Tưởng niệm nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông dịp 30/4
NGẬM NGÙI VỚI LỊCH SỬ, BỒI HỒI VỚI NHỮNG KỶ NIỆM CỦA THỜI ĐẤT NƯỚC TUY CÒN CHINH CHIẾN, MÀ LÒNG NGƯỜI CHƯA MẤT HẠNH PHÚC, LÀ TÂM TRẠNG CỦA KHÁN GIẢ XEM CHƯƠNG TRÌNH TƯỞNG NHỚ CỐ NHẠC SĨ NGUYỄN VĂN ĐÔNG DO TRUNG TÂM THÚY NGA THỰC HIỆN HÔM CHỦ NHẬT 29/4 Ở VÙNG LITTLE SAIGON, CALIFORNIA, HOA KỲ.
Theo lời ban tổ chức, hơn 1200 khán giả đã tham dự chương trình âm nhạc chủ đề “Chiều Mưa Biên Giới” với nhiều tác phẩm của người nhạc sĩ tài danh của âm nhạc miền nam Việt Nam trước năm 1975, vừa qua đời trong tháng 2 năm 2018.
Trung tâm Thúy Nga và nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã có những liên hệ gắn bó với nhau từ nhiều năm trước. Khoảng năm 2005, ông Tô Văn Lai của trung tâm này đã về Việt Nam gặp nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, tỏ ý mời sang Mỹ để thực hiện chương trình văn nghệ vinh danh sự nghiệp cho nhạc sĩ.
Nhưng ông vẫn bị Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn bác đơn xin chiếu khán.
Cũng nhờ sự chuẩn bị chương trình từ lúc đó, mà trung tâm Thúy Nga nay đã còn những tài liệu, thậm chí những lời tự tình kể lại của người nhạc sĩ nói về các tác phẩm của mình.
Cho nên, chương trình âm nhạc ngày 29 tháng 4 lần này, đã được thực hiện với nhiều tài liệu, tư liệu rất phong phú, đầy đủ hơn bao giờ về cố nhạc sĩ.
Như thường lệ, MC chương trình vẫn là nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn và cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên.
Trong những chiếc áo dài đẹp lộng lẫy nhưng trong nét cổ kính của áo dài thời thập niên 50, 60 hay 70, MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên duyên dáng, ứng phó nhanh nhẹn khéo léo khi sân khấu đang thay đổi cảnh trí chuẩn bị tiết mục mới. Có lúc Kỳ Duyên đùa than vãn một chiếc áo dài quá chật ních với cô. Có lẽ ban tổ chức muốn trang phục của các ca sĩ lần này phải như thế, nên đa số chọn những chiếc áo dài hoài cổ nhiều, thích hợp với ý nghĩa nghiêm túc của một chương trình tưởng niệm.
Rất nhiều những người lớn tuổi đêm nay đã đến nghe dự chương trình vì những tiếng hát thời Sài Gòn xa xưa như Hoàng Oanh, Giao Linh, Thanh Tuyền, Anh Khoa…
Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn không quên nhắc đến sự đóng góp của 2 nhân vật ở xa (Úc và Việt Nam), nhưng đã góp ý và tư liệu rất nhiều để ban tổ chức xây dựng chương trình Chiều Mưa Biên Giới đúng theo mực thước mà cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông muốn được tôn trọng. Nhà báo Hoàng Lan Chi từ Úc đã cố vấn nhà sản xuất chương trình Marie Tô trong việc dàn dựng, kịch bản. Ngoài ra nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn cũng nêu tên một người trẻ lứa tuổi 30 ở Việt Nam cũng hăng say góp ý cùng ban tổ chức, “chứng tỏ lòng yêu nhạc Nguyễn Văn Đông bao gồm cả giới trẻ mới lớn qua nhận xét của thế hệ trẻ ra đời sau 1975”.
Thâm tình
Đặc biệt đêm 29/4 có sự góp mặt của 2 người học trò thâm tình nhất với nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông: Giao Linh và Thanh Tuyền, những ca sĩ đã được ông tạo thành danh trong nền ca nhạc của miền nam thời chiến.
Ca sĩ Thanh Tuyền còn được biết là dưỡng nữ của nhạc sĩ, được cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông khám phá lúc còn là cô nữ sinh 16 tuổi hát trong một buổi văn nghệ trên sân khấu trường học ở Đà Lạt có tên Như Mai. Ông đã chọn cô nữ sinh nhỏ này, mời về Sài Gòn thu dĩa, và đào tạo trở nên ca sĩ Thanh Tuyền. Cái tên Thanh Tuyền do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đặt, như một dòng suối của thành phố Đà Lạt.
