* Phạm Quốc Bảo.
Trong vòng bốn năm năm nay, mỗi lúc càng nhiều websites tổng hợp tin tức việt ngữ trên mạng lưới điện tóan tòan cầu. Theo hiểu biết của cá nhân, tôi thấy rằng mặc dù càng nhiều tin tức thì càng dễ bị lầm lạc nhưng mặt khác, sự kiện này cũng thể hiện lên một bước nỗ lực phát triển đáng kể trong tiến trình thông tin đa chiều của các cộng đồng gốc Việt. Hằng ngày tôi đã thường xuyên bỏ ra độ từ một đến hai tiếng đồng hồ để theo rõi mấy băng tần truyền hình việt ngữ ở địa phương Nam Cali; trong đó họ thường tổng hợp tin và cho chiếu lại vài đọan chương trình việt ngữ của hai đài VOA và RFA .
Chúng ta đều hiểu rằng truyền thông càng đa dạng thì lại càng phức tạp, đòi hỏi người tiếp nhận cần có căn bản suy luận và khả năng phán đóan vững và sáng suốt để kiểm chứng. Và từ đấy, tôi nghiệm thấy có mấy chi tiết cụ thể cần nêu ra đây: Chẳng hạn như từ đầu tháng 9 năm nay, 2018, VOA Express đã phong phú hẳn lên khi loan những sự kiện cập nhật đang xẩy ra trên thế giới. Đương nhiên là qua cách đọc tin hay qua các phóng sự – phỏng vấn, những gì hiển hiện một cách nóng hổi và đáng chú trọng của Hoa Kỳ thì nhiều nhất vẫn là tin về TT Trump, Tòa Bạch Ốc, và những chuẩn bị chính trị gấp rút cho cuộc bầu cử bán kỳ Quốc Hội vào đầu tháng 11 này, cũng như bắt đầu xúc tiến kế họach quân sự hóa không gian… Hay về cuộc chiến tranh kinh tế Hoa Kỳ- Trung Cộng(*).
Cạnh đấy, tin Việt Nam là các sự kiện nổi bật của phong trào tranh đấu đòi những quyền căn bản của con người, như hủy bỏ Luật An Ninh Mạng và Dự Luật Đặc Khu kinh tế…;trong ấy cụ thể là sự kiện tuyệt thực 34 ngày của ông Trần Huỳnh Duy Thức để phản đối cách đối xử trái ngược với nhân quyền của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam … ‘Mặn chát’ nhất vẫn là các cuộc vận động mỗi lúc một thêm dầy đặc và gay gắt nhằm đòi xóa án cho những nhà đấu tranh dân chủ – dân quyền ở trong nước…(**)
Tổng hợp tin của VOA & RFA cụ thể những gì mới?
Nhưng đặc biệt có mấy tin tức đánh động vào sự chú tâm của riêng tôi. Chẳng hạn, một chef- cooker người gốc Việt ở Florida chế biến gia vị vốn của thổ dân địa phương phối hợp với hầu hết gia vị việt đã khiến ông ta trở nên nổi tiếng nhờ cung cấp món xào crawfish để nhậu bia vô cùng hấp dẫn đối với dân bản xứ. Hay: “Một trong những hoạt động văn hóa thường niên của người Việt thu hút nhiều người tham gia nhất tại khu vực thủ đô Washington, Hoa Kỳ, (đó là)chương trình Viet fest 2018 vừa diễn ra cuối tuần qua(giữa tháng 8/18). Trong những năm gần đây, Việt Film Fest ngày càng nổi bật, lôi cuốn được đông đảo giới trẻ gốc Việt thuộc thế hệ thứ 2 hoặc thậm chí là cả thế hệ thứ 3, đem lại một không khí vui tươi và hấp dẫn.”( tháng 10/2018)
Chẳng hạn: Các nhà nghiên cứu trên toàn cầu đang nỗ lực tìm kiếm những phương cách bảo vệ môi sinh, như khuyến khích giảm ăn thịt các loài thú hoang dã, như giúp giảm thiểu lượng khí thải trong chăn nuôi gia súc bằng cách thêm các chất phụ gia thực phẩm khác nhau như tỏi, oregano, quế .. thậm chí cà ri – . Hệ thống các trại nuôi bò sữa và các hoạt động chăn nuôi khác là xuất xứ chính của nguồn khí mê-tan – một loại khí giữ nhiệt mạnh hơn nhiều so với khí carbon dioxide.Tuy nhiên, cả hai loại khí này đều góp phần gây ra hiệu ứng khí thải nhà kính, dẫn đến hiện tượng trái đất ấm dần lên. Hiện nay, các nhà nghiên cứu tại Đại học California đang thử nghiệm nuôi bò sữa bằng rong biển trong nỗ lực giúp ích hữu hiệu cho khí hậu và môi trường sống trong lành hơn ở trái đất: Nhờ đó mà mức đo mới nhất cho thấy có thể giảm ô nhiễm tới 30% .Các thử nghiệm này đã và đang thu thập được những kết quả khả quan khác nhau.