Với ba mươi năm *
Nhớ lại hai ngày cuối tuần 22-23 tháng Chín 2008, tôi đột ngột lên Seattle để lo một việc riêng gấp trong vòng gia đình. Phạm Kim của bán tuần báo Người Việt Tây Bắc tiết lộ rằng trong lúc bận rộn chuẩn bị cho buổi nhạc thính phòng sắp tới, trên tủ sách gia đình anh tình cờ thấy lại cuốn “Mười Ngày Du Ký” của tôi được Hoa Thịnh Đốn Việt Báo (của Giang Hữu Tuyên) xuất bản năm 1987.
Anh lấy xuống, nhẩn nha đọc, tâm cảm của anh bắt được lại những nét bồi hồi rung cảm từ nhiều đoạn diễn tả chuyến đêm hai chúng tôi lái xe đi lên Vancouver vào xem “Expo 86“ rồi trở về. Anh còn nhận xét rằng hình thức cuốn ấy từ hình bìa do nữ họa sĩ Nguyễn Thị Hợp vẽ và họa sĩ Nguyễn Đồng trình bày, đến những tấm ảnh chụp mặc dù in ngang dọc trong sách và chỉ đen trắng, không đủ tiêu chuẩn lắm nhưng rõ rệt đạt tác dụng gợi cảm, hơn hẳn những trang bìa và hình sách bây giờ toàn do máy điện toán tạo nên, sắc nét hơn mà cũng vô cảm nhiều hơn.
* Hai mươi năm đến ba mươi năm ngoái nhìn lại…
Nhờ Phạm Kim nhắc, tôi mới nhớ đến cuốn sách thứ bẩy được xuất bản ấy của tôi.
Hè năm 1986, nhân nhà tôi làm sở Mỹ được nghỉ phép thường
niên 10 ngày, vợ chồng tôi lái xe lên Bắc Cali cùng hai gia đình chú em út và một người bạn khác nữa vào cắm trại trong Yosemite, sau khi đi thăm đại gia đình của ông anh cột chèo ở Pittsburg (gần Concord, cách San Jose một giờ lái xe). Vợ tôi ở lại đó chơi cho thoải mái, còn tôi cứ thế mà rong ruổi bằng máy bay lên Seattle, với mục đích thăm thú thân hữu (mà chính yếu là gia đình Kim) ở lại đây và lên tiếp Vancouver xem Hội Chợ Quốc Tế EXPO 86.
Hồi mới qua Mỹ, chỉ vài tháng sau, Phạm Kim đã là một chuyên viên ‘design/ art’ cùng với người thiết kế chương trình là Trần Thăng (Trần Thăng sau này là người đầu tiên tại HK thực hiện các chương trình ca nhạc như Hollywood Night-1983). Hai người này làm việc chung cho một công ty đóng tầu Tacoma Boat trên đó… Nhân đây tôi thấy cũng nên nhắc nhớ lại là xưởng đóng tầu này của Hoa Kỳ đã từng sản xuất những chiến hạm tham chiến tại Việt Nam; và Washington là tiểu bang đã từng xuất cảng ván ép plywood và táo nhiều nhất từ Washington sang SàiGòn thời gian trước năm 1975..
Đồng thời, Kim còn làm chủ thêm một nhà in nhỏ tên là Nam Việt Ấn Quán (Quick Quality Printing), mà cũng là một trong vài tiệm in người Việt làm chủ tại Seattle. Và Kim đến lúc ấy hình như chưa hề có ý định làm báo bao giờ!
Riêng tôi, lần đầu tiên tới một địa phương có bầu không khí trong lành (hơn hẳn so với mức ô nhiễm nặng tại Nam Cali) và một cộng đồng trên 40 ngàn người Việt cư ngu đang trên đà nỗ lực vươn lên, tôi hoàn toàn bị kích thích bởi đủ mọi thứ mới mẻ với quá nhiều háo hức tiếp nhận để thêm kiến thức sống còn trong đời sống của xã hội mới định cư.
