Trò chuyện cùng Producer âm nhạc Phạm Thành
Lời giới thiệu: Ngay sau hai suất thu hình được nhiều khán thính giả từng ngưỡng mộ dòng nhạc thính phòng Phạm Đình Chương rồi đến một ít tâm tình của producer Phạm Thành, trưởng nam của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, người “trách nhiệm quản lý, chăm sóc di sản Phạm Đình Chương trên trang Người Việt Tây Bắc và trang Facebook-Trung Tâm Asia và phóng viên Jimmy Nhựt Hà cùng với nhiều lời dẫn giải chính xác và trân trọng dành cho một đời âm nhạc của Phạm Đình Chương, khiến nhiều độc giả và khán giả của các nơi đã muốn được biết tới các “di sản” nghệ thuật, và sáng tác do ca sĩ Phạm Thành đã thực hiện từ vài năm qua rồi.
Trong mối thiện cảm dành cho các công trình của trưởng nam và cũng có công của cháu đích tôn của cố nhạc sĩ nữa, Người Việt Tây Bắc hân hạnh giới thiệu cuộc trò chuyện ngắn được ghi lại với người có thẩm quyền nhất, biết nhiều nhất, và mong ước các di sản ấn phẩm các ca khúc và các dĩa nhạc Phạm Đình Chương được trân trọng trao gửi đến tận đời sống, lòng yêu thưởng ngoạn và những âm điệu yêu thương đã lần lượt ra đời từ sáu thập niên qua. NVTB
1 – Người Việt Tây Bắc/PK:
Xin cám ơn ca sĩ Phạm Thành về thời gian quý báu, sự cởi mở thân thiện anh dành cho phóng viên báo chí, truyền hình đặc biệt là khán thính giả khi thưởng thức DVD chủ đề Phạm Đình Chương Mộng Dưới Hoa đã và đang tìm kiếm bộ đĩa mà tôi đang cầm trong tay Bộ CD nhạc tuyển , với tựa đề “Phạm Đình Chương-Tình Khúc Tiêu Biểu”-The Collection?.
Phạm Thành: Đây là một công trình thu âm, khởi đầu thực hiện từ năm 2012 và hoàn tất sau ba năm vào năm 2015. Tôi quyết định bắt tay vào việc này vì trước đó tôi có in ra được một cuốn nhạc mang tên là Phạm Đình Chương-Toàn Bộ Sáng Tác (xem hình bìa cover trong bài). Mục đích thực hiện in ấn này là để có được một cuốn sách nhạc với đầy đủ các tác phẩm Phạm Đình Chương, nội dung chính xác của tác giả và theo tiêu chuẩn in ấn sách nhạc của Hoa Kỳ.
Kể cũng vui vui, vì trong mùa hè 2011 đó thì con trai của tôi, cháu về thăm nhà. Tôi rủ cháu (tức là cháu đích tôn của NS Phạm Đình Chương) cùng tôi soạn cuốn sách và nhờ đó, hai cha con chúng tôi đã hoàn tất được cuốn sách vào mùa Hè năm đó.
Khi làm xong và thấy là số lượng sáng tác của ông không nhiều – vỏn vẹn chỉ có 44 bài ca – nên tôi đã nẩy ra ý định làm một bộ đĩa để phát hành đi kèm với cuốn sách. Và các ca khúc trong bộ Collection ca khúc này đều được thu âm mới, trong khoảng thời gian từ 2012 tới 2015, qua phần cộng tác của ca nhạc sĩ trong và ngoài nước và với kỹ thuật thu âm tân kỳ của những năm gần đây…
2 –
Người Việt Tây Bắc: Hay và quý quá. Và tôi cũng ngạc nhiên khi được biết, toàn bộ sáng tác của Nhạc sĩ Phạm Đình Chương, chỉ có 44 bài (khác với nhiều bài giới thiệu rằngpông có hàng trăm tác phẩm). Xin anh Phạm Thành nói thêm về việc bỏ công sưu tầm tài liệu để tìm lại đủ số 44 bài này?.
