Đêm Giáng Sinh 1978 và Lễ chào Quốc Kỳ VNCH đầu năm 1979
* NGUYỄN VĂN HÓA (Cựu tù K4)
1.- Tình hình tại trại tù Suối Máu thời điểm 1978
Mùa Hè năm 1978, sinh hoạt của anh em trong trại tù Suối Máu tuy vẫn bình thường như những năm trước, nhưng hầu như có một điều gì đó không bình thường mà anh em tù cảm nhận được tuy chưa có thể định ra. Hàng ngày các K vẫn phân chia các toán đi làm lao động bên ngoài như cuốc đất, trồng rau ở bên khu suối cạnh Quốc Lộ 1, hoặc ở bên phía đường rầy xe lửa, ngoài ra cũng vẫn những công việc lặt vặt không tên bên trong doanh trại…
Tháng 4/1978, có một số nhỏ anh em ở cả 5 K có tên trong danh sách chuẩn bị cho về, làm cho không khí trại cũng bớt nặng nề và hy vọng hơn. Tuy nhiên, sau cuộc đổi tiền vào đầu tháng 5 năm ấy đã làm cho số anh em này thất vọng vì không thấy trại nhắc đến nữa, có nghĩa là không được về. Lúc này tin từ bên ngoài do các anh em được gia đình thăm nuôi cho biết về trận đánh tư sản tàn khốc ở miền Nam, cộng thêm với cuộc đổi tiền bóc lột đã khiến cho dân chúng vô cùng bất mãn. Ngoài ra, cũng có những tin về phong trào vượt biên, vượt biển đang lên cao, và nhất là tình hình căng thẳng giữa Trung Cộng và Việt Cộng đang ở mức cao độ vì việc quân CSVN tấn công sang Campuchia…
Đến tháng 10 năm ấy, bất ngờ có những biến động xáo trộn trong các trại, một số anh em ở các trại tù khác như Long Giao, Hóc Môn… được đưa về chia ra cho các K, đồng thời có những yếu tố cho thấy sự chuẩn bị của một cuộc bàn giao giữa lực lượng bộ đội đang coi tù và lực lượng công an.
Một buổi sáng trong tháng 10, tất cả anh em tù ở các K được lệnh tập họp với đầy đủ đồ đạc cá nhân. Lúc ấy chúng tôi đang ở K3, một số lớn các anh em sĩ quan trẻ nơi đây được lệnh chuyển sang K4, trong khi có những anh em ở các K khác lại chuyển sang K3, đây phải chăng là một sự sắp xếp và xáo trộn tù nhân trước khi bàn giao?.
Về nơi ở mới, cũng anh em tù gặp nhau cả, nên cũ mới không là vấn đề. Cuộc bàn giao cho công an diễn ra nhanh chóng, trước khi bọn “bò xanh” rút khỏi nơi đây. Những ngày mới chân ướt chân ráo đến nhận trại tù, đám “bò vàng” còn đang lo sổ sách, quản lý người và sắp xếp sinh hoạt cho anh em tù và cả bọn chúng nữa, nên vào buổi giao thời này hầu như chúng tôi không phải làm lao động nhiều cho lắm, chỉ lo tưới những khu trồng rau đã canh tác cho khỏi héo, và suốt ngày đa số chỉ lòng vòng trong trại tán gẫu và lo chuyện cơm nước mà thôi. Đây được xem là thời gian nghỉ ngơi vô tiền khoáng hậu, tha hồ ai muốn làm gì thì làm mà không bị canh chừng, dòm ngó…
