Những cánh én không giữ nổi mùa Xuân Sài Gòn
Thiếu Uý Không Quân Trần Văn Khôi và đồng đội trong các chuyến bay bảo vệ thủ đô SàiGòn từ BTL-KQ
Trong suốt tháng 3 và 4 mỗi năm, báo Người Việt Tây Bắc vẫn luôn dành những trang báo hồi tưởng và nhắc nhở kỷ niệm của các chiến sĩ tại đơn vị quân đội vào những ngày tháng cuối cùng, những chuyến hải hành muộn màng như của Trợ Chiến Hạm HQ 231 ở miền Tây (An Long), những chiếc Skyraiders của KQVN còn bay trên bầu trời bảo vệ SàiGòn . Ngày cuối cùng rời bãi biển Sơn Trà khi Đà Nẵng thất thủ của Tướng Hồ Văn Kỳ Thoại và Tướng Ngô Quang Trưởng. Ngày cuối cùng ở Bộ Tư Lệnh Hải Quận SàiGòn v.v…
Thiếu Uý Không Quân Trần Văn Khôi (thứ hai từ phải), gia nhập Không Lực VNCH khóa 2-70. Sau khi hoàn tất khóa học tại Mỹ và trở thành Thiếu Úy Phi Công A-37 và về Việt Nam chiến đấu từ năm 1973 bay bổng cho đến những giờ phút chót trong nỗ lực tử thủ với Sài Gòn.
Những cánh én không giữ nổi mùa Xuân Sài Gòn với một sĩ quan cao cấp như: Đại Tá Đào Huy Ngọc chỉ huy trưởng Tổng Hành Dinh BTL/KQ hoặc với người Thiếu Úy Không Quân mới ra trường 1, 2 năm – Trần Văn Khôi, vẫn miệt mài tử thủ bầu trời Sài Gòn đến phút chót để bảo vệ thủ đô và còn lại 18 chiến đấu cơ sẵng sàng bay về Miền Tây tử thủ. Trong khi anh em ruột là sĩ quan cũng đang lưu lạc đâu đó, (Trần Thăng thuộc Sư đoàn Dù, Trần Khải- Phòng Nhì -Tổng Tham Tham Mưu) đang chờ nghe lệnh của Trung Ương và Tổng Thống Dương Văn Minh và thường xuyên liên lạc với Trần Văn Khôi.
Mới đây khi gặp lại một số anh em đồng đội, chiến hữu gia đình Không Quân VNCH tại Family Peek Quận Cam, tưởng nhớ người chiến hữu từng ở lại tử thủ bảo vệ BTL-KQ, và sau này đã bỏ thân trong trại giam tù Kà Tum- Trảng Lớn vài tháng không lâu sau khi Sài Gòn đã thất thủ.
Bạn hữu một thời chiến đấu bùi ngùi nhắc nhớ về Thiếu Uý Không Quân Trần Văn Khôi, người thay vì đã gãy cánh trong các phi vụ cuối cùng nhưng đã gãy cánh trong trại giam cầm Cải Tạo Kà Tum – Tây Ninh…
Hiếm có hình ảnh ngậm ngùi nào của những người bạn một thời là lính chiến, những sĩ quan phi hành, đến bên nhau khóc thương cho một người bạn cũ đã gãy cánh từ 1975 mà tưởng như mới xảy ra đây thôi…
Là phi công của phi đoàn 534 Kim Ngưu tại căn cứ Phan Rang, Thiếu Úy Khôi đã bay rất nhiều phi vụ yểm trợ các lực lượng Bộ Binh QLVNCH trên chiến trường trong giai đoạn vô cùng khốc liệt và khó khăn vào cuối cuộc chiến. Luôn chấp nhận những phi vụ nguy hiểm nên Thiếu ÚyTrần Văn Khôi được các bạn trong phi đoàn nể phục và quý mến. Một tuần lễ trước khi miền Nam thất thủ, Khôi vẫn tiếp tục chiến đấu bằng những phi vụ yểm trợ cho Sư Đoàn 18 ở Xuân Lộc, hoặc những phi vụ oanh tạc ở An Khê Bình Dương đang khi hoả tiễn SR-7 của Nga bắn lên trời như mưa. Mỗi ngày bay nhiêu phi vụ xuất phát từ Tân Sơn Nhất.. Những cánh én, chỉ ngừng bay từ khi phi công phản theo giặc Nguyễn Thành Trung dội bom vào dinh Độc Lập cũng như dội bom tại Tân Sơn Nhất gây tổn hại khá nhiều cho những chiếc A-37 của Phi Đoàn Kim Ngưu. Một số chiến đấu cơ khác hạ cánh tại đây đã bất khiển dụng, hoặc đã bị rút cạn bình xăng để ngăn ngừa có người lấy tàu rời khỏi phi đạo. Chính Đại Tá Đào Huy Ngọc, chỉ huy trưởng Tổng Hành Dinh Bộ Tư Lệnh Không Quân, trong giờ phút Sài Gòn hấp hối cũng không thể kiếm ra được một chiếc phi cơ nào còn xăng trong bình, giúp ông có phương tiện rời Sài Gòn…
Mãi cho đến khi Miền Nam lọt vào tay cộng sản được 2 năm thì một thân nhân ở VN nhận được mảnh giấy đồng đội ghi nhớ: Thiếu Úy Trần Văn Khôi đã chết vì sốt rét ác tính ngày 13 tháng 12 năm 1975. Lúc bấy giờ gia đình anh Khôi ở Tacoma cũng đã tích cực tham gia vào các cuộc biểu tình đòi nhân quyền và đòi thả các tù nhân trong các trại giam tù cộng sản. Nhưng không hiểu tại sao mà mãi 2 năm sau cộng sản mới gửi giấy báo cho biết về cái chết mờ ám và khuất tuất này?
Hành trình tìm kiếm mộ phần của Khôi như những tù nhân tại các trại giam khác, rất gian nan. Trại tù đã di dời, và toàn khu trại giam đã trở lại thành rừng. Sau nhiều lần không tìm được mộ phần, thân nhân phải nhờ những người Thượng địa phương đốt đi một đám rừng mới lộ ra phần mộ có cây thánh giá khắc tên Trần Văn Khôi và ngày qua đời. Nhiều chiến hữu cùng trại giam Kà Tum, hoặc những bạn từng bay bổng đã cùng ngậm ngùi nhỏ lệ kể lại trong ngày hội ngộ vừa qua.
Về đây dưới bóng những hàng cây… bạn chiến đấu một thời đôi lần vẫn nhớ
Thiếu úy Trần Văn Khôi là một trong những tiêu biểu khiêm tốn nhưng không kém hào hùng của những cánh én đã không làm nên lịch sử hồi tháng 4/1975. Nay anh trở về đây… với sự hiện diện với vòng hoa mang huy hiệu Quân Chủng Không Quân và nhiều đồng đội đến tiễn biệt, hàn huyên kể lại một thời chiến đấu, những trận đánh ác liệt và rồi ngậm ngùi từ giã hình ảnh những thân tàu, những con én sắt nằm trơ trọi trên phi đạo, hoặc hết xăng, bất khiển dụng, hoặc đã trúng đạn pháo của đối phương ào ạt vũ bão trong chiều 29/4 tại Sài Gòn…
Cùng tưởng nhớ và tiếc thương: Những cánh én không giữ nổi Một Mùa Xuân cho Sài Gòn.
Chú thích ảnh dưới :