Phạm Thành: Trong thập niên 80, khi ông mới sang Hoa Kỳ định cư, thì cha con tôi có thực hiện được một tuyển tập nhỏ, mang tên “Hai mươi ca khúc thơ phổ nhạc Phạm Đình Chương”.
Tuy nhiên, số 24 ca khúc còn lại thì chưa được soạn tới. Khi thân phụ tôi bạo bệnh và qua đời vào năm 1991 thì tôi lưu giữ lại trong nhà vài cái dossier mà ông vẫn dùng để cất giữ những bài bản được viết cho các buổi trình diễn trước đó.
Tuy nhiên đây là các bài viết cho ban nhạc dùng, chỉ đơn giản nốt nhạc và không lời. Nhưng qua việc tìm kiếm khắp nơi, kể cả các phần đã có post trên các trang mạng từ Việt Nam, với các bài ca được phát hành từ thời “năm mươi”, “sáu mươi” với những bìa minh hoạ thời đó, thì may mắn là từ đó, tôi có được những tài liệu chính xác vì các bài ca này được in từ lúc ca khúc mới được phát hành, ngay sau khi được viết xong.
Cũng nên nói về việc mục tiêu chính của công trình này – đó là việc tìm tòi để đạt cho được sự chính xác – vì sau vài thập niên kể từ khi phát hành ra, thì tác giả nào cũng vấp phải một vấn đề lớn, đó là việc các phần thu âm nhiều khi bị sai nốt nhạc hay sai lời ca đi.
3 – Người Việt Tây Bắc: Hãy cho đọc giả biết qua về những ý nghĩ thúc đẩy đưa đến việc thực hiện được bộ đĩa hiếm quý này?
Phạm Thành: Khi in xong cuốn sách nhạc vừa nói qua, thì tôi nghĩ ngay tới việc thực hiện bộ đĩa vì những lý do sau đây: Trong khoảng thời gian sống gần thân phụ mình cho tới ngày ông mất đi, thì tôi đã học được những chi tiết quan trọng về các ca khúc Phạm Đình Chương mà tôi muốn chia sẻ với những người yêu nhạc ông, cũng như với thế hệ trẻ trong và ngoài nước có thể chưa từng biết, hay biết rất ít về tác giả Phạm Đình Chương. Có lẽ tạm gọi là để có cho dòng nhạc Việt có một nguồn tài liệu khá đầy đủ hầu để lại cho mai sau, như những gì tác giả đã từng trình bày lúc còn Bsống.
4 – Người Việt Tây Bắc/PK: Để đáp ứng nhu cầu của người trình diễn và người trân trọng các tác phẩm cần biết, như vậy anh Phạm Thành dẫn giải những chi tiết chính xác đó bằng cách nào?
Phạm Thành: Trong cuốn sách “Phạm Đình Chương-Toàn Bộ Sáng Tác” thì đã có in thêm những phần ghi chú của chính tác giả về từng tác phẩm một – thí dụ ca khúc “Mộng Dưới Hoa”, được phổ từ thơ của thi sĩ Đinh Hùng thì bối cảnh sáng tác ra sao? Viết năm nào? Ca khúc “Nửa Hồn Thương Đau” được viết trong bối cảnh nào? Nhưng những phần trình bày theo ý tác giả thì đã được tôi thực hiện thật đầy đủ trong trên 44 bài đã thu âm trong bộ đĩa.
5 – Người Việt Tây Bắc/PK:
Những điều vui buồn trong chặng đường cưu mang và trong việc thực hiện, xin anh có thể chia sẻ với mọi người…
Phạm Thành: Màu Kỷ Niệm, Hạt Bụi Nào Bay Qua, Buồn Đêm Mưa, Hội Trùng Dương với Nghiêm Phú Phi. Những ngày tháng miệt mài cùng con trai và cho cháu thấy cái khía cạnh sáng chói của ông cháu.