Vị trí của K4 nằm ở phía sau trại, đâu lưng với tất cả các K khác, nếu đi từ cổng chính vào thì sẽ thấy K5 và K1 đầu tiên, theo con đường chính dẫn vào tiếp đến là K2, K3, rồi đến K30 với bệnh xá nằm phía cuối và vòng sang phía sau là K4, chạy dài cho đến giáp sau lưng của K5, ngay sát hàng rào kẽm gai với con đường của lính tuần canh. Vì vị thế đặc biệt này, anh em tù K4 có thể liên lạc qua hàng rào với tất cả các K trong trại, anh em các trại khác muốn liên lạc với K nào thì cũng phải qua K4 trước, những ngày công an mới bàn giao cho đến sau biến cố Noel, anh em K4 đều có thể chui rào dễ dàng qua các K bằng cách vén rào kẽm gai thành những đường đi qua, cho nên thời điểm này rất vui vì anh em được gặp mặt và “đoàn tụ” với bạn bè thoải mái…
Hội trường K4 những ngày này là nơi để anh em chiến hữu từ các K khác sang gặp bạn bè, các “quân binh chủng” họp mặt, ngày nào cũng có ít nhất một cuộc “họp binh chủng” một cách công khai ở K4, từ BĐQ, TQLC, ND, Biệt Kích, Pháo Binh,Thiết Giáp, Sư Đoàn… Hầu như buổi họp binh chủng nào cũng đều có những băng-rôn vẽ huy hiệu của binh chủng đó một cách trịnh trọng và treo công khai trên hội trường, cùng với những bữa “liên hoan” binh chủng có thể là chè, cháo, nước trà, bánh kẹo… tùy khả năng, cho nên không khí rất là vui. Hội trường K4 cũng là nơi để cho anh em tụ tập nghe thuyết trình về thời sự, chính trị với nhiều diễn giả khác nhau, như Dương CựÏ, Sáu Hồ Hởi, Trịnh Xuân Rĩnh… và nhiều diễn giả khác nữa. Nói chung, cứ mỗi buổi sáng, anh em tù lên hội trường thì lại được biết nhiều tin tức, gặp nhiều bạn bè khắp nơi và nhiều cuộc vui như chưa từng có trong tù… Hội trường K4 nằm ở vị trí rất thuận lợi, từ lối vào của K đi xuyên qua 12 lán của các đội 1, 2 và 3 rồi mới đến hội trường cũng ngay sát cạnh nhà 11 và 12, kế đến là sân đánh bóng chuyền rồi mới đến các lán của đội 4 nằm sát với hàng rào K5, hàng ngày ở sân bóng chuyền đều có anh em chơi, cho nên các hoạt động xảy ra trong hội trường ít khi bị để ý.
Được biết thời gian này, hầu như K nào trong 5 K cũng đều tự ý thành lập trong kín đáo một “Ủy Ban Bảo Vệ Danh Dự Sĩ Quan QL/VNCH” (tạm viết tắt là UBBVDDSQ), nhằm nhắc nhở cho anh em về vị thế và danh dự của sĩ quan, trong đó cũng có một “Ban Hành Động” để hỗ trợ cho công tác nói trên, ngoài ra còn có những hoạt động khác như ra thông cáo, bản tin… được phổ biến hàng ngày, anh em cũng mở một phong trào giúp đỡ những anh em khó khăn không được thăm nuôi…. Chiến dịch “chấn chỉnh” anh em cũng đã được cả 5K đồng loạt thực hiện qua các vụ “dằn mặt” số anh em trót dại làm “tình báo” cho trại trong thời gian “bò xanh” quản lý, tuy nhiên, sau khi “chấn chỉnh” một anh em nào thì UBBVDDSQ cũng có người lo cho anh em đó thuốc men và thực phẩm để có cơ hội hồi phục.
Nói chung, tình hình trong toàn trại lúc ấy được xem là do chính anh em SQ tù tự quản, không khí rất bình yên và vui vẻ, có thể nói đây một kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với anh em trong trại tù Suối Máu.