Thanh Tuyền đã hát một bài mà cô yêu thích những ngày hát cho hãng dĩa của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông: Lời Giã Biệt. Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn có kể một câu chuyện kỷ niệm mà nhạc sĩ đã viết lại trong tài liệu, về cái duyên của nhạc sĩ với cô học trò Như Mai hay ca sĩ Thanh Tuyền khi lần đầu ông đưa cô gái nhỏ đi hát ở phòng trà. Chuyện kể Thanh Tuyền lúc đó 16 tuổi, chưa biết trang điểm phấn son và không có son phấn tùy tùng. Buổi tối khi bắt đầu chuẩn bị đi hát, thì nhạc sĩ mới đưa Thanh Tuyền đi khắp phố Sài Gòn cố ý tìm nơi trang điểm, nhưng giờ đã khuya các nơi đều đóng cửa, và ông không tìm được chổ quen nào. Thế là ông đành mua son phấn, rồi hai thầy trò ngồi trên lề phố Sài Gòn, để nhạc sĩ làm vai trò chuyên viên trang điểm cho dưỡng nữ Thanh Tuyền. Ông cứ làm đại vẽ son đánh phấn lên khuôn mặt cô gái nhỏ. Ông nói đó là lần đầu tiên trong đời ông trang điểm son phấn cho một phụ nữ. Khán giả cười vui xúc động với câu chuyện kể này.
Khi được nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn mời phát biểu, cô Thanh Tuyền đã không dấu được xúc cảm rơi lệ, và đã khiến nhiều khán giả xúc động xúc cảm vô cùng với những lời nói chân thành. Cô nói về nhạc sĩ, về binh nghiệp của ông. Cô ca tụng nhạc sĩ là một người chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Cô ghi nhớ ân nghĩa người đã đào tạo làm nên danh Thanh Tuyền. Cô nói về Tháng Tư, về lòng tri ân những người lính đã chiến đấu cho miền Nam.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn cho biết ca sĩ Giao Linh được một người bạn nhạc sĩ giới thiệu, nhưng nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã khám phá ngay tài năng của cô. Ông đã ký hợp đồng cao nhất thời đó để Giao Linh hát cho hãng dĩa Continental. Hợp đồng 150,000 đồng là con số khủng, vì thời thập niên 60 tiền lương một người lính chỉ có 600 đồng một tháng, theo lời nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn.
Ca sĩ Anh Khoa là một điểm son khác cho chương trình. Anh Khoa là ca sĩ hàng đầu trên các sân khấu phòng trà lớn Sài Gòn và băng dĩa nhạc những năm đầu thập niên 70. Ông cũng đã là một ca sĩ hát độc quyền cho hãng dĩa Continental và Sơn Ca. Tên tuổi Anh Khoa vẫn còn nổi bật sau tháng 04 năm 1975 cho đến khi ông định cư ở Hungary theo gia đình người vợ là một phụ nữ nước Hung, thân phụ từng là đại sứ tại Việt Nam. Bây giờ ca sĩ Anh Khoa đã định cư tại Mỹ. Đêm nay Anh Khoa hát một nhạc phẩm mới hơn của Nguyễn Văn Đông mà ông cho biết, chưa từng hát lần nào trước đây, bài Anh Trước Tôi Sau.
Hoàng Oanh là một ca sĩ thần tượng ở miền nam trước đây. Cô đã hát một nhạc phẩm mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đặt tựa bài dựa theo một tác phẩm trong Tự Lực Văn Đoàn, bài Đoạn Tuyệt.
Nhạc phẩm chính chủ đề chương trình Chiều Mưa Biên Giới với tiếng hát không ai có thể phủ nhận sự ngọt ngào của cô: Hương Lan, lúc nào cũng thu hút khán giả.
Như trong tiểu sử sự nghiệp đã giới thiệu, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông còn viết nhiều tác phẩm cổ nhạc. Cũng là lần đầu cá nhân chúng tôi mới biết nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông còn sáng tác nhiều tác phẩm tân cổ nhạc giao duyên như thế.
Một trong những vở tuồng cải lương nổi tiếng mà nhạc sĩ đã viết lại âm nhạc, là tuồng hát Tiếng Hạc Trong Trăng. Đêm nay được trích đoạn và thu ngắn trong khoảnh khắc 20 phút với ca sĩ Như Quỳnh, Kim Tiểu Long, và Hoài Tâm diễn, hát. Màn này gây nhiều xúc động nhất, nhiều người kể cả nam khán giả đã ngấn lệ, sụt sùi cảm động. Những người chưa xem vở tuồng cải lương này trọn vẹn trước đây, cũng sẽ hơi khó hiểu nội dung câu chuyện tại sao, vì sao. Nhưng diễn xuất xuất sắc của Như Quỳnh và Kim Tiểu Long đã tạo thành công tuyệt vời cho đoản khúc cải lương mà Nguyễn Văn Đông đã viết lại.