6- Người Việt Tây Bắc/ PK: Những khía cạnh nào trong phần thực hiện vừa qua đã làm Phạm Thành nhớ tới thân phụ mình nhất?
Phạm Thành: Khi hoàn tất xong cuốn sách nhạc cùng bộ đĩa này thì tôi đã thấy khá rõ ràng về tiến trình sáng tác mà tác giả đã đi qua, trải dài từ những năm mới lớn vào cuối thập niên bốn mươi, bắt đầu với ca khúc đầu tay là bài “Ra Đi Khi Trời Yừa Sáng” viết năm 17 tuổi, cho tới trường ca Hội Trùng Dương mà ông viết khi mới 20 ngoài cho tới lúc viết xong ca khúc cuối cùng là Ta Ở Trời Tây vào năm 1982 tại Orange County.
Khi tôi soạn cuốn sách, tôi đã chia dòng nhạc và tiến trình sáng tác của ông thành bốn thời kỳ. Đầu tiên là giai đoạn bước chân vào cái nghiệp cầm ca từ năm 17 tuổi. Giai đoạn thứ hai được đặt tên là giai đoạn Vào Miền Nam (tức là trong thập niên 50-khi ông vừa 20 tuổi ngoài). Giai đoạn thứ ba là giai đoạn mang tên “Đêm Màu Hồng” và giai đoạn sau cùng được gọi là “Giai Đoạn Tại Hải Ngoại“.
Là người thực hiện, tôi có cảm tưởng như đang trở ngược lại với thời gian trong sự tưởng tượng của tôi, để thấy trước mắt một thiếu niên Phạm Đình Chương rất trẻ, đậm nét tươi vui và sự lạc quan trong cuộc sống qua những tác phẩm lớn như Hội Trùng Dương, Ly Rượu Mừng, Tiếng Dân Chài, Sáng Rừng, Thuở Ban Đầu và Mộng Dưới Hoa v.v…
Và rồi chàng thiếu niên đó sống trong miền Nam trong suốt thập niên ba mươi tuổi. Hoàn cảnh sống, những bất hạnh và đổ vỡ trong cuộc đời đã biến dòng nhạc đó như trầm lắng hẳn đi. Cuối cùng, sau biến cố 1975 là một cảnh sống tại đất lạ quê người. Tâm trạng lúc đó, khi mất nước, nhà tan, viên ngọc như đã tan vỡ. Điều đó được thổ lộ qua những ca khúc nghẹn ngào chất ngất như Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn, Quê Hương Là Người Đó hay Ta Ở Trời Tây.
Tôi cho điều đáng kể nhất khi nghe lại dòng nhạc của Phạm Đình Chương trong bộ đĩa này là người nghe sẽ có một cái nhìn tổng quan của bốn, năm thập niên trải dài trong cuộc đời tác giả, và nó cũng đã phản ảnh rất trung thực cái vui, nỗi buồn, niềm ước vọng và sự khắc khoải trong tâm tư của những người Việt thuộc thế hệ của ông. Và tôi ân hận đã không bày tỏ được điều này với ông khi cha con tôi còn có nhau.
7 – Người Việt Tây Bắc: Cám ơn ca sĩ Phạm Thành-
– Nhờ buổi trò chuyện, và xin được biết là: Bộ đĩa được bày bán ở đâu?
– Làm sao tìm mua tại các địa điểm trong vùng?
Phạm Thành: Ngày hôm nay thì chúng ta đã có một phương tiện quý báu đó … là trang phamdinhchuong.com” cùng cách kiếm tìm những sản phẩm mà Phạm Thành đã thực hiện. Vậy tức là những gì mà nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã để lại, cống hiến cho đời nay đã có một nơi chốn chính thức để gìn giữ và phổ biến những tài liệu về dòng nhạc bất hủ mà chúng ta vừa nói tới được đi khắp thế giới và dễ dàng về tới Việt Nam.
(NVTB/thực hiện)