(mùng 10 /09/18)(***). Tin này đáp ứng tức thời với kết quả nghiên cứu mới nhất của giới chuyên gia quốc tế vừa công bố là hiện nay nhân lọai đang ở trong giai đọan Đại Tuyệt Chủng thứ 6 [ The 6th Great Extinction] về môi sinh do con người tạo nên [ khác với kỳ Đại Tuyệt Chủng thứ 5 do lòai khủng long tạo nên trước đây]
Rồi: Nông trại của người H’mong( với độ 60 ngàn dân,đông thứ nhì sau cộng đồng người gốc H’mong Fresno, miền Trung Cali) đã và đang trở thành nơi cung cấp nông sản và thực phẩm chính cho dân cư ngụ ở tiểu bang Minnesota. (11/09/18)
Hay: Mai Khôi, cô ca sĩ từng được mệnh danh “Lady Gaga của Việt Nam” đang khiến khán giả Mỹ trải nghiệm nỗi đau của cảnh sống thiếu tự do.(12/09/18)
Và: Lớp thái cực quyền đã được cô Hằng Tâm, một phụ nữ gốc Việt, duy trì trong nhiều năm nay để phục vụ hoàn toàn miễn phí những người cao niên ở khu vực phía bắc Virginia, giáp ranh với thủ đô Washington (13/09/18)…
Gần hai năm nay, mỗi lúc xảy ra một nhiều những vụ bạo hành súng đạn trên khắp nước Mỹ(“307 vụ nổ súng giết người hàng loạt tại Mỹ trong 311 ngày” ****)… Và mới nhất, cuối tháng 10/ 2018, “Ít nhất 13 trí thức bỏ Đảng(CSVN) sau ‘hiệu ứng Chu Hảo’”(*****)
Hằng tuần chiếu những Tin Tổng Hợp này, VOA Express đã được các chương trình truyền hình việt ở Little Sàigòn đề rõ rằng đây là phần phối hợp tin của cả VOA lẫn RFA, một đặc điểm mới nhất mà tôi để ý thấy. Mặc dù đang trong thời gian thử nghiệm, chẳng biết phần phối hợp tin này sẽ tiếp tục được bao lâu nữa, nhưng rõ rệt đây là một sáng kiến mới mẻ và phong phú nhất của lịch sử hai cơ quan thông tin Hoa Kỳ trong quá trình thực hiện công tác truyền thông, họ đã nỗ lực luôn phát triển để phục vụ, theo nhu cầu đại chúng với khả năng rộng mở quá trình áp dụng khoa học-kỹ thuật ngày một tân tiến hiện nay…
Vừa yên lặng theo dõi những tin ấy trên màn ảnh, tôi vừa lần lượt nhớ lại rằng ông Phạm Phú Thiện Giao hiện đang phụ trách trưởng ban việt ngữ đài VOA nhưng trước đây độ trên10 năm, Thiện Giao đã là trưởng văn phòng RFA ở Bangkok, Thái Lan…; và ông Nguyễn Ngọc Bích vốn đã là trưởng ban việt ngữ đầu tiên thời RFA mới được thành lập cách đây gần ba mươi năm trước…
Nguyễn Ngọc Bích, một đời sống xuất sắc trong đa dạng:
Wikipedia tiếng Việt https://vi.wikipedia.org/wiki/NguyễnNgọcBích đã viết: Nguyễn Ngọc Bích sinh năm 1937 tại Hà Nội, lúc còn nhỏ, ông học tiểu học ở Vĩnh Yên, sau đó vào trung học ở Chasseloup Laubat, Sài Gòn. Năm 1954 ông Nguyễn Ngọc Bích sang Mỹ du học theo chương trình học bổng Fulbright, tốt nghiệp ngành chính trị học tại Đại học Princeton University năm 1958. Sau đó, ông tiếp tục theo học môn Á Đông học, Văn học cổ điển Nhật tại Columbia University, New York và có thời gian sang Nhật bằng học bổng President’s Fellowship để thu thập tài liệu cho luận án cao học. Ngoài ra, ông theo đuổi một số khóa học ngắn ở Đại học Vienna và Munich (tiếng Đức), Madrid (tiếng Tây Ban Nha), USDA Graduate School (tiếng Trung và tiếng Nga).