Nên dù chỉ có vài ngày vẻn vẹn, sáng đi tối mịt (đôi khi hai ba giờ khuya) mới về, tôi vẫn hăng say viết hằng đêm: Từng giờ phút trải qua còn nóng hổi cảm giác, từng chữ từng câu viết của tôi đều mang nặng những sinh động nôn nao, những cảnh vật – những trạng huống đời sống – những tâm tư phản hồi ánh sáng của quá khứ kỷ niệm còn đang quẫy lộn nóng hổi trong ký ức…
Tôi đã viết “Mười Ngày Du Ký“ một cách xôn xao như thế, và cho đăng từng kỳ trên tờ Người Việt ở dưới Nam Cali (lúc ấy mới một tuần ra ba số), cũng như trên tờ nguyệt san “Sinh Hoạt Thương Mại“ ở Seattle do Công Ty Địa Ốc Win Realty sản xuất, anh Nguyễn Lương Thuật là chủ nhân.
Chuẩn bị từ tháng 6, đến tháng 12-1986, Phạm Kim được tờ Người Việt dưới Nam Cali hỗ trợ ra tờ Tuần Báo Người Việt Tây Bắc.
Ngày khai trương NVTB, tôi gặp các anh chị văn nghệ sĩ vùng Tây Bắc Hoa Kỳ trực tiếp đến tham dự. Nào các anh Đoàn Châu Mậu, Huy Quang Vũ Đức Vinh, chị Túy Hồng, anh Quốc Lâm, Hoàng Trọng Minh, Minh Hương, Cao Hoàng, Đỗ Hữu Tước, Nguyễn Văn Nha, Đỗ Hữu Nho, Đỗ Minh Đức, Trần Thiện Hiệp, Vũ Quốc Thùy, Trần Thị Lai Hồng, Lê Phước Thọ, Nguyên Phong, Bùi Đình Liệu, Phi Quang Quý, Nguyễn Công Khanh, Nguyễn Kim Long, Phạm Văn Minh, Nguyễn Tấn Laị, Thiên Nhất Phung, Trần Khải, Trần Thăng … tại Seattlẹ Nhất Tuấn Phạm Hậu, Hà Huyền Chi (Olympia), Nguyễn Tường Thiết… từ Tacoma lên. Từ Công Phụng từ Porland. Hà Quốc Bảo từ Richland (TriCities) ra …
Sang năm sau, 1987, cuốn “Mười Ngày Du Ký“ được tờ Hoa Thịnh Đốn Việt Báo (Giang Hữu Tuyên làm chủ) bên Washington D.C. xuất bản và được ra mắt tại Seattle trong “Đêm Văn Học Nghệ Thuật Mùa Xuân“ tại hội trường đại học Washington, do Hội Sinh Viên Việt Nam (lúc ấy Nguyễn Hùng là chủ tịch, nay Nguyễn Hùng đã ra bác sĩ độ hai lăm năm nay và đang hành nghề tại Quận Cam) bảo trợ:
Anh Đoàn Châu Mậu, mái tóc trắng như tuyết, nói lời khai mạc, anh Huy Quang Vũ Đức Vinh và bác sĩ Nguyễn Hy Vọng hai người giới thiệu tác phẩm & tác giả… Phần văn nghệ trình diễn, ngoài các ca nhạc sĩ địa phương hỗ trợ như Tịnh Trang, Khoa-Liên, Hồng Nhan, Nguyễn Hùng còn có Hà Quốc Bảo (vượt 200 dặm qua rặng núi xương sống của tiểu bang Washington) ra, Trầm Tử Thiêng, Nhật Ngân và Trần Đình Quân từ dưới Nam Cali cùng lên với tôi..
Ở thời điểm mấy tháng cuối năm 2007 này ngoái nhìn lại, tờ Người Việt Tây Bắc đã từng trải suốt một chiều dài đời sống của trên hai mươi năm, bấy giờ đã thường xuyên ra hai số một tuần trong một cộng đồng Việt trên 80 ngàn sinh sống lớn mạnh đủ mọi mặt (dĩ nhiên đáng kể nhất là ngành giáo dục, high Tech, lực lượng nhân công và chủ nhân các ngành nghề cung cấp dịch vụ xã hội, y tế, pháp lý, thực phẩm, địa ốc… và cả đời sống chính trị nữa) ở Seattle nói riêng, tiểu bang Washington nói chung.