Trong số những bài hát đã được trình diễn đêm nay, có những bài hát rất mới, lạ, mà Nguyễn Văn Đông đã thầm lặng sáng tác những năm sau 1975, có thể là lần đầu được hát trên một sân khấu lớn. Nhiều bài có âm hưởng mới, khiến người khán giả thích thú khi biết là nhạc phẩm của người nhạc sĩ họ yêu. Khó thể ngờ được âm nhạc Nguyễn Văn Đông đa dạng, phong phú, mà tuyệt vời đi sâu vào lòng người như thế.
Trong một không khí trang trọng, những ca sĩ cất tiếng hát, từng lời từng chữ của Nguyễn Văn Đông được lắng nghe. Khi xúc cảm chạm vào trái tim với kỷ niệm, hình ảnh của thời mình khơi dậy. Khó mà nén được xúc động. Khó mà cắn môi dấu lệ len lên khóe mắt bờ mi. Thành công của người nhạc sĩ sáng tác, thành công của người nghệ sĩ trình diễn, chính là những lúc như thế.
BÀI HỢP CA HÀNG HÀNG LỚP LỚP RẤT HÙNG TRÁNG VỚI TẤT CẢ CÁC NGHỆ SĨ TRÌNH DIỄN, ĐỂ KẾT THÚC MỘT CHƯƠNG TRÌNH ÂM NHẠC TUYỆT VỜI, VÀ MỘT BUỔI TƯỞNG NIỆM THÁNG 4 ĐEN ĐẶC SẮC.
Tổng giám đốc trung tâm Thúy Nga, bà Marie Tô, cho biết Thúy Nga Paris từ trước đến giờ chưa bao giờ tổ chức văn nghệ giải trí trong tuần lễ 30 tháng 4. Nhưng đây là chương trình tưởng niệm một cố nhạc sĩ đã từng là một sĩ quan cấp đại tá quân lực VNCH, từng là người tù cả 10 năm trong chế độ cộng sản. Đại Tá Nguyễn Văn Đông là một người lính chính nghĩa vì quốc gia, có đời sống binh nghiệp và sự nghiệp trong tinh thần yêu nước.
Phản ứng của khán giả
Bà Nguyễn Thanh Hương, 60 tuổi, cư dân thành phố Fountain Valley, cho biết bà là khán giả trung thành với Thúy Nga Paris. “Tôi luôn ủng hộ và tham dự các chương trình của Thúy Nga Paris vì phẩm chất giá trị của các chương trình họ thực hiện. Các ca sĩ hát rất hay, dàn dựng rất công phu, tổ chức rất chuyên nghiệp.”
“Nhóm bạn học tôi có hơn chục người, lần nào tổ chức tại đây hay ở Pechanga đều mua vé cả nhóm các gia đình đi xem cả hai chục người.”
Đa số là những khán giả là những người lớn tuổi, ít có người thế hệ 7x hay 8x hay 9x. Chỉ có thế hệ những người đã gắn bó đời tuổi trẻ hay đã trải qua nửa đời người với chiến tranh đất nước, thì mới biết nhiều về nhạc Nguyễn Văn Đông. Ngày đó họ còn trẻ, còn tuổi yêu, còn tuổi lính… nhưng là ở thời Sài Gòn thành phố chưa bị đổi chủ, đổi tên. Nhạc Nguyễn Văn Đông gắn liền với thế hệ của họ.
MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên cho biết toàn bộ số tiền tác quyền mà trung tâm Thúy Nga dành cho tác giả cố nhạc sĩ, đã được bà quả phụ Nguyễn Văn Đông yêu cầu gửi đến các viện mồ côi tại Việt Nam.
Một nơi chốn rất cao nào đó, người nhạc sĩ chắc hẳn đêm nay đang mỉm cười hạnh phúc lắm.
(Source: BBC 1-5-2018)
Bản quyền hình ảnh TT Thúy Nga
Chú thích ảnh:
1- Tác giả Hồ Văn Xuân Nhi
2, 3, 4: Hình ảnh ghi nhận
từ sân khấu trực tiếp thu hình
5: Poster Paris By Night
Hành Trình 35 – trực tiếp thu hình ngày 26 & 27 tháng 5-2018
5: Hình chụp chung hai producers: Huỳnh Thi và Tô Ngọc Thủy
những tấm lòng cống hiến cho sinh hoạt văn nghệ hải ngoại chặng đường từ 35 năm qua…
Xem thêm: Xem Show Thu Hình Chiều Mưa Biên Giới của người đại tá cựu tù Cải Tạo Suối Máu và Tôi đi Xem chương trình nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ NVD của Trần Nhật Phong