Tập thơ thứ nhì Bạch Hoa- của Nguyễn Văn Thu.
Cảm nhận khi đọc “Bạch Hoa”- Tập thơ thứ nhì của Nguyễn Văn Thu.
Cầm trên tay tập thơ Hán Việt: “Bạch Hoa”, khiến người đọc đã liên tưởng đến ngay một tập sách cẩm nang căn bản cần thiết cho người yêu thơ và muốn tìm hiểu về Thơ Chữ Hán Việt, và thơ dịch từ thơ chữ Hán Việt….
Chặng đường gắn bó của nhà thơ Nguyễn Văn Thu: Từ thời đi học nhưng ấn tượng là vài năm thời nẩy những ý
thơ tù từ Nam ra Bắc, tự học chữ Hán (trong lúc rảnh sau ngày lao động-lúc đêm xuống… để tự hành thân xác quên kiếp tù, cho dễ ngủ, để quên đi thân phận mình… hay đi vào thiền để giết thời gian mong có ngày về).
Nhà thơ Nguyễn Văn Thu, mỗi khi có được một đoạn thơ hay… Anh đã học từng đoạn, từng dòng ghi trong trí nhớ và có khi những manh giấy vụn.
Gần đây từ năm 2017-2019, tập thơ do tác giả biên soạn và sáng tác, đã được tuyển chọn, đọc kỹ lại mang in thành một tuyển tập. Tập thơ gồm hai phần:
Phần Một: Bạch Hoa
Phần Một được đặt tên là “Bạch Hoa”, có lẽ chọn từ một trong những bài thơ đầu tay được sáng tác khi tác giả sống trong trại tù ngoài Miền Bắc.
Ý thơ là những cảm xúc mãnh liệt và dai dẳng, nhưng thường xuyên hàng đêm về… khi nhìn thấy ngoài sân có một cây lớn có hoa trắng khi bông hoa đã ngấm nước mưa nặng nề rơi rụng xuống sân, tạo cảm giác và âm thanh còn vang vọng khi có một bạn tù ra đi.. Ngoài ra còn có ba bài thơ khi tác giả Nguyễn Văn Thu tái định cư ở Hoa Kỳ…
Phần Hai: Thơ Dịch
Phần hai của tập thơ là Thơ Dịch, gồm 31 bài thơ mà nhà thơ Nguyễn Văn Thu đã dịch của Đỗ Phủ 13 bài, của Bạch Cư Dị 13 bài, của Tào Đường 5 bài, được chọn ra từ khoảng 200 bài thơ mà nhà thơ Nguyễn Văn Thu đã dịch (sẽ được ấn hành trong thời gian tới). Tác giả có bài phân tích bài Khúc Giang của Đỗ Phủ với những ý kiến của riêng ông.
Đi vào Cõi Thơ Nguyễn Văn Thu
Trong tập sách này tác giả cũng trích dẫn 4 bài thơ dịch khác nhau của 4 dịch giả: Tản Đà, Nhượng Tống, Khương Hữu Dụng và Lê Nguyễn Lưu.
Trong tập thơ “Bạch Hoa” này, nhà thơ đã dẫn giải khi đọc lại ông đã tìm thấy thú vị như xem một vở kịch, hay cách nào đó áp dụng vào thời nay như khi ta đang xem một youtube sống động vậy …
Trong phần 1 của tập thơ là những sáng tác của tác giả, là một tù nhân đã phải vật lộn với chữ nghĩa, để tự nhớ, không liên lụy và rắc rối… Ngoài những bài thơ ngắn, nhiều ý tứ, âm điệu, suy niệm, nó còn bao gồm những tựa đề “Hoa Trắng” các bài thơ cuốn hút ta vào một không gian mênh mông như ta thấy trong thơ Kiên Giang, nhạc Anh Bằng, trong trào lưu dùngHoa làm tựa đề thơ và tựa đề các bài ca nhạc thông dụng…
“Hoa Trắng” là sự hoài niệm những đêm tù, mà ngày về xa vời vợi. Có một bông hoa trắng rơi rụng trong đêm ở trại, có một người tù gào thét lúc ra đi mới đêm qua. Bài thơ này đã gây xúc cảm cho một nhà thơ trong vùng qua vài câu thơ mang tện… “Bắt Cô Trói Cột“, cũng là gợi ý cho một bức tranh đẹp…
Hoặc bài “Tát Ao” , nó không giống như những ca dao hay những bài hát “Hôm qua tát nước đầu đình với những hò hẹn lạc thú… mà là, một hình phạt, chẳng để làm gì, mà chỉ để làm khổ đời nhau.