Sau nhiều năm sống, học và làm việc ở ngoại quốc, giáo sư Nguyễn Ngọc Bích về nước năm 1972, cùng với vợ là Tiến sĩ Đào Thị Hợi thành lập Viện Đại Học Cửu Long ở Sài Gòn, đồng thời giữ chức Cục trưởng Cục Thông tin Quốc Ngoại của Bộ Dân Vận Chiêu Hồi. Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích cũng là Tổng Giám đốc sau cùng của Việt Tấn Xã.
Sau biến cố 30/4/1975, ông cùng gia đình rời Việt Nam sang Mỹ,định cư tại tiểu bang Virginia.Giáo
sư Nguyễn Ngọc Bích từng có thời gian giảng dạy tại các đại học George Mason (1979-89), Trinity College (1979-81) và Georgetown University (1980-86). Ông được Tổng thống Hoa Kỳ George H.W. Bush (Bush cha) chỉ định vào chức Quyền Tổng giám đốc Giáo dục Song ngữ trên toàn quốc (1991-93).Ông là Giám đốc đầu tiên của Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do RFA từ ngày thành lập cho đến lúc về hưu năm 2003. Nguyễn Ngọc Bích cũng là hội viên Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, đã trợ giúp Hội ngay từ những ngày đầu hoạt động…
Ngoài dạy học và làm truyền thông, ông Bích cũng còn là một nhà biên khảo và dịch giả có uy tín về văn thơ VN. Như “ A Thousand Years of Vietnamese Poetry” (“Một nghìn năm thi ca VN,” Knopf, 1975); A Mother’s Lullaby (dịch Trường Ca Lời Mẹ Ru của Trương Anh Thụỵ,Cành Nam,1989); War & Exile: A Vietnamese Anthology (“Chiến-tranh và Lưu Đày: Tuyển-tập văn-học hiện-đại của Việt Nam” Văn-bút Miền Đông,1989); Ông cũng dịch thơ Nguyễn Chí Thiện (Ngục Ca / Prison Songs, VICANA, 1982; Hoa Địa Ngục / The Flowers of Hell và Hạt Máu Thơ / Blood Seeds Become Poetry, cả hai do Tổ Hợp XBMĐ Hoa Kỳ xb,1996); Cung Oán Ngâm Khúc / Complaints of an Odalisque;Thơ Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều (Tổ hợp Xuất bản miền Đông Hoa Kỳ, 2006)…
Nét văn chương trong Nguyễn Ngọc Bích
Đọc đến đây, trong trí tôi tự nhiên nẩy ra thắc mắc, tại sao họ lại không kê khai đầy đủ một số tác phẩm khác nữa của ông: Chẳng hạn như cuốn KUBAIYÁT, THƠ & ĐỜI của Omar Khannam, do Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ ấn hành năm 2002 ?
Nguyên Omar Khannam(1048-1131) là một nhà tóan học, thiên văn học, triết gia của xứ Ba Tư; nhưng đặc biệt KUBAIYÁT lại là cuốn thơ của tác giả này. Với khả năng ngọai ngữ và chuyên môn biên khảo sẵn có, tại sao Nguyễn Ngọc Bích lại chọn môn thơ để giới thiệu tác giả cổ điển của dân Ba Tư này với độc giả Việt chúng ta? Và theo như chú thích của Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ thì đây là tác phẩm thơ dịch đầu tiên được Nguyễn Ngọc Bích chính thức cho công bố, hẳn ông phải có gì đắc ý với tác phẩm này đây?
Những thắc mắc đại lọai như trên đã khiến tôi lục ra cuốn thơ Kubaiyat vốn đã có trong tủ sách tại nhà.
Đầu tiên, chắc cũng xin quí vị đọc qua mấy đọan thơ dưới đây, gồm 3 ngôn ngữ: bản anh ngữ của Edward FitzGerald dịch ra từ nguyên tác cuốn Kubaiyát, bản kế tiếp do Nguyễn Ngọc Bích dịch, và cuối cùng là bản do tôi đã ‘tí toáy’ phóng ra thơ việt vào năm 2003 (ở đây xin được in chữ nghiêng):
1.