2.- Đêm Giáng Sinh 1978 ở K4
Vào khoảng 1 tuần trước ngày lễ Noel, anh Thể và một anh bạn khác ở đội 2/K4 đến gặp tôi, đang ở nhà 12, anh cho biết muốn cùng tôi bàn thảo để tổ chức một đêm Giáng Sinh cho anh em Công Giáo trong K, gồm các nghi thức tôn giáo như lãnh bí tích hòa giải, rước mình Thánh Chúa và ca nhạc Giáng Sinh tại hội trường K4 vào 7 giờ tối 24 tháng 12. Anh Thể cho biết đã liên lạc với LM Thiên ở bên K3, ngài đồng ý sẽ ban bí tích xá giải cho anh em vào 5 giờ chiều 24-12, anh em Công giáo chỉ việc tự xét mình, ăn năn tội và hướng về phía hàng rào K3 thì sẽ được nhận lãnh bí tích giải tội tập thể này. Anh Thể cũng đã có sẵn một số ít bánh lễ do anh và vài anh em khác nhờ người nhà khéo léo giấu đưa vào khi thăm nuôi, nên cũng sẽ gửi qua cho các cha Thông, cha Thiên ở K3 truyền phép trước, sau đó sẽ cho anh em nhận lãnh vào đêm Noel.
Chúng tôi phân chia công tác, về nghi thức thì do anh Thể trách nhiệm, còn về thánh ca thì tôi nhận phụ trách, may mắn là chúng tôi có được anh Lại Quốc Hùng, ca trưởng Ca đoàn Trùng Dương của Sinh viên Công Giáo Sài Gòn trước đây, anh giúp phối hợp cho phần tập dượt hợp ca hàng ngày ở sau hội trường. Việc tổ chức đêm Noel này hoàn toàn mang tính chất tôn giáo, để anh em có thể được tham dự một đêm Giáng Sinh đầu tiên đặc biệt trong tù sau 3 năm bị CS canh chừng và cấm đoán tuyệt đối.
Về phần an ninh và báo động, chúng tôi cũng đã phối hợp với UBBVDDSQ, các anh em bên Ban Hành động, và được sự ủng hộ và yểm trợ tối đa.
Bảy giờ tối 24-12, nghi thức mừng Chúa Giáng Sinh được cử hành ở căn phòng phía sau hội trường K4, căn phòng nhỏ thông với đầu hội trường, tiếp giáp với hàng rào của K2. Số anh em Công Giáo đến dự đông đảo và cũng có nhiều anh em các tôn giáo khác cũng tham dự. Một chiếc bàn nhỏ có trải khăn, đặt “Bánh Thánh” bên trong một hộp nhỏ, có thắp nến do anh em tự chế. Trên tường có treo một vài tranh vẽ về Giáng Sinh, đặc biệt cũng có một hang đá nhỏ bằng giấy, tượng cũng bằng giấy cứng được đặt ở giữa phòng… Nghi thức được bắt đầu bằng phần “phụng vụ lời Chúa” do anh Thể đọc Tin Mừng và vài lời chia sẻ (anh Thể trước kia từng ở nhà Dòng nên rất rành rẽ về việc này). Tiếp đến là nghi thức “rước lễ”, vì số bánh Thánh không nhiều nên phải phân nhỏ ra để đủ cho mọi người, anh em Công Giáo rước mình Thánh Chúa rất sốt sắng và cảm động. Xen kẽ và sau cùng là phần hát Thánh ca, với nhiều bài hát Noel quen thuộc: Hang Bê-Lem, Hội Nhạc Thiên Quốc, Cao Cung Lên, Đêm Thánh, Jingle Bell… được anh em hợp ca rất hòa nhịp và sốt sắng. Khoảng hơn 8 giờ, buổi lễ kết thúc tốt đẹp, anh em giải tán về lán của mình…
Được biết ở các K khác, cũng có những tổ chức lễ Giáng Sinh tùy theo tình hình và cách tổ chức của mỗi K, nói chung mọi người đều có một đêm lễ Noel vui vẻ và thoải mái nhất từ trước đến giờ.
