Tâm tình của nhà văn Phạm Quốc Bảo nhân dịp tái bản Cùm Đỏ
Nhân kỷ niệm 35 năm hoạt động của nhà Xuất Bản Người-Việt, có lẽ cũng nên chia sẻ với quí độc giả vài ý nghĩ vừa nảy sinh trong tôi, có liên quan đến lần tái bản thứ ba này của cuốn Cùm Đỏ, giữa lúc tôi còn nhớ lại được:
Mặc dù đã được viết xong cuốn Cùm Đỏ từ cuối năm 1981, năm tôi bắt đầu bước chân sang đây sinh sống, Cùm Đỏ được xuất bản lần đầu vào giữa năm 1983, với số lượng ba ngàn cuốn; và sau đó, năm 1984 lẫn 1985, mỗi năm lại tái bản thêm một ngàn cuốn nữa.
Tiền bán sách thu được trở thành vốn thành lập, để “Nhà Xuất Bản Người-Việt” ngay sau đấy đã liên tiếp in ấn và phát hành sách của tôi, như những cuốn Cõi Mộng Du (1984), Đời Từng Mảnh(1985), Dâu Bể (1986), Gọi Bình Minh (1989)…, cùng những tác phẩm của các tác giả khác như Nguyễn Mộng Giác (với Mùa Biển Động, Bão Nổi, Ngựa Nản Chân Bon), Nguyễn Bá Trạc (với Ngọn Cỏ Bồng), Nguyễn Mạnh Trinh (Thơ Nguyễn Mạnh Trinh), Nguyễn Xuân Quang (Người Căm Thù Ruồi), Nguyễn Xuân Hoàng (Người Đi Trên Mây), Vô Ngã (Gối Gốc Mai), Thế Giang (Thằng Người Có Đuôi), Nguyên Phong (Hành Trình Về Phương Đông), Lưu Đình Vong (tức nhà văn Định Nguyên, với Thơ Giập Mật), Nguyễn Tất Nhiên (Tâm Dung), Kiệt Tấn (Thương Nàng Bấy Nhiêu), Nguyễn Hữu Bào (Thơ Tuổi Thơ)…
Hàng loạt các tác phẩm như thế đã được in ấn và phát hành trong thập niên 1980 ấy.
Và những thập niên tiếp sau, nhà xuất bản Người Việt cứ thế mà phát triển mỗi lúc một phong phú hơn trước về nhiều phương diện. Chẳng hạn như người phụ trách sau tôi là ông Trần Đình Quân, rồi bà Lã Phương Loan (tức bà Đỗ Ngọc Yến), ông Nguyễn Thiện Cơ… , ông Đinh Quang Anh Thái ở mười năm trở lại đây, và mới nhất là ông Nguyễn Xuân Phương với cái tên mới bổ túc, Người Việt Books.
Chẳng hạn như dựa theo nhu cầu phát triển, Nhà Xuất Bản Người Việt đã mở rộng liên doanh với nhiều nhà xuất bản khác như Cành Nam, Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông, Tiếng Quê Hương… và mới đây nhất là Amazon. Chẳng hạn về danh mục sách, Người Việt Books hiện điều hợp nhận in và phát hành cả trên dưới 500 tựa sách.
Riêng cá nhân tôi, sự xuất hiện của cuốn “Cùm Đỏ” này đã như một cái đà thúc đẩy việc tiếp tục sáng tác, đến độ khi thấy cần phổ biến tác phẩm nào thì tôi sẵn sàng tự xuất bản, chẳng hạn như các nhà xuất bản Việt Hưng hay Little Sàigòn…
Cạnh đấy, cũng có các nhà xuất bản Việt ngữ khác tỏ ra ưu ái ngỏ lời muốn tái bản từ cuốn Cùm Đỏ trở đi, nhưng tôi nại cớ rằng mình còn sức viết thì hãy ưu tiên cho ra sách mới, chưa cần tái bản sách cũ làm gì. Chẳng hạn như nhà xuất bản Hoa Thịnh Đốn Việt Báo đã in cho tôi cuốn Mười Ngày Du Ký (1987), Thế Giới nhận in cuốn “Huynh Đệ Tương Tàn” năm 1991 (Nguyên tác là Brothers Enemy của Nayan Chanda) và nhà xuất bản Khai Sáng in cho cuốn “Bây Giờ Nhật Bản Biết Nói Không” năm 1992 (Nguyên tác The Japan That Can Say No của Shintaro Ishihara).