The Worldly Hope men set their Hearts upon
Turns Ashes- or it prospers; and anon,
Like Snow upon the Desert’s dusty Face,
Lighting a little hour or two- was gone.
Mộng công hầu trần gian ai chẳng ngóng
Ðể ra tro- hay có lúc thành công
Rồi như tuyết rơi trên sa mạc nóng
Ðậu một giờ rồi bỗng chốc hư không.(đoạn16, trang 148)
Là người ai chả vọng tham
được thua thành bại cũng hoàn ra tro
tuyết rơi sa mạc đỏ rừ
sáng lên chốc lát vài giờ cũng xong.
2.
Ah, my Belovéd, fill the Cup that clears
TO-DAY of past Regret and future Fears:
To-morrow!- Why, To-morrow I may be
Myseft with Yesterday’s Sev’n thousand Years.
Em yêu dấu, hãy đổ đầy ắp chén
Chén ruợu này xóa bỏ tiếc, buồn, căm
Còn mai hả? Ngày mai ta sẽ biến
Trở thành ta kiếp trước bảy trăm năm.(đoạn 21, tr. 152)
Hãy cùng nhau uống em yêu
rượu xưa tiếc sau sợ nhiều chén đây.
Ừ, mai rồi sẽ ra sao?
Bẩy ngàn năm trước, kiếp nào của ta?
3.
Myseft when young did eagerly frequent
Doctor and Saint, and heard great argument
About it and about: but evermore
Came out by the same door where in I went.
Thuở còn nhỏ, ta thường hay đi lại
Hết thánh này lại đến cống nghè kia
Nghe bàn cãi nát tai rồi vẫn dại:
Vào cửa nào ngã ấy vẫn rồi ra.(đoạn 27, tr. 156 và 157)
Thời trai trẻ, ta trải qua
thánh nhân này triết gia kia đã nhiều
luận bàn toàn chuyện cao siêu
nhưng cùng một cửa tiêu điều đó thôi.
4.
Into this Universe, and Why not knowing
Nor Whence, like water willy-nilly flowing;
And out of it, as Wind along the Waster,
I know not Whither, willy-nilly flowing
Nhập trần thế vì sao ai có biết?
Rồi từ đâu chẳng rõ, nước trôi mau
Rồi từ đó, gió đưa sa mạc riết
Ðến nơi nào.. giờ có biết nơi đâu? (đoạn 29, tr. 158 và 159)
Vào đời chẳng biết vì sao
nước dòng trôi chảy thế nào cũng xong
gió kia cứ thổi thong dong
Ta đi rồi đến, đều trong bất ngờ.
5.
Would you that spangle of Existence spend
About THE SECRET-quick about it, Friend!
A Hair perhaps divides the False and True-
And upon what, prithee, does life depend?
Ðời ngắn thế mà bạn còn muốn mất
Giờ tìm ra bí mật cuả cuộc đời!
Một sợi lông chia cái Sai, cái Thật-
Còn như Ðời rồi bám víu vào ai?(đoạn 49, tr. 170 và 171)
a/.
Tiêu pha cho hiện hữu này
tốn công tìm bí mật đời làm chi.
Hai miền giả-thực chi li
sống đời lệ thuộc ích gì cho ai!
b/.
Đời ngắn thế, sống đi, đừng phí
thời giờ tìm bí mật làm chi
Sợi tóc đủ phân đôi giả thực
lệ thuộc ai? tìm hiểu ích gì?
* Thong dong trong cuộc ra đi:
Sở dĩ ở đây xin được đăng thêm phần phóng dịch của tôi xen kẽ vào là chủ ý tôi muốn được góp mặt chung vui với Nguyễn Ngọc Bích: Trong tâm tình của cá nhận, tôi cảm nhận được rằng khi cất công giới thiệu thơ của tác giả Ba Tư này với độc giả Việt, hẳn là ông đã phần nào bị cuốn hút bởi niềm thích thú văn chương triết lý dàn trải trong ấy.