Khoảng gần nửa đêm, khi anh em tù K4 chúng tôi còn đang người thức kẻ ngủ, có những nhóm anh em còn đang ngồi uống trà nói chuyện, hoặc ăn “reveillon” kiểu tù, bầu trời đêm Noel vắng lặng, đâu đó nghe tiếng chuông văng vẳng từ các nhà thờ ở Hố Nai vọng lại, gây cho anh em nhiều suy nghĩ và nhớ nhà…
Bỗng nghe tiếng xôn xao từ khắp các lán, tin cho biết bên K1 tổ chức đêm Giáng Sinh đã bị bọn công an xông vào đàn áp, bắt dẫn đi 3 người, đó là các anh Rĩnh, Hoàng và Bé. Tin được báo cho các K khác hỗ trợ, ngay lập tức tất cả K4 không ai bảo ai đều lên hội trường, mang theo ca cóng, muỗng, thùng và các thứ gì có thể gõ được. Hội trường vào lúc này đầy ắp người và tối đen, tất cả đều vừa gõ vừa la, rồi bất thần anh em cùng nhau hát bài Đêm Đông, một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Hải Linh mà có lẽ ai cũng từng biết, bài hát cứ được tiếp tục như vậy, điệp khúc “Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời” được lập đi lập lại không biết bao nhiêu lần, rồi đến bài “Việt Nam, Việt Nam” của Nhạc sĩ Phạm Duy…
Phía ngoài con đường ngay sát hội trường, bọn công an dày dặc với súng ống chạy rầm rập đối phó với tình huống quá bất ngờ, có những tiếng hô từ bên phía công an yêu cầu anh em giải tán và những tiếng đạn lên nòng, tiếng súng bắn chỉ thiên hướng vào trại, nhưng cũng không làm anh em mất tinh thần, vẫn tiếp tục gây tiếng động và hát vang bài ca Giáng sinh… Một anh tên Hải (anh em quen gọi là “Hải Vẩu”) ở nhà 11 bị trúng miểng tôn vào cánh tay do súng bắn từ bên ngoài vào mái tôn của hội trường, anh được anh em nhanh chóng băng bó vết thương và đưa về nhà nằm nghỉ, may mắn vết thương cũng không đến nỗi, chỉ bị trầy sước và chảy máu mà thôi.
Lúc ấy, toàn trại Suối Máu đều chìm trong bóng tối, cùng lúc anh em sĩ quan tù ở tất cả các K khoảng trên 4,000 người từ K1 cho đến K5 đều tụ tập trên hội trường của mình, cùng hát vang bài thánh ca Đêm Đông để yểm trợ cho cuộc đấu tranh của anh em K1, khiến cho âm thanh náo động cả một vùng, bài thánh ca vang dậy trong khí thế đấu tranh trở nên như một bi hùng ca. Trong đêm tối, chỉ nghe tiếng hát vang vang, hùng hồn của từng trại một, hết K này đến K kia. Bên ngoài trại tiếng của bọn công an cai tù lao xao, hốt hoảng, lo bố trí vị trí súng cộng đồng xung quanh trại…
Thỉnh thoảng xen kẽ bài đồng ca vĩ đại ấy, là tiếng nói của đại diện UBBVDDSQ thông báo cập nhật về tình hình, cũng như thông báo đã cùng với các K khác đưa ra yêu sách là nếu không thả 3 tù nhân K1, ngày mai các trại sẽ từ chối đi lao động, không nhận thức ăn do trại cấp… Đâu đó vẳng lại tiếng xích sắt của những chiếc xe thiết giáp nghiến trên đường, phía ngoài trại, chuẩn bị cho một cuộc đàn áp, mà nếu xảy ra thì không biết hậu quả sẽ đi đến đâu, trong khi anh em tù trong các K cũng sẵn sàng cho một tình huống xấu nhất…
Khoảng hơn 1 giờ khuya, trong khi anh em vẫn tiếp tục khí thế ca hát phản kháng, thì nhận được tin công an đã trả tự do cho 3 anh ở K1 về với anh em. Cuộc phản kháng chấm dứt trong thắng lợi, tất cả anh em tự giải tán về nhà nghỉ, trong khi bọn công an vẫn tiếp tục tăng cường bên ngoài hàng rào…
Sáng hôm sau, buổi điểm danh thường lệ có thêm nhiều công an hơn ngày thường với súng ống lăm lăm, vẻ mặt tức tối. Những tên công an đi từng hàng nhìn lăm lăm vào từng người một như tìm kiếm ai đó, nhưng thực ra chỉ là giương oai đe dọa… Buổi trưa hôm ấy anh em thấy nhiều gương mặt công an lạ xuất hiện ở ngoài trại, phía bên ban chỉ huy, sau đó được biết là các chuyên viên điều tra từ Chí Hòa được phái đến Suối Máu, chuẩn bị cho chuỗi ngày dài sau này: biệt giam, bắt bớ, đánh đập, điều chuyển nhiều anh em đi các nơi khác….