Cạnh đấy, cũng có các nhà xuất bản Việt ngữ khác tỏ ra ưu ái ngỏ lời muốn tái bản từ cuốn Cùm Đỏ trở đi, nhưng tôi nại cớ rằng mình còn sức viết thì hãy ưu tiên cho ra sách mới, chưa cần tái bản sách cũ làm gì. Chẳng hạn như nhà xuất bản Hoa Thịnh Đốn Việt Báo đã in cho tôi cuốn Mười Ngày Du Ký (1987), Thế Giới nhận in cuốn “Huynh Đệ Tương Tàn” năm 1991 (Nguyên tác là Brothers Enemy của Nayan Chanda) và nhà xuất bản Khai Sáng in cho cuốn “Bây Giờ Nhật Bản Biết Nói Không” năm 1992 (Nguyên tác The Japan That Can Say No của Shintaro Ishihara).
Ba mươi mấy năm đã qua, trong những dịp gặp mặt mà bàn đến việc tái bản cuốn Cùm Đỏ, bạn hữu thường góp nhiều ý kiến giúp tôi. Tựu trung, có hai ý chính: Một là nên viết lại, mỗi khi tái bản, giống như những ấn bản “Leaves of Grass” của Walt Whitman (1819- 1892) vậy. Hai là tái bản thì phải tôn trọng nguyên tác, chỉ sửa lỗi chính tả văn phạm thôi. Cá nhân tôi đơn giản thấy rằng bây giờ đọc lại thì rõ rệt là tôi không hoàn toàn đồng ý với nhiều đoạn nhiều ý tưởng mình đã viết ra: Thực tế cho chúng ta biết rõ là mỗi một ngày chúng ta được sống là mỗi một lúc ta tiếp nhận thêm kiến thức mới, trau dồi thêm kinh nghiệm sống mới, nên dĩ nhiên là suy nghĩ cũng phải khác xưa rồi. Ở trường hợp cá nhân tôi, những cuốn sách cho xuất bản sau Cùm Đỏ đã gián tiếp hoặc trực tiếp biểu lộ mỗi lúc một thêm những suy tư khác trước; do đó tôi nghĩ rằng căn bản là cần tôn trọng những khác biệt, chính những khác biệt ấy mới tạo nên sự phong phú của thái độ thành thực thổ lộ sức sống ở mỗi giai đoạn của cuộc đời tôi.Tóm lại, xem ra Cùm Đỏ đã là dấu mốc sáng tác khi tôi được tái định cư trên đất Mỹ. Nói một cách khác, Cùm Đỏ là tác phẩm mở đầu cho giai đoạn tôi làm việc và sống ở bối cảnh sinh hoạt chung trong nhiều lãnh vực chuyên môn độc đáo riêng của cộng đồng người Việt tỵ nạn ở xã hội Hoa Kỳ. Đây là điều tôi luôn trân trọng.
Tháng 4- 2018.
Phạm Quốc Bảo.
Phạm Quốc Bảo.
Việt Hải giới thiệu và bình thơ:
Thơ với thẩn Việt Hải gửi anh Bảo
Hết căng-xe ta hè nhau xơi phở
Phở Hòn Ngọc ly cà phê tao ngộ (1)
Gặp gỡ hàn huyên uyên thuyên chi lạ
Từ Racoto sang Tri Âm ngày cũ (2)
Thời gian qua văn chương quên đầu bạc (3)
Dĩ vãng năm nào nơi đất khách
Lót tót tiếng cười như thoáng mây bay (4)
“Ừ” một tiếng sao vui vì còn bạn! (5)
VHLA
Ghi chú:
1/ Phở Saigon Pearl có món café kít chồn do ông Chi pha chế rất ngon, beo béo.
2/ Tên 2 tác phẩm của Phạm Quốc Bảo
3/ Anh Bảo mê văn chương nên bỏ quên bẵng thời gian
4/ Anh Bảo cười tươi khi ngà ngà nâng ly vin hôm họp mặt chez Lãng Minh có anh chị Ngọc Cường Ohio sang Cali.
5/ Chúng ta sau bao thời gian bạn bè vẫn có nhau…
6/
ảnh dưới là nhà văn Phạm Quốc Bảo và nhạc sĩ Anh Bằng Trần Thăng hội ngộ tại Quê Em Quê Anh- Cali