Hơn nữa, trong tình cảm riêng tư, đặc biệt hai chúng tôi quen biết trên ba chục năm nay nhưng thỉnh thỏang mới có cơ hội gặp gỡ bù khú với nhau, tôi đã khá mặn mòi ở cái tư chất văn nghệ trong con người của ông: Cái tư chất ấy nó luôn luôn bàng bạc, đôi khi còn lãng đãng phảng phất ẩn náu trong nụ cười của ông… Diễn tả một cách rõ hơn, tôi thấy ra cái tư chất ấy nó bao trùm triết lý sống, và còn phảng phất chi phối tất cả những họat động sôi nổi có tính cách tranh đấu xã hội – chính trị trong cả cuộc đời của Nguyễn Ngọc Bích.
Chẳng thế mà đọan chót trong https://vi.wikipedia.org/wiki/NguyễnNgọcBích có câu ghi nhận: “Ông mất ngày 3/3/2016 trên đường bay từ Washington DC đến thủ đô Manila của Philippines để tham dự một hội thảo về tranh chấp Biển Đông.”
Chi tiết này đã khiến tôi mường tượng ra rằng: Tháng ba dương lịch, tiết trời vào xuân đang ở thời khắc tươi mới nhất trong mỗi năm. Thế thì ai là nhân vật có quyền năng có thể khiến cho ông có được cơ hội ra đi khỏi cuộc đời này đúng vào thời điểm ấy?…Phải chăng phần số của ông đã định như vậy? Hay là chính ông đã chủ động chọn, bằng cả một cuộc sống sôi nổi suốt đời của chính ông?… Ai có thể khẳng định cho tôi biết thực sự nguyên do là như thế nào chăng?
Trong khi chờ đợi để có được câu trả lời dứt khóat, riêng tôi vẫn nghĩ rằng, quả là Nguyễn Ngọc Bích đã thong dong thanh thản buông thả thân xác mình rời khỏi thế sự này, bước vào xuân./.
Nov. / 2018.
Chú thích:
(*) “…Nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển nhanh hơn gấp hai lần Hoa Kỳ, và Bắc Kinh đã đổ tiền vào kỹ nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử và kỹ nghệ sinh học. Thời gian đang đứng về phía Trung Quốc, như tạp chí The Economist nhận định. Cho nên nếu không tạo được áp lực với Trung Quốc hôm nay về những chuyện như đánh cắp tài sản trí tuệ, hay thách thức yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, thì những gì khó thực hiện hôm nay sẽ càng trở thành điều bất khả trong tương lai.”(Trích đọan chót của bài“ Căng Thẳng Mỹ – Trung:Tại Sao Lúc Này? của Phạm Phú Khải:http://nghiencuuquocte.org/2018/10/25/cang-thang-my-trung-tai-sao-luc-nay/#more-27447😉
(**) Hôm thứ Bảy, 22 tháng Chín 2018, Tổ chức Bảo Vệ Nhân Quyền (Defense the Defenders) dẫn thuật lời tố cáo của Liên Minh 14 tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới trong Now! Campain.org rằng “ Ít nhất hiện nay nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giữ 228 nhân vật vận động cho nhân quyền.” Và“..ở đất nườc này, chính quyền đã mắc cái bệnh vô cảm quá lâu….”trích bài Cảm Nhận Từ Đượng Phố Việt Nam của TS Nguyễn Văn Tuấn….
Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, trước áp lực quốc tế, đã được thả khỏi tù và phải rời nước ngay với mẹ và hai con nhỏ vào Thứ Tư 17/ 10/ 2018…Và thông cáo báo chí vào ngày 01/10/2018 của Chiến Dịch NOW!Campaign, một chương trình có sự tham gia của 14 tổ chức xã hội dân sự Việt Nam và quốc tế, chính phủ Việt Nam hiện đang giam giữ ít nhất 246 tù nhân lương tâm trong tù hoặc trong điều kiện tương tự, so với 165 vào tháng 11 năm 2017, khi chiến dịch được khởi xướng. Với con số tù nhân lương tâm hiện nay,Việt Nam là nước đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á về số lượng người hoạt động bị giam cầm, sau Myanmar.Con số 246 bao gồm 219 người đã bị kết án, thường với cáo buộc hình sự như là “tuyên truyền chống nhà nước” hay “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” hoặc “gây mất đoàn kết”, và 26 người đang bị tạm giam trước ngày xét xử, có cả là Đại Lão Hoà Thượng Thích Quảng Độ,Đức Tăng Thống của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đang bị quản thúc vô hạn định; và hàng trăm bloggers, luật gia, người hoạt động về quyền công nhân hay quyền đất đai, người bất đồng chính kiến, các tín đồ của những nhóm tôn giáo không đăng ký đã bị bắt và giam giữ vì họ đã thể hiện chính kiến về quyền tự do biểu đạt, tự do hội họp, hoặc tự do tôn giáo hay niềm tin. Không một người nào trong họ cổ suý bạo động, nên họ được liệt kê vào danh sách tù nhân lương tâm của NOW! Campaign ( Trích website:bpsos@bpsos.org;)…
(***) Trong khi đó thì ở Việt Nam:“ …Môi trường sống xuống cấp thê thảm. Sự gia tăng dân số gây áp lực vô cùng lớn đến môi sinh…Những con sông Vn đang chết vì chúng đã (bị)biến thành những bãi rác di động khổng lồ..,sự xâm nhập của nước mặn vào các con sông vùng đồng bằng sông Cửu Long ,… mấy cái đập lớn Tàu xây trên thượng nguồn sông,…,sự suy thóai về môi trường là mối đe dọa lớn nhất đến sự tồn vong của đất nườc” Trích bài nêu trên của TS N.V. Tuấn.(Nguồn:PhungSuXaHoi@googlegroups.com:;)
Trong lĩnh vực môi trường, thiên nhiên, hai nhật báo Les Echos và Le Figaro cùng đề cập đến báo động về việc «số lượng động vật hoang dã bị giảm sút».Theo báo cáo « Hành tinh sống » 2018 do Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) công bố ngày 30/10, sự đa dạng sinh học đang bị đe dọa. Từ năm 1970 đến 2014, số lượng động vật có xương sống (cá, động vật có vú, lưỡng cư và bò sát) đã giảm 60%. Nguyên nhân chính là do con người và các hoạt động phá hủy hoặc làm hư hại nơi ở của chúng : gia tăng khai thác nông nghiệp, đánh bắt quá khối lượng, phá rừng, tiêu thụ quá nhiều nước ngọt, du lịch đại trà…Sự khai thác bừa bãi của lòai người hiện nay nói chung đang tàn hại môi trường sống của trái đất, khiến từ nay đến năm 2050, nếu con người không tích cực thay đổi gấp thì số lượng động vật hoang dã sẽ chỉ còn khoảng 1/10. Quỹ Bảo vệ Thiên Nhiên đang vận động cho một thỏa thuận đầy tham vọng về bảo vệ thiên nhiên nhân hội nghị thế giới về đa dạng sinh học sẽ diễn ra tại Bắc Kinh năm 2020, theo đó « cần ấn định mục tiêu không có tổn thất về đa dạng sinh học vào năm 2030” (Nguồn:https://mail.google.com/mail/u/0/?shva=1#inbox/FMfcgxvzLNfNfBcHpsHMKZDsFFzpzlSB😉
(****)Tin trên Người-Việt Online vào November 8, 2018“307 vụ nổ súng giết người hàng loạt tại Mỹ trong 311 ngày”:https://www.nguoi-viet.com/tv-tin-trong-ngay/307-vu-no-sung-giet-nguoi-hang-loat-tai-my-trong-311-ngay/?utm_source=Ng%C6%B0%E1%BB%9Di+Vi%E1%BB%87t+Newsletter&utm_campaign=455a5944ac-&utm_medium=email&utm_term=0_cf5f0a479c-455a5944ac-157043941
(*****)Bản tin https://www.voatiengviet.com/a/it-nhat-13-tri-thuc-bo-dang-sau-hieu-ung-chu-hao/4633487.html?nocache=1&fbclid=IwAR2R-ZLDAgS4giq-H5q07XJZH8EEezVQxIzSEBBiYadOam1f9OD3GCDBwpg/ mở đầu bằng câu: “Các trí thức trong số gần 13 người vừa tuyên bố bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam nói với VOA rằng họ “quá bức xúc” vì Đảng “không còn phục vụ lợi ích của nhân dân, dân tộc”, Đảng “đã chọn sai đường”, và họ dự báo rằng con số thoái đảng “sẽ gia tăng sau hiệu ứng Chu Hảo”.Và bài bình luận của Nguyễn Trang Nhung”Từ sự kiện Giáo sư Chu Hảo nghĩ về sức mạnh của tư tưởng” đăng trên RFA vào 2018-10-27
Đầu tháng 11/ 2018
* Phạm Quốc Bảo.
Bìa cuốn KUBAIYÁT