Về lại Đồng Xoài – Bình Long
cùng Nguyệt của Lê Xuyên…
Đã quen tên nhà văn Lê Xuyên từ lâu lắm với những truyện dài feuilleton” đăng từng ngày trên các nhật báo SàiGòn vào khoảng 1970-1972…
Những trang nhật báo SàiGòn thời 1970 được trải rộng trên bàn làm việc để điểm tin tức thời sự và quân sự, nhưng không khỏi có một ai đó trong phòng làm việc thời bấy giờ, có khi là cô Bê, hoặc Cẩm Vân hoặc Triều Dương có khi là nhà văn Võ Hà Anh, thay nhau đọc lên vài đoạn văn chương đối thoại lâm ly và tả cảnh thật lâm ly nóng bỏng (là sở trường độc đáo) của nhà văn Lê Xuyên (Chú Tư Cầu)..
Rồi mới đọc tiếp đến… tin chiến sự từ các vùng Á châu khác, cho đến các mặt trận Bình Long, Đồng Xoài… lúc bấy giờ để cắt dán và đánh máy trong bản phúc trình chuyển lên văn phòng Tướng Tư Lệnh trước 3 giờ chiều mỗi ngày…
Dù là những con đường quốc lộ đi ngang qua Bình Long, ngày xưa tôi cũng đã từng có dịp đi qua, cho đến những cánh rừng Giầu Dây, Định Quán, Bình Dượng Bến Cát.
Cho đến gần đây tôi vẫn có thờ ơ thật sự với Nguyệt Đồng Xoài của tác giả Lê Xuyên, cũng như khi nghe kể về thời thiếu nữ của Uyên Phương người ca sĩ kiêm nhà văn của thành phố Portland -Oregon. Trong trí nhớ, về một thời SàiGòn ngộp thở trong tin chiến sự và những thương vong từ hai phía trong các bản điểm tin hành quân-chiến cuộc, Nguyệt Đồng Xoài hay Chú Tư Cầu. Nguyệt và song thân đều chết không than van vì đạn pháo kích của mấy ổng”. Chứ Truyền dài Lê Xuyên đâu chỉ là những dòng văn là đề tài cười cợt cho những tưởng tượng văn chương tình ái trong đời thường của Lê Xuyên mà biết bao độc giả chờ đợi mỗi chiều có báo mới ra, đọc để mà cười cợt….
Mãi đến bây giờ mới đọc được- Bốn mươi sáu năm sau, giờ đây, những cánh rừng cao su mênh mông, những con đường đất đỏ, vài cây ra quả gì đó trong vườn khô khan như là cây điều, chỉ có thế thôi…
Những căn nhà bên đường không có những vườn cây nặng trĩu hoa trái ngọt ngào, như vườn xoài Lái Thiêu mà tôi có thể tưởng.
Bây giờ thì mình mới hiểu, những người thân của mình, trong ấy có Nguyệt có Phương Đồng Xoài, đã tản cư từ Bình Dương về đây tìm sự sống hồi sinh, trong những mái nhà nhỏ ven đường lộ quây quần làng xóm có thể nói là “đi dăm phút, đã về chốn cũ”…
Giờ đây đọc lại Nguyệt Đồng Xoài như tìm về thoáng hiện dòng nhật ký một thời chiến tranh, một thời của một nữ sinh lớn lên trong mơ ước, tiêu biểu cho biết bao nhiêu thiếu nữ miền Nam đáng yêu như thế.
Thì ra, cũng đặt mình dưới ngòi bút xã hội và tình cảm khao khát dục vọng tự nhiên của bản năng, Nguyệt Đồng Xoài đã khác hẳn, trong văn phong của Lê Xuyên (một nhà văn về đời sống vật chất lương bổng rất khá giả), nhưng nghe nói ông có khuynh hướng thiên về xã hội, được mệnh danh như là người bênh vực giai cấp xã hội bị áp bức?