Nét độc đáo của tập thơ này có nhiều thứ lắm, ngoài những bài thơ lãng mạn, nhiều hình ảnh, còn có những đoản văn, có những lời phê bình phân tích, không chỉ để cho bạn đọc mà thôi. Mà đó chính là cẩm nang nhà thơ học hỏi được từ một người bạn tù, anh Hưng, người tự học chữ Nho từ khi mới nhập trại giam tù đã dậy lại cho tác giả…
Và suốt trong năm tháng trong trại sau này, tác giả đã tự để bị cuốn hút vào cõi thơ với đầy quyến rũ say đắm..
Như đã trình bầy ở trên, khởi đầu bằng những câu thơ, ghi nhận sinh hoạt thường nhật trong vòng rào. Thơ ngắn cũng đủ… dẫn chúng ta từ một bông hoa rụng đêm khuya, những ngày “tát ao như một hình phạt”, những cảm giác khi đi “Qua Bãi Tha Ma“, nơi cũng từng có những bạn tù đã nằm đó… hoặc “Bài Thơ Đêm Cuối Năm”, hoặc “Tấc Lòng” hoặc bài Ngôn Chí (Lời Tỏ Chí Của Mình)… như lời nhắn gửi đến mai sau…
Hoặc khi tác giả say ngất ngư từ những điếu thuốc lào, cảm nhận của công tử thành phố Nguyễn Văn Thu, lạc về miền quê xứ Bắc xa xưa…
Ngoài ra trong tập Bạch Hoa này, còn có ba bài thơ sáng tác ở Mỹ trong đó có bài sáng tác vào tháng 10-2018, khi kể lại những trùng phùng hạnh ngộ sau 50 năm trải qua những biển dâu cuộc đời.
Tất cả những bài thơ ấy, là những ấn tượng đi vào lòng người…
và cả Phần thứ Hai của tập thơ là phần thơ dịch của các đại thi hào đã vang danh cũng đầy lôi cuốn hào hứng.
Nét đặc sắc của tập hai phần thơ dịch : Là những kinh nghiệm học chữ Hán, sáng tác và đặc biệt là dịch thuật.
Chúng ta được đọc lại những đoạn thơ “Khúc Giang”, “Càn Nguyên Tác Ca”, (những bài thơ đời Càn Nguyên (759) hoặc những bài thơ của Tào Đường thế kỷ thứ 8, hoặc khắc khoải về Cõi Thiên Thai… của trí tưởng. Những khắc khoải về cõi thần tiên đời thường đã… đánh mất, để dần dần sống với thực tại những ngày tù nối tiếp sau đó.
Xin mời bạn bước vào thế giới của cõi thần tiên của thơ, trong xứ lạc loài, như những vở kịch, những cảnh phim thơ mộng thời còn phim đen trắng. Gom góp lại qua những bài thơ hay-đẹp, của nhà thơ Nguyễn Văn Thu, liên tục trong cõi thơ trên 44 năm qua, thanh thản, tự tại trong một cõi trhơ của mình. ./.
Phạm Kim
Tuyết Sơn -Nguyễn Văn Thu
– Tình Thu (tập thơ đầu)
dutule.com (ngày 2 tháng 11-2012): Tuyển tập thơ “Tình Thu” của Tuyết Sơn / Nguyễn Văn Thu, một người từng cho biết:
“Tôi võ vẽ làm thơ từ những ngày niên thiếu trên ghế nhà trường. Tưởng một thoáng trôi qua, thơ dai dẳng theo tôi trôi nổi bềnh bồng suốt cuộc đời. Thơ vào quân trường, thơ ra đơn vị, thơ nhập trại cải tạo, thơ xuất ngoại xứ người.”