3.- Buổi lễ chào Quốc Kỳ đầu năm 1979
Trong không khí hừng hực đấu tranh chống lại bọn cai tù cộng sản và đã thắng lợi qua cuộc phản kháng đêm Giáng Sinh, UBBVDDSQ của K4 quyết định tổ chức một buổi chào Quốc Kỳ đầu năm. Đây là một việc làm đúng đắn và cần thiết để nêu cao chính nghĩa, nhưng cũng vô cùng nguy hiểm trong một trại tù cộng sản. Buổi chào Quốc Kỳ đầu năm và đêm văn nghệ “Hát Cho Quê Hương Và Thân Phận” được tổ chức vào 7 giờ chiều ngày 1 tháng Giêng, 1979, đúng 1 tuần sau ngày Noel nổi dậy trước đó, cũng tại căn phòng phía sau hội trường, vì nơi đây tương đối kín đáo và đám công an tuần tiễu ít chú ý đến.
Việc chuẩn bị cho buổi lễ chào quốc kỳ được bố trí rất chu đáo, một lá Quốc Kỳ VNCH khổ vừa khoảng 6 tấc bề dài, 4 tấc bề ngang đã được nhóm anh em trách nhiệm tìm kiếm vải và may rất đẹp, lá cờ được treo trịnh trọng trong phòng, bên dưới là bàn thờ tổ quốc, trên các bức tường khác là một vài bức vẽ, biểu ngữ cũng như khẩu hiệu viết tay. Cá nhân tôi phụ trách phần soạn chương trình, tìm bài hát và tập cho các anh em ca sĩ… Anh em các lán được thông báo về buổi lễ từ hôm trước, đến giờ đã tụ tập khá đông, nhiều người phải đứng bên ngoài xung quanh căn phòng và phía sau vì căn phòng không đủ chỗ. Điểm đặc biệt là tất cả 16 anh nhà trưởng đều được mời đến dự, các anh đã đến đầy đủ tại nơi cử hành từ trước giờ khai mạc. Về phần an ninh và báo động, nhóm anh em trong Ban Hành Động và một số khác đã bố trí kỹ lưỡng, từ các trạm báo động cũng như an ninh nội bộ, kể cả việc nhanh chóng thủ tiêu các “tang vật” nếu bị công an phát giác và tấn công vào trại.
Buổi chào Quốc Kỳ đầu năm diễn ra trong không khí trang nghiêm và vô cùng cảm động, hàng trăm anh em tù tụ tập ở phòng trong và ở chung quanh cũng như phía sau nhà hậu trường cùng đứng nghiêm, hát vang Quốc Ca VNCH sau nhiều năm không có cơ hội được đứng và hát dưới lá cờ tổ quốc, người điều khiển trịnh trọng dõng dạc xướng khẩu hiệu “Tổ quốc – Danh dự – Trách nhiệm” sau khi chấm dứt Quốc Ca, tiếp đến là lễ truy điệu chiến sĩ trận vong. Các anh em phụ trách phần nghi lễ, xướng ngôn đã làm rất xuất sắc và không kém chuyên nghiệp trong buổi lễ nói trên.