Nhưng ngược lại, những nhân vật góp mặt từ đầu với tờ báo NVTB thì đã bỏ chúng ta đi vào thiên thu không thiếu:
Đầu tiên có lẽ là anh Quốc Lâm, sau đó là anh Đoàn Châu Mậu mất ở Hawaii. Bước sang thế kỷ thứ hai mươi mốt thì Trầm Tử Thiêng, Trần Đình Quân mất ở Little Sàigòn-Cali… rồi đến Giang Hữu Tuyên trên Washington D.C. cũng nỡ bỏ anh em ở lại. Năm ngoái là anh Huy Quang Vũ Đức Vinh.. , mới nhất đây là anh Nguyễn Lương Thuật mất vào giữa tháng Chín – 2007, hưởng thọ 66 tuổi.
Và thời gian tới đây sẽ còn những ai nữa? Những ai? Chắc chắn là sẽ có, mà chẳng một ai trong chúng ta có thể biết trước được cả!
* Hai mươi năm, ba mươi năm một thế hệ
Một lần ngoái nhìn lại khiến tôi trong lòng tràn ngập những cảm khái. Đầy đặn những trân trọng quí mến, thương tiếc những nhân vật đã ra đi, mà ngậm ngùi khi thấp thoáng trong tâm tưởng hiện lên nụ cười ý nhị của anh Huy Quang Vũ Đức Vinh, những lời tâm sự chân tình của kịch sĩ Quốc Lâm, tiếng nói vang vang của anh Đoàn Châu Mậu, giọng cười hào sảng của Giang Hữu Tuyên…
Rồi tôi bâng khuâng nhớ đến khuôn mặt bình yên, như vẫn thế từ ngàn năm trước, của Tiến sĩ Lê Phước Thọ một năm nay chưa có dịp gặp lại, tiếng cười sảng khoái mới cất lên đây khi Hà Quốc Bảo hằng tuần đều đặn gọi cho nhau ít nhất một lần…
Và ở giữa những đợt sóng xúc động này, đương nhiên thấp thoáng cả thân phận của chính tôi: Thân phận của một kẻ còn ở lại hiện diện, để cứ ngày một lẻ loi dần, như chỉ với mục đích níu kéo cho được quá khứ về với hiện tại, trong dòng sống bao giờ cũng cuồn cuộn trôi chảy quanh đâỵ..
*
Nhưng mặt khác, tôi đồng thời lại nhìn thấy lớp con cháu mình nỗ lực trong ba mươi năm qua để chính họ trở nên tầng lớp người tươi trẻ, vô cùng năng động, nêu cao một niềm hãnh diện đang từ từ dấy lên thành những tia sáng soi rõ con đường hướng về phía trước.
Và dĩ nhiên, họ mới chính là mốc điểm khẳng định mới, mặc dù vẫn mang mang một nỗi an ủi. Cho riêng cá nhân tôi, cho cả gia đình bằng hữu trong lứa tuổi đã bắt đầu về chiều như tôi.
Trước đó tháng 11 năm 1986, tôi lên lại Seattle để ráo riết chuẩn bị cho Phạm Kim bắt đầu làm tờ Người Việt Tây Bắc. Hồi ấy gia đình Kim còn ở thuê một căn nhà cũ ở thị trấn Auburn: Cứ tối mịt mới trở về để ngủ vùi, sáng hôm chúng tôi (vợ chồng Kim và bọn tôi mấy người từ Nam Cali) lại vội vã lái xe 45 phút lên Seattle tiếp tục công việc lúc nào cũng đang bộn bề.
Suốt mấy tuần lễ như vậy, và tôi hầu như không có một giờ rảnh rang để ý đến lũ con Kim: gồm cô bé Julie Hoài Hương và hai cậu trai Hồng Ân-Andy, Bảo Đôn; chỉ biết chúng đang học ở ngôi trường tiểu học hay mẫu giáo gần nhà. Thỉnh thoảng vào hai ngày cuối tuần, tôi có ngó thấy chúng ra ngồi ở mấy cái xích đu trong khoảng sân sau nhà…
Trang 70 của “Mười Ngày Du Ký” có đoạn đề cập tới mấy cháu, tôi xin trích ra đây như một hồi tưởng cho chính xác hơn: “.. Thực ra tôi đến tạm trú tại nhà này đã thay đổi thời khóa biểu làm việc thường nhật của vợ chồng Nga- Kim: Hai đứa con đầu của họ, một gái 9 tuổi, một trai 7 tuổi, mặc dù còn trong hè nghỉ học nhưng chúng đã biết ở nhà tự túc ăn uống, đọc sách và xem tivi cũng như ngó chừng cửa nẻo suốt ngày, không hề khiến bố mẹ phải bận tâm gì. Còn chú bé, Bảo, con út mới 4 tuổi, Nga có thể đem theo bất cứ lúc nào muốn rời nhà…” Nghĩa là nói chung lại, thuở ấy tôi chỉ thấy chúng như mấy cái bóng sinh hoạt âm thầm trong căn gác phòng ngủ trên lầu. Thế thôi.