Trích đoạn trên là đoạn mở đầu của “Lời Tác Giả” Tuyết Sơn / Nguyễn Văn Thu, trước khi dẫn vào nội dung thi phẩm “Tình Thu,” của một nhà thơ quen thuộc ở tiểu bang Washington State. Và đoạn kết luận của lời ngỏ chân tình mà lãng mạn, họ Nguyễn:
“Sau cùng, tôi muốn tỏ lời nồng nàn tha thiết với những gợi hứng đầu nguồn cảm xúc của tập thơ Tình Thu. Đó chính là gió sương mây mưa núi tuyết, hòa quyện sóng sông, sóng biển, nhuộm sắc hương hoa hồng mai lan đào cúc, réo rắt ngàn thông xứ người gợi nhớ cành trúc trơ trọi quê xa. Đó chính là đầm đẫm sướng vui, hy vọng cùng đau khổ ngậm ngùi. Tôi trân quý phẩm giá cuộc đời, đồng thời vô cùng ngưỡng mộ công trình nghệ thuật của tạo hóa, của con người. Và đây lòng tôi.”
“Lòng tôi” của Tuyết Sơn / Nguyễn Văn Thu là tấm lòng của một nhà thơ sinh ngày 10 tháng 2 năm 1941 tại Bình Mỹ, Biên Hòa.
Trước 1975, ông theo học trường tiểu học Thủ Đức, trung học Pétrus Ký; rồi đại học Khoa Học và Luật Khoa Saigon. Trước khi bị động viên năm 1965, ông là giáo viên dạy cho một số trường trung học Saigon.
Đơn vị cuối cùng của Tuyết Sơn / Nguyễn Văn Thu là Lực Lượng Tuần Tuần Thám Hải Quân.
Sau biến cố tháng 4-1975, như tất cả những đồng đội khác của mình, tác giả “Tình Thu” bị nhiều năm tù cải tạo – – Từ Long Giao tới Hoàng Liên Sơn, Vĩnh Phú…
Cùng gia đình, Tuyết Sơn / Nguyễn Văn Thu hiện cư ngụ tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington.
Ở phần giới thiệu tác phẩm, khi đề cập tới ngôn ngữ thi ca của Tuyết Sơn / Nguyễn Văn Thu, tác giả Trần Nguyên Sơn nhấn mạnh:
“…Chúng tôi đặc biệt chú ý tới ngôn ngữ bình dị gần như tử ngữ , ít người xử dụng, nhưng khi đắc vị tạo âm thanh và hình ảnh đặc biệt, hiếm có trong thi ca thời hiện đại. Như “Ưng nhìn, uống càn, nghĩ một, trau tráu…” thanh âm trúc trắc biến thành hình dung từ, thăng hoa trở thành ngôn ngữ thi ca hiếm hoi. Trước năm 1975 có nhà văn thành công đưa ngôn ngữ miền Nam vào tiểu thuyết – Ngày nay với Ng. Thu đưa ngôn ngữ miền Nam vào thi ca. Phần lớn nhà thơ thành công trên văn đàn sáng tạo ra ngôn ngữ đặc biệt, không có ở các tác giả khác. Thi ca Ng. Thu dự báo khám phá ngôn ngữ mới. Khi mô tả sự nhớ nhung, thôi thúc, nhớ nhà, cố quốc trong điều kiện ly hương… tác giả đã dùng chữ chưa từng thấy đầy thi vị lạ lùng…” (Trích “Lời Giới Thiệu,” của Trần Nguyên Sơn, “Tình Thu tr. II.)
Với bìa của Đỗ Quốc Sĩ, phụ bản họa của Trần Dũng, phụ bản nhạc của Phạm Anh Dũng, Liên Bình Định, Băng Hoàng Mị, chúng tôi trân trọng giới thiệu thi phẩm “Tình Thu” của Tuyết Sơn / Nguyễn văn Thu với bạn đọc và thân hữu.
(nguồn: dutule.com 2-11-2012)