Tôi xin lỗi Nguyệt, xin lỗi những trang truyện dài Lê Xuyên đăng từng kỳ 46 năm xưa, mà tôi chỉ nghe nhiều người thích thú, (còn tôi thì không) tìm vui thích qua những đối thoại lôi cuốn, cách hành văn rất tròn chữ thu hút… Tôi tự hỏi lòng mình, liệu ngày ấy tôi có thể có được cảm xúc từ Nguyệt, từ Ca sĩ Uyên Phương Đồng Xoài. Hồi ấy cứ tưởng tượng vùng này chắc nhiều xoài như miền Tây, và những suy nghĩ không giống như cảm giác bây giờ…
Bây giờ, tôi say mê đọc từng trang tác phẩm, như giở lại nhật ký của Nguyệt, trìu mến, cố tưởng tượng ra gian hàng tạp hóa nhỏ của Nguyệt, cũng như đoạn văn về cửa hàng tạp hóa của Khoa Cát…
Sự trong trắng tâm hồn lẫn thân xác của cô nữ sinh Sài Gòn tên Nguyệt Đồng Xoài đã bị xô giạt, như một cánh bèo, như một ký ức, để rồi cuối cùng được sống tại SàiGòn, rồi cũng như thân phận Sài Gòn đã bị “bức tử bởi những đạn pháo kích tấn công Sài Gòn mà Lê Xuyên gọi nhẹ nhàng là “của mấy ổng bắn vô”.
Một người bạn nhỏ của tôi sau này, cũng có vài năm “chạy giặc lưu lạc về tới Phước Long Đồng Xoài, cũng đồng ý với câu ví von của Pasternak trong tác phẩm Dr Jivago ..“..Phải… thật sự những người phụ nữ như Đức Maria, có một tình yêu chồng vợ chồng cũng đáng được gọi là đồng trinh”.
Và những người như Nguyệt Đồng Xoài, lớn lên trong bom đạn chiến tranh, những người học trò thị xã và tỉnh lỵ, những người về SàiGòn trọ học, dù sống thế nào, giống như Nguyệt kể cả khi chưa nằm xuống an phần như tên SàiGòn cũng chết. Thì hình ảnh những người thiếu nữa ấy – mãi vẫn trong sáng, đáng yêu như những thiên thần.
Mà tại sao mãi hơn bốn mươi năm sau, tôi mới nhận ra được, với cảm xúc,
thương cảm cho những thiên thần áo trắng đến như Nguyệt Đồng Xoài, đến những con đường đất đỏ, cánh rừng cao su mênh mông bạt ngàn, khiến bây giờ mình ngồi nhớ nghẹn ngào.
Tôi lần đầu biết ngậm ngùi và xúc động với tác phẩm về con người và cảnh bình thản trong thời chiến và tiếng của đáy lòng Nguyệt Đồng Xoài của nhà văn Lê Xuyên…
PK (NVTB)
Hình 1: Bìa sách in trước 1975 do Vũ Thái Hòa (?) vẽ bìa
Hình 2 , 3 & 4 : Những con đường lộ xuyên qua hai bên khu rừng cao su và những cột mốc cây số trên đường tỉnh lộ
Hình 5 & 6, với cây điều: Một cửa tiệm tạp hóa nhỏ, làm liên tưởng đến căn nhà lánh cư từ Bình Dương về của gia đình Nguyệt, sau này, cha mẹ Nguyệt trúng đạn pháo kích của mấy ổng bắn về
Hình 7 & 8 Như những thiên thần nhỏ của vùng đất đỏ và ngút ngàn cây cao su Bình Long
Hình 5: Cột Mốc chỉ đường đến Đồng Xoài
Hình 6, 7: Đường xá đồng Xoài và cây cảnh
Hình 8: Bìa sách in trước 1975 do Vũ Thái Hòa (?) vẽ bìa