Năm mười năm sau đó, mỗi lần có việc lên lại Seattle thì tôi nhớ là chỉ đôi ba lần đi trên xe do Nga hay Kim lái , có chở theo cháu nào đó lên trường tọa lạc tiện trên đường chúng tôi đi công việc. Ngồi chung cùng xe, thường ra người lớn chúng tôi mải thảo luận suy nghĩ những gì đẩu đâu, chưa bao giờ tôi trực tiếp nói năng câu nào với lũ trẻ con vợ chồng Nga-Kim cả.
Thế rồi , đột nhiên vào vài năm cuối thập niên 1990 của thế kỷ 20 vừa qua, Phạm Kim cho biết Julie đã lên đại học, đổi qua hai ba trường, và bây giờ đang học Sử ở U.C. Berkeley: “Cháu nó đang cần có nhiều chừng nào tốt chừng nấy những chứng liệu sống thực về QLVNCH.” Chúng tôi liền phác thảo ra một kế hoạch để Julie đến phỏng vấn trực tiếp những nhân chứng là cựu quân nhân VNCH các cấp – ngành nào mà chúng tôi quen biết và được giới thiệu, kế hoạch này kéo dài đến hai năm trên địa bàn trải dài suốt từ Nam Cali lên đến Seattle, khởi đầu với Đề Đốc Trần Văn Chơn (San Jose) rồi lan sang cả miền đông nước Mỹ. Và năm đầu thế kỷ 21 này, Julie ra bậc cử nhân với hạng danh dự đầu bảng trong lớp sinh viên tốt nghiệp năm đó. Còn năm nay, 2007, Julie chính thức ra trường bậc Tiến Sĩ Sử, cùng lúc còn được mời làm giảng sư và tổng thư ký cho chuyên san JVS (Journal of Vietnamese Studies) ở U.C. Berkeley.
Nhưng sự kiện khiến cho tôi hãnh diện là cuối năm ngoái, Julie Phạm Hoài Hương đã hướng dẫn thành công hai cậu em là Andy Phạm (tốt nghiệp CPA) và Đôn Phạm (đã lấy văn bằng được gọi là “Dùng óc sáng tạo qua Computer, Writing và Điện Ảnh để Cải tạo Xã hội”, một ngành mới tinh của phân khoa Nhân Văn thuộc đại học Washington, và bây giờ thì đang là chuyên viên của Microsoft).
Cả ba chị em chịu giữ nhiều chức vụ then chốt và làm việc cho tờ Người Việt Tây Bắc của cha mẹ mình, Phạm Kim & Nga, và sau này cùng với cháu Đông Phương (Khoa Tài Chánh). Mở đầu là cuốn Niên Giám điện thoại NVTB -2007.
Để ý theo dõi việc làm của những người trẻ kế thừa này, tôi hiểu rằng bên cạnh những ngành nghề chuyên môn mà họ đã chọn và vẫn tiếp tục theo đuổi, nhưng đặc biệt hiện nay ít nhất là họ muốn chứng tỏ họ thực sự thương và quí trọng những người dẫn dắt bằng thái độ tự quyết định bắt tay chia sẻ công tác, tham dự hẳn vào việc xây dựng “cơ sở làm ăn“ mang nặng trách nhiệm cống hiến hơn chỉ thuần túy thương mại.
Đây là phẩm cách của lớp người trẻ trưởng thành trong đời sống, dù ở bất cứ nước nào, trong bất cứ xã hội nào hiện nay/.
* Phạm Quốc Bảo
(được cập nhật: Phụ bản trong “Their War” của Julie Phạm, PhD.
Nguồn: Trích tuyển tập HƯƠNG ĐÊM, Little Sàigòn xuất bản năm 2008)