Ngay sau phần chào Quốc Kỳ, là chương trình văn nghệ “bỏ túi” mang chủ đề “Hát Cho Quê Hương Và Thân Phận” đã được anh em cùng hát cho nhau nghe, anh em chơi đàn trong tù thì không hiếm, các ca sĩ cũng nhiều, từ Nguyễn Sĩ Trí (Trí “Dzảnh”) cho đến Đức “Cống” và nhiều anh em khác… Những bản tù ca do chính anh em sáng tác được đưa ra hát trong buổi này đã đem đến cho anh em nhiều khắc khoải khi nghĩ đến tương lai tổ quốc, nỗi nhớ nhung thời còn cầm súng chiến đấu, cùng với những cảm nhận về phận tù đày…
Đây là lần đầu tiên và có lẽ là duy nhất có một buổi chào Quốc Kỳ ngay trong lòng nhà tù cộng sản. Được biết, lá quốc kỳ sau buổi lễ đã được nhóm của anh Đại úy Sanh cất giữ rất cẩn thận, khi được thả về, anh đã may lá cờ này vào đáy chiếc ba lô của anh và đưa về nhà an toàn, sau này khi gặp lại ở Sài Gòn, anh Sanh cho biết vẫn còn giữ lá cờ lịch sử nói trên để làm kỷ niệm.
Từ sau Đêm Giáng Sinh “thần thánh” ấy, không mấy ngày ở K4 lại có anh em bị gọi tên và dẫn ra “làm việc” với trại, có những anh bị nhốt lại tại conex không thấy trở về, có người khăn gói đi luôn đến một nơi nào đó như Chí Hòa, Phan Đăng Lưu… kết quả của những nỗ lực điều tra của công an nhằm tìm cho ra những người tổ chức chống đối trong đêm Noel “thần thánh” vừa qua.
Một buổi xế chiều gần Tết nguyên đán năm ấy, tôi đang ở trong lán 12 “đấu láo” với vài anh em nằm gần bên, thình lình một cán bộ công an dẫn theo một công an khác đeo súng dài, đến hỏi nhà trưởng của tôi là anh Hoàng để gọi tôi ra gặp anh ta, viên công an này là phụ tá của trại trưởng, tay cầm một bao thư nhỏ, y nói với tôi là: “anh có người nhà thăm nuôi” và bảo đi theo anh ta. Tôi thừa hiểu là mình đã bị bắt.
Ra đến ngoài trại, tôi được đưa vào phòng làm việc của trại trưởng tên Tư “Nhé”, sở dĩ y có tên này vì tên thật của hắn là Tư, nhưng có cái tật là mỗi khi nói với người khác thì bao giờ cũng thêm một chữ “nhé” sau cùng, anh em liền đặt tên hắn là Tư “nhé”. Tên này người Bắc, cao và gầy, lúc nào cũng đeo kiếng đen và nói năng rất nhỏ nhẹ với anh em tù nhưng bên trong thì vô cùng thâm hiểm.
Tư “Nhé” hỏi tôi: Đêm Noel anh ở đâu?
Tôi đáp: Ở trong trại.
– Có lên hội trường không?
– Có.
– Tại sao không ngủ mà lên đó?
– Vì tất cả anh em đều lên, tôi cũng thế.
– Anh là người phụ trách “tôn giáo vụ” trong trại phải không?
– Thưa… không.
Tư “Nhé” lườm tôi và nói: Vậy anh vào thùng sắt nghỉ để suy nghĩ,… nhé.
Và kể từ giờ phút đó, tôi được đưa vào thùng conex, khởi đầu cho những ngày biệt giam…
Nguyễn Văn Hóa
(trích Hồi Ký: “Những năm tháng không thể nào quên”.