữa những người khác chủng tộc, hoặc không cùng thế hệ, giữa những người đã có lần thuộc về hai bờ bến khác nhau của dòng Bến Hải; ngọn lửa nóng đủ để làm tan chảy giá băng cách biệt và nối kết những tâm tư có cùng chung mẫu số. Và tôi cũng biết Đinh Quang Anh Thái, để hình dung ra gã trung niên giang hồ phiêu lãng sẽ vẫn còn tiếp tục cuộc viễn du, vang vang lời hát:
Nhưng đường quá xa vời
Hương trời vẫn mê mài
Đời tôi sao vẫn còn biên giới …
(Bên Cầu Biên Giới – Phạm Duy) Nguyễn Hoàng Duyên
Nhưng đường quá xa vời
Hương trời vẫn mê mài
Đời tôi sao vẫn còn biên giới …
(Bên Cầu Biên Giới – Phạm Duy) Nguyễn Hoàng Duyên
Tôi đã sống với những giấc mơ nhỏ bé bên người yêu như “ta muốn cùng em say… ”, cho đến những ước vọng ngoài tầm tay cho quê hương như “có bao giờ máu xương tàn, núi rừng ươm nắng… ”
Những ước vọng cho quê hương đó tôi đã nhiều lần tiếc nuối vì không có cơ hội đóng góp tích cực hơn. Nay đọc tập Ký này của Đinh Quang Anh Thái, anh đã cho tôi cùng anh bước lại các đoạn đời đấu tranh của chính anh trải dài theo lịch sử đất nước từ khi anh 20 tuổi và vẫn tiếp tục trong những năm tháng xa xứ.
Qua các sinh họat đấu tranh của anh và các bạn đồng chí hướng được ghi lại trong cuốn Ký, tôi đã được “gặp và sinh hoạt” với một Trần Văn Bá của Tổng Hội Sinh Viên Viêt Nam tại Paris mà tôi rất ngưỡng mộ; gặp Đỗ Ngọc, Hoài Hương, Hồ Huy và các sinh viên, công nhân Đông Âu tranh đấu cho một Việt Nam dân chủ, tự do. Tôi còn được biết một Đoàn Kế Tường, một Bùi Bảo Trúc, một Đỗ Ngọc Yến, một Nguyễn Ngọc Bích và rất nhiều sĩ phu Việt Nam khác đã hết lòng với quê hương dân tộc mà lòng tôi luôn luôn kính phục.
Riêng cá nhân tôi, với ước vọng được nhìn thấy một quê hương Việt Nam an bình, người người hạnh phúc, tôi trân trọng cám ơn Đinh Quang Anh Thái đã cho tôi được chia sẻ những kinh nghiệm dấn thân của anh trong hơn 40 năm qua cho quê hương thân yêu của chúng ta. Đăng Khánh
Hầu hết các bài trong tập sách được viết khi nhân vật vừa qua đời. Thấy nước mắt, nghe lời ai điếu, đôi khi cả lời xin lỗi kín đáo và muộn màng từ tác giả gởi người vừa nằm xuống. Tập sách như nén hương lòng thắp tạ những nhân vật của một thời! Phạm Phú Thiện Giao
Những câu chuyện thật, những con người thật, những nơi chốn thật, nhưng trên hết là tình người và những tấm lòng chân thật đã ở lại cùng tác giả xuyên suốt những cuộc hành trình, trở thành những mảng lịch sử sống được ghi vào trang giấy. Mai này, nếu có ai muốn tìm lại hình ảnh những nhân vật, những cộng đồng, những câu chuyện tranh đấu Việt cùng khắp năm châu, cuốn Ký này có lẽ là một trong những cuốn sách gối đầu. Hiện tại, theo lời tác giả, Ký có được là nhờ những đêm tỉnh giấc chơi vơi… Hòa Bình
Hồi làm ở nhật báo Người Việt, tôi thường bị anh rầy, thậm chí kỷ luật. Nhưng làm sao khi anh kỷ luật ai đó, lại mang đến cho họ cảm nhận của sự quan tâm ân cần. Những bài ký của anh cũng vậy, khi kể về mỗi sự kiện-nhân vật, đã thực tả không nhân nhượng ngay khi phải đề cập đến những “tính hư, tật xấu”, nhưng qua đó người đọc dễ nhận ra sự tinh tế trong bất kỳ mối giao hảo nào của anh trong đời sống lịch nghiệm, đầy tính nhân văn. Anh viết với tất cả sự ân cần không chỉ đối với những nhân vật được nhắc trong tập Ký, mà còn đối với tất cả độc giả đang cầm quyển sách trên tay. Uyên Nguyên
(Việt Hải– giới thiệu)
Chú thích hình:
1- Bìa sách tác phẩm “Ký” của Nhà báo Đinh Quang Anh Thái do nhà xuất bản Người Việt (Nguoi Viet Books) bước sang năm thứ 35 thành lập), xuất bản và phát hành
2- Nhà báo Đinh Quang Anh Thái (trái) và MC Việt Thảo, qua cuộc trò chuyện “Chuyện Bên Lề” kỳ thứ 652 do MC Việt Thảo thực hiện…